Chủ tịch Tập Cận Bình nói trong bài phát biểu đánh dấu 40 năm Trung Quốc bắt đầu công cuộc cải tạo kinh tế rằng đất nước ông sẽ không phát triển bằng cái giá mà các nước khác phải trả.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng siêu cường thế giới không phải là quốc gia mà nước khác có thể yêu cầu phải làm gì.
Kế hoạch 'cải cách và mở cửa' của cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình bắt đầu được thực hiện hồi bốn thập kỷ trước.
Sự tăng trưởng kể từ đó đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Hàng trăm triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói nhưng trong những năm gần đây Trung Quốc đã phải vật lộn với khoản nợ ngày càng tăng và sự phát triển kinh tế trở nên chậm lại.
Ông Tập nói tuy đã đạt được những thành tựu kinh tế nhưng Trung Quốc sẽ "không bao giờ tìm cách bá chủ thế giới" và cũng nêu rõ về sự đóng góp của nước ông cho một "tương lai chung của nhân loại".
Ông không nhắc tới cuộc tranh cãi thương mại hiện nay giữa Trung Quốc với Mỹ.
Trung Quốc tiếp tục trấn áp bất đồng chính kiến và bị cáo buộc là đã giam giữ hàng trăm ngàn người Hồi Giáo không qua xét xử tại vùng Tân Cương ở miền tây.
Việc Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa Biển Đông - nơi có những tuyến giao thương đường biển quan trọng - đã gây ra những quan ngại giữa các quốc gia láng giềng rằng Bắc Kinh muốn thống trị khu vực.
Những người chỉ trích nói rằng trong lúc giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết ở khắp châu Á và châu Phi thì Trung Quốc cũng đã đẩy các quốc gia vào cảnh mắc nợ hàng tỷ đô la, qua đó phải chịu ảnh hưởng chiến lược của Bắc Kinh.
Ông Tập đã giành phần lớn thời gian trong bài phát biểu dài của mình để nêu ra những ví dụ về tiến bộ của Trung Quốc trong các thập kỷ qua, và ca ngợi đó như "những thành tích hào hùng làm kinh thiên động địa".
Ông nói rằng với những thành công đạt được, "không ai có thể ra lệnh cho nhân dân Trung Quốc là cần phải làm gì hay không làm gì".
Đồng thời, ông nhấn mạnh về điều mà ông mô tả là các nỗ lực của Trung Quốc trong việc hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, nói Bắc Kinh là một "người cổ súy cho hòa bình thế giới", một "người bảo vệ trật tự quốc tế" và giữ một "vai trò dẫn dắt trong việc đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu".
Việc cải cách kinh tế của Trung Quốc được khởi xướng bởi lãnh tụ Đặng Tiểu Bình hồi 1978, và chương trình được chuẩn thuận vào ngày 18/12 năm đó.
Con đường chuyển đổi đã đưa nước này ra khỏi chủ nghĩa cộng sản kiểu cũ của Mao Trạch Đông, vốn theo chủ nghĩa tập thể và đã khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng nghèo đói và không hiệu quả.
Quá trình thay đổi tập trung vào cải cách nông nghiệp, tự do hóa kinh tế tư nhân, hiện đại hóa công nghiệp và mở cửa đối với thương mại quốc tế.
Ông Tập Cận Bình mô tả việc cải cách là một cú "dứt bỏ các trói buộc" của các sai lầm trước đó.
Ông nói rằng 40 năm qua là một "bước nhảy lớn của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc".
Chủ tịch Trung Quốc không nhắc trực tiếp tới tranh cãi thương mại hiện nay với Mỹ nhưng nhấn mạnh về sự đóng góp của nước ông đối với việc toàn cầu hóa và trật tự quốc tế.
Cuộc tranh cãi thương mại Mỹ-Trung đã leo thang tới mức có thể gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho cả hai bên nếu không đạt được thỏa thuận để xử lý bất đồng.
Không thay đổi về chính trị
Bất chấp việc có các cải cách kinh tế, những thập niên qua không làm thay đổi hệ thống chính trị độc đảng ở Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc có bài phát biểu hôm thứ Ba tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, nơi những lời kêu gọi cải cách chính trị hồi 1989 đã bị quân đội đàn áp dã man.
Ông Tập Cận Bình được đánh giá rộng rãi là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông tới nay.
Hồi 2017, ông đã khẳng định quyền lực của mình và đưa tư tưởng chính trị của mình vào hiến pháp.
Trong bài phát biểu, ông Tập lặp lại rằng ông tin vào việc tăng cường sức mạnh của đội ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản, và ca ngợi chiến dịch trấn áp tham nhũng của Bắc Kinh.
Những người chỉ trích nói rằng việc ông Tập Cận Bình nắm quyền được ghi dấu ấn bởi chiến dịch trấn áp bất đồng chính trị ráo riết hơn bao giờ hết cũng như bất kỳ nhóm nào mà Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là đe dọa tới quyền lực của Đảng, chẳng hạn như giáo hội Thiên chúa không được phép hoạt động chính thức, hay các nhà hoạt động vì quyền lợi của người lao động.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46598629?fbclid=IwAR010vBP5g8-kOsH57jS6EXoVV0AAmNDwFS_gYU3lMxGKmdqt1mjvztt9Kc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét