Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Nhiều nước Đông Nam Á có xu hướng ngả theo mô hình chế độ « chuyên quyền »

Những năm gần đây, giới quan sát nhận thấy nhiều nước Đông Nam Á đã dân chủ hóa như Thái Lan, Malaysia hay Philippines nay có xu hướng ngả theo mô hình chế độ « chuyên quyền ». Đâu là nguyên nhân của sự thay đổi đó ?

Kết quả hình ảnh cho có xu hướng ngả theo mô hình chế độ « chuyên quyền »

Hai chuyên gia Pháp, bà Sophie Boisseau du Rocher* và ông Emmanuel Dubois de Prisque*, trong chương trình Địa Chính Trị của ban tiếng Pháp đài RFI, cho rằng yếu tố Trung Quốc có một vai trò quan trọng trong xu thế chuyển đổi đó, nhất là kể từ sau khi quốc gia này có sự phát triển thần kỳ trong lĩnh vực kinh tế.
Trung Quốc rộng hầu bao hơn Hoa Kỳ
Đầu tiên hết hai chuyên gia lưu ý đến tính chất phức tạp của nền chính trị châu Á bởi do tính đa dạng về văn hóa, xã hội. Nhìn một cách tổng quát, châu Á sau Đệ Nhị Thế Chiến bị phân chia thành hai khối giữa một bên là các quốc gia theo chế độ cộng sản mà Trung Quốc là một ví dụ điển hình với bên kia là các nước thân Mỹ, và được Mỹ hậu thuẫn.
Khối các quốc gia theo Mỹ, tuy ban đầu là do chế độ quân sự chuyên quyền điều hành, nhưng vẫn cho phát triển một hình thức dân chủ nào đó. Cho đến tận những năm 1990, phương Tây vẫn tin rằng những nước này đang tiến hành chuyển tiếp dân chủ. Thế rồi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng năm 1997 làm chao đảo nhiều nền chính trị tại châu Á.
Tuy nhiên, bà Sophie Boisseau du Rocher lấy làm tiếc rằng các quốc gia phương Tây đã lơ là trong việc hỗ trợ các nước châu Á thúc đẩy tiến trình dân chủ. Nền dân chủ tại một số nước đặc biệt là Thái Lan, Philippines và Malaysia mà ở đây hai chuyên gia Pháp quan sát đã có dấu hiệu thụt lùi. Không những thế, cuộc khủng hoảng năm 1997còn là một cơ hội tốt cho Trung Quốc bắt đầu mở rộng ảnh hưởng.
« Quả thật là cuộc khủng hoảng năm 1997, phương Tây đã không tận dụng được lợi thế để thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển tiếp dân chủ. Nhưng ngược lại, khủng hoảng đó đã tạo lợi thế cho Trung Quốc để giang tay cứu nguy các nước Đông Nam Á nhằm tái khởi động các cỗ máy kinh tế. Khi làm điều đó, Trung Quốc tự giới thiệu như là một mô hình thay thế ».
Trung Quốc nhờ vậy mà có thể trình làng một mô hình khả tín và đầy hứa hẹn cho các nước đó. Nhưng cùng lúc này, các cường quốc châu Âu và Mỹ cũng bắt đầu bị suy yếu, đắm chìm trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và di dân dai dẳng. Và với việc Donald Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ, niềm tin vào các giá trị dân chủ phương Tây cũng vì thế tan nhanh như « tuyết dưới nắng nóng mùa hè ».
Nhập nhằng chính trị : Lợi thế của mô hình Trung Quốc
Như vậy trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, phải chăng phương Tây và Hoa Kỳ đã không biết cũng như là không thể hỗ trợ một số tiến bộ tại châu Á ? Theo quan điểm của ông Emmanuel Dubois de Prisque, hiện nay nhiều nước Đông Nam Á đang bị « giằng xé » giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
« Tôi nghĩ là trong một lúc nào đó, Hoa Kỳ cũng có thiện chí đáp ứng các đòi hỏi của nhiều nước Đông Nam Á. Nhưng vấn đề hiện nay là trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, ví dụ như trong mảng cơ sở hạ tầng, đúng là Trung Quốc có nhiều thứ để đề nghị hơn Hoa Kỳ. Quả thật, tại một số nước Đông Nam Á, họ cần đến sự hiện diện của Mỹ, nhưng điều nghịch lý là, những đề xuất của Trung Quốc đối với tầng lớp lãnh đạo các nước đó lại có vẻ khá hấp dẫn ».
Vẫn theo ông Emmanuel Dubois de Prisque, những quốc gia có vấn đề nội bộ dễ bị hấp lực của mô hình chuyên quyền của Trung Quốc cuốn hút. Bởi vì một trong những phương diện đầu tiên quan trọng của mô hình Trung Quốc là sự nhập nhằng giữa các quyền lực.
« Phương diện hấp dẫn đầu tiên chính là một dạng nhập nhằng quyền lực, giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp. Tại Trung Quốc, một điều rõ ràng là quyền hạn tư pháp bị giới hạn, vì phải tuân theo lệnh của chủ tịch tòa án tối cao, vốn dĩ cũng phải tuân theo đảng cộng sản và nhà nước (tức hành pháp). Do đó, không có chuyện sáp nhập các nguyên tắc tam quyền phân lập trong văn hóa chính trị Trung Quốc. Những nguyên tắc mà Trung Quốc cho đấy là một liều thuốc độc của phương Tây ».
Nhất thân, nhì cận
Ngoài những tác động bên ngoài do những chao đảo của thế giới tác, bà Du Rocher cho rằng sự đảo chiều chính trị đó tại một số quốc gia Đông Nam Á cũng không phải là một chuyện ngẫu nhiên. Cuộc khủng hoảng năm 1997 cho phép Trung Quốc tự giới thiệu mình như là một đối tác « hấp dẫn » và hiển nhiên do điều kiện thuận lợi về địa lý (ví dụ có chung đường biên giới trên bộ và biển.... )
« Do vậy, ở đây chúng ta có một khu vực dù muốn hay không bị bám chặt vào không gian năng động Trung Quốc, một không gian năng động bao la. Ở đây có một tác động dội ngược tự nhiên. Tác động này đã được các doanh nghiệp và chính quyền Trung Quốc khai thác. Vì thế ngày nay không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước Đông Nam Á và đã trở thành một đối tác tài chính ngày càng quan trọng ».
Trong xu thế này, hai chuyên gia Pháp đặc biệt chú ý đến trường hợp ba nước Đông Nam Á được cho là đã có một nền dân chủ : Thái Lan, Philippines và Malaysia nay có xu hướng đi theo mô hình chế độ chuyên quyền. Làm thế nào Bắc Kinh có thể tác động mạnh đến đời sống chính trị của ba nước trên cho dù có những khác biệt rõ nét về văn hóa, xã hội và chính trị ?
Theo quan điểm bà Du Rocher, tùy theo từng địa bàn mà Trung Quốc có những đối sách thích hợp và khôn khéo để phát huy ảnh hưởng của mình. Trong nhãn quan của Bắc Kinh, cả ba nước trên được cho là có nền dân chủ còn non kém so với nhiều quốc gia châu Á « thân Mỹ » khác như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan...
Thái Lan từ đầu những năm 2000 luôn trong tình trạng khủng hoảng. Thế nhưng, Bangkok, nhất là hoàng gia Thái luôn duy trì một mối quan hệ đặc biệt với Bắc Kinh. Chính nhờ vào mối quan hệ mật thiết này mà Trung Quốc dần dần mở rộng tầm ảnh hưởng.
Với Malaysia, Trung Quốc dùng kinh tế để ủng hộ chính quyền tham nhũng của thủ tướng Najib Razak. Bất chấp tai tiếng tham nhũng liên quan đến thủ tướng, Bắc Kinh vẫn tiếp tục đầu tư vào Malaysia. Tháng 6/2017, Trung Quốc mua tập đoàn xe hơi Proton biểu tượng nền công nghiệp quốc gia. Đây là một giai đoạn trong tiến trình kín đáo mà Trung Quốc tiến hành nhằm kiểm soát guồng máy kinh tế và chính trị Malaysia.
Cuối cùng là Philippines, một trường hợp mà bà Sophie Boisseau Du Rocher đánh giá là khá thú vị. Việc ông Duterte lên cầm quyền là một thất bại của Mỹ. Từ hơn 50 năm qua, Philippines vẫn luôn được ví như là chiếc tủ kính của nền dân chủ. Philippines tỏa sáng sẽ tác động dây chuyền đến các nước khác trong khu vực.
Trên thực tế, Hoa Kỳ không có lợi ích gì khi ủng hộ nền dân chủ tại Philippines mà muốn duy trì một chế độ « gia đình trị ». Chính vì thế mà người dân Philippines đã ồ ạt bỏ phiếu cho ông Duterte, một nhân vật gây nhiều tranh cãi.
« Bắc Kinh rất thông minh, hiểu được rằng đó là một sự bác bỏ ảnh hưởng của phương Tây, của Hoa Kỳ, những nước thường xuyên tuyên bố rằng họ mang lại hạnh phúc cho người dân Philippines, thiết lập nền dân chủ cho Philippines. Thế nhưng, thực ra, các nước phương Tây tìm cách duy trì và phát triển chế độ « gia đình trị » tại Philippines và Trung Quốc đã lựa chọn thời cơ chìa bàn tay ra.
Nhìn trên bản đồ, Philippines là một con tốt chiến lược quan trọng phục vụ lợi ích quân sự Trung Quốc. Tất cả những điều này được thực hiện từng bước nhỏ một và bền bỉ. Cần phải hiểu là nếu Trung Quốc thúc ép, thì các nước Đông Nam Á sẽ kháng cự lại. Do vậy, Bắc Kinh đi từng bước nhỏ, để xóa đi sự ngần ngại, e dè, thiết lập lòng tin, tạo dựng một cộng đồng cung chung vận mệnh. »
Với ba quốc gia này, chuyên gia Du Rocher còn chú ý đến vai trò tích cực của cộng đồng người Hoa tại ba nước này. Những cộng đồng đóng một vai trò quyết định nhằm phát huy ảnh hưởng của Bắc Kinh. Mối liên hệ giữ giới doanh nhân và cộng đồng người Hoa vốn dĩ đã bám chặt ở đó là rất chặt chẽ. Họ có thể có những đảo ngược các quyết định theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Và họ hành động rất có hiệu quả.
Việt Nam một trường hợp cá biệt
Cũng theo bà Sophie Boisseau du Rocher, trước sức gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, mỗi một quốc gia trong khu vực có cách phản ứng riêng của mình. Do đó, đương nhiên là Trung Quốc thời Tập Cận Bình tập trung đầu tiên vào những nước yếu nhất.
Quốc gia đầu tiên rơi vào lòng Trung Quốc chính là Cam Bốt, một quốc gia vốn dĩ được cả cộng đồng quốc tế ủng hộ và giờ đây ngày càng trở nên phụ thuộc nhiều vào sự trợ giúp và tài chính của Trung Quốc. Do đó, chế độ Hun Sen có thể trụ được là nhờ vào một sự năng động từ bên ngoài, mà chính bản thân sự năng động đó cũng do Trung Quốc tạo ra.
Bà Sophie Boisseau Du Rocher nhắc lại sự kiện ASEAN 2012 diễn ra ở Phnom Penh. Tại kỳ thượng đỉnh này, ASEAN đã không ký vào bản thông cáo chung vì các thành viên trong khối này đã không đạt được đồng thuận trên hồ sơ Biển Đông. Điều này đã khiến nhiều người ta đã nghĩ rằng có bàn tay thao túng của Trung Quốc lên chính quyền Cam Bốt để không ra được một tuyên bố chung gây bất lợi cho Bắc Kinh.
Nếu như Lào là một quốc gia mong manh trước tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, thì ngược lại, Việt Nam là một trường hợp cá biệt.
« Việt Nam là một quốc gia rất khó hiểu. Bởi vì, trong lịch sử, Việt Nam từng là một tỉnh của Trung Quốc. Việt Nam có một mối quan hệ rất phức tạp với quốc gia láng giềng khổng lồ này. Một mặt là từ phía đảng Cộng sản, cơ quan tiếp nhận tốt nhất các lợi ích của Trung Quốc tại Việt Nam, nhưng mặt khác có một chống đối ở người dân Việt Nam. Họ có một bản sắc rất mạnh mẽ và đã xây dựng một sức kháng cự chống lại Trung Quốc. Do đó Việt Nam là trường hợp riêng biệt ».
*******
- Sophie Boisseau du Rocher : chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Châu Á, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp.
- Emmanuel Dubois de Prisque : nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Viện Thomas More.


http://vi.rfi.fr/chau-a/20170914-%C2%AB-hap-luc-%C2%BB-mo-hinh-chuyen-che-trung-quoc-len-cac-nuoc-dong-nam-a

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét