Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Trận chiến biên giới Hà Giang 1984 - Tưởng niệm các liệt sĩ Vị Xuyên

Sáng 11-7, hàng trăm cựu chiến binh thuộc sư đoàn 356 từng chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên đã tổ chức lễ thắp hương tưởng niệm, cầu siêu cho vong linh những liệt sĩ đã hi sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc. 

Các cựu binh sư đoàn 356 tưởng niệm đồng đội trên điểm cao 468, nơi diễn ra trận đánh ác liệt ngày 12-7-1984 - Ảnh: Hà Hương
Các cựu binh sư đoàn 356 tưởng niệm đồng đội trên điểm cao 468, nơi diễn ra trận đánh ác liệt ngày 12-7-1984 - Ảnh: Hà Hương

Ngày 12-7 hằng năm được sư đoàn 356 coi là ngày giỗ trận của sư đoàn, ngày cách đây 31 năm (12-7-1984), hơn 600 cán bộ chiến sĩ sư đoàn đã ngã xuống để giành lại các cao điểm 772, 685... trước quân xâm lược Trung Quốc.
Trên đài hương tưởng niệm đồng đội tại cao điểm 468, cựu binh Đỗ Quang Huy, thay mặt các đồng đội còn sống, chia sẻ: “Giờ đây, những đồng đội đã hi sinh trên các điểm cao, sườn đồi, hốc đá mà chưa tìm được để đưa về nghĩa trang Vị Xuyên. Chúng tôi là những người may mắn sống sót trong cuộc chiến bảo vệ biên cương Tổ quốc sẽ luôn làm tất cả những gì có thể để linh hồn đồng đội được yên nghỉ”.
Đại tá Nguyễn Đức Cam (nguyên sư đoàn phó, tham mưu trưởng sư đoàn 356) chia sẻ: “Mỗi năm trở lại Vị Xuyên, chúng tôi vui niềm vui của ngày gặp mặt, anh em vẫn còn khỏe mạnh để hội ngộ với nhau. Nhưng chẳng biết bao giờ có thể quy tập được đầy đủ hài cốt anh em về”.
Cuối tháng 4-1984, Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự đánh vào biên giới tỉnh Hà Tuyên (tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang bây giờ) kéo dài hơn 100km, từ huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc mà huyện Vị Xuyên là chiến trường khốc liệt nhất.
Ngày 12-7-1984, ta mở chiến dịch trên toàn mặt trận nhằm lấy lại các cao điểm mà Trung Quốc xâm chiếm. Tham gia trận đánh có các sư đoàn 313, 314, 316, 356... Riêng sư đoàn 356 được chọn làm đơn vị chủ công đánh các điểm cao 1100, 772 685, 233, đồi cô X, 1509, 1030, 1250.
Ta đã lấy lại được những điểm then chốt nhưng trong chiến dịch này, khoảng 600 cán bộ chiến sĩ sư đoàn 356 hi sinh, 400 cán bộ chiến sĩ sư đoàn 316 và 312 cũng ngã xuống. Phần lớn hài cốt các liệt sĩ hi sinh trong trận đánh này đến nay vẫn chưa được tìm thấy và quy tập về nghĩa trang liệt sĩ.
Tối 11-7, tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), UBND huyện Vị Xuyên cùng lực lượng thanh niên tình nguyện, các cựu binh sư đoàn 356 đã thắp nến tri ân các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150712/tuong-niem-cac-liet-si-vi-xuyen/776364.html


Xem Video tại đây:

https://www.youtube.com/watch?v=SpshY7QuExY

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

"... Ngày 13-7-1984 vào lúc rạng sáng tôi trở về đến nơi đơn vị trú quân trước khi đi đánh 772. Mang được cậu thương binh người dân tộc lính tháng 3-1984 trao cho tiểu đoàn xong là tôi về C5 luôn. Lính ta lác đác cũng đã trở về và nằm ngủ ngon lành ở các võng mắc sát lèn đá, cậu anh nuôi nói anh nằm nghỉ một lát rồi dậy ăn, bọn em đang nấu rồi...tôi chỉ ừ một tiếng rồi leo lên võng và nhớ ra là mình đã 2 đêm một ngày không ăn không ngủ. Làm một giấc khi tỉnh dậy là trời tối và lúc đó mới ăn, xong lên C bộ nghe anh Hậu đại phó nói chuyện...lúc này chỉ nghe nói đại trưởng Thành hy sinh...mãi đến năm 2013 gặp anh Cảnh B trưởng mới biết là anh Thành chỉ bị thương..lính C5 đã về hết và gom cả C lại tất cả còn 39 cán bộ chiến sĩ. Pháo TQ suốt từ đêm 12 đến sau đó một tuần không hề bắn mà chỉ có đêm đến là bắn pháo sáng. Đại đội phổ biến tối 14 bắt đầu đi vào lại khu chiến tìm mang xác anh em về, cứ bốn thằng mang đòn khênh tăng võng và dây dù đi...gặp xác anh em thì buộc dây dù rồi kéo đề phòng TQ cài mìn và lựu đạn dưới xác anh em...sau đó lấy tăng quấn lại và đưa lên võng khênh về....chuyện đi lấy anh em cũng có nhiều chuyện cười ra nước mắt và cũng là một nguyên nhân khiến nghĩa trang Vị xuyên có nhiều mộ Liệt sĩ chưa biết tên. Trên có lệnh dù cho TQ có bắn truyền đơn sang đồng ý cho ta đi lấy xác vào ban ngày nhưng ta không đi vì sợ chúng nó quay phim chụp ảnh tuyên truyền...chỉ đi ban đêm (Vậy mà có cái thằng sĩ quan pháo binh TQ Tô Mai Hồng nào đó nói lính ta đi ban ngày không tuân thủ theo quy định bị gụi nó xả súng bắn chết hết. Lại còn phét lác đếm đc 3700 tử sĩ của ta). Thực tế là lính mình toàn đi ban đêm và lính TQ cực dát...tôi chỉ nêu ví dụ thế này để so với lính ta thôi...đó là khi vào chiến hào 1 sát cửa mở lấy xác anh em thì súng ống vẫn còn nguyên.....nào là AK, B40, B41, RPK, RPD. Không như lính Việt mình kiểu gì cũng mò ra để lấy chiến lợi phẩm và tìm vài cái xác sĩ quan để báo công. Nhớ hồi 2013 khi đi lên 468 đứng nhìn xuống sườn 772 gần bản Nậm ngặt....có anh trinh sát pháo của E122 F313 chỉ tay nói...hồi tháng 8-1984 tao đang ở đài quan sát...phát hiện lính TQ ra bắn trâu ở dông 772 tao gọi pháo 105 của 356 bắn tơi bời vào đó...hic..thằng Hòa là y tá của E149 nghiến răng trèo trẹo ghé tai tôi thì thầm..Đ.m hôm đó bắn toàn lính 149 khênh về phẫu tôi cả đống..TQ éo đâu..tụi nó dát như cáy ngày..chỉ có lính mình chả biết sợ là gì...mò mẫm khắp nơi. Vậy nên ngoài pháo bắn nhiều thì lính TQ không có gì đáng sợ...bản thân tôi hôm 12-7 anh Hậu rất kinh nghiệm khi nói rằng....đừng có rút xuống khe...nó bắn pháo xuống đó chết cả nút vì nó trên cao nhìn ngọn cây động nó câu cối xuống đấy...cứ nằm đây và ông lên đầu giao thông hào cùng một lính hậu cần chốt ngay đầu giao thông hào không cho TQ tràn vào giao thông hào....Tôi tuân lệnh xách AK lên và nằm tại đó....thực tế là đúng như anh Hậu nói...cối TQ câu toàn xuống khe suối cụt...còn cửa mở thì im ắng...chả thằng TQ nào mò ra..hic..chỉ nghe tay lính hậu cần người Vĩnh phúc nói với tôi một câu nói đau lòng và 31 năm rồi tôi vẫn nhớ...
Chốt lại trận đánh đó tuy không thành công nhưng cũng không như nhiều người nói. Ta hy sinh nhiều bởi toàn tân binh lính tháng 3-1984 vừa huấn luyện xong đưa vào chiến đấu...lúc rối ren là chạy khắp rừng...toàn lính dân tộc quê Văn bàn, Văn chấn, Nghĩa lộ khi có lệnh rút của D là không chờ lệnh C mà cứ ào ào tụt xuống nên dính đạn pháo của cả ta và TQ.....kinh nghiệm là sát địch thì chỉ lo mà đánh với bộ binh của nó nên thương vong ít hơn dù ta không vượt qua cửa mở...
E876 có 3D đánh mỗi D một mỏm thì D1 và D2 đánh theo kiểu cổ điển, pháo bắn phá hoại xong chuyển làn, công binh lên mở cửa cho bộ binh xung phong. C5 là C đánh cửa mở và B cửa mở do anh Ngọc làm B trưởng cầm cờ Quyết chiến Quyết thắng xung phong ngay khi mở cửa xong (Anh Ngọc hy sinh ngay khi dẫn trung đội tiến đánh cửa mở khi công binh không đánh được bộc phá). D3 đánh phối hợp với đặc công...sau khi đặc công đánh lướt qua các lô cốt và hầm ngầm bằng thủ pháo thì D3 đánh chiếm và giữ trận địa. Mũi này bị lộ và cũng không được như ý nên đặc công hy sinh và tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh hy sinh khi chỉ cách hầm TQ hơn chục mét và 29 năm sau anh em mới lên lấy được hài cốt mang về (Cái này vẫn mơ hồ bởi chỉ lấy được một vài vật dụng như sao cài trên mũ, miếng vải áo sĩ quan loại pha nilon và đất đen chứ không còn tý xương cốt nào...bản thân tôi cho là tính chất tâm lý động viên đối với gia đình chứ không có tính thực tế).
Hôm nay tâm trạng tý về ngày ấy nên viết hơi dài nhưng vẫn thêm lời anh Bảo D trưởng D17 công binh của sư đoàn "Các ông trên dở bỏ mẹ, chọn ngày N mở chiến dịch là ngày 14-6 âm lịch thì đánh sao được...đó là ngày Nguyệt kỵ"....Chả biết có đúng không nữa...nhưng thua trận đó là sự thực dư âm còn mãi đến bây giờ..."

FB Nguyễn Đình Thắng




1 nhận xét:

  1. Mình là lính d bộ d2 đây, d2 thay nhiều chủ chốt nhất, mình còn cãi nhau với ông Dũng D trưởng nữa chứ.. tình cảm của lính mà.. vì lúc đó ông Dũng mới lên 876..hiiii Giò chả biết ở dâu nữa...

    Trả lờiXóa