Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

TQ xây căn cứ cho tàu ngầm không người lái dưới đáy Biển Đông: Tham vọng viển vông hay đáng sợ?

Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ trí tuệ nhân tạo (AI) dưới đáy biển phục vụ cho tàu ngầm không người lái và các hoạt động quân sự ở Biển Đông.


TQ xây căn cứ cho tàu ngầm không người lái dưới đáy Biển Đông: Tham vọng viển vông hay đáng sợ?

Tham vọng lớn
Dự án này, được đặt tên theo Hades - từ chỉ địa ngục trong thần thoại Hy Lạp, được giới thiệu tại Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh tháng này, sau chuyến thăm đến trung tâm nghiên cứu đáy biển tại Sanya, tỉnh Hải Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 4.
Nơi đặt căn cứ là phần sâu nhất của đại dương, độ sâu từ 6.000 đến 11.000 m.
Dự án này sẽ tiêu tốn khoảng 1,1 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 160 triệu USD), bằng một nửa giá trị của kính viễn vọng FAST lớn nhất thế giới ở tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc.
Khu phức hợp dưới đáy biển sẽ có nơi neo đậu và các kỹ sư dự án sẽ cần phát triển vật liệu để chịu được áp lực nước ở độ sâu lớn như vậy.
Theo thông tin từ nhóm nhà khoa học tham gia dự án thì các tàu ngầm không người lái sẽ được điều đi khảo sát đáy biển, ghi lại các dạng sinh vật sống để lập danh mục và thu thập các mẫu khoáng sản. Tương tự một phòng thí nghiệm khép kín, khu phức hợp này sẽ phân tích các mẫu đó và gửi báo cáo cho các cơ quan trên đất liền.
Tuy nhiên, không ai biết ngoài các mục đích như đã công bố thì Trung Quốc còn ý đồ nào khác khi triển khai dự án này hay không.
Nhiều hoài nghi
Một số nhà khoa học hoài nghi về dự án và nghĩ rằng chính trị và công nghệ sẽ gặp phải những thách thức lớn.
Tầng đáy biển sâu là một môi trường khắc nghiệt, nơi áp lực cao, xói mòn, địa chất yếu và động đất có thể đe dọa bất kỳ cấu trúc nào. Điều đó có nghĩa là chi phí của một chương trình tham vọng như vậy có thể vượt xa ước tính.
Tiến sĩ Du Qinghai, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ Hadal, Đại học Hải Dương Thượng Hải cho biết ngân sách 1,1 tỷ Nhân dân tệ có thể sẽ eo hẹp.
Đối mặt với áp lực nước khổng lồ, nhà ga sẽ cần phải chịu lực hơn và nhỏ gọn hơn so với một cơ sở hạ tầng trên đất liền. 
"Việc này có thể khó hơn xây một trạm không gian. Chưa có quốc gia nào khác đã làm điều này trước đây", ông Du - người không tham gia dự án nói. Các cơ sở cũng đặt ra những thách thức cho công nghệ AI, ông nói.
Giáo sư Yan Pin, Đại học khoa học Trung Quốc ở Quảng Châu cho biết, một trong những vị trí cho căn cứ này là rãnh Manila (Manila Trench).
"Đây là nơi duy nhất trên Biển Đông có độ sâu trên 5.000 m," ông Yan - người nhiều năm nghiên cứu đáy Biển Đông cho biết.
Tuy nhiên, đây là nơi có nhiều núi lửa hoạt động Yan nói. Rãnh Manila Trench cũng nằm gần bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc và Philippines đã có một vụ đụng độ 2 năm trước đây.
"Trung Quốc và Philippines nên ngồi xuống và thảo luận. Thông tin cảnh báo sóng thần là một ưu thế. Dữ liệu do trạm này thu thập sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực", ông Yan cho hay.
Trung Quốc đang đề xuất xây dựng một số cơ sở hàng hải, bao gồm một trạm có người điều khiển lớn dưới đáy biển lớn nhất thế giới, là nơi hàng chục người có thể sinh sống trong vòng 1 tháng ở độ sâu 3.000 m dưới đáy biển.
Bắc Kinh cũng có kế hoạch xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi, với nhà máy ​​đầu tiên sẽ được điều đến Biển Đông vào năm 2020, để hỗ trợ các hoạt động thương mại và quân sự.
http://soha.vn/tq-xay-can-cu-cho-tau-ngam-khong-nguoi-lai-duoi-day-bien-dong-tham-vong-vien-vong-hay-dang-so-20181126181848542.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét