Ye Jianming, tỷ phú Trung Quốc làm mưa gió trên thương trường quốc tế nhiều năm qua, bỗng sụp đổ. Câu chuyện về ông chủ của đế chế kinh doanh trị giá 44 tỷ USD còn đầy nghi vấn.
Vào giữa những năm 1990, Ye Jianming chỉ làm một công việc đơn giản trong rừng. 20 năm sau, người đàn ông đó ngự trên ngai của đế chế kinh doanh trị giá 44 tỷ USD. Ngày hôm nay, ông đã biến mất khi đế chế đó sụp đổ. Chính phủ Trung Quốc đang điều tra vụ việc này.
Làm thế nào mà tất cả điều đó xảy ra vẫn còn là bí ẩn. Nhưng có một sự thật rõ ràng: ở quy mô của mình, công ty của Ye, CEFC Năng lượng Trung Hoa, đã liên kết chặt chẽ với chính phủ nước này đến nỗi khó phân biệt được cả hai.
Ông trùm trẻ tuổi này được xem như sứ giả năng lượng không chính thức của Trung Quốc, gặp gỡ các nhà lãnh đạo toàn cầu và thậm chí còn đóng vai trò cố vấn cho chính phủ châu Âu. Năm 2016, Ye đứng thứ 2 trong danh sách 40 Under 40 của tạp chí Fortune.
Nhưng vào tháng 11 năm ngoái, sự tăng trưởng tưởng chừng không thể cản nổi của Ye bỗng nhiên dừng lại. Sự suy tàn của ông đến sau khi các công tố viên Mỹ cáo buộc một tổ chức phi chính phủ (NGO) mà ông tài trợ đã lợi dụng Liên Hợp Quốc để hối lộ cho hàng loạt lãnh đạo châu Phi, dù Ye không chịu trách nhiệm cho việc này.
Những gì diễn ra tại phiên tòa Manhattan đã cung cấp cho thế giới một cái nhìn hiếm hoi về quan hệ phức tạp giữa doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước Trung Quốc. Đó đồng thời là lời cảnh báo về những thứ sẽ đến khi một công ty Trung Quốc thất bại ở nước ngoài.
Xâm nhập Cộng hòa Séc
Tên tuổi Ye đã nổi trên bản đồ thế giới vào năm 2015, sau một cuộc mua sắm bất thường tại Cộng hòa Séc.
Là chủ tịch của CEFC, Ye đã thâu tóm câu lạc bộ bóng đá lâu đời nhất của Séc – Slavia Praha; một nhà máy bia; một nhà xuất bản; một tòa nhà theo phong cách tân phục hưng; một tòa nhà ở thủ đô Prague nhằm làm trụ sở chính cho CEFC tại châu Âu. Ye còn nắm giữ cổ phần trong ngân hàng đầu tư J&T Finance Group, và trở thành cổ đông của nhóm hàng không - dịch vụ - du lịch.
Phản ứng với những vụ mua lại, sáp nhập này tại Cộng hòa Séc đầy kinh ngạc, thảng thốt. Tại sao một công ty năng lượng lại muốn mua nhà máy bia? Và tại sao một công ty Trung Quốc được chào đón tại quốc gia mà mối quan hệ của cả hai vốn không mấy tốt đẹp trong quá khứ?
Mọi chuyện khởi sự từ khi Milos Zeman nắm chức tổng thống Séc vào năm 2013. Zeman rất muốn tăng cường thương mại giữa Bắc Kinh và Prague. Năm tiếp theo, một doanh nghiệp Séc trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên cung cấp các khoản vay khắp Trung Quốc. Đây như một cuộc cách mạng lớn trong thị trường tín dụng tiêu dùng tương đối chưa được khai thác ở đất nước hơn 1,4 tỷ dân.
Ye đã thấy được cơ hội.
Ông lặng lẽ làm cố vấn kinh tế đặc biệt cho Zeman, điều mà chỉ được công bố 6 tháng sau khi nó đã thật sự bắt đầu. Nghị sĩ đối lập người Séc, Miroslav Kalousek cho rằng vai trò của Ye trong chính phủ nước này đầy “tai tiếng và rủi ro an ninh”.
Một thời gian ngắn sau khi Ye mua sắm hàng loạt, danh tiếng ông chủ CEFC cũng dần lan rộng. Martin Hala, học giả nghiên cứu về Trung Quốc, cho biết các giao dịch đó không mang giá trị thương mại. Nhưng kể từ lúc ấy, Bắc Kinh đã gửi thông điệp đến cộng đồng quốc tế rằng họ đang có tình hữu nghị vững chắc tại châu Âu.
Điều đó mang ý nghĩa rất lớn. Chủ tịch Tập Cận Bình cùng Phát kiến Vành đai và Con đường hướng đến mục đích xuất khẩu hàng hóa, thương mại và sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu. Một chỗ đứng tại Cộng hòa Séc đã mở cửa ngõ cho Trung Quốc vào châu Âu. Đồng thời, ông Tập còn tạo được đồng minh chính trị có giá trong EU – đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh.
Sử gia Mỹ, Stephen Platt, cho biết trong quá khứ đã tồn tại nhiều doanh nghiệp tư nhân thúc đẩy ảnh hưởng của quốc gia họ ra nước ngoài. Điển hình như Công ty Đông Ấn Anh và các nhà buôn bông, lụa đã châm ngòi cho chiến tranh nha phiến tại Trung Quốc.
“Nó loại bỏ đi gánh nặng về rủi ro tài chính cho chính phủ Trung Quốc. Quốc gia này có thể tận dụng những công ty đó để lan tỏa cái nhìn tích cực cũng như ảnh hưởng của mình. Nếu những công ty phá sản thì đấy là rắc rối của họ, không phải của Nhà nước”, Platt nói.
Khi Tổng thống Zeman và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau ở Bắc Kinh trong năm 2015, Ye được chụp hình với cả hai, chứng tỏ ông đang gần gũi với chính quyền hơn lúc nào hết.
"Trên trời rơi xuống"
Các giao dịch ở Séc gây tiếng vang cho Ye.
Laban Yu, người đứng đầu nghiên cứu của Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Jefferies Group, chia sẻ rằng các nhà báo thường hỏi ông biết gì về điều này. Ông chỉ nhún vai và bảo CEFC “từ trên trời rơi xuống”.
Tính đến 2018, CEFC đã có danh mục đầu tư bất động sản toàn cầu trị giá 3,2 tỷ USD, bao gồm không gian văn phòng ở trung tâm Hong Kong và một căn hộ Trump World Tower tại Manhattan. Công ty đã tuyển dụng gần 50 nghìn lao động, đạt doanh thu 40 tỷ USD trong năm 2015 và xếp hạng 222 tại danh sách Fortune 500 năm 2017.
Nhiều năm qua, đã có vô vàn tin đồn về việc Ye nằm trong quân đội, điều mà hỗ trợ rất nhiều cho ông về mặt chính trị lẫn kinh tế. Thậm chí có tin khẳng định Ye từng nắm chức phó tổng thư ký Hiệp hội Thân thiện Quốc tế Trung Quốc (CAIFC). Các điểm tương đồng giữa logo CAIFC và CEFC càng dấy lên nghi ngờ về vấn đề này. Tuy nhiên, CAIFC đã phủ nhận những tin đồn trên.
Ye thường bác bỏ mối quan hệ đến giới quân nhân, dù ông muốn mọi người tin rằng CEFC “chơi thân” với chính quyền.
Trong bài phỏng vấn với Fortune, Ye kể rằng sau khi làm kiểm lâm ở độ tuổi 20, bằng cách nào đó ông đã mua được tài sản dầu khí từ người đồng hương Phúc Kiến. Ye nhấn mạnh những doanh nhân Hong Kong và Phúc Kiến đã trả tiền mặt cho ông. Nhưng tại sao người khác lại phó thác tài sản cho một thanh niên tuổi đôi mươi như Ye lúc đó vẫn còn là bí ẩn. Các nhà báo Trung Quốc thì khẳng định bố mẹ ông chỉ là những ngư dân bình dị.
Vành đai và con đường
Trên một con phố yên tĩnh, rợp bóng cây ở một quận trước kia thuộc Pháp tại Thượng Hải, giữa khu bất động sản đắt tiền và lâu đời nhất thành phố, là khu phức hợp của CEFC.
Được thiết kế như một cung điện Tây phương, khu phức hợp gồm 20 căn biệt thự và một gian hàng đầy những cột trụ cẩm thạch trắng. Từng là trụ sở của CEFC, nhưng giờ đây nó không còn tồn tại bất kỳ chi tiết nào thuộc về tập đoàn này.
Ở Thượng Hải, đế chế kinh doanh của Ye đã mọc lên, đưa ông trở thành tâm điểm khi sở hữu khối tài sản hàng tỷ USD cùng những công ty có trụ sở tại Cộng hòa Séc, Singapore, Bermuda, Hong Kong và Trung Quốc đại lục. Năm 2011, NGO của Ye – Ủy ban Năng lượng Trung Quốc đã được trao tư cách tham vấn tại Liên Hợp Quốc, điều bất thường chưa từng có tiền lệ đối với một công ty năng lượng tư nhân.
Glaser, học giả người Mỹ, cho biết NGO này có nhiệm vụ hoạt động như một “cơ quan chiến lược cao cấp” về vấn đề năng lượng. Nó đã dành phần lớn thời gian để tổ chức hội nghị liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường. Các sự kiện đã trở nên kỳ quái, lố bịch vì quá “ủng hộ Trung Quốc”.
Tuy nhiên chúng vẫn thu hút được lượng quan tâm đặc biệt. Đến dự những sự kiện đó gồm một cựu lãnh đạo tập đoàn dầu mỏ; các nhà ngoại giao Mỹ, Nga; những hưu trí từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ; và cả CIA.
“Tôi nhớ lại…và nghĩ rằng, ồ, họ đang đem tới đây những người thuộc tầng lớp cấp cao”, Glaser chia sẻ.
Nhưng nhiều học giả tham dự những diễn đàn của NGO đó chưa hề nghe nói về Ye. Họ nhận định Ủy ban Năng lượng Trung Quốc như một động cơ của chính phủ nước này. Hugh White từ Đại học Quốc gia Australia, người đã tham gia một sự kiện như thế vào năm 2015, trả lời CNN: “Lúc đó tôi không rõ Ủy ban Năng lượng Trung Quốc là gì”.
Tại Liên Hợp Quốc, nhân viên của Ye đã được tiếp xúc với những người thuộc hàng quan trọng bậc nhất trên thế giới. Trong vòng 4 năm kể từ khi NGO này đến New York, doanh thu CEFC tăng 25% mỗi năm, theo thống kê từ trang web của công ty.
Khi CEFC phát triển mạnh mẽ, Ye đã đi khắp toàn cầu trên phi cơ Airbus riêng của mình cùng những chính khách danh tiếng như tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, thủ tướng Kazakhstan và cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan.
Các kết nối chính trị tốt hơn đem đến những hợp đồng quốc tế lớn hơn. Lấy 2016 làm ví dụ, CEFC đã thiết lập các giao dịch thương mại tại Gruzia và đạt được thỏa thuận trị giá 680 triệu USD với một công ty dầu khí ở bang Kazakh. Năm tiếp theo, công ty chi 900 triệu USD mua cổ phần của một mỏ dầu lớn thuộc sở hữa của Công ty Dầu Quốc gia Abu Dhabi.
Trong các thông cáo báo chí của mình, CEFC đã phối hợp chặt chẽ với chính phủ, thanh toán cho nhiều dự án như các hợp đồng trong sáng kiến Vành đai và Con đường.
“Không có dự án nào có thể mang tầm cỡ như Vành đai và Con đường. Và không một lục địa nào trên hành tinh này mà không in “dấu chân” của nó”, giáo sư Christopher Balding từ Đại học Fulbright Việt Nam nhận xét.
Các công ty Trung Quốc thường phải vật lộn để chuyển tiền ra nước ngoài, nhưng các hợp đồng thuộc Vành đai và Con đường sẽ hỗ trợ điều này, giáo sư Balding đánh giá thêm.
Tháng 9 năm ngoái, CEFC đã công bố khoản đầu tư kỷ lục: 9 tỷ USD cho 14% cổ phần công ty dầu mỏ khổng lồ Rosneft từ Nga. Đây là mức chi ngất ngưỡng đối với một công ty nhà nước.
“Họ kiếm đâu ra số tiền lớn như vậy?”, Laban Yu từ ngân hàng đầu tư Jefferies Group đặt nghi vấn.
Sụp đổ
Đế chế của Ye bắt đầu lao dốc vào 18/11 năm ngoái. FBI đã bắt Patrick Ho Chi-ping, người mà Ye đã làm việc cùng để quản lý NGO. Ho bị buộc tội rửa tiền và vi phạm Đạo luật Hành vi Tham nhũng Nước ngoài. Ông dính cáo buộc hối lộ 3 triệu USD cho tổng thống Chad, Idriss Deby, bộ trưởng ngoại giao Uganda, Sam Kutesa, và cả chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Các khoản hối lộ đã được thực hiện bởi một công ty năng lượng có trụ sở tại Thượng Hải. Điều này vốn không được ghi rõ trong các tài liệu tòa án.
Các thư điện tử và cuộc gọi từ CNN đến chính phủ Chad đã không được hồi đáp. “Đối mặt với cáo buộc sai lầm không biết lần thứ bao nhiêu này, chính phủ Chad chính thức bác bỏ chuyện bịa đặt đáng xấu hổ kia”, chính phủ Chad tuyên bố vào năm ngoái.
Chính phủ Uganda cho rằng cáo buộc đó không chính xác khi nói Kutesa đã tham gia vào các cuộc hối lộ. Patrick Ho nhất quyết không nhận tội dù trước đó luật sư của ông đã từ chối bình luận về các cáo buộc chống lại thân chủ mình.
CEFC đã tuyên bố NGO với họ là tách biệt và “không liên quan đến bất kỳ hoạt động thương mại nào của CEFC sau này”. Công ty còn khẳng định họ tiến hành kinh doanh “theo đúng luật pháp”.
Đế chế mong manh
Cuối cùng, đã không ai cho CEFC 9 tỷ để mua cổ phần của Rosneft. Chỉ 2 tháng sau khi thỏa thuận được công bố, Ho đã bị bắt. Như một hiệu ứng domino, đế chế Ye lần lượt sụp đổ.
Ngày 1/3 năm nay, tập đoàn truyền thông Caixin đã công bố kết quả cuộc điều tra pháp lý về tài chính của CEFC, khẳng định công ty này như một đế chế mong manh. CEFC phản đối và cho rằng báo cáo đó “không có cơ sở thực tế”. Vài tháng sau, Ye được cho là đã bị bắt tại Trung Quốc. Kể từ lúc đó, không ai biết tin gì về ông.
Những nhà phân tích công nghiệp cho biết những tin đồn về sự ổn định của CEFC đã xuất hiện từ lâu. Các chuyên gia tin rằng kinh doanh của CEFC không xứng với quy mô của chính công ty.
“Các tiêu chuẩn kế toán và giám sát cho các tập đoàn còn khá yếu kém và lỏng lẻo, ít mang tính minh bạch tại Trung Quốc. Cấu trúc các doanh nghiệp vẫn còn đang mập mờ”, Tom Rafferty, chuyên gia tại Cơ quan Tình báo Kinh tế cho biết.
CNN đã liên lạc đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc bắt giữ Ye và Ho. Người phát ngôn của bộ đã fax lại với nội dung như sau: ”Tôi không biết gì về sự cố mà bạn đề cập. Điều tôi có thể trả lời bây giờ, rằng Trung Quốc là một quốc gia được cai trị bởi luật pháp, và chính phủ đã liên tục yêu cầu các doanh nghiệp phải chấp hành quy định của nước sở tại khi họ hoạt động tại nước ngoài”.
Không có dấu hiệu cho sự tồn tại của công ty ở Thượng Hải khi CNN đến đây điều tra.
Kết cục nào dành cho CEFC?
Vào tháng 3, chính phủ Cộng hòa Séc đã cử phái đoàn đến Bắc Kinh để tìm Ye. Tổng thống Zeman nói rằng vị cố vấn của ông đang bị điều tra vì “nghi ngờ vi phạm pháp luật”. Người phát ngôn của Zeman trả lời CNN rằng nếu bị kết tội, Ye sẽ không là cố vấn kinh tế nữa.
Sự sụp đổ của Ye đến từ một chiến dịch rộng lớn ở Trung Quốc nhắm vào các công ty tư nhân nợ nần ngập cổ. Đầu năm nay, Wu Xiaohui, Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Anbang đã bị bắt vì lừa đảo hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư. Tháng 5, Wu bị tòa án Thượng Hải kết án 18 năm tù.
“Chính phủ không hài lòng về cách mà các công ty tiến hành công việc, nhất là khi họ chuyển dòng tiền ra ngoài đất nước”, Rafferty cho hay.
2/3 vốn CEFC được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Giờ đây, tập đoàn CITIC khổng lồ đã kiểm soát phần tài sản của CEFC tại Cộng hòa Séc. Trong khi đó, vẫn chưa ai biết Ye ở đâu. Và việc ông có thể phải đối mặt với mức án nào vẫn chưa được công khai.
https://baomoi.com/ty-phu-vanh-dai-con-duong-troi-day-va-sup-do/c/28913566.epi?utm_source=iapp&utm_medium=facebook&utm_campaign=share&fbclid=IwAR3JgXEjCWOxTZv5-8tESTL3rK5NDTrk-XdPzIr7AC92voQWqfvbZxwSLQI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét