Tại sao giới quân sự ủng hộ chế tạo robot sát thủ.
Sự nguy hiểm của robot chiến đấu
Các hệ thống chiến đấu tự hoạt dưới các dạng khác nhau đã tồn tại từ lâu. Chẳng hạn, các tàu Mỹ và Anh từ thập niên 1970 được lắp hệ thống pháo Phalanx có khả năng độc lập phát hiện mục tiêu bay và mục tiêu mặt nước và bắn chúng. Sự tham gia của nhân viên vận hành chỉ là đưa ra các tiêu chí mà các loại mục tiêu cần đáp ứng để hệ thống cho là có thể khai hỏa. Từ năm 2007, quân đội Nga nhận vào trang bị các hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf có thể ở chế độ hoàn toàn tự động phát hiện mục tiêu bay, phân loại và xác định mức độ ưu tiên của chúng, còn sau đó là phóng tên lửa vào chúng. Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm Sắt) được nhận vào trang bị vào năm 2011 cũng có thể hoạt động ở chế độ tự động. Ngoài ra, hệ thống này còn có khả năng thậm chí tách lọc các mục tiêu nguy hiểm tiềm tàng ra khỏi các mục tiêu không nguy hiểm: nếu như dự kiến tên lửa mục tiêu rơi xuồng địa hình không có dân cư thì hệ thống không đánh chặn tên lửa đó.
Tuy nhiên, chỉ đến năm 2013, người ta mới bắt đầu xem xét tính hợp pháp của việc sử dụng robot chiến đấu trong các cuộc xung đột quân sự. Khi đó, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã đặt ra vấn đề về mối đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe và tính mạng của con người trong điều kiện chiến tranh co sử dụng các robot sát thủ. Điều chưa rõ còn là việc phát triển các hệ thống tự hoạt có ảnh hưởng ra sao đến an ninh quốc tế. Cuối cùng, 26 quốc gia đã lên tiếng ủng hộ việc cấm hoàn toàn robot chiến đấu. Theo các chuyên gia của các nước này, việc không có lệnh cấm có thể dẫn đến sự xuất hiện của những bạo ngược công nghệ cao và gia tăng đáng kể tổn thất dân sự trong các cuộc xung đột quân sự.
Các luận cứ mà họ cho là không thể vượt qua có thể nêu ngắn gọn như sau.
Sự tồn tại của các robot chiến đấu vi phạm các điều khoản của các công ước Geneve về bảo vệ quyền dân sự của dân chúng tại khu vực xung đột quân sự, nhất là các nguyên tắc phân biệt và tương xứng.
Nguyên tắc phân biệt đòi hỏi phải phân biệt một cách bắt buộc và rõ ràng những người ở vùng chiến sự ra thành chiến binh (là những người trực tiếp tham gia chiến đấu) và phi chiến binh (thường dân, cũng như các binh sĩ và người làm hợp đồng không tham gia chiến đấu và có quyền sử dụng vũ khí chỉ để tự vệ; ví dụ như các nhân viên phục vụ).
Nguyên tắc tương xứng chấp nhận những tổn thất trong số các phi chiến binh, nhưng chỉ trong trường hợp những tổn thất đó ít hơn những tổn thất trong số các chiến binh. Nói một cách đơn giản, nguyên tắc tương xứng quy định cấm gây ra những tổn hại quá mức đối với dân thường.
Ngoài ra, việc sử dụng tích cực các robot sát thủ, theo nhiều chuyên gia, xóa bỏ trách nhiệm trực tiếp của các cấp chỉ huy đối với những hành động nào đó. Cụ thể là không biết ai sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp trục trặc trong phần mềm của robot mà vì thế robot ra tay giết hại cả dân thường: người chỉ huy trên chiến trường hay công ty sản xuất, chuyên gia lập trình hay công trình sư cụ thể? Những người phản đối robot chiến đấu tin rằng, sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, người chỉ huy phái các robot đi thực hiện nhiệm vụ bằng một mệnh lệnh giết tất cả có chủ ý, sau đó có thể khẳng định rằng, việc giết người hàng loạt đó đã xảy ra do trục trặc trong phần mềm của robot.
Cuối cùng, người ta cho rằng, việc sử dụng rộng rãi robot chiến đấu sẽ dẫn đến làm mất giá trị sinh mạng con người bởi vì trong các cuộc chiến tranh tương lai, con người sẽ chẳng hơn gì những điểm chấp trên màn hình.
Hệ thống pháo Phalanx trên boong tàu Hải quân Mỹ (Hải quân Mỹ) |
Những khúc mắc pháp lý
Quan điểm của những người phản đối các hệ thống chiến đấu tự hoạt về cơ bản cũng không phải là không có sơ hở (cũng giống như quan điểm của những người ủng hộ các hệ thống đó). Cụ thể, nguyên tắc phân biệt có thể tuân thủ bằng cách bổ sung vào phần mềm của robot vũ trang một điều kiện bắt buộc: đối phương tiềm tàng phải là bên khai hỏa trước (nếu một người bắn vào các robot có nghĩa người đó là người tham gia chiến đấu). Còn người có lỗi trong việc sử dụng không hợp pháp các robot chiến đấu sẽ được xác định bằng các logs trong bộ nhớ của chính các robot.
Tuy nhiên, không thể có chuyện cấm hay hạn chế robot sát thủ ở cấp độ quốc tế dù chỉ là vì đến ngày hôm nay không tồn tại ngay cả định nghĩa được thừa nhận rộng rãi về tính tự hoạt của các hệ thống chiến đấu. Một số người coi một robot có khả năng sử dụng vũ khí mà không có sự can thiệp của người vận hành là robot tự hoạt, số khác, chẳng hạn như Bộ Quốc phòng Anh thì lại coi khả năng của robot độc lập đưa ra lựa chọn trong số mấy giải pháp (bao gồm việc sử dụng vũ khí) căn cứ vào nhiều yếu tố bên ngoài - kể cả khi có sự giám sát của người vận hành, lẫn khi không có sự giám sát đó, là tự hoạt.
Từ ngày 27-31/8/2018, tại Geneve đã diễn ra cuộc họp tiếp theo của Nhóm chuyên gia chính phủ của LHQ về các hệ thống chiến đấu tự hoạt (hai cuộc họp trước diễn ra vào tháng 12/2017 và tháng 4/2018). Người ta đã tính rằng, sau cuộc họp này, Nhóm chuyên gia sẽ có quyền xây dựng dự thảo sơ bộ các quy tắc sử dụng robot chiến đấu trong tác chiến, nhưng để làm việc đó đã cần phải có sự đồng thuận, điều đã không thể đạt được.
Một số nước, trong đó có Mỹ, Nga, Australia, Israel và Hàn Quốc đã tuyên bố rằng, không nên áp đặt lệnh cấm hoàn toàn sử dụng các robot chiến đấu tự hoạt. Hơn nữa, các nhà ngoại giao Nga nói rằng, hiện nay chưa tồn tại robot chiến đấu nên việc áp đặt phòng ngừa lệnh cấm đối với chúng là vô nghĩa. Trong cuộc họp, Nga, Mỹ, Pháp và Đức đã đề nghị ra tuyên bố chính trị, trong đó các nước tham gia cuộc họp sẽ đưa ra bảo đảm rằng, con người sẽ luôn luôn kiểm soát đối với các hành động của các robot sát thủ.
Kết thúc cuộc họp, các bên đã chỉ đồng ý rằng, việc phát triển các hệ thống chiến đấu áp dụng trí tuệ nhân tạo phải được tiến hành phù hợp với pháp luật nhân đạo quốc tế (tổng hợp các quy tắc, tập quán, tiêu chuẩn và nguyên tắc hạn chế các phương pháp và phương tiện tiến hành chiến tranh và bảo vệ những người tham gia chiến đấu và thường dân), còn trách nhiệm về việc sử dụng các robot sát thủ bất luận trong trường hợp nào cũng do con người phải chịu.
Các robot chiến đấu cần để làm gì
Trong nhiều năm, giới quân sự các nước đã nêu ra nhiều lý do biện minh sự cần thiết của các hệ thống chiến đấu tự hoạt trong biên chế lực lượng vũ trang. Trong các lý do đó có lý do nâng cao độ chính xác các cuộc tấn công nhằm vào trận địa đối phương, giảm tổn thất phụ (những tổn hại và thiệt hại tính mạng tăng thêm khi tiêu diệt mục tiêu chính), tiết kiệm ngân sách quốc phòng và nhiều lý do khác. Tuy nhiên, có ảnh hưởng quyết định đối với sự phát triển kỹ thuật robot quân sự là 4 yếu tố chủ yếu: mong muốn giảm tổn thất sinh lực của bên mình, sự phức tạp tăng dần của các cuộc xung đột vũ trang, chạy đua vũ khí và bù đắp quân số cho quân đội.
Tất cả những lý do còn lại biện minh cho việc phát triển các robot sát thủ (đề cập trực tiếp chính là các hệ thống được vũ trang, tự hoạt; vấn đề phát triển và hệ thống phi vũ trang, trong đó có các hệ thống trinh sát bao quát rộng hơn) có thể chỉ có ảnh hưởng gián tiếp đối với việc phát triển các hệ thống chiến đấu tự hoạt.
Việc giảm tổn thất cho binh sĩ bên mình trong các cuộc xung đột vũ trang là một trong những mục tiêu rõ ràng nhất bởi lẽ nó cho phép duy trì sự cân bằng số lượng với đối phương hoặc tạo ưu thế số lượng trước đối phương. Tổn thất ít hơn còn giúp làm giảm chi phí quân sự - từ các khoản chi trả cho các chính sách bảo hiểm cho đến chi trả cho tổ chức các chiến dịch cứu hộ, sơ tán và chôn cất hài cốt binh sĩ thiệt mạng. Ngoài ra, việc đào tạo, huấn luyện binh sĩ nhà nghề khá đắt đỏ và mất nhiều thời gian, nên tổn thất binh sĩ trong các cuộc xung đột vũ trang gây thiệt hại cực kỳ lớn.
Bộ Quốc phòng một số nước, trong đó có Mỹ và Nga, cho rằng, việc sử dụng các robot chiến đấu sẽ cho phép hoàn thành nhanh hơn và với rủi ro tối thiểu cho sinh mạng binh sĩ các nhiệm vụ chiến đấu phức tạp, trong đó có tác chiến trong môi trường công trình đô thị dày đặt hay có hoạt động săn lùng bắn tỉa ráo riết.
Dự kiến, vào năm 2050, hơn 80% dân số trái đất sẽ sinh sóng trong các thành phố, có nghĩa là các cuộc xung đột vũ trang sẽ xuất hiện chính là trong điều kiện đô thị. Thực hành tác chiến trong đô thị phức tạp hơn nhiều so với ở địa hình trống trải chẳng hạn, bởi lẽ các đơn vị bị nguy hiểm rình rập đúng là từ mọi hướng, kể cả từ dưới mặt đất (hệ thống thoát nước hay tàu điện ngầm) và từ bên trên (từ cửa sổ nhà cao tầng). Trong thành phố thì ngay cả một chiến dịch nhỏ và tưởng chừng đơn giản có thể dễ dàng biến thành một cuộc tàn sát đẫm máu.
Việc sử dụng các loại robot chiến đấu khác nhau - từ các máy bay không người lái (UAV) nhiều cánh quạt cỡ nhỏ, có vũ trang cho đến các hệ thống mặt đất cơ động cao - trong điều kiện đô thị có đơn giản hóa rất nhiều công tác lập kế hoạch và tiến hành các chiến dịch quân sự, trong đó cùng những cỗ máy đó thực tế vừa là các trinh sát viên, vừa là các chuyên gia phá hoại và vừa là các lực lượng đột kích.
Chạy đua vũ trang là một lý do nữa được giới quân sự viện dẫn để bênh vực cho các hệ thống chiến đấu tự hoạt. Vấn đề là ở chỗ, tiến bộ quân sự đang dần dẫn tới việc chế tạo ra những loại vũ khí và binh khí kỹ thuật ngày càng hoàn thiện. Ví dụ, các nước hàng đầu thế giới đang nghiên cứu phát triển vũ khí siêu vượt âm có khả năng đột phá các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Để đánh chặn các tên lửa siêu vượt âm sẽ phải phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa tự hoạt mới áp dụng trí tuệ nhân tạo, có khả năng độc lập phát hiện, phân loại và bắn các mục tiêu đường đạn, mục tiêu đường đạn phóng từ trên không và mục tiêu khí động. Do tốc độ cực cao của các mục tiêu này, những người thuộc biên chế các kíp chiến đấu của các hệ thống phòng thủ tên lửa đơn giản là sẽ không kịp phân tích tình hình trên không, đưa ra quyết định và phát các mệnh lệnh.
Cuối cùng, quân đội một số nước đã vấp phải việc cắt giảm từng bước quân số do các lý do nhân khẩu học hay kinh tế. Ví dụ, do tỷ lệ sinh giảm dần mà quân số của quân đội Hàn Quốc cũng đang bị giảm đi nên một số đơn vị ngay hiện nay đã không được biên chế đủ quân. Trong Không quân Mỹ xuất hiện tình trạng thiếu nhân viên điều khiển UAV và phi công tiêm kích.
Dự kiến, việc phát triển các robot chiến đấu hoàn toàn độc lập sẽ cho phép giải quyết những khó khăn về tuyển quân cho quân đội. Ví dụ, theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, việc sử dụng các tháp pháo tự hoạt trên các pháo tự hành K9 Thunder sẽ cho phép thay thế cho 2.000 quân. Còn Mỹ thì cho rằng, việc chế tạo các UAV tiến công sẽ cho phép khắc phục nạn thiếu nhân viên điều khiển bởi vì nhờ có trình độ tự hoạt cao của các máy bay không người lái mà một người sẽ có thể điều khiển cùng lúc mấy UAV.
Các chính trị gia vẫn đang tranh cãi
Hiện nay, các hãng công nghiệp quốc phòng Nga đang phát triển các họ robot chiến đấu Uran, Nerekhta và Soratnik dự kiến sử dụng để chi viện hỏa lực cho bộ binh, bảo vệ các mục tiêu quân sự và hạ tầng trọng yếu, trinh sát bằng hỏa lực, đột phá phòng ngự đối phương. Còn Mỹ thì đang nghiên cứu chế tạo UAV XQ-58A Valkyrie để làm vai trò phương tiện bay theo sự dẫn dắt trong đội hình các tốp tiêm kích. Các UAV này sẽ có thể làm nhiệm vụ trinh sát, che chắn bảo vệ tiêm kích dẫn dắt, tiến hành không chiến cơ động hoặc bảo đảm chi viện hỏa lực từ trên không cho các đơn vị mặt đất.
Hàn Quốc đang nghiên cứu chế tạo các robot trinh sát và chiến đấu hoạt động trên không, trên mặt đất, mặt nước và dưới mặt nước. Chúng sẽ cho phép bù đắp việc tuyển thiếu quân cho quân đội. Trung Quốc cũng đang phát triển xe tăng robot cho phép giảm tổn thất trong các trận đánh tăng ác liệt. Trong mấy năm tới, Israel dự định nhận vào biên chế các robot chiến đấu siêu nhỏ dùng để tiêu diệt các nhân vật cầm đầu chiến binh Hezbollah và HAMAS.
Các phương tiện đạo đức và pháp lý của các dự án phát triển đó đòi hỏi có sự thảo luận cặn kẽ. Liệu có thể trao cho các robot quyền giết người hay không? Liệu có thể chấp nhận thay thế con người vốn có khả năng cảm nhận các tình huống bằng những cỗ máy thực thi vô cảm hay không? Ranh giới giữa các phát triển robot tự hoạt dân sự và quân sự nằm ở đâu khi chúng dựa trên cùng những công nghệ giống nhau? Việc rút những người lính khỏi chiến trường và đặt họ vào sau các bàn điều khiển với những chiếc ghế tiện nghi cách xa khu vực chiến sự hàng ngàn ki-lô-mét có đúng đắn không?
Các robot sát thủ hiện chưa là một phần của tác chiến hiện đại, nhưng cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng những hệ thống đó bởi vì tiến bộ đang diễn ra rất nhanh. Cả Mỹ, Nga và một số nước khác tuyên bố rằng, họ không địch làm các hệ thống chiến đấu hoàn toàn độc lập. Tuy nhiên, Mỹ vẫn nói rằng, họ có trù tính khả năng chuyển các robot sát thủ sang chế độ hoàn toàn tự hoạt để đáp trả với sự xuất hiện của các robot chiến đấu tự hoạt của các chế độ chuyên chế.
http://vietnamdefence.com/Home/ktqs/robot/Van-de-phat-trien-va-su-dung-robot-chien-dau-trong-chien-tranh-hien-dai/201810/55487.vnd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét