Tác giả: Nguyễn Phú Trường
Đoản binh và trường trận
Trong những ngày gần đây khi cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc tăng nhiệt, mặc dù trong dân chúng nổi lên làn sóng tiếng nói phản đối Mỹ, nhưng dường như giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc vẫn có sự kiềm chế nhất định. Tuy Chủ tịch Tập Cận Bình đi thăm nhà máy sản xuất đất hiếm gợi ra những cảnh báo ngầm về sự trả đũa nhưng đại sứ Thôi Thiên Khải trong khi phê phán Mỹ trừng phạt Huawei vẫn đề cập đến khả năng nối lại đàm phán giữa đôi bên.
Nhiều dự báo cho rằng cuộc chiến giữa đôi bên sẽ sớm kết thúc, dựa trên cơ sở tổng thống Donald Trump cần một thỏa thuận để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2020. Tuy nhiên cũng có ý kiến phê phán đó là sai lầm của giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cho rằng ông Trump cần thỏa thuận bằng mọi giá, đã điều chỉnh, rút lại nhiều nội dung thỏa thuận vào phút cuối dẫn đến sự nổi giận của ông Trump nâng thuế lên 25% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc và những động thái tiếp theo với các hãng công nghệ Trung Quốc.
Nhiều dự báo khác cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ kéo dài và lan rộng trong hàng thập kỷ tới, khốc liệt nhất trong giai đoạn 2019, 2020 đến 2025, vừa đánh vừa đàm và sẽ đi dần vào đồng thuận, thống nhất vào năm 2035.
Vậy nước nào sẽ thắng? Liệu có thể lặp lại chiến thắng của Mỹ trước Nhật Bản 40 năm trước đây và trật tự thế giới sẽ tương đối giữ nguyên như hiện nay. Hay Trung Quốc sẽ thắng kèm theo sự hình thành trật tự thế giới mới mang màu sắc Trung Hoa và Á Châu được thăng hoa. Hay hai nước sẽ đạt được thỏa thuận, đi vào hòa hoãn và cuối cùng là Trung Quốc vẫn sẽ là người chiến thắng khi đến năm 2030 sẽ có nền kinh tế quy mô vượt Mỹ?
Cuộc đấu Mỹ – Trung hiện tại là cuộc đấu giữa đoản binh và trường trận. Mỹ có ưu thế về tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật và tấn công còn Trung Quốc có quyết tâm và nhẫn nại, đang hấp thu mạnh mẽ vốn, công nghệ, khoa học kỹ thuật để tích lũy nội lực để trở thành mạnh nhất hoặc có thể phản đòn tương xứng. Nếu nước Mỹ không thể tấn công, chắc chắn mọi con đường trong thời gian tới đều sẽ dẫn về Trung Nam Hải. Đơn cử tháng 4/2019, diễn đàn cấp cao “Vành đai và con đường” có đại biểu đến từ 150 nước trong đó có 37 người đứng đầu nhà nước và chính phủ, nhiều gấp 2 lần số người tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 hàng năm.
Đụng độ giữa hai nền văn minh
Cho dù hiện nay Trung Quốc né tránh, tìm cách giảm nhẹ nguồn cơn xung đột nhưng sẽ không hoàn toàn chính xác nếu nói cuộc đụng độ Mỹ – Trung hiện nay chỉ là một cuộc chiến đơn thuần về mặt thương mại. Nó là sự pha trộn màu sắc của cuộc đấu tranh giành vị trí siêu cường thống trị thế giới, cũng là đấu tranh về mô hình và cách thức phát triển nhưng sâu xa hơn nó cũng là sự so găng của hai nền văn minh. Người Trung Quốc tự hào 5000 năm lịch sử, sẽ duy trì lối suy nghĩ không chịu kém, đuổi kịp và vượt Mỹ còn người Mỹ và Châu Âu sẽ khó làm quen được viễn cảnh thế giới bị thống trị bởi những quy tắc do Châu Á đặt ra.
Có quan điểm cho rằng sự phát triển của Trung Quốc là lợi dụng thị trường Mỹ hoặc thị trường và phân công lao động quốc tế do các nước phương Tây làm chủ đạo, tuy nhiên Trung Quốc đã không hành xử theo quy luật thị trường do Mỹ chủ trương lên buộc phải thay đổi. Nếu muốn tiếp tục được hưởng những lợi ích của thị trường Mỹ và phân công thị trường quốc tế thì phải hành xử theo quy tắc của Mỹ, nếu không thị trường này sẽ đóng lại. Chiến tranh thương mại là buộc Trung Quốc áp dụng cơ chế thị trường mà Mỹ công nhận. Do vậy đây là sự cạnh tranh về chế độ về con đường và không thể kết thúc nhẹ nhàng.
Tuy nhiên cũng có tiếng nói cho rằng sự vươn lên của Trung Quốc nhằm đòi lại vị thế của một cường quốc khu vực, thống trị và đẩy Mỹ ra khỏi Châu Á. Nhưng có lẽ đó mới chỉ là lý giải khiêm tốn và chưa đầy đủ, Trung Quốc chắc chắn không chỉ muốn dừng lại ở vị trí thống trị Châu Á, mà với truyền thống, tiềm năng và dân số phải là người đi đầu và dẫn dắt thế giới. Trong triết lý của người Trung Hoa, Trung Quốc ở vị trí trung tâm của thiên hạ, của Châu Á trong lịch sử trước kia và cả thế giới hiện nay. Phục hung vĩ đại dân tộc Trung Hoa được dẫn dắt bởi ý thức về nền văn minh vượt trội có nguồn gốc lâu dài, bắt nguồn từ cảm hứng và tinh thần dân tộc có gốc rễ hơn 5000 ngàn năm.
Câu Tiễn và Phù Sai
Cuộc đấu Mỹ – Trung hiện nay có nét giống như tình thế Ngô – Việt thời Chiến quốc. Khi đó vua Việt là Câu Tiễn sau khi thua trận đã giả vờ đầu hàng, nếm mật nằm gai, tiến hành công tác tình báo, phản gián, phá hoại kinh tế và xúi giục gây chiến tranh để nước Ngô dần suy yếu, sau đó nước Việt quật khởi đánh bại và giết vua Ngô là Phù Sai, xưng bá chư hầu.
Trong cuộc đối đầu hôm nay, Trung Quốc hôm nay có trở thành nước Nhật của 40 năm về trước hay nước Mỹ ngủ quên trên chiến thắng có thể là một nước Ngô mới trong thời đại 4.0?
TS Nguyễn Phú Trường là Phó Giám đốc tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét