Dự án là nút thắt buộc chặt Lào với TQ. Sự phụ thuộc là khó tránh khỏi chỉ là ở mức nào mà thôi.
PGS. TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc nói về dự án đường sắt 7 tỷ đô Trung Quốc sẽ giúp Lào xây dựng trong năm nay.
Theo ông Quý, dự án đường sắt cao tốc dài 417 km trị giá 7 tỷ USD, nối Thủ đô Viêng Chăn với thành phố Côn Minh (Trung Quốc) có thể nói mới chỉ là ý tưởng ban đầu, chưa được thực hiện. Nếu đánh giá một cách cụ thể tính hiệu quả của dự án này; tác động của dự án tới đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị… Lào cụ thể như thế nào vẫn còn quá sớm, quá chủ quan.
Biển chỉ dẫn vào Dự án thủy điện Nam Ou 2 của Lào do Trung Quốc đầu tư |
Tuy nhiên, đặc điểm chung ở hầu hết các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ không chỉ nhằm mục đích kinh tế đơn thuần mà nó còn nhằm phục vụ cả mục đích chính trị, văn hóa, xã hội. Chính vì lẽ đó, vị chuyên gia cho rằng, dự án sẽ là nút thắt buộc chặt Lào với TQ. Tình trạng này không chỉ xảy ra với riêng các dự án ở các nước Đông Nam Á, nó còn bao gồm cả những nước Châu Phi, Trung Đông khác. “Sự phụ thuộc là khó tránh khỏi chỉ là ở mức nào mà thôi”, PGS.TS Nguyễn Huy Quý nói.
Nguy cơ phụ thuộc
Nhìn vào dự án, PGS.TS Nguyễn Huy Quý khẳng định ngay dự án tác động trực tiếp tới quyền lợi của Trung Quốc; tác động tới các nước sở tại và tác động tới các nước khác trong khu vực.
Về mặt khách quan, dự án nằm trong chuỗi hệ thống đường sắt do Trung Quốc xây dựng sẽ tạo kết nối hạ tầng, xây dựng các tuyến metro gắn kết hoạt động thương mại giữa các nước trong khu vực. Tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế. Nhưng lợi thế này trước tiên thuộc về Trung Quốc chứ không nhằm mục đích phục vụ riêng cho mối quan hệ kinh tế Trung Quốc- Lào.
Đối với nước sở tại, cụ thể ở đây là Lào, họ có thể tận dụng cơ hội để tạo việc làm; hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất; thu thêm phí vận chuyển thông qua các tuyến hàng chạy qua lãnh thổ đất nước mình. Tăng nguồn lợi, tạo đà cho phát triển kinh tế.
Nhưng ngược lại, nếu không có biện pháp cũng như không có đủ trình độ năng lực để kiểm soát, Lào sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ lớn. Bài học đầu tiên là nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của Trung Quốc; thứ hai, Lào phải đối diện với khả năng phân hóa cơ cấu dân số; thứ ba, đối diện với gánh nặng nợ nần… tất cả những yếu tố trên có thể đẩy kinh tế Lào ngày càng bị phụ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc.
Dễ thấy khi dự án đường sắt chạy tới đâu, kết cầu hạ tầng xây dựng, văn hóa, kết cấu dân số của Lào dọc các tuyến đường sắt sẽ bị thay đổi. Quan trọng hơn, nếu Trung Quốc đưa 50.000 lao động đi theo dự án, cũng có nghĩa 50.000 lao động này có thể định cư, sinh sống, và trở thành 50.000 cư dân Trung Quốc tại Lào. Như vậy, nguy cơ phải đối diện với việc bị phân hóa văn hóa, dân số là khó tránh khỏi.
Đây là đặc điểm chung xuyên suốt tại các dự án của Trung Quốc hiện nay. Tại Campuchia hiện cũng có khoảng 1,5 triệu lao động người Trung Quốc đang sinh sống. Châu Phi và Nga cũng vậy.
Thứ hai, về công nghệ. Những năm gần đây kinh tế Trung Quốc phát triển rất nhanh đòi hỏi công nghệ trong nước cũng phải phát triển đạt tới một trình độ nhất định để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa. Tuy nhiên, trước nay Trung Quốc vẫn được coi là một công xưởng của thế giới, một công xưởng khổng lồ phục vụ công nghiệp chế tạo, sản xuất hàng hóa rất lớn cung cấp cho thị trường thế giới.
Những năm gần đây, khối lượng hàng hóa của Trung Quốc đang bị giảm dần do 2 nguyên nhân: nhu cầu sử dụng hàng hóa của Trung Quốc trên thị trường thế giới đang giảm mạnh; chất lượng hàng hóa không đáp ứng đầy đủ yêu cầu các thị trường khó tính do công nghệ cũ, lạc hậu.
http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-quoc-giup-lao-xay-duong-sat-cao-toc-ai-co-loi-3278325/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét