Trận đánh đáng nhớ nhất của quân Đại Nam mà không phải ai cũng biết chính là trận đánh tại nơi mà quân Pháp đặt chân đầu tiên đến Đại Nam vào năm 1858: Đà Nẵng. Cuộc đụng độ đầu tiên đó ghi nhận những nỗ lực to lớn của quân nhà Nguyễn với vũ khí thô sơ, phải đương đầu với vũ khí hiện đại hàng đầu thế giới lúc bấy giờ.
Quân Pháp đến Đà Nẵng
Thế kỷ 16 người Tây phương với vũ khí hiện đại đã dòm ngó và thôn tính các vùng đất ở phương Đông. Năm 1563, người Bồ Đào Nha xâm nhập Ma Cao. Năm 1568, người Tây Ban Nha chiếm Philippines, người Hà Lan chiếm Indonesia.
Sang thế kỷ 18, người Pháp cũng muốn chiếm thêm các nước bản địa ở Đông Nam Á. Sau hai đợt ra quân nhằm thăm dò lực lượng phòng thủ bờ biển của nhà Nguyễn ở Đà Nẵng, năm 1857, người Pháp quyết định chọn Đà Nẵng để tấn công đầu tiên, bởi nơi đây có hải cảng sâu và rộng rãi, rất thuận tiện cho các tàu chiến tiến vào, dễ dàng sang Lào và Campuchia, lại chỉ cách kinh đô Huế chỉ khoảng 100 km, đáp ứng được yêu cầu “đánh nhanh thắng nhanh”.
Để tấn công Đà Nẵng, quân Pháp có thêm đồng minh là Tây Ban Nha. Ban đầu lực lượng liên quân có 3.000 quân (phía Tây Ban Nha có 450 quân) cùng 14 chiến hạm, trong đó có soái hoạm Némésis. Đây là những chiến hạm hiện đại nhất vào thời điểm đó, mỗi chiến hạm được trang bị 50 đại bác với sức công phá rất mạnh.
Lực lượng quân Đại Nam ban đầu có 2.000 lính chính quy dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Trần Hoằng.
Quân Pháp do phó Đô đốc Hải quân De Genouilly chỉ huy, quân Tây Ban Nha do đại tá Lanzarotte chỉ huy xuất phát từ đảo cảng Yulikan đảo Hải Nam (Trung Quốc) tiến đến Đà Nẵng bắt đầu cuộc chiến tại Đông Dương. Đến chiều tối ngày 31/8/1858, toàn bộ lực lượng liên quân đã có mặt tại cửa biển Đà Nẵng.
Sáng 1/9, De Genouilly gửi tối hậu thư cho tướng trấn thủ Đà Nẵng yêu cầu trong 2 giờ phải giao nộp toàn bộ thành trì. Sau 2 giờ vẫn không nhận được trả lời, De Genouilly ra lệnh khai hỏa, lập tức toàn bộ đại bác đặt trên các chiến hạm bắn vào cửa sông Đà Nẵng cũng như các đồn trong bán đảo Sơn Trà.
Sau nửa giờ nã pháo dồn dập nhằm vô hiệu hóa khả năng phòng thủ, De Genouilly ra lệnh cho quân sĩ đổ bộ. Liên quân đổ bộ tấn công phía hữu ngạn, vừa đi vừa hô “Vive l’Empereur!” (tức Hoàng Đế vạn tuế) dưới sự yểm trợ của đại bác trên các chiến hạm, sức công phá mạnh mẽ khiến các pháo đài quân Đại Nam bị tiêu diệt. Thành An Hải cùng các pháo đài Phòng Hải, Trấn Dương, các Đồn trấn thủ đều lần lượt lọt vào tay quân Pháp. Chiều ngày 1/9, liên quân làm chủ hoàn toàn vùng Tiên Sa.
Sau khi chiếm được phía hữu ngạn, sáng ngày 2/9 liên quân tiến đánh phía tả ngạn, tàu El Cano của Tây Ban Nha cùng 5 tàu khác nã pháo liên tục vào thành Điện Hải – căn cứ chủ yếu của Đà Nẵng. Quân Đại Nam sau nửa giờ chịu đựng hỏa lực của đạn pháo đã quyết định vừa bắn vừa lùi, lập phòng tuyến Liêu Trì trước huyện Hòa Vang để ngăn liên quân tiến sâu vào Đà Nẵng.
Liên quân sau khi chiếm được thành Điện Hải thì phá hủy hết kho tàng vũ khí rồi rút vào Tiên Sa vì lo ngại nếu ở lại có thể gặp phải đợt phản công; đồng thời phòng thủ Mỹ Khê đề phòng bị đánh vào mạn sườn ở phía Đông.
Liên quân thu được 450 đại bác bằng đồng và gang, được xem là đẹp và tốt hơn đại bác của Trung Quốc mà quân Pháp thu được ở Quảng Đông, tuy thế vẫn kém nhiều so với đại bác được liên quân trang bị. Phía liên quân cũng bắt được 100 binh sĩ và 3 quan võ.
Tại Huế vua Tự Đức nghe tin liền cách chức Tổng đốc Trần Hoằng, cho Đào Trí lên tạm thay, đồng thời cho 2.000 cấm vệ quân tinh nhuệ của nhà Nguyễn từ Huế đến tiếp viện.
Lúc này liên quân làm chủ bán đảo Tiên Sa ở hữu ngạn. Sau khi liên quân rút khỏi phía tả ngạn, quân Đại Nam đã đến và cố gắng củng cố trở lại.
Ngày 13-9-1858, Genouilly lại nhận thêm viện binh từ Manila do tàu Durance chở đến, gồm 550 người, cả lính và sĩ quan, do đại tá Lanzarote chỉ huy.
Khi súng hỏa mai phải chống lại vũ khí hiện đại bậc nhất thế giới
Ngày 6/10 tàu quân Pháp đi ngược sông Hàn tấn công các cứ điểm phòng thủ của quân nhà Nguyễn, đổ bộ tấn công đồn Mỹ Thị. Quân Nguyễn đưa binh đến ứng cứu, hai bên đánh nhau to ở làng Cẩm Lệ. Quân Đại Nam phải đối mặt với loại súng trường bắn rất nhanh và chính xác so với thời đó. Tuy nhiên quân Nguyễn chỉ có súng hỏa mai (điểu thương cò máy đá), bắn được một viên thì lại lo nạp đạn, khoảng cách sát thương rất gần, lại trang bị thiếu thốn. Thế nhưng quân Nguyễn vẫn cố gắng đến cùng nhằm ngăn cản quân Pháp. Thống chế Lê Đình Lý chỉ huy quân đến ứng cứu bị thương nặng, vài hôm sau thì mất.
Hồ Đắc Tú chỉ huy đồn Hóa Khuê dù ở gần đó nhưng khi nghe tiếng súng ầm ầm và hỏa lực mạnh của Pháp thì lo sợ đóng chặt cửa mà không cho quân đi ứng cứu. Cuối cùng dù với vũ khí thô sơ nhưng với nỗ lực tận cùng, quân Đại Nam cũng giữ được đồn Mỹ Thị, quân Pháp phải rút lui khỏi đây.
Vua Tự Đức cho cách chức Hồ Đắc Tú, rồi cử tướng Nguyễn Tri Phương làm Tổng thống Quân vụ Quảng Nam, Nguyễn Thế Hiển làm tham tán, với hy vọng ngăn được quân Pháp
Đến Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương sau khi nắm tình hình cho rằng vũ khí của liên quân hiện đại và hỏa lực mạnh vượt xa vũ khí của mình, nên chủ trương tránh đánh trực diện để tránh sức mạnh hỏa lực của đối phương, thực hiện “vườn không nhà trống” nhằm cắt nguồn lương thực, cho quân mai phục nếu bên liên quân tấn công.
Tháng 11/1858, quân Pháp lại cho tàu đi ngược sông Hàn vào sông Nại Hiên mở cuộc tấn công mới, quân Đại Nam mai phục hai bên bờ sông, khi quân Pháp đến thì bất ngờ xông ra đánh, quân Pháp thất bại phải rút lui.
Ngày 21/12, quân Pháp lại cho tàu ngược sông Hàn đánh các đồn Nại Hiên và Hóa Khuê. Dưới hỏa lực quân Pháp, quân Đại Nam đã anh dũng chống lại. Dù quân Pháp vừa đông vừa có vũ khí mạnh hơn, quân cứu viện không đến kịp, nhưng hai tướng chỉ huy là Nguyễn Triều và Nguyễn An vẫn quả cảm cùng quân binh chống lại đến cùng cho đến khi cả hai đều trúng đạn và tử trận. Quân tiếp viện dù đến muộn nhưng đã nỗ lực tấn công đánh thẳng vào quân Pháp khiến quân Pháp phải tháo chạy.
Sự ra đi của hai tướng Nguyễn Triều và Nguyễn An gây xúc động và cũng giúp động viên rất lớn đến quân Đại Nam ở Đà Nẵng. Vua Tự Đức cũng tiếc thương mà than rằng: “Quân đã cô, cứu viện lại không có; một quan tướng đã khó tìm, huống chi chết đến hai; bọn tổng đốc (chỉ Nguyễn Tri Phương) không đau lòng sao?”.
Sau đó quân Pháp còn vài lần cho quân tiến đánh nhưng lần nào quân Đại Nam cũng anh dũng chống trả quyết liệt, khiến quân Pháp gặp tổn thất lớn mà không chiếm được đồn nào.
Tiếng hô của quân Pháp “Vive l’Empereur!” (tức Hoàng Đế vạn tuế) ngày đầu đến Đà Nẵng cũng biến mất không biết từ khi nào.
Liên quân bị sa lầy ở Đà Nẵng
Tháng 1/1859, sau khi nghiên cứu trận địa, Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển cho xây thêm một đồn ở Liên Trì.
Quân Pháp cho quân tấn công Thạc Gián và Nại Hiên, quân Đại Nam tránh đánh đối mặt mà mai phục sẵn đợi quân Pháp rồi đánh, khiến quân Pháp tiếp tục nhận thảm bại và rút lui. Vua Tự Đức hay tin đã gửi tặng Nguyễn Tri Phương một thanh ngự kiếm và sâm quế để khích lệ.
Nguyễn Tri Phương lại cho đắp một lũy đất chạy từ thành Điện Hải bao quanh Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián. Bên ngoài lũy là hào sâu đào theo kiểu chữ “Phẩm” (品), dưới đáy cắm đầy chông tre, trên đậy bằng vĩ tre phủ đất và trồng cỏ ngụy trang. Sau lũy luôn luôn có quân mai phục, sẵn sàng nổ súng chống trả.
Khi bên liên quân ba mặt tấn công vào đồn, số bị rơi xuống hào sâu, số bị chông tre đâm, số còn lại bị quân Đại Nam phục kích bắn. Liên quân bị tổn thất rất nhiều, phải rút hẳn về căn cứ ở Tiên Sa.
Vua Tự Đức nhận tin vui thì lệnh ban thưởng tiền cho quân sĩ, lệnh cho tỉnh Quảng Nam mang thịt trâu cùng rượu ra chiến tuyến để khao quân sĩ.
Liên quân thất bại và hoàn toàn sa lầy ở Đà Nẵng. Diễn biến tại đây vượt xa dự đoán lạc quan ban đầu của Pháp và Tây Ban Nha. Ban đầu khi hoạch định kế hoạch đánh Đại Nam, người Pháp cho rằng với vũ khí hiện đại của phương Tây, việc giành chiến thắng sẽ không khó khăn, chiếm được Đà Nẵng rồi đến kinh đô Huế, buộc triều đình phải đầu hàng nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc chiến. Nhưng viễn cảnh Đà Nẵng lại hoàn toàn trái ngược.
Quân Pháp cũng muốn dùng các chiến hạm của mình đến đánh thẳng vào kinh thành Huế, nhưng các chiến hạm hiện đại của Pháp chỉ di chuyển được vùng đáy sâu, không vào được lòng sông cạn dẫn đến kinh thành.
Để giải quyết việc bị sa lầy ở Đà Nẵng, quân Pháp quyết định chuyển hướng sang tấn công Sài Gòn – Gia Định, bởi việc tấn công vào nơi đây có lợi thế là thuận theo gió mùa và sông sâu. Sài Gòn lại là trung tâm kinh tế lớn, trù phú.
Với số viện binh mới sang, ngày 2/2/1859, liên quân Pháp – Tây Ban Nha với 2.176 lính và sĩ quan cùng 10 chiến hạm (9 của Pháp, 1 của Tây Ban Nha), 4 thương thuyền chở quân dụng rời Đà Nẵng tiến về phía Nam.
Đại tá Faucon cùng vài trăm quân ở lại căn cứ Tiên Sa cố thủ chờ quân chủ lực.
Sau khi liên quân đến đánh chiếm thành Gia Định, sắp đặt xong xuôi, Genouilly đưa 3.000 quân trở lại Đà Nẵng vào ngày 15/4/1859, chuẩn bị tiếp tục cho cuộc chiến tại đây.
Rút lui nhằm bảo toàn lực lượng
Đúng 5 ngày sau vào ngày 20/4/1859, liên quân tấn công vào phía tả ngạn, mở cuộc tấn công dữ dội vào thành Điện Hải. Nguyễn Tri Phương cho quân đánh trả quyết liệt, nhưng đứng trước hỏa lực rất mạnh ông phải cho quân rút lui để bảo toàn lực lượng.
Với mong muốn đánh nhanh thắng nhanh, ngày 8/5/1859 liên quân chia làm 3 cánh tấn công theo 2 hướng nhằm tạo thành gọng kìm siết chặt quân Đại Nam.
Cánh quân của Reybaud đánh từ hướng biển vào, nhắm vào các đồn Du Xuyên, Hải Châu, rồi tiến về Thạc Gián, Phước Ninh. Còn cánh của Faucon thì đánh Thạc Gián, Phước Ninh rồi tiến chếch về phía biển để bắt tay với quân của Reybaud. Trung quân của Lanzarote gồm những tay súng thiện xạ, lúc thì tiến qua trái giúp Faucon, lúc qua phải giúp Reybaud.
Trước đó Nguyễn Tri Phương cho quân và dân Đà Nẵng xây một phòng tuyến dài 3 km chạy từ Điện Hải đến Nại Hiên nhằm phòng thủ.
Sáng sớm ngày 8/5, đạn pháo liên quân nhắm thẳng vào các đồn của Đại Nam mà trút đạn như mưa, các cánh quân cũng lần lượt xuất kích. Do biết trước địa hình phòng thủ của quân Đại Nam từ các đợt tấn công trước, vì thế mà chông tre hay hào sâu không còn làm liên quân bất ngờ. Liên quân vượt qua được các hố chông áp sát lũy đất. Quân Đại Nam dựa vào lũy đất bắn trả, nhưng súng hỏa mai thủ công, chỉ bắn được một phát rồi lại lo nạp đạn nên rất chậm, tằm bắn cũng ngắn. Dù thế quân nhà Nguyễn vẫn kiên cường cố thủ, Hiệp quản Phan Hữu Điểm vì thế mà trúng đạn hy sinh.
Nguyễn Tri Phương quan sát tình thế, thấy không thể tiếp tục cầm cự được, để bảo toàn lực lượng cho các trận đánh sau, ông quyết định rút khỏi phòng tuyến thứ nhất với các đồn Du Xuyên, Thạc Gián, Hải Châu để bảo vệ phòng tuyến thứ 2 là các đồn các đồn Liên Trì, Nại Hiên và Nghi Xuân…
Trong khi đó cánh quân tấn công vào Thạc Gián và hai đồn thượng hạ ở Hải Châu bị đội quân Ứng Nghĩa của Phạm Gia Vĩnh phối hợp cùng quân triều đình đánh cho liên quân tan tác, thua trận phải bỏ chạy về bán đảo Sơn Trà.
Đến hơn 10 giờ sáng thì cuộc chiến kết thúc, quân Đại Nam bị mất 3 đồn lớn cùng 54 khẩu đại bác, Hiệp quản Phan Hữu Điểm cùng 700 binh sĩ tử trận; phía liên quân có hơn 100 người bị tử trận. Đây được xem là trận đánh lớn nhất ở Đà nẵng từ trước đến nay của hai bên.
Thời tiết và bệnh dịch kìm chân Liên quân
Quân Đại Nam rút về phòng tuyến thứ hai phòng thủ khá kiên cố, khiến liên quân không dễ tấn công. Lúc này cái nóng của mùa hè khiến binh lính liên quân rất khó chịu. Tháng 6 và tháng 7 một trận dịch tả hoành hoành ở căn cứ của liên quân khiến số người chết cứ tăng lên. Hai đại úy là Loubière và Gascon Cadubon đã chết bởi bệnh ôn dịch. Trong vòng một tháng (15/6 đến 18/7) tiểu đoàn 3 bị chết 136 người.
Thời tiết nóng nực cùng dịch bệnh làm hao mòn sức tấn công của liên quân. Kể từ khi tấn công Đà Nẵng ngày 1/9/1858 cho đến tháng 7/1859, suốt 10 tháng đó liên quân chỉ chiếm được bán đảo Sơn Trà cùng vài đồn lẻ tẻ ngoài rìa Đà Nẵng mà không tiến sâu vào được.
Mặt khác sau vài lần cho thêm viện binh, bên chính quốc (Pháp) lại khó khăn nên không thể chi viện thêm được nữa. Những điều này đã khiến cho Liên quân bị sa lầy ở Đà Nẵng.
Quân Pháp phải nghị hòa
Để giải quyết tình trạng này, chính quyền Pháp đã lệnh cho De Genouilly phải chủ động nghị hòa với triều đình nhà Nguyễn.
Để có được thế mạnh khi nghị hòa, De Genouilly cho tàu chiến đi bắn phá bãi Cam ở Bình Định, pháo đài Hổ Cứ, thiêu hủy các tàu thuyền của triều đình và người dân vùng Quảng Bình và Quảng Trị.
Đến ngày 20/6/1859 de Genouilly đã đề nghị nghị hòa với chỉ 3 điều khoản ngắn gọn như sau:
- Tự do truyền giáo
- Tự do thương mại
- Mở nhượng địa ở vùng đất nhỏ nhằm đảm bảo việc thực hiện nghị hòa
Triều đình lúng túng, cuộc chiến quả cảm của người Đà Nẵng tiếp tục
Vua Tự Đức nhận được bản nghị hòa này không biết nên làm thế nào, nên đưa ra triều đình để bàn bạc. Tuy nhiên các quan trong triều đình đều có nhiều ý kiến khác nhau, tập trung lại thì có 3 nhóm ý kiến như sau:
- Nhóm Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Lưu Lượng cho rằng nên giảng hòa, nhưng trước đó cần củng cố thế trận phòng thủ thật vững rồi hẵng hòa.
- Nhóm Trần Văn Trung, Trương Quốc Dụng, Tống Phước Minh, Lâm Duy Hiệp, Phan Huy Vịnh v.v. cho rằng nhà Thanh mạnh thế mà còn không chống cự nổi phương Tây nên mình cũng khó thắng, nên hãy cố thủ cho vững, “lấy cách chủ đãi khách mà đối phó để làm kế trì cửu rồi sau sẽ tùy cơ xử trí.”
- Nhóm Tô Linh, Phạm Hữu Nghị, Trần Văn Vi, Nguyễn Đăng Điều, Lê Hiếu Hữu v.v. thì quyết chủ chiến.
Nhiều quan khác cũng góp nhiều ý kiến khác nhau, khiến vua Tự Đức rối như tơ vò nói: “các ngươi biết rằng chiến thủ là khó, không biết rằng hòa lại càng khó hơn”.
Trong khi nhà Vua không biết quyết như thế nào thì Bùi Quị đi công cán từ phía Bắc trở về đã tâu rằng: “Đình thần kẻ nói hòa người nói thủ, kẻ bàn chống người bàn chèo, ai giữ ý nấy, như vậy, gặp việc gấp rút sao giúp nhau được. Xin Hoàng thượng độc đoán, tự định qui mô để ai nấy phải theo.”Vua cho là phải liền giao cho Nguyễn Tri Phương cầm đầu việc thương nghị.
Cuộc thương nghi kéo dài qua hai tháng 7 và 8 nhưng không đi đến được kết quả nào, bởi 3 điều mà Pháp đưa ra đều là những điều cấm kỵ đối với triều đình nhà Nguyễn.
Giữa lúc hai bên đang bàn nghị hòa thì tháng 8/1859, Nguyển Tư Giản dâng mật sớ tâu không nên hòa. Sự việc được quyết định rồi, nay có người tâu nên làm khác đi khiến nhà Vua không biết nên xử trí ra sao, nên lại đưa ra bàn với các đại thần trong triều.
Phan Thanh Giản và Trương Đăng Quế cho rằng việc nhượng đất là không chấp nhận được; việc tự do thương mại thì đã có lệ, tức có thể đến buôn bán nhưng không được lập cơ sở; còn việc truyền giáo có thể bỏ lệnh cấm truyền giáo nhằm chấm dứt can qua.
Nhà Vua nhiều việc không biết nên quyết định ra sao, nên ý chỉ truyền đến Nguyễn Tri Phương không được rõ ràng, vì thế trên bàn nghị hòa một số việc Nguyễn Trí Phương lúng túng không biết xử lý như thế nào cho đúng ý Vua.
Genouilly thấy việc nghị hòa kéo dài mà không đưa đến được kết quả nào, cho rằng phía Đại Nam không có thiện chí, mượn cớ nghị hòa nhằm kéo dài thời gian để củng cố lực lượng. Lúc này mùa hè sắp qua, những khó khăn về thời tiết nóng nực hay dịch bệnh cũng không còn, vì thế vào ngày7/9 Genouilly tuyên bố chấm dứt nghị hòa, chuẩn bị cuộc chiến vào phòng tuyến thứ 2 nhằm thẳng tiến đến trung tâm Đà Nẵng.
Và cuộc chiến quả cảm của người Đà Nẵng chống lại đội quân được trang bị hiện đại hàng đầu thế giới lại tiếp tục.
Sau khi nhận thêm viện binh 1.734 quân từ hai tàu Dijon và Duchayla, ngày 15/9/1859, Liên quân mở cuộc tấn công vào phòng tuyến thứ 2 của quân Đại Nam, người lên kế hoạch tấn công lần này là thiếu tá Dupré Déroulède, một sĩ quan công binh nhưng lại giàu khả năng tham mưu và tác chiến.
Trận đánh tại phòng tuyến thứ 2
Phòng tuyến thứ hai ở Đà Nẵng là hệ thống đồn cùng chiến lũy kéo dài 1.500 mét, trong đó có hai căn cứ chủ yếu là Liên Trì và Nại Hiên. Phòng tuyến thứ hai này được quân Pháp cho là kiên cố hơn phòng tuyến thứ nhất.
Bên Liên quân chia làm 3 cánh cụ thể như sau:
- Cánh trái do đại tá Reynaud chỉ huy các đại đội Tây Ban Nha và Pháp đánh vào đồn Nại Hiên án ngữ giữa sông Hàn và các công sự phụ thuộc.
- Cánh phải do đại tá Reybaud chỉ huy 7 đại đội bộ binh tấn công đồn Liên Trì và hệ thống phòng thủ phụ thuộc.
- Trung quân tấn công vào hệ thống phòng thủ gồm những pháo đài nối liền hai đồn Liên Trì và Nại Hiên.
Đúng 4 giờ sáng ngày 15/9, Liên quân rời trại lên tàu chuẩn bị cẩn thận cho cuộc tấn công quyết định này. Khi bình minh ló dạng Liên quân chia làm 3 mũi tấn công, quân Pháp vừa đi vừa hô to “Vive l’Empereur!” (tức Hoàng Đế vạn tuế) nhằm lên tinh thần.
Đại bác từ tàu chiến và căn cứ Điện Hải của Liên quân trút hỏa lực ầm ầm vào đồn lũy của quân Đại Nam.
Cánh phải của Liên quân đụng độ mạnh với 2.000 quân Đại Nam ở Liên Trì và Phước Trì. Vũ khí thô sơ chỉ sát thương được tầm gần vì thế mà quân Việt hăng hái xông ra khỏi chiến lũy, giáp chiến tầm gần với Liên quân.
Hai bên nổ súng ác liệt, sự quả cảm của quân Việt khiến Liên quân bị đẩy lùi dần. Genouilly lo lắng điều thêm đại đội Tây Ban Nha đến tiếp ứng, nhờ đấy Liên quân mới lấy lại được thế trận. Quân Đại Nam rút về bảo vệ đồn lũy.
Đạn pháo cùng hỏa lực của Liên quân trút tới. Không thể để binh sĩ tử vong nhiều, Phạm Thế Hiển và Nguyễn Hiên đành cho quân rút khỏi Liên Trì và Phước Trì, chạy đến hướng đèo Hải Vân, chặn con đường đến kinh đô Huế.
Cánh trái của đại tá Reynaud tấn công đồn Nại Hiên dưới sự yếm trợ của pháo binh. Đạn pháo nã vào ầm ầm. Suất đội Hồ Văn Đa và các Đội trưởng Lê Văn Nghĩa, Đoàn Văn Thức quá khiếp sợ trước hỏa lực hùng hậu của Liên quân, đã bỏ hàng ngũ, tìm đường trốn chạy, làm quân sĩ mất tinh thần, khiến phòng tuyến vỡ nhanh hơn. Nguyễn Tri Phương phải đến tập hợp lại đội quân này. Trong khi đó quân Đại Nam vẫn làm chủ các đồn Mỹ Thị và Hóa Khê.
Biết Liên quân muốn đánh nhanh ra kinh đô Huế, Nguyễn Tri Phương cho quân rút về hướng đèo Hải Vân nhằm chặn đường ra Huế. Thế nhưng việc Phạm Thế Hiển và Nguyễn Tri Phương rút quân ra đèo Hải Vân đều nằm trong kế hoạch của người lên kế hoạch tác chiến là thiếu tá công binh giàu óc tham mưu Dupré Déroulède. Ông ta đã chuẩn bị sẵn chiến hạm Laplace đến cửa biển Thanh Khê, khi quân Việt đến thì nã pháo ầm ầm, khiến cho Đại Nam bị tổn thất lớn.
Các chỉ huy là Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển, Nguyễn Hiên dâng sớ về kinh báo tin và xin chịu tội. Vua Tự Đức sai Phan Thanh Giản ra Quảng Nam xử chém Hồ Văn Đa, Lê Văn Nghĩa, Đoàn văn Thức về tội đã bỏ đồn tháo chạy; còn Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển, Nguyễn Hiên phải chịu tội cách lưu (tức cách chức nhưng vẫn được sử dụng nhằm lập công chuộc tội).
Theo tài liệu trong kho lưu trữ quốc gia Pháp thì trận này phía Liên quân chỉ có 10 chết và 40 người bị thương.
Sau gần một năm nhọc nhằn đương đầu với Liên quân, Nguyễn Tri Phương dâng sớ về kinh tâu rõ thực trạng trong quân và nêu cách đánh như sau:
“Người Tây, thủy quân, lục quân nương đỡ nhau, khó mà hơn họ được. Ta thì thủy chiến đã không tiện, còn về lục chiến thì súng ống họ đã tinh, lại đánh giỏi, quân ta khiếp sợ nên sinh ra bần rùn, nên cũng không thể địch nổi. Nay trong quân thứ, còn 3,200 lính, mà một dãy từ An Sơn đến các đồn Nại Hiên, chỗ chỗ đều quan yếu, nếu đem phòng giữ cho khắp thì không còn lính ra trận nữa. Tình thế như vậy, nói giữ chưa được, nói đánh sao nên? Vậy xin đem binh lực hiện có, phục ở các đồn lũy, dự bị cho nghiêm mà đợi, để làm kế trì cửu, rồi lo trù liệu lương hướng, gặp cơ hội sẽ động, ấy là cớ hoàn toàn vậy.”
Vua Tự Đức phê vào sớ như sau:
“Sợ địch, thêm lo, không thi thố gì thì làm sao thành công được? Đáng lẽ giao đình nghị để chánh tội danh, nhưng đã cách lưu nên gượng bỏ qua; vậy phải nghĩ trong ba kế chiến, thủ hay hòa, kế nào lui được quân địch thì cứ dùng; đừng mà nói rằng triều đình thiếu người nên phải ngồi đợi chết.”
Thay tướng chỉ huy, Liên quân lại tiến tục tấn công
Về phía Liên quân, cuộc hành quân dưới cái nóng của Đà Nẵng đã khiến số binh lính nhập viện tăng cao. Số còn lại cũng xuống sức không còn muốn đánh tiếp nữa. Nhân lúc mình bị ốm, tướng De Genouilly xin được về Pháp nghỉ ngơi dưỡng bệnh, Paris thông cảm chấp thuận, đồng thời cử thiếu tướng Page sang thay.
Sau trận thắng ngày 15/9, Liên quân đã phá hủy toàn bộ các đồn lũy, rồi rút về căn cứ ở Tiên Sa. Nguyễn Tri Phương cho quân lấy lại các đồn này, rồi củng cố một phòng tuyến mới chạy từ Nại Hiên đến Hải Vân.
Tờ mờ sáng ngày 18/11/1859, chỉ huy mới của Liên quân là thiếu tướng Page đã cho các tàu Némésis, Phlégeton và một tàu của Tây Ban Nha cùng một tàu vận tải khác chở quân đến phía Tây Bắc vịnh Đà Nẵng, dừng lại ở vị trí trên biển, đối diện với pháo đài Định Hải và đồn Chơn Sảng.
Sau đó Page cũng cho kéo cờ tư lệnh trên soái thuyền Némésis tiến đến rồi cho lệnh tấn công. Hai bên đọ súng vô cùng ác liệt. Page nhận thấy dù các pháo hạm đã nã đạn dồn dập nhưng quân Đại Nam vẫn bắn trả thì sốt ruột điều soái hạm Némésis lại gần hơn các căn cứ của quân Việt nhằm bắn chính xác hơn nhanh chóng tiêu diệt hỏa lực căn cứ này.
Thế là soái hạm Némésis phơi mình gần căn cứ phòng ngự, trên cột buồm lại phất phới cờ tư lệnh. Quân Việt trên các pháo đài liền tập trung đạn pháo bắn vào đó. Soái hạm Némésis lập tức bị trúng đạn, thiếu tướng Page thật may mắn khi không bị thương; nhưng viên thiếu tá giàu óc tham mưu, người lên kế hoạch trận đánh ngày 15/9 Dupré Déroulède bị đạn pháo cắt thân người làm hai, tử trận tại chỗ.
Đứng trước hỏa lực ngày càng mạnh của Liên quân, sức kháng cự quân Việt cũng yếu dần. Liên quân đổ bộ tấn công đồn Chơn Sảng, án ngữ con đường liên lạc giữa Huế và Đà Nẵng. Quân Đại Nam phải rút chạy.
Vua Tự Đức lệnh cho Thống chế Nguyễn Trọng Thao đưa quân tiến đánh lấy lại đồn Chơn Sảng. Nguyễn Hiên và Trần Đình Túc đóng ở các đồn Câu Đê và Hóa Ổ cũng được lệnh đem quân đánh phối hợp. Quân Đại Nam từ các mặt tiến đánh, Liên quân không chống nổi phải bỏ đồn Chơn Sảng xuống tàu rút đi .
Tướng Page bị khiển trách bởi trận đánh này làm thiệt mạng một số sĩ quan giàu kinh nghiệm, trong đó có thiếu tá có khả năng tham mưu Dupré Déroulède.
Hiệp ước hai bên không thành bởi sự lúng túng của triều đình
Tháng 11/1859, tướng Page vào Sài Gòn, đến tháng 12 thì Page đưa ra một bản hiệp ước gồm 11 khoản nhằm nghị hòa với triều đình nhà Nguyễn. Trong đó chủ yếu là tự do thương mại, tự do truyền giáo.
Bản dự thảo hiệp ước của Pháp đưa ra lại một lần nữa khiến triều đình Huế nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau, tranh luận mãi không thôi, khiến vua Tự Đức bối rối. Không biết quyết định thế nào, vua hỏi riêng lão cận thần mà mình rất nể trọng là Trương Đăng Quế, ông này ủng hộ đồng ý xin hòa.
Việc thương thuyết với Pháp ở Sài Gòn được giao cho Thống đốc quân vụ Tôn Thất Cáp, nhưng ý chỉ của Vua cũng rất chung chung, mà khi đàm phán là đi vào chi tiết cụ thể, điều này khiến Tôn Thất Cáp bối rối không biết nên làm thế nào mới đúng ý triều đình.
Vì sợ làm trái ý Vua, Tôn Thất Cáp ngồi ở bàn thương nghị mà chẳng dám đồng ý một quyết định nào, cuộc thương thuyết diễn ra hơn một tháng mà chẳng có kết quả, điều này khiến tướng Page bực mình chấm dứt nghị hòa vào ngày 29/1/1860.
http://trithucvn.net/van-hoa/da-nang-1858-p3.html
Đơn vị thi công mái hiên mái xếp xin giới thiệu mái hiên , Báo giá Bạt che https://maihiendep.net.vn/ liên hệ ngay liên hệ mua bạt xếp 0979 315 799
Trả lờiXóa