Tạp chí Foreign Policy
Tác giả: Tanner Greer
Trần Trung Tín chuyển ngữ
Khi Chủ Tịch Tập Cận Bình phát biểu trước Đại Hội Đảng lần thứ 19 về tương lai của Đài Loan vào năm ngoái, thông điệp của ông ta (2) rất rõ ràng và đáng lo ngại: “Chúng ta có một ý chí vững chắc, hoàn toàn tự tin và đầy đủ khả năng đánh bại bất kỳ hình thức nào trong âm mưu ly khai đòi độc lậpcủa Đài Loan. Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ kẻ nào, bất kỳ tổ chức nào, hoặc bất kỳ đảng phái chính trị nào tách rời bất kỳ phần lãnh thổ nào của người Trung Hoa ra khỏi Trung Hoa ở bất cứ thời điểm nào hoặc dưới bất kỳ hình thức nào.”
Nhận xét này đã kéo theo tràng pháo tay dài nhất trong toàn bộ bài diễn văn dài ba giờ của ông ta – tuy nhiên đó cũng không phải là một thông điệp mới mẻ gì. Sự bất khả chiến bại (invincibility) của quân đội Trung Hoa khi đối diện với “những kẻ ly khai” Đài Loan và một sự tái thống nhất chắc chắn sẽ phải xảy ra vẫn là những chủ đề thường trực của Đảng Cộng Sản Trung Hoa. Trọng điểm của lời đe dọa của ông Tập là Quân đội Giải phóng Nhân dân có sức mạnh để đánh bại quân đội Đài Loan và tiêu diệt nền dân chủ của họ bằng vũ lực, nếu cần. Ở đây, họ Tập hiểu được hậu quả của sự thất bại. “Chúng ta có quyết tâm, có khả năng và sẵn sàng để đối phó với sự độc lập của Đài Loan,” ông ta nói vào năm 2016 (3), “và nếu chúng ta không đối phó được điều đó, chúng ta sẽ bị lật đổ.”
Trung Hoa đã gia tăng áp lực kinh tế và ngoại giao lên hòn đảo này kể từ khi cuộc tuyển cử 2016 đã bầu và chọn Bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) và Đảng Dân Chủ Cấp Tiến (Democratic Progressive Party) có khuynh hướng thiên về một Đài Loan độc lập. Sự phô trương vũ lực của Trung Hoa chung quanh eo biển Đài Loan đã trở nên chuyện thông thường. Nhưng Trung Hoa rất có thể không có khả năng thực hiện các lời đe dọa vẫn được lặp đi lặp lại đó. Mặc dù có một khoảng cách rất lớn về kích thước của hai quốc gia này, tuy vậy có một khả năng thực sự là Đài Loan có thể chống trả lại một cuộc tấn công của Trung Hoa – ngay cả khi không có sự trợ giúp trực tiếp từ Hoa Kỳ.
Trong hai nghiên cứu gần đây, một của Michael Beckley (4), là nhà khoa học chính trị tại Đại học Tufts, và nghiên cứu còn lại của Ian Easton (5), đồng nghiệp tại Học Viện Dự Án 2049 (Project 2049 Institute), qua cuốn sách Hiểm Hoạ của Cuộc Xâm Lăng của Trung Hoa: Sự Phòng Thủ của Đài Loan và Chiến Lược của Mỹ ở Á châu (The Chinese Invasion Threat: Taiwan’s Defense and American Strategy in Asia), đã cho chúng ta thấy một bức tranh rõ ràng hơn về cuộc chiến tranh giữa Đài Loan và lục địa Trung Hoa sẽ có thể diễn ra như thế nào. Căn cứ vào các thống kê, cẩm nang huấn luyện và tài liệu kế hoạch của chính quân đội Trung Hoa, cũng như thông tin từ các cuộc mô phỏng và nghiên cứu được cả hai Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Đài Loan thực hiện, thì nghiên cứu này đã đưa ra một bức tranh rất khác về cuộc xung đột ngang qua eo biển so với các lời tuyên bố diều hâu của các giới chức trong đảng cộng sản Trung Hoa.
Các cấp chỉ huy quân đội Trung Hoa sợ rằng họ có thể bị đẩy vào thế phải đối đầu với một kẻ thù được huấn luyện giỏi hơn, tinh thần chiến đấu cao hơn và được chuẩn bị kỹ càng hơn để đương đầu với những khắc nghiệt của chiến trường so với các đơn vị mà quân đội Trung Hoa ném vào chiến trận để chống lại họ. Một cuộc chiến tranh ngang qua eo biển Đài Loan xem ra rất ít có cơ hội để đem lại một chiến thắng chắc chắn mà rất dễ trở thành một canh bạc vô cùng liều lĩnh cho Trung Hoa.
Tài liệu của quân đội Trung Hoa cho thấy rằng canh bạc này sẽ mở đầu bằng những phi đạn. Trong nhiều tháng, Lực Lượng Hỏa Tiễn (Rocket Force) (6) của quân Trung Hoa sẽ chuẩn bị cho đợt tấn công mở màn này; rồi từ phút giây cuộc chiến bắt đầu cho đến ngày đổ bộ, những phi đạn này sẽ gầm rú trực chỉ tới bờ biển Đài Loan, các sân bay, trung tâm truyền tin, ra-đa, trọng điểm giao thông và văn phòng của các cơ quan chính quyền đều nằm trong tầm bắn của họ. Đồng thời, các điệp viên đặc vụ hoặc các lực lượng đặc công đang thận trọng tiến qua eo biển sẽ bắt đầu một chiến dịch ám sát nhắm vào tổng thống và nội các của bà, các nhà lãnh đạo khác của Đảng Dân Chủ Cấp Tiến, các giới chức chính quyền tại các cơ quan trọng yếu, các nhân sự truyền thông nổi tiếng, các nhà khoa học hoặc kỹ sư quan trọng và gia đình của họ.
Mục tiêu của tất cả các hành động này có hai mặt.
- Về mặt chiến thuật, quân đội Trung Hoa hy vọng sẽ tiêu diệt Không quân Đài Loan ngay trên mặt đất càng nhiều càng tốt, và từ lúc đó trở đi hỗn loạn trên mặt đất sẽ khiến Không quân Đài Loan không thể nhanh chóng cất cánh để đương đầu với Không quân Trung Hoa đang khống chế không trung.
- Đích nhắm thứ hai của chiến dịch tấn công bằng hỏa tiễn sẽ giản dị hơn: Làm tê liệt Đài Loan. Với tổng thống đã chết, lãnh đạo không có, truyền tin im bặt, và không thể vận chuyển, các lực lượng Đài Loan sẽ như thuyền không lái, mất tinh thần, và mất định hướng. Chiến dịch “shock and awe” (“chấn động và sợ hãi”) này sẽ lót đường cho một cuộc đổ bộ.
Cuộc xâm lăng này sẽ là một cuộc hành quân thủy bộ lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Hàng chục ngàn tàu thuyền sẽ được huy động—mà đa số được chỉ huy bởi các thương nhân hàng hải người Hoa – để chở 1 triệu quân Trung Hoa vượt qua eo biển, và sẽ đến bờ trong hai đợt. Trước cuộc đổ bộ, sẽ có một trận pháo kích phủ đầu bằng phi đạn (missiles) và hỏa tiễn (rockets), được phóng đi từ các đơn vị của Lực Lượng Hỏa Tiễn đóng tại Phúc Kiến, hay từ các oanh tạc cơ chiến đấu của Không quân Trung Hoa bay trong vùng eo biển, và cả từ hạm đội hộ tống.
Bị rối trí, mất liên lạc, và tràn ngập, các lực lượng Đài Loan mà cho đến lúc đó vẫn còn sống sót sẽ nhanh chóng bị cạn nguồn tiếp liệu và bắt buộc phải rời bỏ những bãi biển. Một khi đầu cầu đổ bộ trên bãi biển bị chiếm giữ, thì tiến trình tấn công sẽ bắt đầu lại: Với ưu thế tuyệt đối về mặt không quân, quân đội Trung Hoa sẽ chủ động chọn lựa mục tiêu của họ, trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Đài Loan sẽ bị phá hủy, và các đơn vị Đài Loan bị cô lập sẽ bị quét sạch trước sự tiến công của quân Trung Hoa. Trong vòng một tuần, quân Trung Hoa sẽ đặt chân lên thủ đô Đài Bắc; trong vòng hai tuần, họ sẽ áp đặt một thiết quân luật sắt máu lên hòn đảo này nhằm biến nơi đó thành một căn cứ ngoại biên tiền phương (forward operating base) mà quân Trung Hoa sẽ cần đến trong việc phòng thủ chống lại các chiến dịch phản công của Nhật Bản và Mỹ.
Bên trên là tiên liệu tốt đẹp nhất cho quân Trung Hoa. Nhưng không có gì bảo đảm là hòn đảo Đài Loan sẽ thuần phục và bị đánh bại hai tuần sau ngày đổ bộ. Một trong những trở ngại chính yếu cho cuộc tấn công là yếu tố bất ngờ. Quân Trung Hoa sẽ không có được yếu tố này. Cuộc tiến công sẽ xảy ra vào tháng Tư hoặc tháng Mười. Vì những khó khăn của thời tiết nơi eo biển, một đoàn tàu vận tải chỉ có thể băng qua eo biển này ở vào một trong hai khoảng thời gian của bốn tuần lễ nói trên mà thôi. Quy mô quá lớn của cuộc xâm lăng này sẽ làm mất đi yếu tố bất ngờ chiến lược, nhất là lại là có sự xâm nhập sâu rộng vào cả hai bên bởi các cơ quan tình báo của mỗi bên.
Ông Easton ước tính rằng các nhà lãnh đạo Đài Loan, Mỹ và Nhật sẽ biết quân Trung Hoa đang chuẩn bị cho một cuộc động binh ngang qua eo biển hơn 60 ngày trước khi các hành động thù địch khởi đầu. Họ biết chắc chắn sẽ có một cuộc xâm lăng đổ bộ hơn 30 ngày trước khi các phi đạn đầu tiên được khai hỏa. Điều này sẽ giúp cho Đài Loan có đủ thời giờ để di chuyển hạ tầng cơ sở chỉ huy và kiểm soát của họ vào các đường hầm kiên cố hơn trong núi, đem hạm đội của họ ra khỏi các hải cảng dễ bị tấn công, bắt giữ các thành phần bị nghi ngờ làm gián điệp và hoạt động tình báo, đem thủy lôi thả ra trên khắp biển, phân tán và ngụy trang các đơn vị quân đội trên toàn quốc, đặt nền kinh tế vào tình trạng chiến tranh, và phân phát vũ khí cho 2.5 triệu quân trừ bị của Đài Loan.
Chỉ có 13 bãi biển bên bờ phía tây của Đài Loan mà quân Trung Hoa có thể đổ bộ. Mỗi bờ biển đó đều đã được chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với cuộc xung đột có thể xảy ra. Các đường hầm dài trong lòng đất—được hoàn tất với các kho tiếp liệu kiên cố dưới mặt đất—chạy ngang dọc khắp các địa điểm đổ bộ. Các giải đất ở ven biển đã được bao phủ với những cây có lá sắc như dao cạo. Rất thường thấy có nhiều nhà máy hóa chất tại nhiều thành phố vùng biển—có nghĩa là những kẻ xâm lược phải chuẩn bị đối phó với những đám mây khí độc bốc lên một khi có bất kỳ một cuộc bỏ bom bừa bãi nào nhắm vào các địa điểm đó. Còn trong thời bình, thì mọi thứ đều bình thường.
Khi chiến tranh tiến đến, mỗi bãi biển sẽ được biến thành hãng xưởng của tử thần. Lối đi từ những bãi biển này đến thủ đô Đài Bắc đã được tính toán rất thận trọng; một khi tình trạng khẩn cấp được ban hành, mỗi bước đi của quân xâm lăng sẽ trở nên khó khăn hoặc bị gài mìn bẫy. Cẩm nang chiến tranh (war manuals) của quân đội Trung Hoa cảnh cáo binh lính của họ rằng sẽ có dây thép căng ra giữa những tòa nhà chọc trời và những mỏm đá để máy bay trực thăng bay ngang bị vướng vào; đạn dược được giấu dưới đường hầm, và cầu được gài mìn (chỉ cho nổ phá hủy vào giờ phút chót); và từ cao ốc này đến cao ốc khác trong các đô thị đông dân của Đài Loan đều được biến đổi thành những công sự phòng thủ nhỏ để kéo các đơn vị Trung Hoa vào các trận chiến bất tận trên đường phố.
Để hiểu được sức mạnh thực sự của những phòng thủ này, hãy nhìn từ nhãn quan của một người lính Trung Hoa sẽ tham dự cuộc chiến. Giống như hầu hết các binh sĩ khác, anh là một thanh niên ở vùng nông thôn nghèo. Suốt cuộc đời, anh được dạy rằng Đài Loan hoàn toàn bị khuất phục bởi sức mạnh của Trung Hoa. Anh sẽ “phấn khởi” trong việc đem được những kẻ ly khai trở về lại đúng vị trí của họ. Nhưng, sự việc sẽ không diễn ra giống như anh tưởng tượng. Trong những tuần lễ trước chiến tranh, anh khám phá ra rằng chị họ của anh – người vẫn thường gửi tiền về để giúp đỡ cho ông bà của họ tại vùng quê An Huy – đã bị mất việc ở Thượng Hải. Tất cả các khoản tiền chuyển qua ngân hàng (wire money transfer) từ Đài Bắc đều đã ngưng lại, và tiền lương của hàng triệu công nhân Trung Hoa đang làm việc cho các công ty Đài Loan đều bị giữ lại.
Anh binh nhì chào đón sự mở màn của chiến tranh ngay tại Shanwei, nơi mà anh sẽ được cấp tốc đưa vào khóa huấn luyện ba tuần về chiến đấu trong những khu rừng hôi hám và xa lạ ở nam Trung Hoa. Đến lúc đó, mọi thông tin từ bên ngoài đều bị ngăn lại không để anh nhận được, nhưng tin đồn thì vẫn len lỏi vào: Hôm qua, có những thầm thì nói rằng việc tàu hỏa của họ bị chậm trễ tới 10 tiếng không có dính dáng gì đến chuyện hệ thống giao thông bị tràn ngập và mọi thứ đều do bàn tay phá hoại của Đài Loan. Hôm nay, lại có những rỉ tai báo rằng Lữ Đoàn Trưởng của Lữ Đoàn 1 tại Zhanjiang đã bị ám sát. Sang ngày mai, các binh lính phân vân không biết liệu việc mất điện có phải thực sự chỉ là một cố gắng nhằm tiết kiệm năng lượng để dành cho nỗ lực chiến tranh hay không.
Nhưng khi anh di chuyển đến địa điểm xuất phát ở Phúc Châu, thì huyền thoại về sự bách chiến bách thắng của Trung Hoa đã bị vỡ vụn do bởi nhiều thứ chứ không chỉ là do tin đồn. Những đống gạch đổ nát xám xịt của các văn phòng của quân đội Trung Hoa tại Phúc Châu là những cảnh tượng đầu tiên cho anh biết đến sự kinh hoàng của cuộc tấn công bằng phi đạn. Có lẽ anh sẽ được an ủi thêm đôi chút khi nghĩ rằng các đợt pháo kích xuất phát từ Đài Loan dường như ít hơn rất nhiều so với các đợt pháo kích nhắm thẳng vào Đài Loan—nhưng những mường tượng như thế chẳng giúp được mấy trong việc đem lại sự yên ổn trong tâm thần của anh, và anh không có thời giờ để làm quen với chấn động to lớn đó. Bị thổi văng xa bởi những tiếng nổ hãi hùng, niềm tin tưởng vào việc quân đội Trung Hoa có thể giữ cho bản thân anh được an toàn đã bị sứt mẻ.
Đợt pháo kích cuối cùng, khủng khiếp nhất ập đến khi anh bắt đầu lên tàu – là một trong số rất ít người may mắn, anh lên được đúng chiếc thuyền tấn công đổ bộ, không phải là tàu thuyền dân sự được cải biến để dùng cho chiến tranh trong giờ thứ mười một—nhưng đây chỉ là phần đầu tiên của những kinh hoàng trên mặt nước. Một số phương tiện chuyên chở bị ngư lôi của Đài Loan đánh chìm, những ngư lôi này được phóng ra từ các tàu ngầm được lưu giữ để chỉ đem ra sử dụng trong dịp này. Các phi đạn Harpoon, lần đầu tiên trong chiến tranh được đem ra khỏi các hầm trú ẩn kiên cố chống được vũ khí hạt nhân rất an toàn trên núi và được bắn ra từ những chiếc F-16, sẽ phá hủy những tàu thuyền khác. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất đến từ các mìn biển (sea mines). Mọi chiếc tàu trong đoàn đều phải vượt qua hết bãi mìn này đến bãi mìn khác, có vài bãi mìn kéo dài tám dặm ngang qua biển. Rồi say sóng vì những cơn sóng vùi dập nơi eo biển, anh lính này không thể làm gì hơn ngoài việc lầm bầm cầu nguyện cho con tàu của anh ta vượt qua bãi mìn được an toàn.
Khi gần đến bờ, áp lực tâm lý gia tăng. Chiếc thuyền đầu tiên vượt qua bờ sẽ gặp phải, theo như nghiên cứu của Easton, một bức tường đột ngột bốc lửa phóng lên khỏi mặt nước từ hàng dặm dài của những đường ống dẫn dầu chìm bên dưới. Khi con tàu vượt qua đám lửa (anh ta gặp may mắn; còn những người chung quanh thì hoặc là bị bẫy biển, sea traps, đâm trúng hoặc bị vướng vào bẫy), anh còn phải đối diện với những gì mà Easton mô tả như là một dặm đường toàn những “lưới kẽm gai, bảng với móc câu (hook boards), ván, hàng rào dây thép gai, dây chướng ngại vật, dây gắn đinh để làm xì bánh xe (spike strips), mìn, tường chận xe tăng, chướng ngại vật chống xe tăng … cọc tre, cây bị đốn ngã, thùng chứa hàng của xe tải và xe hơi phế thải.”
Ở giai đoạn này, sự an toàn của anh lính này phần lớn tùy thuộc vào việc Không quân Trung Hoa có thể phân biệt được các khẩu súng đại bác thực sự với hàng trăm mục tiêu nhằm đánh lạc hướng (decoy) và các hình nộm (dummy) mà cẩm nang của quân đội Trung Hoa tin rằng Đài Loan đã tạo ra. Tỉ lệ may rủi không thuận lợi cho anh ta: Theo Beckley ghi chú trong một nghiên cứu (7) được công bố vào mùa thu năm ngoái, tại cuộc chiến tranh vùng Vịnh từ năm 1990 đến 1991, liên quân do Mỹ chỉ huy đã thả dù xuống 88,500 tấn súng ống đạn dược nhưng không phá hủy được ngay cả một giàn phóng hỏa tiễn lưu động của Iraq. Chiến dịch 78 ngày của NATO nhằm vào các hệ thống phòng không của Serbia chỉ có thể phá hủy ba trong số 22 giàn phóng hỏa tiễn lưu động của Serbia. Bởi thế, không có lý do gì để nghĩ rằng Không quân Trung Hoa sẽ đạt được tỉ lệ thành công cao hơn khi nhắm bắn vào hệ thống phòng thủ pháo binh và hỏa tiễn lưu động của Đài Loan.
Nhưng nếu anh lính nói trên còn sống sót sau những trận mưa pháo đầu tiên trên bãi biển đổ bộ, thì anh vẫn còn phải tự chiến đấu để tiến qua các đơn vị chính của quân đội Đài Loan, 2.5 triệu quân trừ bị được võ trang, đã phân tán mỏng trong các thành phố đông đúc và trong các rừng rậm của Đài Loan, và qua nhiều dặm đường đầy mìn, mìn bẫy, và các đổ vỡ ngổn ngang. Đối với một anh binh nhì không có chút kinh nghiệm trận mạc, thì đó là cả một nhiệm vụ phi thường có thể đòi hỏi nơi anh. Lại càng là một điều quá sức to lớn khi đòi hỏi điều đó nơi một anh binh nhì đã ngây thơ tin tưởng vào sự bất khả chiến bại của quân đội của anh ta.
Sự phác thảo này nói lên được cảm giác lo âu đã hiện diện trong cẩm nang dành cho cấp sĩ quan của quân đội Trung Hoa. Họ biết chiến tranh sẽ là một canh bạc nguy hiểm, ngay cả khi họ chỉ dám thừa nhận điều đó với nhau mà thôi. Điều này cũng giải thích được các phản ứng dữ dội của đảng cộng sản Trung Hoa đối với việc Đài Loan mua vũ khí, ngay cả đối với những mua bán nhỏ nhất. Niềm đam mê (quyền lực, chiến thắng) của họ hoàn toàn phản nghịch lại với sự giận dữ của họ (trước tiềm năng chiến đấu của Đài Loan). Họ hiểu được những gì Tây phương không hiểu được. Các chuyên viên phân tích người Mỹ sử dụng các từ ngữ như “hệ thống trưởng thành tấn công chính xác,” mature precision-strike regime (8) và “chiến tranh chống truy cập và ngăn chận không cho vào khu vực,” anti-access and area denial warfare (9) để mô tả các kỹ thuật khiến cho việc đưa hải quân và không quân đến gần bờ biển của kẻ thù trở nên cực kỳ khó khăn. Về mặt chi phí, phòng thủ có lợi hơn: Chế tạo một hỏa tiễn để bắn chìm tàu sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc chế tạo một con tàu.
Nhưng nếu điều này có nghĩa là bộ binh Trung Hoa có thể chống trả lại lực lượng của Hoa Kỳ với một giá phí chỉ bằng một phần nhỏ chi phí của Mỹ, thì điều đó cũng có nghĩa là các nền dân chủ nằm trong vòng đai Đông Á có thể ngăn cản sự xâm lược của Trung Hoa cũng với giá chỉ bằng một phần nhỏ trong chi phí của quân đội Trung Hoa. Trong một thời đại mà quốc phòng đang được chú trọng, các quốc gia nhỏ bé như Đài Loan không cần một ngân sách quân sự có kích thước lớn như của quân đội Trung Hoa mới có thể chặn được họ.
Chính dân Đài Loan là những người cần nghe đến điều này hơn ai hết. Trong các chuyến đi Đài Loan, để làm sáng tỏ điều trên, tôi đã theo dõi và phỏng vấn cả binh lính quân dịch và chuyên nghiệp. Sự bi quan của họ là điều có thể thấy được rõ ràng. Sự khủng hoảng tinh thần trong quân đội Đài Loan đã một phần nào phản ảnh sự quản trị rất sai lầm của hệ thống quân dịch, khiến cho chính những người Đài Loan nồng nàn yêu nước cũng tỉnh ngộ qua kinh nghiệm quân sự của họ.
Nhưng điều cũng quan trọng không kém là sự thiếu hiểu biết của người dân Đài Loan về sức mạnh của khả năng tự vệ của họ. Trong một thăm dò gần đây (10) cho thấy 65% người Đài Loan “không có sự tự tin” vào khả năng quân sự của họ có thể chặn đứng được quân Trung Hoa. Nếu không có một chiến dịch mạnh mẽ được thực hiện để hướng dẫn công chúng hiểu rõ rằng quân đội Đài Loan có thể thành công trong việc chống lại quân đội Trung Hoa, thì người dân Đài Loan rất dễ đánh giá sự an toàn của họ dựa trên các số liệu sai lạc, như sự suy giảm của con số các quốc gia còn duy trì quan hệ chính thức với Đài Bắc thay vì Bắc Kinh. Chiến dịch được quân đội Trung Hoa đưa ra thì lại đặc biệt được thiết kế nhằm để áp đảo và đè bẹp tinh thần của quân đội Đài Loan. Chiến trường quan yếu nhất nằm ngay nơi tâm trí của chính người Đài Loan. Tinh thần chủ bại là mối đe dọa nguy hiểm to lớn đối với nền dân chủ Đài Loan hơn cả bất kỳ thứ vũ khí nào của Trung Hoa.
Cả người Tây phương lẫn người Đài Loan đều nên lạc quan hơn về khả năng quốc phòng của Đài Loan. Đúng vậy, quân đội Đài Loan dự liệu (11) rằng họ chỉ có thể ngăn giữ được kẻ thù trong vòng hai tuần lễ sau cuộc đổ bộ—nhưng quân đội Trung Hoa cũng tin rằng nếu không thể đánh bại các lực lượng Đài Loan trong vòng hai tuần, họ sẽ thua cuộc chiến tranh! Đúng vậy, sự chênh lệch giữa ngân sách quốc phòng của hai bên rất lớn và vẫn đang tiếp tục gia tăng—nhưng người Đài Loan không cần đến sự tương đương đó để có thể làm nản lòng Trung Hoa trong ý đồ xâm lăng của họ. Tất cả điều Đài Loan cần là được tự do mua vào những loại vũ khí có thể làm cho cuộc xâm lăng đó có hậu quả tệ hại không thể tưởng tượng được. Nếu trận chiến chính trị đó có thể được giải quyết trong các hội trường của Washington, đảng cộng sản Trung Hoa sẽ không có sức mạnh để đe dọa sẽ đem chiến trận đến ngay bờ biển của Đài Loan.
Chú Thích (từ #2 đến #11 là của nguyên bản):
(1): Nguyên bản bài báo: foreignpolicy.com/2018/09/25/taiwan-can-win-a-war-with-china/
(2): www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2017/10/19/what-xi-jinping-said-about-taiwan-at-the-19th-party-congress/
(3): www.taipeitimes.com/News/editorials/archives/2016/11/14/2003659209/2
(4): www.belfercenter.org/sites/default/files/files/publication/ISEC_a_00294-Beckley_proof3.pdf
(5): www.amazon.com/Chinese-Invasion-Threat-American-Strategy/dp/1546353259/ref=as_li_ss_tl?ie=UTF8&linkCode=sl1&tag=theschssta-20&linkId=aeb7d4269f02be76b6efd9e3bfabdbda
(6): www.csis.org/analysis/pla-rocket-force-evolving-beyond-second-artillery-corps-sac-and-nuclear-dimension
(7): www.belfercenter.org/publication/emerging-military-balance-east-asia-how-chinas-neighbors-can-check-chinese-naval
(8): csbaonline.org/research/publications/maritime-competition-in-a-mature-precision-strike-regime
(9): warontherocks.com/2017/01/demystifying-the-a2ad-buzz/
(10): focustaiwan.tw/news/acs/201804230015.aspx
(11): www.nytimes.com/2017/11/04/world/asia/china-taiwan-military.html
(2): www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2017/10/19/what-xi-jinping-said-about-taiwan-at-the-19th-party-congress/
(3): www.taipeitimes.com/News/editorials/archives/2016/11/14/2003659209/2
(4): www.belfercenter.org/sites/default/files/files/publication/ISEC_a_00294-Beckley_proof3.pdf
(5): www.amazon.com/Chinese-Invasion-Threat-American-Strategy/dp/1546353259/ref=as_li_ss_tl?ie=UTF8&linkCode=sl1&tag=theschssta-20&linkId=aeb7d4269f02be76b6efd9e3bfabdbda
(6): www.csis.org/analysis/pla-rocket-force-evolving-beyond-second-artillery-corps-sac-and-nuclear-dimension
(7): www.belfercenter.org/publication/emerging-military-balance-east-asia-how-chinas-neighbors-can-check-chinese-naval
(8): csbaonline.org/research/publications/maritime-competition-in-a-mature-precision-strike-regime
(9): warontherocks.com/2017/01/demystifying-the-a2ad-buzz/
(10): focustaiwan.tw/news/acs/201804230015.aspx
(11): www.nytimes.com/2017/11/04/world/asia/china-taiwan-military.html
https://nghiencuulichsu.com/2018/10/30/dai-loan-co-thang-trong-cuoc-chien-phong-thu-xam-luoc-tu-trung-quoc/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét