Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Dự án muối mỏ tại Lào và quyết định của Thủ tướng 10 năm trước…

Dự án khai thác và chế biến muối mỏ kali tại Lào, một trong những dự án lớn nhất của Việt Nam ở nước ngoài có trị giá 522 triệu USD, vừa được Chính phủ giao cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư. Có lẽ ai cũng biết, dự án có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội to lớn. Là cầu nối giúp thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh-quốc phòng giữa Việt Nam và Lào. Nhưng không nhiều người biết rằng, đằng sau sự ra đời của dự án trọng điểm này là câu chuyện liên quan đến một quyết định cách đây 10 năm… 


Vào đầu năm 2005, lúc bấy giờ trên cương vị Phó Thủ tướng thường trực, PTT Nguyễn Tấn Dũng vô cùng sốt ruột trước bài toán nan giải là hằng năm Việt Nam phải bỏ ra những 350 triệu USD để nhập phân bón kali. Trong khi đó, ngay liền kề Việt Nam lại là mỏ muối kali Nongbok phong phú trữ lượng của đất nước bạn Lào. Vậy tại sao không hợp tác khai thác? là câu hỏi khiến Thủ tướng trăn trở, khi mà hợp tác cả hai nước đều cùng có lợi. Nước bạn Lào phát huy được tiềm năng khoáng sản, thu được ngoại tệ qua các hình thức thuế còn ta thì chủ động được nguyên liệu cho sản xuất trong nước, nhất là sản xuất phân bón, hóa chất, đồng thời tiết kiệm được ngoại tệ từ việc giảm nhập khẩu.


Nghĩ là làm. Liền sau đó, được sự đồng thuận của Chính phủ Lào cùng các cơ quan trách nhiệm, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Vinachem tiến hành việc thăm dò, đánh giá tỉ mỉ trữ lượng và chất lượng để tiến tới đầu tư, khai thác, chế biến muối mỏ ở Nongbok. Ngày 5/9/2008, tại Lào, Công ty TNHH Hóa chất và Muối mỏ Việt – Lào đã chính thức ra mắt. Ngoài diện tích 10 km2 tại Nongbok, Khammuan, Chính phủ Lào đã chấp thuận cho công ty được quyền thăm dò trên diện tích mở rộng 196,5 km2 tại Khammuan và Xaybouly (tỉnh Savanakhet). Sau bốn năm triển khai thăm dò trữ lượng kể từ khi được Chính phủ Lào cấp phép vào tháng 8/2008, dự án đã được hội đồng chuyên gia hai nước Việt Nam và Lào công nhận đủ điều kiện khai thác, chế biến.
Và sáng sớm ngày 13/9, nhân chuyến thăm và làm việc tại Lào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đã phát lệnh khởi công dự án khai thác và chế biến muối mỏ kali. Với tổng mức đầu tư 522 triệu USD, dự án có tầm quan trọng đặc biệt, cung cấp phân bón kali cho Việt Nam thay thế hàng nhập khẩu (hiện phải nhập khẩu 100%). Dự án được ghi trong hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Lào. Với công suất dự kiến 320.000 tấn/năm và đến năm 2020 dự kiến đạt một triệu tấn/năm, khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ giúp Việt Nam và Lào giảm đáng kể lượng phân bón ka-li nhập khẩu, tiết kiệm không nhỏ nguồn ngoại tệ cho hai nước, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động các địa phương của Lào. Dự án này cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng thừa muối ăn, thiếu muối công nghiệp và muối chất lượng cao ở nước ta hiện nay.
Thủ tướng Lào Thoongxin Thamavong (bìa phải) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ khởi công Dự án khai thác và chế biến mỏ muối Kali…
Thủ tướng Lào Thoongxin Thamavong (bìa phải) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ khởi công Dự án khai thác và chế biến mỏ muối Kali…
Cũng trong ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công tác tại đây, thủ phủ Khammuando (Lào) vui mừng đón nhận một sự kiện lớn khác. Đó là lễ khởi công xây dựng Trường Tiểu học Dongkasen tại tỉnh Khammuan do BIDV tài trợ trị giá 200.000 USD. “Đây cũng là món quà có ý nghĩa thiết thực, thể hiện tình thân thiết, gắn bó của nhân dân Việt Nam tặng nhân dân tỉnh Khammuan nói riêng và nhân dân Lào nói chung” – ông Trần Lục Lang (Phó Tổng giám đốc BIDV) chia sẻ.
Trước đó, ngày 9/9, Lễ thông xe giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia về vận tải đường bộ đã diễn ra tại cặp cửa khẩu Hoa Lư, Bình Phước (Việt Nam) – Trapeang Sre (Campuchia). Việc này thể hiện cam kết và quan tâm của Chính phủ ba nước, nhằm phát triển hoạt động vận tải đường bộ giữa ba nước, thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại và du lịch trong khu vực.
Việt Nam hiện là một trong những nước đầu tư lớn nhất vào Lào; kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng đều trong những năm gần đây; hai bên cũng vừa ký Hiệp định Thương mại mới và Hiệp định Mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới hai nước, phấn đấu đưa thương mại hai chiều đạt 2 tỷ USD trong năm 2015; việc triển khai các công trình, dự án sử dụng vốn viện trợ đạt kết quả tốt; hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo và khoa học-kỹ thuật, giao thông vận tải, nông nghiệp có chuyển biến tích cực.
Cả hai nước Việt Nam và Lào đều cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mekong. Bởi thế, trong chính sách đối ngoại trước đây cũng như hiện nay, Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc thắt chặt quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào và coi đây là nhiệm vụ chiến lược.
Thời gian qua, tình hình chính trị-kinh tế thế giới biến động phức tạp và khó lường. ASEAN đang tiến đến thời khắc lịch sử của việc hình thành Cộng đồng. Sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước tại mỗi nước cũng đang đặt Việt Nam và Lào trước những yêu cầu lớn lao.
Đặc biệt, năm 2016 là năm hết sức quan trọng, hai nước Việt Nam và Lào đều tổ chức Đại hội Đảng, bầu ra thế hệ Lãnh đạo mới và xác định phương hướng, kế hoạch cho những năm tới. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác gắn bó giữa hai nước, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Chuyến thăm, một lần nữa khẳng định quyết tâm của hai nước cùng nhau mãi mãi duy trì và phát triển mối quan hệ thủy chung, trong sáng như lời Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng nói “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào-Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.

Bạch Dương
.http://nguyentandung.org/du-an-muoi-mo-tai-lao-va-quyet-dinh-cua-thu-tuong-10-nam-truoc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét