Tác giả Lê Đăng Trình chuyên gia về xuất bản và truyền thông tại Úc có một bài viết trên TheDiplomat cho rằng: đất nước Trung Quốc bị tổn thương với tinh thần dân tộc đang dâng cao đối mặt với những hậu quả về kinh tế trong cuộc chiến thương mại sẽ tạo ra một viễn cảnh nguy hiểm.
Thương mại và biển cả luôn là những thành phần hợp nhất trong cuộc đấu tranh giành quyền lực tối thượng hoàn cầu. Năm 1829, nhà thám hiểm Anh quốc - hiệp sĩ Walter Raleigh đã viết: “Bất cứ ai làm chủ biển cả sẽ làm chủ thương mại; bất cứ ai làm chủ thương mại thế giới sẽ làm chủ của cải trên thế giới; và do đó chính là làm chủ cả thế giới”. Đó là cách để Anh quốc trở thành Pax Britannica"Hòa bình Anh quốc" [thời kỳ tương đối hòa bình khi đế quốc Anh đã trở thành quyền bá chủ toàn cầu và nhận vai trò của một lực lượng cảnh sát toàn cầu] trong thế kỷ 19, và Mỹ trở thành Pax Americana trong thế kỷ 20... Và đây cũng là cách thức dành cho Trung Quốc nếu đất nước này muốn trở thành Pax Sinica trong thế kỷ 21.
Không phải là trùng hợp khi Bắc Kinh có những chiến dịch cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo một cách phi pháp trên Biển Đông khi đất nước này thay Mỹ trở thành đất nước có nền thương mại lớn nhất thế giới. Cùng lúc, trong một diễn văn chưa từng có, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã cáo buộc Mỹ có những hành động quân sự gây hấn trên Biển Đông cùng những thủ đoạn thương mại không công bằng vào đầu tháng 10 vừa qua. Và, cuộc chiến thương mại đang tăng nhiệt được ông Donald Trump khởi động không phải là sự tranh chấp thông thường mà là một bước chuyển từ "chung sống hòa bình sang một hình thức đương đầu mới" giữa 2 siêu cường. Thấu hiểu cuộc chiến thương mại theo cách đó chắc chắn sẽ phải đặt ra những câu hỏi về việc cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng thế nào tới những tranh chấp trên Biển Đông.
Kênh ảnh hưởng chính sẽ là kinh tế. Tính chính thống của một đất nước chuyên chính như Trung Quốc phụ thuộc chủ yếu vào thành quả kinh tế xã hội. Khi đất nước này phải gánh chịu những thách thức về kinh tế, sẽ khiến cho các lãnh đạo ở Trung Nam Hải phải khơi dậy tinh thần dân tộc chủ nghĩa để lái đi sự không bằng lòng của dư luận (ví dụ như quyết định của Argentina khai mào cuộc chiến Falklands năm 1982).
Đầu tháng 10, tàu chiến Trung Quốc và Mỹ đã có cuộc đối đầu nguy hiểm trên Biển Đông.
|
Chắc chắn, cuộc chiến thương mại vừa mới bắt đầu vẫn chưa minh bạch những diễn biến tiếp theo. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đã bị tổn hại. Trong quý 3 năm 2018, tăng trường GDP của Trung Quốc đã hạ xuống mức 6,5% - thấp nhất trong 1 thập kỷ - và có thể sẽ hạ xuống mức 5% nếu phải đối mặt với toàn bộ hậu quả của đà hãm về mậu dịch. Tâm trạng bi quan đã ảnh hưởng tới cả những nhà đầu tư lớn nhất vào Trung Quốc. Morgan Stanley, Nomura Holdings, Jefferies Group và gần đây nhất là JPMorgan đã cắt giảm phần lớn số cổ phiếu Trung Quốc do lo sợ tác động toàn phần của cuộc chiến thương mại. Nếu tình trạng này tiếp tục, sẽ không ngạc nhiên khi Bắc Kinh sẽ chơi con bài "dân tộc chủ nghĩa" bằng cách có lập trường gây hấn hơn trong những tranh chấp trên biển.
Điều này rất dễ xảy ra vì Trung Quốc có khả năng thực hiện nó. Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào việc củng cố năng lực quân sự, đặc biệt là lực lượng hải quân. Bản báo cáo năm 2018 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy hiện Trung Quốc sở hữu "lực lượng dân quân biển lớn nhất và có năng lực nhất". Trong khi đó, Hải quân Mỹ có 282 tàu chiến được triển khai vào tháng 8.2018, Hải quân Trung Quốc có "hơn 300 tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, tàu đỏ bộ, tuần tra, và các loại đặc biệt khác" - là lực lượng hải quân lớn nhất trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo giáo sư Robert S. Ross thuộc đại học Havard, 10 năm trước, nếu có một cuộc chiến hải quân giữa Trung Quốc và Mỹ thì Mỹ sẽ dễ dàng chiến thắng. Nhưng nếu hiện tại xảy ra một cuộc chiến, nó sẽ kéo dài, cực nhọc và gây thiệt hại nặng nề cho cả đôi bên.
Điều này giải thích tại sao Trung Quốc tin tưởng vào lập trường rằng họ sẽ thắng thế trên Biển Đông khi cuộc chiến thương mại bắt đầu. Tiếp theo, khi căng thẳng giữa hai bên leo thang, cuối tháng trước, một tàu khu trục của Trung Quốc đã thách thức tàu chiến Mỹ khi tàu này đang hoạt động ở gần vùng biển cạnh một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp, cải tạo phi pháp.
Năm 2015, Trung Quốc "hứa" sẽ không quân sự hóa Biển Đông, nhưng kể từ đó tới nay Bắc Kinh đã có hành động ráo riết bồi đắp, cải tạo phi pháp và mang tên lửa, máy bay ném bom chiến lược ra Biển Đông.
|
Rủi ro xung đột gia tăng khi nước Mỹ dưới sự chỉ huy của ông Trump không do dự thách thức trực tiếp vị thế của Trung Quốc. Nhà ngoại giao hàng đầu của tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đe dọa sẽ chống lại Trung Quốc bằng mọi biện pháp. Trong những năm gần đây, Mỹ đã đẩy mạnh sự hiện diện quân sự trên Biển Đông thông qua các chiến dịch tuần tra "vì tự do hàng hải" FONOP. Gần đây, Mỹ cũng mở rộng phạm vi tuần tra trên không, khi máy bay P-8A Poseidon bay qua 4 đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo và bồi đắp phi pháp trên Biển Đông vào hồi tháng 8, bất chấp các cảnh báo liên tục của quân đội Trung Quốc. Mỹ cũng khuyến khích các đồng minh của mình hành động như vậy và Pháp cùng Anh đã hưởng ứng lời kêu gọi.
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do rộng mở của ông Trump có thể coi là hành động để cân bằng với "vành đai - con đường" của Trung Quốc. Washington cũng tham gia liên minh Bộ Tứ (Mỹ - Nhật - Ấn - Úc) để kìm hãm tham vọng biển cả của Trung Quốc. Mỹ hiện cũng đã coi Việt Nam là đối tác chiến lược và đã dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam vào năm 2016.
Lập trường "diều hâu" của ông Trump cùng thái độ cứng rắng của Washington trong xung đột với Trung Quốc sẽ không làm cuộc chiến thương mại giảm nhiệt. Người đồng cấp của ông Trump là ông Tập Cận Bình cũng sẽ không lui bước. Được coi là lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Nam Hải kể từ thời ông Đặgng Tiểu Bình, ông Tập Cận Bình sẽ giữ hình ảnh mạnh mẽ trước công chúng nội địa. Ông đã từng chỉ thị cho quân khu theo dõi tình hình Biển Đông và Đài Loan để "chuẩn bị cho chiến tranh", trong nỗ lực để tái khẳng định lập trường của Trung Quốc. Dù rất khó có cơ hội cho chiến tranh nhưng cũng không thể loại trừ điều này sẽ xảy ra.
Với những quốc gia có chủ quyền khác trên Biển Đông, sự rối rắm và phức tạp trong cuộc chiến của các siêu cường tạo ra những hệ quả đa hợp. Về mặt kinh tế, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thực tế có thể sinh lợi cho các nước Đông Nam Á, vì nhiều sản phẩm của hầu hết các nước đều đang cạnh tranh với Trung Quốc. Thiếu vắng các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc, hàng hóa của ASEAN là lựa chọn thay thế lý tưởng. Tiếp theo, đầu tư nước ngoài có thể sẽ chuyển sang các nước ASEAN để tránh mức áp thuế cao, một bước đi thường được gọi tên là chiến lược "Trung Quốc +1". Một tác động tiêu cực có thể xảy ra với các nước Đông Nam Á là hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường nội địa các nước, đe dọa sự sống còn của các nhà sản xuất nội địa, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may, cơ khí, thép và vật liệu xây dựng.
Nhưng trong tranh chấp trên biển đang leo thang, mọi bên đều phải trả giá. Các nước Đông Nam Á muốn có một Biển Đông có trật tự theo nền tảng luật pháp, ổn định, không gia tăng sự mất ổn định hay quân sự hóa. Với lợi ích của mọi bên, việc Mỹ tích cực hoạt động trong khu vực cần nhắm vào việc kiềm chế các hành động của Bắc Kinh và khiến Trung Quốc trở thành một quyền lực có trách nhiệm hơn là khích động "dân tộc chủ nghĩa" hung hăng của Trung Quốc mà rủi ro có thể khiến cả khu vực trở thành chảo lửa của châu Á.
Bị lấn át bởi quân sự và kinh tế của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á không thể đối chọi với Trung Quốc trong một diễn tiến mang tính chạm trán nhiều hơn. Một đất nước Trung Quốc bị tổn thương và với chủ nghĩa dân tộc đang tăng cao, đối mặt với hậu quả của cuộc chiến thương mại sẽ tạo nên một viễn cảnh nguy hiểm với Biển Đông.
https://viettimes.vn/anh-huong-toi-bien-dong-cua-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-307869.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét