Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Vũ khí vạn năng Hermes - một gợi ý hay cho Trường Sa

Hệ thống tên lửa chống tăng tối tân nhất Hermes (Germes) của Nga có khả năng tiêu diệt xe tăng, lô cốt, trực thăng và hạm tàu ở cự ly đến 100 km.

Kornet chống lại Javelin
Trong trận đánh, người chỉ huy binh chủng hợp thành có vô số việc phải lo, nhất là các mục tiêu nhỏ, cơ động và bảo vệ tốt như xe tăng và pháo tự hành, ngoài ra còn trực thăng chiến đấu và cường kích, hay các phương tiện đổ bộ cao tốc như xuồng đột kích, hay các hỏa điểm hoàn toàn bất động, nhưng kiên cố… Và tất cả các mục tiêu khó chịu này đều cần phải tiêu diệt. Nhưng phải chắc chắn, chính xác, nhanh và không tốn kém, tốt nhất là bên mình không chịu tổn thất, tức là phải là từ xa.

Vũ khí có điều khiển đã xuất hiện như thế. Được chế tạo đầu tiên là các hệ thống tên lửa chống tăng (ATGW). Đó là các hệ thống tên lửa có điều khiển lắp trên ô tô, máy bay hay trực thăng.

Ở giai đoạn 1, Liên Xô chế tạo được hệ thống tên lửa chống tăng Kornet và loại tương tự lắp cho máy bay là Vikhr. Người Mỹ thì làm ra Javelin và ca ngợi nó là vũ khí thần kỳ. Tuy nhiên, Kornet xem ra vượt trội Javelin gần như về tất cả các tham số. Ví dụ, về tầm bắn, Kornet có tầm đến 5,5 km, còn Javelin chỉ có 2,5 km. Kornet có khả năng xuyên giáp dày 1,5 m hay 3 m bê tông, còn Javelin chỉ có khả năng bằng một nửa.

Đạn tên lửa vạn năng 

Các hệ thống kể trên chỉ có thể đối phó chủ yếu với xe tăng và các mục tiêu tương tự. Kornet về nguyên tắc có khả năng “cho đo đất” cả trực thăng, nhưng phải thừa nhận là hiệu quả không cao. Bởi lẽ, phần chiến đấu của Kornet là loại xuyên lõm tandem (2 lượng nổ trước-sau), có nghĩa là mục tiêu chính của nó là vỏ giáp. Còn ý tưởng thiết kế đặt ra là làm sao cho tên lửa có khả năng tiêu diệt cả các công trình phòng ngự, cả bắn hạ trực thăng.

Nhưng làm thế nào để chế tạo được đạn tên lửa vạn năng? Để chống mỗi loại mục tiêu đều đòi hỏi một loại vũ khí riêng. Chống xe tăng là đạn nổ lõm, chống các hỏa điểm là đạn nổ phá, chống trực thăng là đạn nổ mảnh. Không thể lắp 3 phần chiến đấu khác nhau lên một quả tên lửa mà phải làm ra một loại đạn tên lửa để diệt tất cả các mục tiêu đó.

Ngoài ra, cả Kornet lẫn Vikhr đều không làm được nhiệm vụ chủ yếu là tăng tầm sát thương lên quá 10 km. Bởi vì, trên chiến trường đầy lửa, khói, bụi thì không khí tài ảnh nhiệt nào có thể nhìn thấy được mục tiêu. Mà kẻ địch thì cần phải tiêu diệt từ xa trên đường tiếp cận khi chúng chưa thể với được đến ta.
 

Tóm lại, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng thiên tài kỹ thuật Nga Arkady Shipunov từ Viện thiết kế Chế tạo dụng cụ (KBP) ở thành phố Tula đã làm được.

Hệ thống tên lửa đa nhiệm chuẩn hóa Hermes có khả năng tấn công ở tầm đến 100 km.

Bằng cách nào? Shipunov đã kết hợp trong hệ thống tên lửa chống tăng này các đặc tính của các hệ thống chống tăng và pháo binh. Ông đã bổ sung cho tên lửa và bệ phóng một công cụ phát hiện mục tiêu là radar hay máy bay không người lái (UAV). Đạn tên lửa của Hermes là loại phá-mảnh, nhưng tên lửa không tấn công “vỗ mặt” mà là từ bên trên vào nơi xe tăng có vỏ giáp mỏng nhất, còn ở các công trình phòng ngự mặt đất thì lớp bê tông ở đó là mỏng nhất.

Hermes hoạt động như sau. Radar (hay UAV) sục sạo, tìm kiếm mục tiêu. Phóng - tên lửa với tốc độ hơn 1.000 m/s (tức là gấp 3 lần tốc độ âm thanh) bay đến khu vực đã định và tự tìm kiếm mục tiêu ở đó. Khi xác định được các tọa độ của mục tiêu và vector chuyển động (đối với trực thăng còn thêm cả độ cao), tên lửa Hermes ngóc lên cao, sau đó lao bổ nhào thẳng đứng xuống mục tiêu không để nó cơ hội nào tránh thoát. Uy lực của phần chiến đấu phá-mảnh có đương lượng nổ 30 kg TNT. Điều đó cũng giống như một quả bom nặng 1/4 tấn trút từ trên trời xuống đầu đối phương. Thế là đủ làm tan tành chiếc xe tăng hay hỏa điểm địch, còn trực thăng thì còn tệ hơn thế.

Hệ thống Hermes có một số biến thể: Hermes lắp trên xe bánh lốp dành cho lục quân; Hermes-A để trang bị cho cường kích Su-39 và các trực thăng Mi-35/17 và Ка-52; ngoài ra Hermes còn có thể đánh đắm tàu địch - đó là biến thể Hermes-K dùng để lắp cho các tàu/xuồng nhỏ; Hermes-S là biến thể cố định dùng để phòng thủ bờ biển.

Bắn và quên

Mỗi cường kích và trực thăng mạng được đến 8 tên lửa. Biến thể mặt đất Hermes mang được 24 tên lửa. Trang bị của Hermes dùng để phòng thủ bờ biển (Hermes-S) tương tự biến thể mặt đất. 
Nguyên lý hoạt động của Hermes

Còn với biến thể lắp trên tàu thì còn thú vị hơn: với tư cách mục tiêu thì một con tàu to hơn nhiều xe tăng hay trực thăng. Và ở đây, xạ thủ có thể tận dụng khí tài quan sát video để xác định xem có phải bắn lại không. Một quả tên lửa có thể đánh đắm chắc chắn một tàu nhỏ có lượng giãn nước 100 tấn, còn với các tàu lớn thì có thể bắn tên lửa vào các tử huyệt của nó (khoang chứa đạn, buồng chỉ huy...).

Radar và hệ thống quang-điện tử với các kênh truyền hình và ảnh nhiệt, khí tài laser chỉ thị mục tiêu/đo xa và thiết bị tự động bám mục tiêu cho phép sử dụng Hermes suốt ngày đêm. Tức là chỉ cần phát hiện, bấm nút “bắt”, sau đó nút “phóng” và quên!

Hệ thống tên lửa chống tăng Hermes có thể tiêu diệt các mục tiêu đơn lẻ và mục tiêu tốp. Ví dụ, xe thiết giáp đang hành quân hay tại trận địa, lô cốt, công sự, tàu và trực thăng.

Việc trang bị Hermes cho phép đưa hỏa lực vào chiều sâu dải tác chiến của đối phương mà không phải thay đổi trận địa bắn và không chịu tổn thất. Đó chính là điều người ta cần!

VietNamDefence:
Có thể thấy Hermes có một số ưu thế tuyệt vời: vạn năng về phương tiện mang/bố trí (xe ô tô, xe thiết giáp, trực thăng, máy bay, cố định mặt đất), vạn năng về mục tiêu có thể tiêu diệt (xe tăng-thiết giáp, lô cốt-hầm hào, mục tiêu bay chậm, tàu xuồng), kích thước nhỏ-nhẹ, nhưng tầm bắn lại xa (20-100 km), khả năng tác chiến suốt ngày đêm. Với một số điểm đảo có kích thước phù hợp có thể triển khai một hay một số biến thể của Hermes, từ Hermes, Hermes-A, Hermes-K hay Hermes-S.

Như vậy, tuyến phòng thủ đảo chống tàu, xe tăng-thiết giáp, máy bay, trực thăng địch tiếp cận bắn phá đổ bộ lên các điểm đảo sẽ được đẩy ra xa 20-100 km, tạo ra sức uy hiếp lớn đối với các phương tiện đổ bộ cao tốc nhưng bảo vệ yếu như tàu đổ bộ đệm khí Zubr mà Trung Quốc dự tính sử dụng cho tác chiến đổ bộ chiếm đảo. 
Nguồn: tvzvezda, 28.5.2015.
http://vietnamdefence.com/Home/ktqs/lucquan/vukhichongtang/Vu-khi-van-nang-Hermes--mot-goi-y-hay-cho-Truong-Sa/20157/54573.vnd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét