Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Bầm dập từ thương chiến, kinh tế TQ "một đi không trở lại" dưới thời nước Mỹ của ông Trump

Cuộc đối thoại giữa ông Trump và ông Tập đã đem lại hy vọng hòa bình cho cuộc thương chiến. Dù vậy, mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không bao giờ trở lại như xưa.


Bầm dập từ thương chiến, kinh tế TQ "một đi không trở lại" dưới thời nước Mỹ của ông Trump
Dưới đây là bài bình luận của ông David J. Lynch - nhà phân tích từng có nhiều bài viết trên Financial Times, Bloomberg, USA Today và Washington Post - về hậu quả lâu dài của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung:
90 ngày "đình chiến"
Sau bữa tối tại kì thượng đỉnh G20 hôm 1/12 vừa qua, ông Trump đã đồng ý hủy bỏ dự định tăng thuế quan vào ngày 1/1/2019 để đổi lại việc Trung Quốc tiếp tục thu mua nông sản và các mặt hàng công nghiệp của Mỹ.
Hai bên cũng có những cuộc đối thoại ban đầu về "thay đổi cơ cấu" trong một số hoạt động của Trung Quốc, bao gồm chuyển giao công nghệ, đánh cắp bí mật thương mại và hàng rào phi thuế quan. Mục tiêu là để đạt được thỏa thuận đảm bảo 90 ngày.
"Thị trường sẽ vui mừng, vì ít nhất viễn cảnh tồi tệ nhất đã được ngăn chặn. Nhưng tôi không nghĩ Phương Tây sẽ quay trở lại giao dịch bình thường với Trung Quốc. Có quá nhiều vị thần đã bay ra khỏi đèn (gợi nhắc tới thần đèn trong truyện cổ tích "Aladdin và cây đèn thần" - ND)," Fraser Howie - tác giả của một cuốn sách viết về sự vươn lên của kinh tế Trung Quốc - chia sẻ trong một đoạn email.
Trong hơn 25 năm qua, các nhà sản xuất Mỹ đã ngày càng phụ thuộc hơn vào lực lượng nhân công giá rẻ Trung Quốc để sản xuất iPhone, quần áo và những linh kiện công nghiệp, khiến nhiều nhân công Mỹ mất việc ngay tại những trung tâm công nghiệp lớn của Mỹ.
Đổi lại, theo số liệu từ tổ chức nghiên cứu kinh tế tài chính Rhodium Group, Trung Quốc đầu tư hơn 140 tỉ USD vào Mỹ từ năm 2000, tăng cường độ liên kết giữa hai nền kinh tế "khổng lồ", chiếm tới khoảng 40% giá trị thị trường thế giới.
Bầm dập từ thương chiến, kinh tế TQ một đi không trở lại dưới thời nước Mỹ của ông Trump - Ảnh 1.
Ông Trump và ông Tập quyết định tạm dừng cuộc chiến tranh thương mại. Ảnh: Pablo Martinez Monsivais/AP
Nhưng gần một năm sau khi Mỹ phát động chiến tranh thương mại, việc tăng cường các thuế quan, thắt chặt đầu tư và kiểm soát xuất khẩu đã làm "chao đảo" các nhà đầu tư và chính phủ Trung Quốc.
Cấm vận liên tục đã buộc nhiều công ty phải suy nghĩ lại về hợp tác kinh doanh với các công ty Trung Quốc. Bắc Kinh bắt đầu có những nỗ lực tự tách Trung Quốc khỏi đối tác khó lường Mỹ.
"Cả hai bên đều có những chính sách không thể nào nhượng bộ cho bên còn lại được. Vậy nên trông chờ vào ngày mọi thứ trở lại như xưa là điều bất khả thi. Chúng ta đã tiến vào thế giới mới rồi," Wendy Cutler - một nhà đàm phán thương mại của Mỹ - lên tiếng.
"Đòn đánh đau đớn" khiến Trung Quốc phải thay đổi
Rất nhiều điều đã thay đổi trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh sau gần 2 năm từ khi ông Trump bắt đầu áp dụng chính sách cải tổ thương mại "Nước Mỹ trên hết" - và những sự kiện xảy ra sẽ không dễ dàng gì bị đảo ngược trở lại.
Nhiều nhà phân tích nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ có những thay đổi về bản chất của hệ thống nền kinh tế do nhà nước điều hành. Nhưng kể cả nếu Bắc Kinh có quyết định làm như vậy thật, và những thuế quan của Mỹ được gỡ bỏ hoàn toàn, thì những trở ngại với hàng hóa và vốn vẫn sẽ tồn tại.
Ông Trump đã sử dụng thuế quan làm "vũ khí" nhiều hơn bất kì nhà lãnh đạo nào khác của nước Mỹ kể từ những năm 1930.
Bầm dập từ thương chiến, kinh tế TQ một đi không trở lại dưới thời nước Mỹ của ông Trump - Ảnh 2.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty
Không chỉ có vậy, ông Trump còn ra nhiều "đòn đau đớn" khác, bao gồm hạn chế đầu tư Trung Quốc tại Thung lũng Silicon, lên kế hoạch hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, xem xét lại visa du học và khoa học, cáo buộc Trung Quốc vì hành vi "xâm lược kinh tế".
Việc ông Trump áp thuế lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc đã buộc Trung Quốc phải trả đũa bằng việc mua đậu nành từ Brazil thay vì từ Indiana hay Iowa.
Sau khi Mỹ cấm vận ZTE với lý do hãng này vi phạm trừng phạt của Mỹ với Iran và Triều Tiên, công ty khổng lồ với khoảng 75.000 nhân công đã đứng trước nguy cơ sụp đổ. Nhờ có cuộc đối thoại với ông Tập Cận Bình, ông Trump mới đồng ý trì hoãn "án tử" và cho phép các công ty Mỹ tiếp tục trao đổi hàng hóa với ZTE.
Tuy nhiên, vụ việc nói trên cùng quyết định hồi năm 2017 của ông Trump về việc bán thiết bị bán dẫn cho các thương lái người Trung Quốc đã khiến ông Tập phải lên kế hoạch để nền công nghệ Trung Quốc phát triển theo hướng "tự lực cánh sinh", tăng cường các nguồn hàng nội địa cho sản phẩm công nghệ quan trọng.
Ông Tập đã tự mình quảng bá chủ trương này, với các chuyến đi khắp vùng công nghiệp hiện đại của Trung Quốc ở miền nam và vùng đông bắc.
"Quá trình giảm phụ thuộc vào Mỹ về nguồn đầu vào nông nghiệp và công nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng," nhà ngoại giao Mỹ Charles W. Freeman Jr. cho hay. "Công ty Mỹ tại Trung Quốc sẽ đưa một số cơ sở sản xuất sang Việt Nam và những nền kinh tế đang phát triển khác".
Mỹ sẽ không nương tay
Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đã bắt đầu soạn thảo các quy định để hạn chế xuất khẩu các hạng mục công nghệ cao, bao gồm robot, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.
Được xem là tương tự như phương pháp hạn chế thỏa thuận thời Chiến Tranh Lạnh với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, động thái nói trên sẽ giúp đảm bảo an ninh quốc gia và vị thế đi đầu trong công nghệ của Mỹ.
"Trong những cuộc đối thoại thương mại trước đây, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ trả lời các đòi hỏi, trong đó bao gồm nới lỏng kiểm soát xuất khẩu và chế độ đầu tư cởi mở hơn. Mỹ đang đi ngược hướng với Trung Quốc, và không giống như thuế quan, những quy định này không phải là thứ có thể cho và nhận," ông Cutler đánh giá.
Mỹ tăng cường kiểm soát xuất khẩu do lo ngại rằng Trung Quốc đang cố gắng mua hoặc đánh cắp công nghệ để "vượt mặt" Thung lũng Silicon. Bắt đầu từ năm 2015, kế hoạch "Made in China 2025" đã được Bắc Kinh áp dụng đối với 10 lĩnh vực công nghệ nhằm chiếm vị thế dẫn đầu về công nghệ của Mỹ.
Ông Craig Allen - Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ-Trung Quốc - nhận định: "Cộng đồng phát triển và cộng đồng công nghệ cao của Trung Quốc đang tiến bộ rất nhanh. Những nhóm này được tài trợ rất nhiều và đang lan rộng trên khắp thế giới. Rất nhiều thành viên của chúng tôi muốn tham gia, muốn làm việc và trở thành đối tác với các công ty Trung Quốc."
Trong khi đó, William Overholt - một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Châu Á Đại học Harvard - lại cho rằng: "Vấn đề của ông Trump là ông ấy đã yêu cầu Trung Quốc thay đổi cấu trúc kinh tế để trở nên giống Mỹ hơn. Chính quyền ông Trump cũng xác định Trung Quốc là đối thủ về kinh tế và chính trị. Những yêu cầu đó là không thể đàm phán và mọi người đều biết vậy."
Các doanh nghiệp lớn đã ca ngợi quyết định của ông Trump và ông Tập khi làm giảm bớt mối nguy hại từ mức thuế quan cao - nguyên nhân khiến giá cả tăng cao cho người tiêu dùng, làm hẹp biên lợi nhuận và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Matthew Shay - Chủ tịch Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia - cho biết ông hy vọng thỏa thuận này sẽ dẫn đến việc loại bỏ tất cả thuế quan của giữa Mỹ và Trung Quốc.
Dean Garfield - Chủ tịch Hội đồng Công nghiệp Công nghệ thông tin - cũng kêu gọi đảo ngược lại chiến tranh thương mại.
Một ngày nào đó, điều này có thể trở thành sự thật. Nhưng đối với Trung Quốc và Mỹ, sẽ không thể trở lại thế giới như trước khi ông Trump nhậm chức.
"Kể cả khi các thuế quan từ chiến tranh thương mại giảm bớt, thì môi trường kinh tế và chính trị cũng đã thay đổi theo hướng bất lợi cho Trung Quốc. Đảo ngược thời gian là chuyện không thể. Các vấn đề lớn trên thế giới được tạo ra bởi chính sách công nghiệp khó lường của Trung Quốc đang trở nên mất kiểm soát," nhà đàm phán thương mại Claire Reade kết luận.
http://soha.vn/bam-dap-tu-thuong-chien-kinh-te-tq-mot-di-khong-tro-lai-duoi-thoi-nuoc-my-cua-ong-trump-20181203114421713.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét