Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Điểm mặt những tàu đổ bộ kiêm tàu sân bay đang 'bao vây' Trung Quốc

Đối phó với việc Trung Quốc chuẩn bị triển khai hạm đội tàu sân bay, các đối thủ tiềm tàng đã đưa ra câu trả lời bằng những tàu đổ bộ kiêm tàu sân bay cỡ nhỏ.
1. Khu trục hạm mang trực thăng lớp Hyuga
Thông số cơ bản: dài 197 m; rộng 33 m; mớn nước 7 m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 13.950 tấn, đầy tải 19.000 tấn; Hệ thống động lực gồm 4 động cơ turbine khí Ishikawajima Harima/General Electric LM2500-30 công suất 25.000 mã lực (75MW) mỗi động cơ, đảm bảo cho tàu di chuyển với tốc độ tối đa lên tới 30 hải lý/giờ (56 km/h).

Khu trục hạm mang trực thăng lớp Hyūga của Hải quân Nhật Bản gồm 2 chiếc mang số hiệu DDH-181 Hyūga (16DDH) và DDH-182 Ise (18DDH) được đóng với mục đính nhằm thay thế khu trục hạm mang trực thăng 7.000 tấn lớp Haruna thế hệ trước. DDH-181 chính thức đi vào hoạt động ngày 18/3/2009, hiện đang đóng quân tại cảng Yokosuka, gần Tokyo còn DDH-182 vào biên chế ngày 16/3/2011, cảng nhà của tàu là Kure. Mặc dù chỉ được gọi là khu trục hạm nhưng mọi thông số kỹ thuật của Hyūga đều sánh ngang với các tàu sân bay hạng nhẹ khác như Giuseppe Garibaldi của Italia hay Príncipe de Asturias của Tây Ban Nha.
Nhiệm vụ chính của Hyūga là tác chiến chống ngầm, tàu có thể mang theo 11 trực thăng SH-60K Seahawk hoặc MH-47 Chinook với 4 chiếc hoạt động đồng thời trên đường băng. Trong khoang tàu là đầy đủ các thiết bị bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay với 2 thang máy vận chuyển trực thăng lên xuống đường băng. Máy bay cánh cố định không thể hoạt động trên Hyūga vì tàu không có máy phóng hay đường cất cánh nhảy cầu kiểu “ski-jump”. Tuy nhiên không loại trừ khả năng các máy bay cánh bằng với cơ chế cất hạ cánh thẳng đứng như F-35B có thể hoạt động trên Hyūga vì boong tàu chỉ cần một chút tùy chỉnh để tiếp nhận.
Có thể nói khu trục hạm mang trực thăng lớp Hyūga cấu thành một bộ phận rất quan trọng trong tác chiến của Hải quân Nhật, chúng vừa là sát thủ khiến tàu ngầm đối phương phải lo sợ vừa chỉ huy chung các loại tàu chiến đấu khác. Hơn nữa, mặc dù không có khả năng thả các phương tiện đổ bộ nhưng chúng ta biết rằng Hyūga không chỉ có thể mang mỗi 360 người thủy thủ đoàn mà còn mang thêm được lính thủy đánh bộ khi cần, điều này không được công bố chẳng qua vì các lý do chính trị.
2. Khu trục hạm mang trực thăng lớp Izumo
So sánh tầm vóc tàu sân bay Nimitz của Mỹ và tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản
Thông số cơ bản: dài 248 m; rộng 38 m; mớn nước 7,5 m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 19.500 tấn, đầy tải 27.000 tấn; Hệ thống động lực gồm 4 động cơ turbine khí GE/IHI LM2500IEC cho phép tàu di chuyển với tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ (56 km/h).
Hạ thủy tàu sân bay Izumo
Khu trục hạm mang trực thăng lớp Izumo (hay còn được gọi với cái tên 22DDH) hiện là lớp tàu chiến mặt nước lớn nhất của Hải quân Nhật Bản. Bộ quốc phòng Nhật lên kế hoạch đóng tất cả 2 chiếc 22DDH và hiện nay đã cho hạ thủy và chạy thử nghiệm chiếc DDH-183, dự kiến Izumo sẽ chính thức gia nhập hạm đội vào tháng 3/2015.
Izumo được đánh giá giống tàu sân bay hơn người tiền nhiệm Hyūga rất nhiều nhờ có kích thước lớn hơn với đường cất hạ cánh dài và khoang chứa máy bay rộng. Khu trục hạm Izumo có khả năng mang theo tới 14 trực thăng chống ngầm SH-60J/K (so với 11 trên Hyūga) trong đó 5 chiếc hoạt động được cùng lúc trên đường băng. Với sức chứa tối đa 970 thủy thủ, khi cần Izumo có thể chuyên chở lực lượng tương đương một tiểu đoàn của Lữ đoàn 1 hoặc Trung đoàn bộ binh lục quân miền Tây (chuyên đổ bộ đường biển, bảo vệ đảo xa) đến vùng chiến sự bằng trực thăng.
Hiện tại Trung Quốc đang tỏ ý rất lo ngại rằng Nhật Bản có thể đặt hàng một lô tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng F-35B để triển khai trên tàu khu trục mang trực thăng lớp Izumo và thậm chí từ lớp Hyūga, nhưng việc đó sẽ đòi hỏi sửa đổi và gia cường mặt boong để có thể chịu được nhiệt độ cao tạo ra khi máy bay cất hạ cánh thẳng đứng. Đây sẽ là một động thái tốn kém và mạo hiểm về chính trị chỉ để bố trí một lượng nhỏ máy bay trên biển, nhưng nếu Nhật Bản tin rằng điều đó là cần thiết để bảo vệ khu vực quần đảo Senkaku và Ryukyu thì nó hoàn toàn có thể xảy ra.
3. Tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Dokdo
Tàu đổ bộ Dokdo của Hàn Quốc
Thông số cơ bản: dài 179 m; rộng 31 m; mớn nước 7 m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 14.300 tấn, đầy tải 18.800 tấn; Hệ thống động lực gồm 4 động cơ diesel SEMT Pielstick 16 PC2.5 STC cung cấp tốc độ di chuyển tối đa 23 hải lý/giờ (43 km/h), tốc độ hành trình 18 hải lý/h (33 km/h).
Tàu đổ bộ lớp mang trực thăng lớp Dokdo là kết quả của dự án LPX (Landing Platform Experimental) do Hải quân Hàn Quốc triển khai và nhà thầu Haijin Heavy Industries thiết kế chế tạo để đáp lại chương trình đóng tàu sân bay của Trung Quốc và chương trình phát triển tàu đổ bộ Osumi, Hyūga của Nhật Bản. ROKS Dokdo (LPH 6111) có thiết kế với chức năng tương tự như các tàu đổ bộ LHD lớp Wasp của Mỹ, với lượng giãn nước 18.800 tấn đây chính là tàu chiến mặt nước lớn nhất của Hải quân Hàn Quốc.
Thân tàu Dokdo được chia làm 4 khu vực, đầu tiên là boong tàu cho phép 5 trực thăng UH-60P hoạt động cùng lúc. Chiều dài của Dokdo chỉ là 179 m, ít hơn khá nhiều so với Hyūga nhưng nếu lắp đặt thêm module cất hạ cánh kiểu nhảy cầu dài 15 - 20 m thì Dokdo có thể tiếp nhận các máy bay cất hạ cánh thẳng đứng F-35B hay AV-8B Harrier, khi đó Dokdo sẽ trở thành tàu sân bay hạng nhẹ.
Khu thứ hai gồm phòng ở, phòng hội họp dành cho sĩ quan chỉ huy, thủy thủ. Khu thứ ba là nơi tập kết trang thiết bị phục vụ cho các chiến dịch hải quân. Khu này chứa được 70 xe tăng - thiết giáp hoặc 200 xe tải, 1 tiểu đoàn (700 lính) với đầy đủ vũ khí trang bị. Khu thứ tư chính là khoang đổ bộ có một cửa lớn ở đuôi để thả tàu đổ bộ đệm khí LCAC.
Hải quân Hàn Quốc ban đầu có kế hoạch đóng tất cả 3 tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Dokdo nhưng hiện tại mới chỉ có 1 chiếc đi vào hoạt động, chiếc thứ hai ROKS Marado đang trong quá trình thi công còn kế hoạch chế tạo chiếc thứ ba của lớp đã chính thức bị hủy bỏ.
4. Tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Canberra
 Thông số cơ bản: dài 230,82 m; rộng 32 m; mớn nước 7,08 m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 27.500 tấn, đầy tải 30.300 tấn; Tàu được trang bị hệ thống động lực kết hợp gồm 2 động cơ diesel MAN 16V32/40, 1 động cơ turbine khí GE LM2500 và 2 chân vịt bầu xoay (azimuth thrusters) Siemens cho tốc độ tối đa 20 hải lý/h (37km/h), tốc độ kinh tế 15 hải lý/h (28 km/h); tầm hoạt động 9.000 hải lý (17.000 km) khi chạy với tốc độ kinh tế.
Mặc dù không nằm trong khu vực biển Đông nhưng Hải quân Australia luôn tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ Mỹ và đồng minh trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, chính vì vậy tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Canberra có thể được coi là một mối nguy cơ đối với chính sách bành trướng của Trung Quốc.

Tàu đổ bộ HMAS Canberra được thiết kế dựa trên nguyên mẫu tàu đổ bộ trực thăng lớp Juan Carlos I của Hải quân Tây Ban Nha. Theo hợp đồng, 25% công việc sẽ được thực hiện tại Australia, còn nhà máy đóng tàu Navantia của Tây Ban Nha sẽ hoàn thành 75% công việc. Sau khi hạ thủy và lắp đặt các thiết bị cơ bản, tàu sẽ được kéo đến Australia để hoàn thành nốt những hạng mục còn lại. Hiện tại tàu đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2014.
So với những tàu đổ bộ chở trực thăng khác, HMAS Canberra giống với tàu sân bay hơn cả khi có phần boong được thiết kế với đường cất hạ cánh kiểu nhảy cầu, có khả năng triển khai hoạt động như một tàu sân bay nhỏ với các máy bay phản lực cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh ngắn như AV-8B Harrier hoặc F-35B. Boong tàu đủ chỗ cho 6 trực thăng hoạt động cùng lúc, nhà chứa máy bay đủ chỗ cho 16 trực thăng hạng nặng hoặc 24 trực thăng hạng trung và nhẹ.
Theo yêu cầu từ phía Hải quân Australia đặt ra cho nhà thiết kế, HMAS Canberra có khả năng chuyên chở 1.000 lính thủy đánh bộ cùng 150 xe bọc thép các loại, bao gồm cả các xe tăng M1 Abrams. Khi HMAS Canberra chính thức đi vào hoạt động sẽ đưa hải quân Australia gia nhập hàng ngũ các quốc gia sở hữu tàu đổ bộ trực thăng cỡ lớn.
Theo Trí Thức Trẻ và một số nguồn khác
http://infonet.vn/diem-mat-nhung-tau-do-bo-kiem-tau-san-bay-dang-bao-vay-trung-quoc-post136275.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét