Đêm thứ Sáu tuần trước, Trung Quốc đã mang đến Mỹ dự thảo hiệp định thương mại 150 trang được chỉnh sửa có hệ thống, thổi bay thành quả nhiều tháng đàm phán giữa 2 nền kinh tế.
Chỉnh sửa nội dung tất cả 7 chương
Ba nguồn tin của Reuters trong chính phủ Mỹ cùng ba nguồn tin khác từ khu vực tư nhân hé lộ, bản dự thảo sửa đổi do Trung Quốc đề xuất đã được gửi tới Washington vào đêm thứ Sáu tuần trước, ngày 3/5, với những điều chỉnh có thể làm đổ vỡ nhiều tháng đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.
Văn kiện nêu trên "tràn ngập" những đảo ngược cam kết từ phía Bắc Kinh và làm tổn hại đến những yêu cầu cơ bản của Mỹ - các nguồn tin nói với Reuters.
Theo đó, ở từng chương trong số 7 chương dự thảo thảo thuận, Trung Quốc đều xóa đi những cam kết về điều chỉnh các quy định trong luật pháp nước này nhằm giải quyết vấn đề cơ bản ban đầu khiến Mỹ khơi mào chiến tranh thương mại: Đánh cắp sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại Mỹ; cưỡng ép chuyển giao công nghệ; chính sách cạnh tranh; tiếp cận với thị trường tài chính; và thao túng tiền tệ.
Tổng thống Donald Trump phản ứng trước bản đề xuất từ Bắc Kinh bằng dòng tweet hôm Chủ nhật (5/5), tuyên bố Mỹ sẽ nâng thuế quan áp lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ mức 10% lên 25%, bắt đầu từ 0h01 ngày 10/5 (giờ Mỹ). Đòn thuế của Washington có hiệu lực ngay trong thời điểm Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu đoàn đại biểu nước này tới Mỹ để tiến hành vòng đàm phán tiếp theo, ngày 9-10/5.
Tạp chí Federal Register của chính phủ liên bang Mỹ ngày 8/5 đã ra thông báo, xác nhận thời gian áp đặt thuế quan mới không có gì thay đổi. Cùng ngày, ông Trump nói rằng Bắc Kinh đã mắc sai lầm khi hy vọng sau này có thể đàm phán lại về thương mại với một chính quyền khác của tổng thống từ đảng Dân chủ.
"Lý do Trung Quốc chùn bước và có ý định tái đàm phán Thỏa thuận thương mại là bởi họ kỳ vọng sẽ có thể 'thương lượng' với Joe Biden hay một trong những đảng viên Dân chủ yếu ớt," Trump viết trên Twitter.
Đàm phán hay không, thuế quan sẽ được áp
Việc Trung Quốc rút lại những cam kết ràng buộc pháp lý trong dự thảo thỏa thuận thương mại bị xem là công kích trực tiếp vào những ưu tiên cao nhất của Mỹ.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhìn nhận việc Trung Quốc điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan là giải pháp thiết yếu để giải tỏa bất mãn từ giới chức Mỹ trong nhiều năm về cái gọi là những hứa hẹn cải cách sáo rỗng.
Ông Lighthizer thúc đẩy mạnh mẽ một cơ chế thực thi [thỏa thuận] giống với những biện pháp khi thực hiện cấm vận kinh tế - như các lệnh trừng phạt áp đặt lên Triều Tiên, Iran - hơn là một thỏa thuận thương mại điển hình.
"Điều này đã phá cấu trúc cốt lõi của thỏa thuận," nguồn tin ở Washington nói với Reuters.
Nhà Trắng, Phòng thương mại Mỹ và Bộ tài chính Mỹ chưa phản hồi trước đề nghị bình luận của Reuters.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong một cuộc họp hôm thứ Tư cho rằng, giải quyết các bất đồng về thương mại là một quá trình đàm phán và Trung Quốc không hề né tránh các vấn đề.
Ông Cảnh Sảng đã chuyển các câu hỏi cụ thể về các cuộc đàm phán thương mại tới Bộ Thương mại Trung Quốc nhưng cơ quan này không trả lời ngay các câu hỏi từ Reuters.
Việc Bắc Kinh đảo ngược các cam kết đã thỏa thuận được đánh giá sẽ mở đường cho những lập trường cứng rắn từ phe "diều hâu" chống Trung Quốc trong chính quyền Trump, bao gồm ông Lighthizer.
Dòng tweet của ông Trump khiến đối đầu thương mại không thể rút lại, trong khi Lighthizer tuyên bố rằng bất chấp đàm phán tiếp diễn thì "đến thứ Sáu tới, thuế quan vẫn sẽ được áp"..
Sau 20 năm làm việc với Mỹ, Trung Quốc vẫn mắc sai lầm
Ông Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã bị bất ngờ với mức độ thay đổi trong dự thảo. Hai quan chức nội các hôm thứ Hai nói với các phóng viên rằng việc rút lại các cam kết của Trung Quốc đã thúc đẩy Tổng thống Trump đưa ra quyết định thuế quan.
Ngày 8/5, tổng thống Trump tiếp tục lên Twitter trích dẫn đánh giá của Peter Morici, cựu Kinh tế trưởng của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC), cho rằng "Thực tế là với thuế quan được áp, kinh tế đã tăng trưởng nhanh chóng tại Mỹ và chậm hơn rất nhiều ở Trung Quốc".
Bộ thương mại Trung Quốc ngày 8/5 ra thông báo, tuyên bố leo thang đối đầu thương mại là không phù hợp với "lợi ích của nhân dân hai nước và thế giới". Bộ này cảnh báo "nếu Mỹ thực thi các biện pháp thuế quan thì Trung Quốc sẽ buộc phải áp đặt biện pháp trả đũa cần thiết".
Ông Lưu Hạc nói với hai ông Lighthizer và Mnuchin rằng họ cần tin tưởng Bắc Kinh thực hiện các cam kết của mình thông qua các thay đổi về hành chính và luật pháp. Nhưng cả ông Mnuchin và Lighthizer đều cho rằng điều đó không thể chấp nhận được, do Trung Quốc từng có nhiều lần không thực hiện các cam kết cải cách.
Nguồn tin từ khu vực tư nhân của Mỹ hé lộ, vòng đàm phán thương mại thứ 10 - diễn ra tuần trước ở Bắc Kinh - có kết quả hết sức nghèo nàn bởi "Trung Quốc trở nên tham lam".
"Trung Quốc đã từ bỏ hàng tá cam kết," nguồn tin cho hay. "Vòng đàm phán diễn ra tồi tệ đến mức điều đáng ngạc nhiên là phải đến Chủ nhật vừa qua thì ông Trump mới bùng nổ."
"Sau hơn 20 năm xử lý các vấn đề với Mỹ, Trung Quốc dường như vẫn tính toán sai lầm với chính quyền hiện nay [của ông Trump].
Các nhà đầu tư và các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu tuyên bố trên Twitter của ông Trump có phải là một chiến lược đàm phán để đạt được nhượng bộ từ Trung Quốc hay không. Các nguồn tin nói với Reuters rằng mức độ sửa đổi trong tài liệu là nghiêm trọng và phản ứng của Tổng thống Trump, không chỉ đơn thuần là một chiến lược đàm phán.
Phó thủ tướng Lưu Hạc sẽ đến Washington vào thứ Năm cho cuộc đàm phán 2 ngày, vốn trước đó được kỳ vọng là vòng đàm phán cuối cùng trước một thỏa thuận thương mại lịch sử. Bây giờ, các quan chức Mỹ có rất ít hy vọng rằng ông Lưu sẽ mang theo lời đề nghị có thể đưa các cuộc đàm phán trở lại đúng hướng, hai trong số các nguồn tin cho biết.
Để tránh leo thang tình hình, ông Lưu phải bỏ các thay đổi trong tài liệu và đồng ý tạo ra các quy định mới. Trung Quốc phải tiến gần hơn tới quan điểm của Mỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét