Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Tham vọng bá quyền Biển Đông của Trung Quốc

Gần ba thập niên nay, Trung Quốc đã liên tục đầu tư tàu chiến, vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cũng như yếu tố con người vào lực lượng hải quân với tham vọng trước mắt là thâu tóm Biển Đông và sau đó là tiến ra Thái Bình Dương, cạnh tranh với hải quân Mỹ vốn thống trị ngoài đó từ sau Thế chiến thứ II đến nay. Sẽ là điều bình thường nếu Trung Quốc không bắt chấp thủ đoạn để thực hiện tham vọng trên… Báo Năng lượng Mới xin trích đăng bài viết của Edouard Pflimlin, chuyên gia người Pháp thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ và Chiến lược Quốc tế (IRIS), được đang tải trên trang http://www.iris-france.org/.
Sự vươn lên đáng sợ của hải quân Trung Quốc
Lực lượng hải giám Trung Quốc (CMS) mới đây cho biết họ có kế hoạch trang bị thêm 36 tàu hải giám trong 5 năm tới, nâng tổng số tàu hải giám của lực lượng này lên con số 336. Thông báo này rất đáng để các nước trong khu vực và đối thủ của Bắc Kinh chú ý. CMS, được thành lập ngày 19/10/1998, là một lực lượng bán quân sự có nhiệm vụ thực thi luật pháp Trung Quốc (TQ) trong các vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế và các vùng bờ biển. 30 trong tổng số 300 tàu hải giám hiện nay của lực lượng này có trọng tải trên 1.000 tấn và chiếc chạy nhanh nhất có thể hoạt động trong phạm vi 5.000 hải lý mới phải nạp nhiên liệu. CMS cho biết việc tăng cường trên là để tiến hành thường xuyên hơn các cuộc tuần tra nhằm bảo vệ quyền về biển của TQ. Nói trắng ra, đây là động thái vừa để tái khẳng định quyền về biển bằng sức mạnh quân sự vừa thể hiện tham vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Thông báo của CMS được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản và TQ đang tranh chấp quần đảo mà TQ gọi là Điếu Ngư còn Nhật gọi là Senkaku ở vùng biển Hoa Đông. Do vậy có thể hiểu việc trang bị thêm tàu hải giám là một dấu hiệu bành trướng sức mạnh hải quân của TQ. Nhưng đây là không phải là điều mới lạ bởi lẽ từ nhiều năm nay, hải quân TQ đã luôn được đầu tư năm nay nhiều hơn năm trước cả về phương tiện, kỹ thuật lẫn con người.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Từ năm 1949 đến những năm 80 của thế kỷ trước, Bắc Kinh tập trung vào công tác bảo vệ bờ biển, phòng ngừa các khả năng tấn công từ bên ngoài. Chiến lược hải quân trong suốt 30 năm này còn được biết đến với cái tên “duyên hải phòng ngự”. TQ khi đó chỉ có tàu chiến nhỏ và phạm vi hoạt động cũng như hỏa lực hạn chế… nên mục tiêu chính của lực lượng này chỉ là bảo vệ vùng biển rộng 12 hải lý tính từ đất liền. Một phần là vì vào những năm 50, TQ đại lục vẫn đang còn xung đột với chính quyền Trung Hoa Dân Quốc, rút ra đảo Đài Loan với chủ quyền giới hạn gồm Đài Loan và vài hòn đảo ngoài khơi, sau khi kết thúc cuộc nội chiến TQ vào năm 1949. Phần khác là vào những năm 60, lực lượng hải quân TQ có nhiệm vụ hỗ trợ bộ binh trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa TQ và Liên Xô. Cuộc xung đột biên giới Trung - Xô năm 1969 là một loạt các vụ đụng độ vũ trang giữa Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, xảy ra vào lúc cao điểm của sự chia rẽ giữa TQ và Liên Xô trong thập niên 60. Một hòn đảo trên sông Ussuri mà người TQ gọi là Trân Bảo đảo và Liên Xô gọi là đảo Damansky gần như đưa Liên Xô và TQ vào chiến tranh năm 1969.
Sau những cải cách kinh tế và chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình từ năm 1978, các vùng ven biển của TQ phát triển mạnh mẽ. Điều này có nghĩa là hải quân TQ phải xây dựng lại chiến lược. Đô đốc hải quân Lưu Hoa Thanh, rất có uy tín vì đã dẫn dắt hoặc đưa ra sáng kiến hiện đại hóa hải quân TQ, đồng thời là tổng chỉ huy lực lượng này từ năm 1982 đến 1988, đã tiến hành chuyển đổi hướng đến học thuyết “viễn dương phòng ngự”. Theo đó, lực lượng hải quân của TQ có nhiệm vụ giám sát một vùng biển lớn hơn rất nhiều so với trước đó, bao gồm Hoàng Hải, Đông Hải và nhất là Biển Đông. Học thuyết chiến lược này hàm chứa những sứ mệnh mới: thay vì đơn thuần là hỗ trợ lực lượng bộ binh, hải quân TQ còn phải tập trung vào việc thống nhất đất nước, đưa Đài Loan về TQ, vào những tranh chấp trên biển, bảo vệ các tuyến cáp truyền thông dưới biển và tiến hành các chiến dịch đe dọa hoặc phòng ngự trước sự tấn công trên biển. Sau cuộc khủng hoảng vịnh Đài Loan năm 1995-1996, hải quân TQ chủ yếu tập trung giải quyết những kịch bản có thể xảy ra liên quan tới đảo Đài Loan như ngăn ngừa một cuộc xâm lăng hoặc sự can thiệp quân sự của Mỹ.
Tuy nhiên, chiến lược mới không bao hàm các cuộc “viễn chinh” tại những vùng biển xa xôi. Khi kinh tế phát triển và tiếng nói của Bắc Kinh trên trường quốc tế có trọng lượng hơn, hải quân TQ lại hướng đến một chiến lược mới, đó là tiến hành các chiến dịch ở những vùng biển xa xôi hơn, bắt đầu từ biển Bắc Nhật Bản đến đảo Guam, Indonesia và Australia. Đây là sự hiện thức hóa chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào năm 2004 về “những sứ mệnh lịch sử” của quân đội TQ.
Bằng việc hiện đại hóa hải quân TQ, Bắc Kinh muốn bảo vệ những quyền lợi trên biển của mình trong khu vực, bảo vệ hệ thống viễn thông, giúp sơ tán người TQ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ở nước ngoài, tham gia cứu trợ nhân đạo và chống cướp biển. Nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là những chiến dịch bên trong “đệ nhất đảo liên”, tức dãy đảo kéo dài từ bán đảo Triều Tiên, quần đảo Kuril (Nga), Nhật đến Đài Loan rồi Philippines và chuẩn bị cho cuộc xung đột tiềm năng xung quanh đảo Đài Loan. Sách Trắng quốc phòng năm 2006 của TQ còn tiếp tục vạch ra một đường lối phát triển mạnh hơn lực lượng hải quân, đồng thời chuyển trọng tâm sang phát triển không quân và giữ nguyên bộ binh. Ba hạm đội (hạm đội Đông Hải đóng tại Thượng Hải, hạm đội Nam Hải đóng tại Trạm Giang và hạm đội Bắc Hải tại Thanh Đảo) đã lần lượt được hiện đại hóa. Mỗi hạm đội đều được trang bị căn cứ hải quân, có máy bay ném bom và máy bay tiêm kích.
Sự thay đổi liên tục các học thuyết chiến lược đã kéo theo một sự phát triển kinh ngạc của các hàm đội tàu chiến của TQ. Năm 2010, hải quân TQ có 225.000 lính. Về trang thiết bị, theo ước tính, trong biên chế của hải quân TQ hiện nay đang có khoảng 75 tàu ngầm (tính cả những chiếc vừa hoàn thành trong năm 2010), trong đó có: 5 tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo (1 chiếc lớp Hạ và 3-4 chiếc lớp Tấn); 8 tàu ngầm nguyên tử (4 chiếc lớp Hán và 3-4 chiếc lớp Thượng); 60 chiếc tàu ngầm diesel-điện (10 chiếc lớp Nguyên, 13 chiếc lớp Tống, 17 chiếc lớp Minh, 12 chiếc lớp “Kilo” và 8 chiếc lớp Romeo). Ngoài ra, hải quân TQ còn đang sở hữu 2 tàu ngầm lớp Golf và Vũ Hán để sử dụng cho mục đích thử nghiệm (thử các loại vũ khí tên lửa mới trước khi chính thức trang bị cho các lớp tàu ngầm khác trong biên chế hoặc trước khi tiến hành sản xuất hàng loạt).
Tiềm năng tác chiến của lực lượng tàu ngầm hải quân quân giải phóng nhân dân TQ được đánh giá theo tỷ lệ số vũ khí trang bị trên tàu ngầm so với tổng số vũ khí dự bị hiện có. Cụ thể, lực lượng tàu ngầm của TQ được trang bị 36 quả tên lửa đạn đạo chống ngầm (chiếm 3,3% nguồn dự trữ tên lửa hạt nhân chiến lược), 146 tên lửa đối hạm (chiếm 9,9% nguồn dự trữ tác chiến của loại tên lửa này trong Hải quân TQ), 1.182 ngư lôi (chiếm 82,4%) và 2.068 thủy lôi (chiếm 31,5% nguồn dữ trữ tác chiến của các loại vũ khí này trong hải quân TQ). Như thế, hải quân TQ đã qua mặt Nhật Bản và trở thành số một tại châu Á, và xét trên toàn thế giới thì đứng thứ 3 sau Mỹ và Anh.
Chưa dừng lại ở đó, hải quân TQ sắp tới còn tự chế tạo hàng không mẫu hạm, dự kiến sẽ hạ thủy vào năm 2015. Từ năm 1992, TQ đã mua chiếc hàng không mẫu hạm cũ của Ukraine có tên Varyag. Với trang thiết bị hùng hậu như thế, thì đâu là những mối đe dọa đến từ hải quân TQ?
Hải quân TQ dọa được ai?
Theo sách Trắng quốc phòng TQ, công bố ngày 31/3/2011, hải quân TQ đã phát triển được những kỹ năng tiến hành các chiến dịch quân sự tại những vùng biển xa xôi và đã cải thiện được khả năng răn đe chiến lược và phản kích. Các loại tàu chiến, tàu ngầm thế hệ mới, tàu tiếp liệu, thủy phi cơ cũng đã được trang bị. Mỹ, về mặt quân sự nhất là với hạm đội 7 và các căn cứ quân sự đặt tại Nhật Bản, đã độc chiếm Thái Bình Dương từ sau Đệ nhị Thế chiến đến nay, cũng tỏ ra lo ngại trước sự thăng tiến như vũ bão của hải quân TQ. Đội quân này hiện có khả năng tấn công tàu chiến của địch trong chu vi 1.853km nhờ các loại tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm hoặc tàu chiến. Đó là chưa kể một số loại tên lửa được bắn đi từ các loại máy bay ném bom chiến lược. “Mối đe dọa lớn nhất cho sự sống còn của các hàng không mẫu hạm Mỹ là loại tên lửa đạn đạo mới có tên DF - 21D. Đây là loại vũ khí chống tàu chiến có tầm hoạt động trên 1500km, đã được TQ đưa vào sử dụng từ năm 2010.
Tàu ngầm hải quân TQ tại Hải Nam
Tuy nhiên, nếu so về số lượng tàu chiến, thì hải quân Mỹ gần bằng cả của TQ và Nga cộng lại, tương đương 203/205. Ngoài ra, xét về tàu sân bay thì 10 chiếc của Mỹ có thể chở đến 980 máy bay chiến đấu, gấp đôi so với lượng máy bay mà 16 chiếc hàng không mẫu hạm khác trên toàn thế giới cộng lại. Chưa hết, Mỹ có tới 56 tàu ngầm nguyên tử, chiếm một tỷ lệ quá vượt trội so với tổng số 220 tàu ngầm các loại trên toàn thế giới. Đó là chưa kể những ưu điểm của đội quân tàu ngầm Mỹ so với tàu ngầm của các nước khác.
Về mặt chiến lược, Mỹ đã thiết lập một vành đai bao vây TQ từ lâu. Tính theo chiều kim đồng hồ từ phía bắc Đông Bắc nước TQ trở xuống. Đầu tiên là Nhật, kế đó Hàn Quốc, xuống nữa là Đài Loan, Philippines (nơi Mỹ đặt bộ tư lệnh vành đai). Phía nam thì có Singapore, Thái Lan, vòng qua phía tây thì có Pakistan, Afganistan. Phía tây bắc là Tajikistan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Kazakhstan. 12 nước với hàng loạt các căn cứ quân sự “ngáng chân” TQ.
Như vậy, xét cả về mặt sức mạnh quân sự lẫn chiến lược, TQ mặc dù với sức mạnh hải quân mạnh nhất châu Á hiện nay vẫn chưa thể gây khó khăn gì cho hải quân Mỹ trong thời gian dài nữa.
TQ sẽ hất cẳng Mỹ tại Thái Bình Dương?
Đó là bởi vì TQ có rất nhiều tranh chấp lãnh hải với các quốc gia láng giềng. Và bởi vì nước này là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ. Lượng dầu mỏ nhập về TQ chủ yếu đi bằng đường biển. Chính điều này đã làm gia tăng căng thẳng.
Cuộc khủng hoảng hồi tháng 9/2010 giữa TQ và Nhật Bản diễn ra sau vụ va chạm giữa tàu hải giám Nhật với tàu đánh cá “ngụy trang” của TQ xung quanh quần đảo Senkaku đã đẩy quan hệ hai nước tới mức xấu nhất trong vòng những năm gần đây. Vấn đề tranh chấp không nằm ở chỗ những hòn đảo không có người ở này mà là nơi đây được dự báo có rất nhiều mỏ dầu.
Ngoài Nhật Bản, TQ cũng xung đột với Hàn Quốc tại Hoàng Hải. Còn tại Biển Đông, TQ tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei. Ngoài nguyên nhân muốn độc chiếm Biển Đông với nguồn dầu mỏ, TQ còn muốn kiểm soát vùng biển này cho mục tiêu quân sự. Theo nhiều chuyên gia, Bắc Kinh đang muốn thiết lập cứ địa cho đội quân tàu ngầm nguyên tử tại vùng biển này để từ đó chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào hải quân Mỹ ngoài Thái Bình Dương. Mới đây, TQ đã xây dựng một căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam.
Những gì đang diễn ra còn cho thấy TQ không muốn dừng lại ở biển Đông. Thực vậy, để bảo đảm an toàn cho các tuyến đường chở dầu thô về TQ, Bắc Kinh đã xây dựng một vành đai bảo vệ gồm các căn cứ quân sự dọc theo bờ Ấn Độ Dương và các tuyến đường hàng hải cho tới tận vịnh Malacca: căn cứ Marao tại Maldives, Coco Island tại Myanmar, Chittagong tại Bangladesh và Gwadar tại Pakistan…
Sự gia tăng sức mạnh quân sự, những tranh chấp lãnh hải, mạng lưới căn cứ quân sự hay các chiến dịch quân sự xa ngoài biên ải của TQ… đang tạo ra sự e ngại và phản ứng.
Nhật Bản cũng không che giấu sự nghi ngại của mình với sức mạnh quân sự của TQ hiện nay. Những định hướng mới về chính sách quốc phòng của Nhật ghi rõ rằng sự thiếu minh bạch trong chiến lược quân sự của TQ tiếp tục là mối lo của công đồng quốc tế và của châu Á.
Việc tái cấu trúc hệ thống quốc phòng của Nhật trong đợt chỉnh sửa vừa qua cho thấy quân đội Nhật đã chuẩn bị để đối phó với đà tiến của quân đội TQ: bảo vệ các hòn đảo thuộc chủ quyền của Nhật ở xa, đảm bảo an ninh hàng hải. Để làm được điều này, Tokyo đã tăng cường binh lính tới các hòn đảo phía Tây Nam (Nasei) và cũng điều thêm tàu ngầm tới khu vực này.
Những năm gần đây, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang về trang bị tàu ngầm. Ngoài những gì đã thấy trong hải quân TQ, Việt Nam cũng khẳng định mua 6 tàu ngầm của Nga, Australia mua thêm 6 chiếc nâng tổng số tàu ngầm nước này có lên 12. Thái Lan cũng mua thêm 2 chiếc, Bangladesh thêm một chiếc. Singapore hiện có 4 chiếc tàu ngầm, Malaysia có 2 chiếc và Hàn Quốc có đến 18 chiếc. Theo các chuyên gia, cuộc chạy đua vũ trang này không còn mục đích gì khác nhằm đối phó với những lo ngại đến từ TQ.
Thực tế các nước trong khu vực châu Á đang cố cân bằng lực lượng với TQ bằng cách dựa vào Mỹ. Washington mới đây tái khẳng định bảo vệ các đồng minh chính trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc. Tháng 7/2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố tại Diễn đàn khu vực ASEAN rằng nước Mỹ ủng hộ một giải pháp ngoại giao trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh hải và phản đối việc sử dụng vũ lực quân sự. Phát biểu trên đã cho thấy, Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn khi xảy ra khủng hoảng giữa TQ với các nước thành viên ASEAN.
Tóm lại, sự phát triển kinh tế và ngân sách dành cho quốc phòng chứng tỏ rằng những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và nhất là TQ còn xa mới đạt được tầm phát triển như của hải quân Mỹ. Hải quân TQ mới chỉ ghi nhận sự phát triển về số lượng và tốc độ chứ xét về chất lượng thì thua xa Mỹ. Trong lịch sử, việc phát triển hải quân luôn đi kèm với các chính sách mở rộng thực dân. Vấn đề là TQ sẽ làm gì với sức mạnh quân sự của mình?
Theo nhận định của chuyên gia Edouard Pflimlin, sự phát triển hải quân cũng thường gắn với việc bảo vệ các quyền lợi kinh tế, những dòng chảy văn hóa, tri thức và cả những thứ khác. Đó mới chỉ là những viên gạch đầu tiên của tiến trình toàn cầu hóa. Hải quân của châu Á và nhất là của TQ hiện mới chỉ dừng lại ở mức độ này, tức giành lợi ích ở biển Đông, giương oai ở Ấn Độ Dương.
Với đà tăng như hiện nay, hải quân TQ có thể ra được Thái Bình Dương hoặc xa hơn thế thì Mỹ vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về sức mạnh trên biển bất chấp việc họ buộc phải cắt giảm số tàu chiến vào năm 2020. Vấn đề nằm ở chỗ Mỹ có thể dựa vào đồng minh. Trên tổng số 20 hạm đội trên toàn thế giới thì có đến 18 hạm đội thuộc đồng minh chính thức của Mỹ. Hạm đội của NATO còn đạt được mức phối hợp ở cấp độ chính tranh với hải quân Mỹ. Đường lối chiến lược hải quân mới nhất của NATO rõ ràng được xây dựng để hướng tới một cấp độ phối hợp cao hơn. Như thế có thể thấy hải quân TQ còn phải mất nhiều năm nữa mới mong có một ngày thống trị Tây Thái Bình Dương và xa hơn thế.
Song Phương (tổng hợp
http://petrotimes.vn/news/vn/bien-dong/tham-vong-ba-quyen-bien-dong-cua-trung-quoc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét