SR-72, mẫu máy bay siêu thanh có thể đạt vận tốc Mach 6 và được cho là "truyền nhân" của SR-71 nổi tiếng một thời, sẽ đảm nhận cả 2 sứ mệnh: trinh thám và tấn công trong tương lai.
Có thể nói, một trong những câu chuyện quốc phòng bí ẩn nhất năm 2017 là sự kiện một số nhân chứng "ẩn danh" kể lại rằng họ đã nhìn thấy một thiết bị bay hoàn toàn mới, không định danh, đáp xuống Trường bay thử nghiệm thuộc Nhà máy chế tạo phi cơ Plant 42 của Không quân Mỹ ở Palmdale, California. Thiết bị đó là gì?
Guy Norris, phóng viên của Aviation Week là người tường thuật về câu chuyện nhưng lại không tiết lộ nguồn tin. Ngày 27/9/2017, Norris viết:
"Theo thông tin gửi tới Aviation Week, một mẫu trình diễn công nghệ, được cho là một máy bay không người lái, đã được nhìn thấy bay về hướng Plant 42, nơi đặt tổng hành dinh của Skunk Works. Vật thể bay đã đáp xuống lúc sáng sớm một ngày không xác định cuối tháng 7/2017. Lockheed Martin từ chối bình luận trực tiếp về sự việc".
Skunk Works là biệt danh chỉ các Chương trình phát triển tiên tiến (ADP) của Tập đoàn Lockheed Martin, đơn vị từng cho ra đời nhiều mẫu thiết kế máy bay danh tiếng như U-2, SR-71Blackbird, F-117 Nighthawk, F-22 Raptor và F-35 Lightning II.
Vậy nên, gần như mọi bài viết sau đó dẫn nguồn từ câu chuyện của Norris đều phỏng đoán vật thể mà các nhân chứng nhìn thấy nhiều khả năng có liên quan tới một phương tiện thu thập thông tin tình báo, do thám và trinh sát (ISR) có tầm hoạt động bao phủ toàn cầu hoàn toàn mới: SR-72.
Đây chính là dòng máy bay siêu thanh đã được Skunk Works của Lockheed Martin tiết lộ năm 2013.
Giới chuyên môn đánh giá, SR-72 nhiều khả năng sẽ là "truyền nhân" của SR-71 Blackbird, loại máy bay do thám tầm cao, tốc độ trên Mach 3, chưa một lần bị bắn rơi hay thiệt hại bởi đối phương, ngay cả thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, cho tới tận khi nó chính thức ngưng hoạt động vào năm 1999.
Dựa trên những yêu cầu phát triển một mẫu kế tiếp thay thế cho SR-17 thì dự kiến SR-72 sẽ là một máy bay không người lái hai động cơ, có tầm với toàn cầu, vận tốc trên Mach 6, rất khó bị phát hiện và có thể thực thi sứ mệnh kép (cả ISR và tấn công).
Những tính năng vượt trội
Khi phân tích về vai trò của một phương tiện ISR/tấn công mới, có người lái hay không có người lái, thường đều phải xem xét đến một số giả định gắn với những khả năng nổi bật ở phạm vi hoạt động toàn cầu. SR-72 sẽ phải tích hợp được những khả năng gì?
Khả năng bị phát hiện cực thấp: Mức độ liên quan và chất lượng của bất cứ thông tin tình báo nào cũng sẽ bị giảm sút to lớn nếu đối phương biết được họ đã bị thu thập.
Một phương tiện tấn công và thu thập thông tin tình báo tàng hình, tốc độ siêu nhanh như SR-72 sẽ có thể thu được các tín hiệu, điều kiện khí quyển, tình báo hình ảnh ở rộng khắp các môi trường mà rất ít nguy cơ bị phát hiện.
Ưu điểm này giúp nâng cao tính ứng dụng thực tiễn của thông tin tình báo vì đối phương không biết các giải pháp an ninh của họ đã bị bại lộ.
Cực kỳ kịp thời: Một phương tiện bay siêu tốc (khoảng trên Mach 6) có thể bay qua khu vực mục tiêu cần trinh sát rất nhanh chóng. Tiếp đó, hoặc nó sẽ gửi thông tin tình báo về theo thời gian thực qua đường truyền an toàn hoặc quay trở lại nơi xuất phát để lấy dữ liệu ra rồi tiến hành phân tích thông tin mục tiêu.
Rất khó đánh chặn ngay cả khi bị phát hiện: Một trong những khả năng phòng vệ cơ bản của SR-71 với vận tốc Mach 3+ chính là tốc độ và tầm cao hoạt động của nó. Loại máy bay này có thể thoát khỏi và vượt qua hầu hết các tên lửa và máy bay đánh chặn.
Tuy nhiên, thời gian qua, những tiến bộ về khả năng phát hiện, chiến thuật, máy bay, vũ khí trang bị cho máy bay hay các tên lửa đất đối không, và thậm chí không xa nữa là vũ khí chùm năng lượng tập trung đòi hỏi một phương tiện mới như SR-72 phải có tốc độ nhanh hơn, bay cao hơn và khó bị phát hiện hơn.
Có khả năng ra quyết định nhưng vẫn cần sự can thiệp của con người: Tuy một phương tiện có người lái sẽ khiến kíp bay gặp rủi ro khi do thám đối phương nhưng nó lại cũng giúp kiểm soát khả năng ra quyết định lúc thực thi nhiệm vụ. Có thể, yêu cầu này không quá thiết yếu với vai trò ISR, nhưng lại rất cần đến khi thực hiện sứ mệnh tấn công chiến lược.
Một khi các vũ khí tấn công chiến lược như ICBM và tên lửa hành trình đã nhận lệnh thì khó có thể bấm nút lại hay hủy bỏ, đặc biệt trong môi trường chiến thuật biến động nhanh.
Vì vậy, một phương tiện tấn công chiến lược có người lái với vận tốc siêu nhanh và tầm hoạt động toàn cầu cần có con người giữ vai trò quyết định. Điều này là đặc biệt cần thiết xét cả về cả khía cạnh kinh nghiệm và đạo đức.
SR-72 sẽ nhắm đến các mục tiêu nào?
Với những tính năng tiềm tàng nổi bật trên, những điểm nóng sau đây có thể sẽ trở thành mục tiêu của SR-72 trong các sứ mệnh tương lai.
Triều Tiên
Những tháng vừa qua, cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên đã bị đẩy lên cao độ khi Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Vì thế, theo dõi chính xác và kịp thời hoạt động thử nghiệm thực tế của Triều Tiên cũng như các khả năng phát triển của nước này giữ vai trò trọng yếu trong việc kiểm soát phản ứng của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng và ngăn chặn nó phát triển thành một cuộc xung đột vũ trang.
Một phương tiện trinh sát chiến lược có khả năng tàng hình, di chuyển tốc độ cao và có thể triển khai nhanh tại thực địa như SR-72 sẽ tăng cường vị thế của Mỹ trong việc thu thập thông tin tình báo, đặc biệt ở một trường biến động này.
Tương tự, một phương tiện tấn công siêu thanh, khó bị phát hiện cũng có vai trò chủ chốt trong việc duy trì năng lực tấn công trước nếu diễn biến nhanh chóng của tình hình cho phép.
Iran
Với những thay đổi tiềm ẩn trong học thuyết của Mỹ và chính sách hạt nhân của Iran, việc duy trì thông tin tình báo thời gian thực về chương trình hạt nhân của nước này giữ vai trò quan trọng.
Môi trường chính trị xung quanh Iran và những biến động ngoại giao đi kèm cho thấy, những thông tin tình báo tốt nhất về chương trình hạt nhân của Iran và sự phát triển của bất cứ vũ khí nào cũng phải được thu thập bí mật và kịp thời.
Mặc dù các phương tiện do thám trên quỹ đạo có thể cung cấp những hình ảnh chất lượng cao nhưng chúng không thể thu thập được các mẫu khí quyển giúp phát hiện các vụ thử hạt nhân.
Thực tế, các vệ tinh tình báo muốn tái triển khai nhiệm vụ sẽ không thể xuất hiện đúng vị trí trên quỹ đạo để theo dõi các mục tiêu chủ chốt khiến cho nhu cầu về một phương tiện trinh thám khí quyển năng động hơn, vận tốc nhanh hơn và khó bị phát hiện hơn càng trở nên cấp thiết.
Syria
Mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" giữa Mỹ và Nga trong cuộc khủng hoảng Syria cho tới nay về cơ bản vẫn được kiểm soát tốt. Thế nhưng, nguy cơ xảy ra những vụ đụng độ nghiêm trọng vẫn rất hiện hữu.
Thông tin tình báo thu thập bí mật theo thời gian thực hoặc sát thực về cả hoạt động của Syria và Nga trong khu vực có thể giúp Mỹ kiểm soát ý đồ của mỗi bên, đồng thời giảm bớt nguy cơ vô tình tấn công nhầm đồng minh hay xảy ra xung đột ngoài sự kiến.
Một hệ thống như SR-72 cũng giúp cung cấp cho Mỹ những thông tin tình báo độc quyền mà các quốc gia liên quan khác không thể có, qua đó mang lại lợi thế tình báo chiến lược trong cuộc khủng hoảng.
Tham vọng tầm với toàn cầu
Xét về mặt địa lý, Mỹ được hưởng lợi khi nằm ở vị trí tách biệt với các điểm nóng ở châu Á, châu Phi và Trung Đông. Điều này, một mặt giúp Washington duy trì được an ninh ổn định và ngăn chặn được các xung đột quy mô lớn lan sang đất Mỹ nhưng mặt khác, khoảng cách địa lý cùng đòi hỏi Mỹ phải chủ động kiểm soát trước những khủng hoảng trên quy mô toàn cầu.
Yêu cầu đó đòi hỏi phải có khả năng thu thập tin tức tình báo tầm xa, tốc độ cao và rất kịp thời. Một phương tiện ISR/tấn công mới hiện đại, tốc độ cao và khó bị phát hiện như SR-72 là tối cần thiết để Mỹ duy trì khả năng này. Đó được xem là một yêu cầu bền bỉ, vô hạn định trong kho vũ khí Mỹ.
Tất nhiên, bất cứ một phương tiện trinh thám và tấn công chiến lược mới nào đang phát triển hiện nay cũng chỉ có thể được đưa vào biên chế hoặc triển khai trên thực địa sau nhiều năm nữa. SR-72 cũng không phải là ngoại lệ.
http://soha.vn/vu-khi-bi-an-nhat-nam-2017-dung-de-tan-cong-trieu-tien-syria-iran-hay-con-hon-the-nua-20171016122000746.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét