Hơn 3 thập kỷ trước, Đài Loan đã sử dụng "chiến tranh tuyên truyền" để đoạt lấy một máy bay tối tân đang trong thời gian thử nghiệm của Trung Quốc.
Phi công Trung Quốc đem máy bay tối tân "tặng" Mỹ và Hàn Quốc
Ngày 7/8/1983, phi công Tôn Thiên Cần, Đoàn phó đoàn không quân thử nghiệm số 2 của Không quân Quân giải phóng quân Trung Quốc (PLAAF) trong 1 chuyến bay thử nghiệm đã lái chiếc J-7IIA số hiệu 045 chạy sang Hàn Quốc.
Tôn Thiên Cần đã trở thành phi công mang theo máy bay hiện đại nhất và chưa trang bị hàng loạt của Trung Quốc đào tẩu cho tới thời điểm hiện tại.
Điều đáng nói là chiếc J-7IIA này thuộc Hải quân Quân giải phóng quân Trung Quốc (PLANAF) đang cho PLAAF "mượn" để thử nghiệm.
Động cơ đào tẩu của Tôn được cho là vì bất mãn. Tôn gia nhập không quân năm 1956, là khóa phi công đầu tiên được tuyển từ các trường đại học và trở thành phi công chiến đấu năm 1962.
Trong Cách mạng văn hóa, bố của Tôn bị đấu tố do là cựu thành viên Quốc dân Đảng và phải tự tử, bản thân Tôn bị cấm bay và bị bắt đi "lao động cải tạo".
Tuy nhiên vào năm 1975, Tôn được gọi trở lại vào PLANAF rồi PLAAF trong đội phi công thử nghiệm các máy bay mới do Trung Quốc tự sản xuất và được coi là vị trí rủi ro nhất.
Tháng 5-1983, Tôn Thiên Cần được điều tới căn cứ Đại Liên để thực hiện bay thử trên J-7IIA. Lợi dụng cơ hội này, Tôn đã nghiên cứu và lên phương án đào tẩu, bỏ lại gia đình gồm mẹ già, vợ và 2 con.
Trong chuyến bay thử lúc 13 giờ 30 ngày 7/8/1983, Tôn báo cho không lưu rằng máy bay gặp sự cố và hạ độ cao khẩn cấp từ 8000 m xuống 500 m, đồng thời liên tục chèn vào kênh đàm thoại để máy bay hộ tống không liên lạc được với mặt đất.
Sau 15 phút, Tôn đưa máy bay J-7IIA trở lại độ cao 6.000 m và bay thẳng sang sân bay K-16 ở Seoul, Hàn Quốc. Tôn đã hạ cánh thành công ở Seoul lúc 14 giờ 30 cùng ngày.
Sau khi được chuyên gia Hoa Kỳ và Hàn Quốc nghiên cứu, chiếc J-7IIA được trao trả cho Trung Quốc theo yêu cầu của nước này còn Tôn được đưa về Đài Loan.
Chiến dịch bảo vệ "đặc biệt" của không quân Đài Loan và "phần thưởng"
Vào thời điểm quan hệ giữa hai bờ eo biển vẫn đang phức tạp, Đài Loan đã sử dụng các đài phát thanh vào nửa đêm để liên tục tuyên truyền về tương lai tốt đẹp và phần thưởng giá trị cho các phi công đào tẩu.
So với các nước khác, số lượng phi công Trung Quốc đào tẩu tương đối ít.
Do tầm quan trọng của Tôn trong việc tuyên truyền, vào lúc 11 giờ 25 phút ngày 24/8/1983, chiếc máy bay dân dụng của China Airlines chở Tôn từ Seoul đến Đài Bắc đã được "đặc cách" bảo đảm an toàn.
Căn cứ không quân Đài Bắc được lệnh cử 8 máy bay chiến đấu F-5E cảnh giới, và 8 máy bay chiến đấu F-5E khác làm nhiệm vụ cảnh giới.
Căn cứ Đài Bắc cũng được đặt vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Khi chiếc máy bay dân dụng bay qua Ryukyu, Nhật Bản, nhóm máy bay chiến đấu F-5E đã tiếp cận ở các độ cao, phương hướng khác nhau và theo dõi chặt chẽ không phận gần đó.
Khi chiếc máy bay dân dụng đi qua phía bắc Đài Loan, bốn máy bay chiến đấu F-104G tại căn cứ không quân Đài Trung Đài đã ngay lập tức bổ sung vào nhóm máy bay hộ tống.
Tại sân bay, Tôn được Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng bộ Chiến tranh chính trị đón tiếp trọng thể, sau đó tổ chức họp báo tuyên bố lập trường chống Trung Quốc.
Tôn được Đài Loan phong quân hàm Thượng hiệu (Đại tá) không quân và trao thưởng 7000 lượng vàng (tương đương hơn 6 triệu USD hiện tại).
Đến nay, đây vẫn là kỷ lục về trao thưởng cho phi công Trung Quốc đào tẩu.
Năm 1985, Tôn Thiên Cần kết hôn với nhạc sĩ Lý Thiên Huệ người Đài Loan và sau đó đã định cư tại Canada. Ngày 30/9/2017 do viêm phổi và nhiễm trùng huyết, cựu phi công Tôn Thiên Cần đã qua đời và được an táng tại Đài Bắc hưởng thọ 82 tuổi.
Thành Đô J-7 là một phiên bản nội địa hóa của loại máy bay tiêm kích MiG-21 của Liên Xô do Trung Quốc chế tạo. Hiện nay nó vẫn được sử dụng trong biên chế không quân nhiều nước trong đó có Trung Quốc, với vai trò là máy bay tiêm kích đánh chặn tầm ngắn.
J-7IIA là biến thể cải tiến với hệ thống điện tử của phương Tây, như HUD (Kính chuẩn trực đường bay) Type 956 của Anh, biến thể này trở thành một tiêu chuẩn của dòng tiêm kích J-7 sau này.
Phiên bản mới nhất của J-7 là J-7G được đưa vào trang bị của PLAAF vào năm 2003. Nhiệm vụ của J-7 là phòng không vùng và chiếm ưu thế chiến thuật trên không phận chiến trường.
J-7 được Trung Quốc tính toán để triển khai số lượng lớn để đánh chặn các chiến dịch không kích của không quân của đối phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét