Tạp chí Moscow Defense Brief vừa đăng tải bài viết: "Dự án BrahMos - Lịch sử và triển vọng" của nhà bình luận quân sự Sergey Denisentsev, trong đó có nhấn mạnh tới Việt Nam.
Năm 2016 sẽ là tròn 15 năm kể từ ngày bắn thử mẫu tên lửa hành trình siêu âm PJ-10 BrahMos, Tạp chí quân sự Moscow Defense Brief (Nga) đã đăng tải bài viết với nhan đề: "Dự án BrahMos - Lịch sử và triển vọng" của nhà bình luận quân sự Sergey Denisentsev.
Lược sử dự án tên lửa Brahmos
Dự án nghiên cứu và sản xuất tên lửa của Liên Doanh Nga - Ấn BrahMos Aerospace được đánh giá là một trong những dự án hợp tác quốc tế về lĩnh vực công nghiệp tên lửa quân sự thành công nhất.
Năm 1983, Ấn Độ đã bày tỏ tham vọng triển khai Chương trình phát triển tên lửa có điều khiển tiên tiến. Như là một phần của Chương trình, các nhà khoa học và kỹ sư tên lửa Ấn Độ đã phát triển thành công các dòng tên lửa đường đạn Prithvi và Agni.
Đến nay, 2 loại tên lửa này vẫn đóng vai trò quan trọng trong sức mạnh răn đe hạt nhân của Ấn Độ. Nhưng những cuộc xung đột sau Chiến tranh lạnh - đặc biệt là Chiến tranh Vùng Vịnh cho thấy tên lửa hành trình là vũ khí cực lợi hại, bên cạnh tên lửa đường đạn.
Nhu cầu về một loại tên lửa hành trình càng trở nên đặc biệt quan trọng đối với Hải quân Ấn Độ nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng về thực lực hải quân nước này trước các mối đe dọa.
Tháng 2/1998, Chính phủ 2 nước Nga - Ấn đã ký thỏa thuận thành lập Liên doanh BrahMos Aerospace để phát triển một dòng tên lửa hành trình uy lực mang tên BrahMos ghép bởi 2 dòng sông lớn là Brahmaputra ở Ấn Độ và sông Moskva ở Nga.
Tháng 8/2001, Brahmos đã phóng thử lần đầu từ bệ phóng cố định và sau ngay đó được trưng bày tại Triển lãm Hàng không quốc tế MAKS 2001. Tên lửa được bắn thử từ tàu chiến lần đầu vào năm 2003 ở Vịnh Bengal. Tiếp đó, bản tên lửa bờ được bắn thử năm 2004.
Năm 2008, Brahmos được bắn thử thành công từ bệ phóng thẳng đứng trên tàu khu trục INS Ranvir. Cùng năm, các nỗ lực chế tạo và tích hợp phiên bản tên lửa diệt hạm phóng từ máy bay tiêm kích đa năng Su-30MKI của Ấn Độ đã bắt đầu.
Tháng 2 vừa qua, trong triển lãm Hàng không Aero India-2015 tại Bangalore, chiếc Su-30MKI được nâng cấp hoàn chỉnh đầu tiên với khả năng mang tên lửa hành trình đối hạm siêu âm phóng từ trên không Brahmos-A đã được bàn giao cho Không quân Ấn Độ.
Chưa hết, phiên bản phóng từ tàu ngầm cũng đã được thử nghiệm năm 2013 và có triển vọng rất lớn để trang bị cho các tàu ngầm tiến công phi hạt nhân thế hệ mới thuộc Dự án 75I của Hải quân Ấn Độ.
Như vậy, về cơ bản Brahmos đã trở thành một họ tên lửa hiện đại với nhiều biến thể hạm đối hạm, hạm đối đất, không đối hạm, tên lửa bờ, tên lửa diệt hạm hoặc đánh đất phóng từ tàu ngầm... tạo nên sức mạnh mới cho Quân đội Ấn Độ.
Đặc biệt, do cùng họ tên lửa, cùng gốc thiết kế, dùng chung nhiều khối linh kiện giống nhau nên đã giúp Ấn Độ tiết kiệm được một lượng ngân sách rất lớn trong sản xuất, bảo dưỡng và huấn luyện người sử dụng.
Phiên bản tên lửa bờ của BrahMos đặt trên xe bệ phóng cơ động
Nguyên nhân nào "buộc" Dự án phải thành công?
Trước hết, cả Nga và Ấn Độ đều "cần" dự án thành công. Bởi lẽ, Ấn Độ muốn có công nghệ nguồn và khát vọng phát triển bằng được một họ tên lửa siêu âm hiện đại có thể phóng từ nhiều phương tiện mang khác nhau.
Trong khi Nga, đặc biệt là với nhà thiết kế chính NPO Mash, Dự án BrahMos như là luồng gió mới cực kỳ cần thiết để khỏa lấp những khó khăn do khủng hoảng kinh tế trong thập kỷ 1990, tránh rơi vào tình trạng phá sản.
Thậm chí, những hợp đồng tư vấn đầu tiên ký với Ấn Độ đã giúp NPO Mash giữ lại được hàng chục chuyên gia chủ chốt, thiếu kinh nghiệm của họ thì chắc chắn các dự án hiện tại sẽ không thể thành công.
Đồng thời, việc ký kết hợp đồng chính thức để phát triển tên lửa BrahMos cho phép NPO Mash bắt đầu khởi động đầu tư trang thiết bị mới và đào tạo nguồn nhân lực lần đầu tiên kể từ cuối thập niên 1980.
Hình minh họa phiên bản tên lửa BrahMos của Ấn Độ phóng từ tàu ngầm tiến công Lada của Nga
Việt Nam có thể sẽ "mở hàng" tên lửa BrahMos
Bên cạnh Quân đội Ấn Độ đã nhận được vài trăm quả tên lửa BrahMos thuộc một số biển thể khác nhau, Liên doanh BrahMos Aerospace gần như sắp đạt được thỏa thuận ký hợp đồng xuất khẩu đầu tiên.
Theo chuyên gia Sergey Denisentsev, có khá nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm tới dòng tên lửa hành trình thế hệ mới cực kỳ hiện đại này gồm có Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Nam Phi, Brunei, Chile, Brazil và Venezuela.
Việt Nam được xếp số 1 trong danh sách và được nhấn mạnh với tư cách là khách hàng quan trọng nhất của Ấn Độ và rất có thể đây sẽ là khách hàng đầu tiên đặt mua tên lửa của BrahMos Aerospace.
Bên cạnh đó, theo báo Quân đội Nhân dân, Ấn Độ đã tiếp nhận nhiều sĩ quan Việt Nam để đào tạo các chuyên ngành về hải quân, không quân, thông tin liên lạc. Điều đó cho thấy mối quan hệ quốc phòng giữa 2 nước đang nồng ấm hơn bao giờ hết.
Một trong những điển hình về hợp tác quốc phòng giữa 2 nước là Ấn Độ đã đào tạo kíp thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam.
Tại hội nghị quán triệt, giao nhiệm vụ cho học viên tàu ngầm đi học tập tại Ấn Độ, Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật nhấn mạnh:
Do đó, nếu Việt Nam thực sự quan tâm tới tên lửa BrahMos, chắc chắn Ấn Độ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn hẳn so với nhiều nước khác.
BrahMos Aerospace có hầu hết mọi điều kiện cần và đủ để tin tưởng vào một tương lai tươi sáng và thiếu câu chuyện thành công của họ, các dự án chung Nga - Ấn có thể gặp nhiều khó khăn, nhất là Chương trình phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 5 FGFA.
Không dừng ở những thành công đã đạt được, lãnh đạo BrahMos Aerospace đã vẽ nên những mục tiêu đầy tham vọng, bao gồm hoàn thiện bản phóng từ Su-30MKI, sản xuất loạt lớn các biến thể phóng từ trên không và từ tàu ngầm.
Bên cạnh đó, dòng tên lửa thế hệ tiếp theo BrahMos-NG nhỏ gọn hơn cũng đang được nghiên cứu để Su-30MKI có thể lắp được tới 3 quả, và tiêm kích hạm MiG-29K cũng như các dòng máy bay mới gồm Tejas hay Rafale cũng mang phóng được chúng.
Một chương trình tham vọng khác là BrahMos-II cũng sẽ được triển khai để trở thành dòng tên lửa hành trình siêu âm có tầm bắn không đổi so với nguyên bản, nhưng tốc độ tăng lên gấp hơn 2 lần, tới Mach 7, đủ sức vượt qua mọi hệ thống phòng không hiện đại nhất.
http://soha.vn/quan-su/bao-nga-viet-nam-co-the-mo-hang-ten-lua-brahmos-cua-an-do-20150708161536022.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét