Trong khi Mỹ và Nga tìm cách sát phạt nhau thì Trung Quốc âm thầm thực hiện các ý đồ chiến lược của họ ở nhiều điểm nóng cạnh tranh địa chính trị theo sách lược binh pháp nổi tiếng của người Trung Hoa từ thời cổ đại là “tọa sơn quan hổ đấu”.
Sai lầm chiến lược của Mỹ là tiếp tục tư duy thời Chiến tranh lạnh để làm tan rã nước Nga như một quốc gia có chủ quyền. Điều này không những là không thể mà còn là vô cùng nguy hiểm. Trong khi Mỹ và Nga tìm cách sát phạt nhau thì Trung Quốc âm thầm thực hiện các ý đồ chiến lược của họ ở nhiều điểm nóng cạnh tranh địa chính trị theo sách lược binh pháp nổi tiếng của người Trung Hoa từ thời cổ đại là “tọa sơn quan hổ đấu”.
Trung Quốc đắc lợi trên hướng Liên minh châu Âu
Các lệnh cấm vận từ Liên minh châu Âu (EU) khiến các thành viên của tổ chức này thiệt hại nhiều tỉ USD. Ngoài Đức và Ba Lan mất hết các hợp đồng mậu dịch với Nga, các nước vùng Baltic như Lithuania, Latvia và Estonia đã kịp nhận thấy GDP của họ đang giảm sút nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng kinh tế tại Đông Âu-khu vực quan trọng đối với địa chính trị và thương mại của Mỹ. Trung Quốc đã giành được tầm ảnh hưởng quan trọng tại cảng Piraeus của Hy Lạp, nhiều hợp đồng kinh tế ở Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan, trong đó có cả những hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Tại Bungary, khi còn ở cương vị Bộ trưởng ngoại giao Mỹ, bà Hillary Clinton đã cố gắng ngăn chặn hợp đồng của nước này với công ty Nhà nước của Nga Rosatom chuyên làm giàu urani. Sau đó, công ty “Rosatom” đã kiện Bulgaria ra tòa và giành phần thắng, buộc Bulgaria phải bồi thường 660 triệu USD-một khoản tiền lớn đối với một quốc gia này. Để bù đắp tổn thất, Bulgaria đã phải tư nhân hóa dự án đó. Đến nay, hành động của Mỹ lại tạo điều kiện cho Trung Quốc thế chân Nga trong việc xây dựng dự án hạt nhân mới ở thị trấn Belene của Bulgaria. Nếu thành công, các công ty chuyên về hạt nhân của Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát toàn bộ cơ sở hạt nhân mới ở Bulgaria với các thiết bị do Nga sản xuất.
Không giống Nga thường dựa vào các khoản vay liên chính phủ để tài trợ cho việc xây dựng nhưng trao quyền quản lý cho chính quyền địa phương đối với các chương trình phát triển hạt nhân, Trung Quốc lại yêu cầu được trao quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong trường hợp này, Trung Quốc sẽ có được quyền kiểm soát một cơ sở hạt nhân lớn ở một quốc gia từng nằm trong khu vực ảnh hưởng của Nga. Điều này làm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Âu.
Một tình thế tương tự đang hình thành ở Ba Lan-nơi Trung Quốc đã có những hợp đồng xây dựng trạm năng lượng hạt nhân mà lẽ ra do Mỹ xây dựng. Nền công nghiệp hạt nhân của Mỹ đang bị tàn phá, với việc công ty Westinghouse đang ở trong tình trạng phá sản, trong khi công ty General Electric không thể tăng vốn cho các lò phản ứng tại các nước phát triển. Trái lại, Trung Quốc đang có có quá nhiều tiền mà, trớ trêu thay, nguồn tiền này chủ yếu có được nhờ hoạt động thương mại với Mỹ!
Với chiến thuật này, Trung Quốc sẽ tạo ra một vành đai năng lượng mở rộng từ Baltic đến Biển Đen với quyền kiểm soát nhiều thành phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng ở Bulgaria, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Romania và Slovakia.
Trung Quốc đắc lợi trên hướng Ukraine
Trong nhiều năm qua, động cơ máy bay vẫn được coi là “tử huyệt” của ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc. Dù đã chế tạo được nhiều loại máy bay chiến đấu, trong đó có cả máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5, nhưng trong lĩnh vực chế tạo động cơ Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu từ Nga. Ngay cả công nghệ sao chép siêu đẳng cũng không giúp được Trung Quốc làm theo công nghệ động cơ của nước ngoài. Do đó, trong nhiều năm qua, Trung Quốc tìm mọi cách để cải thiện khả năng chế tạo động cơ máy bay thông qua hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh ấy, cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Nga ở Ukraine là cơ hội vàng để khai thác công nghệ quân sự của quốc gia này.
Vừa qua, công ty chế tạo động cơ nổi tiếng của Ukraine MotorSich cho biết đã ký kết hợp tác với Tập đoàn hàng không Thiên Kiêu của Trung Quốc sản xuất nhiều loại động cơ máy bay. Trung Quốc còn nhập khẩu công nghệ đồng bộ nghiên cứu phát triển và sản xuất máy bay vận tải cỡ lớn An-225 của Ukraine. Đây là những công nghệ rất quan trọng đối với Trung Quốc.
Phía Ukraine còn dự kiến mở rộng hợp tác xây dựng hệ thống tàu điện ngầm với các nhà đầu tư Trung Quốc. Đây sẽ là dự án đầu tiên trong số rất nhiều dự án hạ tầng mà Trung Quốc sẽ đầu tư vốn. Các doanh nghiệp Trung Quốc còn muốn thành lập nhiều nhà máy ở Ukraine vì giá lao động ở đây thấp.
Trung Quốc đắc lợi trên hướng Nga
Gần như đồng thời với tuyên bố trên của EU cấm vận Nga, Tổng thống V.Putin dự lễ khởi công xây dựng đường ống dẫn dầu lớn hàng đầu thế giới tại đông Siberia theo đề án hợp tác với Trung Quốc. Tại đâyy, Tổng thống Nga V.Putin nói:"Nhìn chung, chúng tôi rất thận trọng cân nhắc việc cho phép đối tác nước ngoài tham gia các dự án dầu mỏ của mình, tuy nhiên đối với người bạn Trung Quốc chắc chắn sẽ không có giới hạn nào".
Do tác động từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trong đó quan hệ giữa Nga với Mỹ và EU trở nên tồi tệ, Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận khí đốt khổng lồ với Matxcơva đã từng bị trì hoãn từ lâu do vướng mắc về vấn đề giá với tập đoàn Gazprom của Nga. Không những thế, Trung Quốc còn theo đuổi tham vọng tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất dầu khí.
Trung Quốc có kế hoạch hợp tác với Nga xây dựng tuyến dẫn khí đốt dài 4.000km trị giá tới 400 tỷ USD
Rút cuộc, Gazprom đã phải ký bản hợp đồng kéo dài 30 năm trị giá khoảng 400 tỷ USD với Trung Quốc sau gần một thập kỷ nắm những lợi thế thương thảo. Hợp đồng này ràng buộc Nga vào mối quan hệ đối tác lâu dài với Trung Quốc. Ngoài lợi ích rõ ràng về dầu khí, Bắc Kinh còn tận dụng bối cảnh thị trường tiêu dùng của Nga đang thiếu nguồn cung để tăng cường sự hiện diện của họ tại đây sau khi chính phủ Nga trả đũa châu Âu bằng cách cấm nhập nông sản và hàng tiêu dùng từ các thành viên EU.
Trung Quốc đắc lợi trên hướng quan hệ với Mỹ
Đối với Mỹ, Trung Quốc từ “kẻ thù” như tuyên bố của Donald Trump, trở thành đối tác quan trọng nhất. Trong cuộc gặp giữa Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì trong chuyến thăm ngắn ngày tới Mỹ với Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson, hai bên đã khẳng định:
(1) Duy trì trạng thái phát triển tốt đẹp quan hệ Trung-Mỹ là điều phù hợp với lợi ích chung của hai nước và cũng là mong muốn chung của cộng đồng quốc tế.
(2) Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump, quan hệ Trung-Mỹ thu được nhiều kết quả hết sức quan trọng và tích cực, do đó hai nước nên thực hiện tốt nhận thức chung mà lãnh đạo hai nước đạt được, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, quản lý bất đồng, nhằm bảo đảm cho sự phát triển ổn định lành mạnh quan hệ hai nước hướng đến tương lai.
(3) Tổng thống Donald Trump sẽ thăm Trung Quốc trong tháng 11/2017, còn phía Trung Quốc sẽ nỗ lực cùng với phía Mỹ để cho chuyến thăm giành được kết quả tốt.
(4) Hai bên tiếp tục tăng cường các chuyến thăm cấp cao, tổ chức tốt các cuộc đối thoại mang tính cơ chế song phương, đẩy mạnh hợp tác và trao đổi trong các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Theo Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson, Tổng thống Donald Trump hết sức kỳ vọng cho chuyến thăm Trung Quốc trong tháng 11/2017 để cùng với Chủ tịch Tập Cận Bình xác định khung quan hệ hai nước. Theo đó, phía Mỹ sẽ cùng với phía Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, hướng đến tương lai. Vừa qua, lô hàng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên của Mỹ từ lục địa Mỹ đã đến Trung Quốc sau khi tái thiết kênh đào Panama đã tạo điều kiện cho các nhà cung cấp khí đốt Mỹ thâm nhập vào thị trường châu Á.
Theo thỏa thuận 10 điểm với Trung Quốc do Bộ Trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross công bố, Mỹ sẽ bán LNG cho Trung Quốc, còn Bắc Kinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Mỹ thâm nhập thị trường Trung Quốc, theo đó các công ty tài chính Mỹ có thể được phép cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng ở Trung Quốc. Ngược lại, các ngân hàng Trung Quốc cũng sẽ dễ dàng được phép hoạt động ở Mỹ. Đây là tiến bộ cụ thể nhất từ khi Tổng Thống Donald Trump nhậm chức.
Ông Wilbur Ross còn cho biết, thỏa thuận Mỹ-Trung sẽ “giải phóng” cho ngành năng lượng Mỹ vì Trung Quốc là nước mua LNG nhiều nhất thế giới. Nếu mọi sự diễn tiến tốt đẹp, tới năm 2030 Trung Quốc sẽ mua 26 tỷ USD LNG của Mỹ tính theo giá hiện nay. Ngoài ra, Washington cũng đồng ý công nhận sáng kiến “Vành Đai và Con Đường”-một chiến lược đầy tham vọng của Trung Quốc có tiềm năng là kế hoạch phát triển lớn lao nhất trong lịch sử nhân loại
http://viettimes.vn/chinh-sach-toa-son-quan-ho-dau-cua-bac-kinh-trong-tam-giac-quan-he-myngatrung-142977.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét