Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Mỹ không còn đường lùi trong 'Chiến tranh lạnh 2' với Nga

“Chiến tranh lạnh 2” Nga-Mỹ là điều các học giả còn đang bàn cãi, nhưng Mỹ đã không còn đường lùi trong cuộc đấu với Nga thì là điều chắc chắn.

Nghị quyết chống Nga của Hạ viện Mỹ có phải là "động thái chính trị nhất thời"?
Ngày 4 tháng 12, với đa số phiếu (411 phiếu thuận, 10 phiếu chống), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự thảo nghị quyết N758, lên án hành động của Nga trong quan hệ với các nước láng giềng. Tài liệu đã "lên án hành động của Nga nhằm thực hiện chính sách hiếu chiến đối với các nước láng giềng để đạt được sự thống trị về chính trị và kinh tế".
Nghị quyết đã kêu gọi Tổng thống Obama hợp tác với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Âu và các nơi khác trên thế giới "đưa ra lệnh cấm thị thực, đóng băng tài sản, áp đặt lệnh trừng phạt ngành và các biện pháp khác đối với Nga". Thực ra, các đây chỉ là một lời kêu gọi chính phủ của ông Obama tiếp tục những gì đã và đang làm đối với Nga.
Theo văn bản của nghị quyết, Mỹ sẽ tìm cách "buộc Nga từ bỏ các vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, rút quân và thiết bị của mình ra khỏi lãnh thổ Ukraine và chấm dứt hỗ trợ cho các lực lượng ly khai". Dự thảo nghị quyết đã được đệ trình Hạ viện xem xét vào ngày 18 tháng 11 và vừa được thông qua hồi cuối tuần trước.
Về vấn đề này, 2 chuyên gia Mỹ vừa khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài Sputnik rằng, Nghị quyết chống Nga của Hạ viện Mỹ chỉ là "động thái chính trị nhất thời". Họ nhấn mạnh, Nghị quyết kêu gọi mở rộng lệnh trừng phạt chống Nga mà Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua hồi đầu tuần này chỉ là "màn kịch chính trị" không hơn không kém.
Theo ông Mel Goodman, cựu Giám đốc Văn phòng các vấn đề Liên Xô, tài liệu mà hơn 400 thành viên Hạ viện Mỹ vừa thông qua chỉ là “một cơ hội để họ thể hiện tầm quan trọng của mình đối với các vấn đề về Nga và về cá nhân Tổng thống Putin", còn quyết định vấn đề này không phải Hạ viện mà là Thượng viện.
Ông giải thích rằng đó "gần như là một loại biểu quyết một lần", khi mà Hạ viện cố đạt được đa số một cách dễ dàng nhất, bởi vì họ không thể đạt được nhất trí về các vấn đề nhạy cảm khác đối với Hoa Kỳ. Đồng thời, giải pháp cho vấn đề quan trọng đòi hỏi một sự đồng thuận giữa Hoa Kỳ và Nga này là điều rất phức tạp chứ không đơn giản như vậy.
Chiến tranh lạnh đã trở lại và Mỹ đã không còn đường lùi trong cuộc đấu với Nga
Chiến tranh lạnh đã trở lại và Mỹ đã không còn đường lùi trong cuộc đấu với Nga
Ông Goodman nhấn mạnh rằng, vấn đề là ở chỗ những nghị quyết như vậy sẽ đưa quan hệ Nga-Mỹ ra khỏi các vấn đề quốc tế quan trọng cần được giải quyết, ví dụ như thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran, cuộc khủng hoảng Syria và kiểm soát vũ khí hạt nhân. Điều đó có nghĩa là việc tìm giải pháp cho một loạt các vấn đề thời sự quốc tế có khả năng bị đình đốn.
Vị học giả này cũng nhấn mạnh là, rất có khả năng nghị quyết này thực sự đưa quan hệ Nga-Mỹ phát triển theo mô hình "chiến tranh lạnh". "Ngươi hại ta thì ta cũng sẽ hại người”. Ông Putin chắc chắn sẽ khong để Mỹ muốn làm gì thì làm và có thể sẽ cảm thấy phải đáp trả - nhà phân tích Mỹ bình luận. Tuy nhiên ông cho rằng khả năng này ít xảy ra.
Còn ông Michael Coffman, cộng tác viên Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson cũng lưu ý rằng, tuy các chuyên gia đến từ Moscow coi nghị quyết chống Nga là sự xác nhận đường lối chung của Washington, có tính chất thù địch với Nga, nhưng việc thông qua nghị quyết chống Nga có thể sẽ không gây ra hậu quả chính trị lớn.
Theo ông, việc Hạ viên thông qua nghị quyết này chỉ là một “cử chỉ chính trị” mà thôi, bởi vì tất cả các vấn đề chính sách đối ngoại đều phải do Thượng viện quyết định. Hơn nữa, Nghị quyết này chỉ là một phần của "quan hệ thù địch nói chung" giữa 2 cơ quan đại diện nhân dân của hai nước là Hạ viện Mỹ và Duma Quốc gia Nga.
Về phần mình, ông Dmitry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow thấy rằng trong nghị quyết mà Quốc hội Hoa Kỳ thông qua không hề có gì mới. Theo ông, về toàn bộ, nghị quyết phản ánh thái độ tiêu cực hiện nay của Quốc hội Mỹ và các chính trị gia Mỹ đối với Nga, cũng như sự hỗ trợ chung của Mỹ dành cho chính sách Ukraine.
Trả lời câu hỏi liệu nghị quyết này có trở thành cơ sở cho việc thông qua một lệnh trừng phạt mới hay không, ông Trenin nói rằng đây đơn thuần là một tuyên bố chính trị và Hạ viện Mỹ không thể buộc chính quyền của ông Obama thay đổi đường lối.
Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết đẩy mạnh trừng phạt Nga
Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết đẩy mạnh trừng phạt Nga
Quan hệ Nga-Mỹ đã trở về định dạng “chiến tranh lạnh” Xô-Mỹ
Tuy nhiên, các học giả Nga đều thống nhất nhận định là quan hệ giữa Nga và Mỹ đang bước vào giai đoạn “thù địch”, Mỹ đang làm mọi cách để thay đổi chế độ ở Nga, việc quan hệ giữa 2 nước đã quay về định dạng “Chiến tranh lạnh 2” kiểu như Mỹ và Liên Xô trước đây là điều rõ ràng.
Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định lập trường trong một tuyên bố là chính sách trừng phạt của Hoa Kỳ đang nhằm mục đích thay đổi chế độ ở Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tin rằng mục đích thực sự của những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Hoa Kỳ đang thi hành là để tạo điều kiện thay đổi chính quyền ở Nga.
Tại phiên điều trần trong Duma Quốc gia về quan hệ Nga-Mỹ hôm 8-12, ông Ryabkov tuyên bố, vì muốn bẻ gãy lập trường của Moscow với các sự kiện ở Ukraine, Hoa Kỳ thực sự đang cố buộc Nga xét lại chính sách đối ngoại của đất nước mình. Việc “tái khởi động” quan hệ với Liên bang Nga hồi đầu nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama đã “lui vào dĩ vãng”.
Ông cho rằng, quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng không phải là lỗi của Nga. Moscow giữ thái độ bình tĩnh trước các tình huống trong quan hệ với Washington, thi hành phản ứng đáp trả có cân nhắc, sẵn sàng tìm kiếm sự cân bằng quyền lợi ở những nơi có thể, chứ không phải là sẵn sàng "nhượng bộ Hoa Kỳ trong những vấn đề có tính nguyên tắc".
Theo lời Thứ trưởng Ryabkov, chương trình nghị sự tích cực trong quan hệ giữa Moscow và Washington vẫn là có thể nhưng sẽ tùy thuộc hoàn toàn vào động thái của tân lãnh đạo Hoa Kỳ.
Giáo sư Vladimir Batiuk thuộc bộ môn Chính Trị Thế Giới của Viện kinh tế đối ngoại Nga khẳng định, Nghị quyết về việc tiếp tục quá trình trừng phạt đối với Liên bang Nga mà Quốc hội Hoa Kỳ vừa thông qua ngày 4-12 vừa qua là một bước tiến tới một cuộc “chiến tranh lạnh mới".
Nhiều người dân SNG cho rằng khủng hoảng kinh tế là nguyên nhân chính khiến Liên Xô sụp đổ
Nhiều người dân SNG cho rằng khủng hoảng kinh tế là nguyên nhân chính khiến Liên Xô sụp đổ
Vị giáo sư này cho rằng, nghị quyết này sẽ đóng một vai trò quan trọng tương tự như “Nghị quyết giải phóng các dân tộc bị phụ thuộc cộng sản”, được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1959. Theo ông Batiuk, nghị quyết đó nói lên rằng mục đích chính trong chính sách của Mỹ đối với Liên Xô là làm cho Liên bang Xô viết tan rã và sụp đổ.
Cùng chung nhận định với giáo sư Batiuk, ông Aleksei Pushkov - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) tuyên bố, Nghị quyết của Quốc hội Hoa Kỳ coi Nga là quốc gia thù địch và trên thực tế là sự xâm phạm đến Liên bang Nga. Ông cho rằng, hiện tượng này không còn mang tính “tạm thời” như các học giả Mỹ nhận định.
Theo lời ông, nghị quyết nói trên đã "quảng bá cho xung đột quân sự với Nga" và kết quả bỏ phiếu thông qua văn bản này cho thấy rằng "đa số trong nghị viện Hoa Kỳ xem Nga là quốc gia thù địch, còn những người coi Nga như một đối tác tiềm năng đang là thiểu số tuyệt đối” (ý ông nói đến 411 phiếu thuận và 10 phiếu chống).
Theo lời ông Pushkov, khủng hoảng trong quan hệ Nga-Mỹ đã nóng lên trong thời gian dài trước đây chứ không phải bây giờ mới bắt đầu. Tất cả đã diễn ra ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước, khi Liên bang Xô viết sụp đổ với việc NATO không ngừng bành trướng về phía đông, thiết lập hệ thống NMD và cuộc xâm chiếm Iraq.
Cường độ khủng hoảng đã gia tăng trong thời gian diễn ra các vụ không kích Libya, Syria, khi Nga đưa ra những giải pháp tích cực, cứu vãn hòa bình thế giới. Nhưng đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine lối tiếp cận khác biệt rõ ràng của các bên và vị thế địa chính trị của họ đã cho thấy những mâu thuẫn khó có thể điều hòa.
Mỹ không còn đường lùi trong cuộc đấu với Nga
Hiện nay, mọi người đều cho rằng mọi khả năng còn đang để ngỏ nhưng trên thực tế, Hoa Kỳ hầu như không không còn đường lùi trong cuộc đối đầu với Nga, bởi Mỹ đã ép Nga phải thay đổi toàn diện tư duy chiến lược về chính trị, quân sự, kinh tế và quan hệ đối ngoại.
Nga đang tích cực chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế và đa dạng hóa nguồn cung cấp để thoát khỏi khó khăn
Nga đang tích cực chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế và đa dạng hóa nguồn cung cấp để thoát khỏi khó khăn
Theo lời ông Pushkov, hiện nay quan hệ giữa Hoa Kỳ với Nga đã trở thành "phiên bản thứ hai của Chiến tranh Lạnh". Thể hiện của điều đó là việc từ phía Hoa Kỳ đã chấm dứt hầu hết các cuộc đàm phán và tiếp xúc với Nga, chỉ duy trì tiếp xúc trong nhóm vấn đề không lớn, bao gồm về Iran và một số vấn đề thuộc nội dung kiểm soát vũ khí.
Ông Pushkov nhấn mạnh rằng chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã công bố chính sách kiềm chế và cô lập Nga.
"Kiềm chế" chính là một nội dung cơ bản của học thuyết "Chiến tranh Lạnh", hoạch định vào đầu những năm 1950, “Cô lập” cũng là một đặc trưng của "Chiến tranh Lạnh", hiện đang được Washington thi hành một cách rất cứng rắn đồng thời không ngừng gây áp lực với các nước đồng minh và những quốc gia khác phải tham gia vào vòng vây nước Nga.
Ông Pushkov lưu ý rằng trên thực tế hầu như không có tiếp xúc giữa các vị Tổng thống 2 nước, các cuộc gặp của các Ngoại trưởng có nhưng thưa thớt. Ông Pushkov cũng cho biết, các tiếp xúc liên nghị viện giữa hai nước cũng đã đình chỉ từ một năm rưỡi trước đây, Quốc hội Hoa Kỳ đã từ chối tiến hành những liên hệ như vậy với Nghị viện Nga.
Tuy nhiên, nước Nga hiện nay không phải là Liên Xô trước đây - đầu máy kéo theo cả toa tàu các nước Xã hội Chủ nghĩa, bị cô lập hoàn toàn, không có khả năng đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao. Moscow hiện có nhiều mối quan hệ, nhiều mối liên kết để thoát khỏi tình trạng khó khăn này.
Hiện vấn đề quan trọng nhất là kinh tế Nga đang bước vào thời kỳ suy thoái do lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Tuy nhiên, Nga vẫn có thể cầm cự được với sự hỗ trợ của các nước BRICS và Liên minh kinh tế Á-Âu, thậm chí là cả trong G-20 và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)... Đó là điều mà Liên Xô trước đây không thể có được.
Bắt đầu từ sự chuyển hướng kinh tế, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Liên minh châu Âu, chú trọng vào châu Á-Thái Bình Dương, Nga sẽ xây dựng những mối quan hệ kinh tế-chính trị đa dạng và bền vững để tránh những rủi ro về chính trị gây ra những ảnh hưởng về kinh tế như hiện nay.
Thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt là một trọng tâm phát triển kinh tế Nga trong tương lai
Thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt là một trọng tâm phát triển kinh tế Nga trong tương lai
Ngoài ra, sự chuyển hướng chiến lược trong cơ cấu nền kinh tế của Nga cũng sẽ giúp Moscow có sự phát triển bằng nội lực bền vững, không phụ thuộc vào một đối tác nào, thoát sự phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng hàm lượng công nghệ trong xuất khẩu, đẩy mạnh khả năng sản xuất hàng hóa nội địa.
Phá giá đồng USD để giảm giá trị xuất khẩu nguyên liệu, giảm thực thu của nền kinh tế; bán phá giá dầu để làm mất thăng bằng cán cân xuất-nhập khẩu dẫn tới thâm hụt ngân sách là ngón đòn chết người mà Mỹ đã dùng để đánh bại Liên Xô trước đây và hiện cũng đang áp dụng khiến kinh tế Nga lao đao.
Cú đòn về kinh tế là nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế Liên Xô khủng hoảng trầm trọng, đẩy nhanh tình trạng “tự diễn biến”, dẫn đến sự sụp đổ của đầu tàu Xã hội Chủ nghĩa trước kia chứ không phải là hiệu quả của những biện pháp quân sự. Đây là bài học xương máu để Nga tự nhìn nhận lại mình và khắc phục những điểm yếu cố hữu.
Nếu Nga trụ vững trước vòng vây của Mỹ và EU, mở rộng các liên minh kinh tế, tăng cường quan hệ với các quốc gia ngoài châu Âu, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, tăng cường phát triển sản xuất hàng hóa nội địa sẽ khiến Moscow không còn những điểm yếu để Washington và Brussels “bắt thóp”.
Nếu khôn ngoan, Mỹ nên để ngỏ cửa cho Nga thoát ra, giữ lại hoặc sử dụng vừa phải những con bài chiến lược để sau có thể tiếp tục chi phối, gây sức ép nhưng Washington đã đẩy Moscow đến bước đường cùng, khiến Nga phải thay đổi hoàn toàn tư duy chiến lược. Nếu Nga trụ vững qua giai đoạn này, Mỹ sẽ không còn con bài nào để gây sức ép kinh tế và uy hiếp Nga về chính trị.
Đây là giai đoạn quyết định đối với Moscow. Hoặc là Nga sẽ lụn bại không bao giờ ngóc đầu lên được, hoặc là một cường quốc “không-thể-kìm-hãm” sẽ trở lại. Vì vậy, có thể nói đây là ván bài cuối cùng tất tay của Washington và Mỹ đã không còn đường lùi trong cuộc đấu với Nga!
Dự kiến trong thời gian tới, sự đối đầu giữa Nga và Mỹ không những không suy giảm mà sẽ tiếp tục căng thẳng hơn, Washington sẽ làm tất cả để hạ gục Moscow trong ván cờ quyết định này. Hiện Nga đang gặp khó khăn và liệu Nga có trụ vững trước quyết tâm của Mỹ? Chúng ta hãy chờ xem!
  • Thiên Nam
  • http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-khong-con-duong-lui-trong-chien-tranh-lanh-2-voi-nga-3217779/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét