Mặc dù chủ nghĩa đế quốc dưới hình thức xâm chiếm, quản lý trực tiếp các thuộc địa không còn tồn tại phổ biến, chủ nghĩa đế quốc mới, một hình thức kiểm soát và chi phối các quốc gia khác thông qua con đường kinh tế mà không cần cai trị trực tiếp, vẫn tiếp tục là một đặc điểm của nền kinh tế chính trị quốc tế đương đại.
Nguồn: Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
Chủ nghĩa đế quốc là chính sách mà qua đó các quốc gia hay các dân tộc hùng mạnh tìm cách mở rộng và duy trì quyền kiểm soát hoặc ảnh hưởng đối với các quốc gia hay dân tộc yếu hơn.
Chủ nghĩa đế quốc đã xuất hiện từ thời cổ đại, từng tồn tại trong xã hội chiếm hữu nô lệ (như chủ nghĩa đế quốc La Mã) hay sau đó là trong xã hội phong kiến (như Chủ nghĩa đế quốc Mông – Nguyên). Tuy nhiên chủ nghĩa đế quốc phát triển mạnh mẽ nhất trong thời đại bùng nổ chủ nghĩa tư bản ở Châu Âu từ thế kỷ 15. Trong giai đoạn này, các cường quốc Châu Âu tiêu biểu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và tiếp theo đó là Mỹ và Nhật Bản, đã đi xâm chiếm và thiết lập các thuộc địa ở Mỹ Latinh, Châu Phi và Châu Á.
Các cường quốc có các động cơ khác nhau trong việc theo đuổi chủ nghĩa đế quốc, bao gồm các lý do về kinh tế, chính trị, ý thức hệ, hay tâm lý – xã hội.
Về kinh tế, các nước đế quốc tìm cách thống trị các quốc gia khác nhằm mở rộng nền kinh tế, chiếm đoạt tài nguyên, bóc lột lao động, hoặc tìm cách xuất khẩu các hàng hóa và tư bản dư thừa. Chủ nghĩa Marx được kế thừa và phát triển bởi V.I. Lenin là học thuyết kinh tế chính trị nổi bật nhất chỉ rõ mối liên hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Lenin trong tác phẩm “Chủ nghĩa đế quốc: Giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản” đã cho rằng chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn phát triển cao nhất của chủ nghĩa tư bản. Ông cũng giải thích rằng các quốc gia Châu Âu thời kỳ thế kỷ 19 tìm cách xâm chiếm, mở rộng thuộc địa là một điều tất yếu không thể tránh khỏi xuất phát từ nhu cầu của các quốc gia này trong việc xuất khẩu thặng dư tư bản và hàng hóa dư thừa, nhằm tránh các cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước. Tương tự, các nhà Mác-xít cũng cho rằng sự bành trướng của Mỹ vào các nước Thế giới thứ ba sau này là cũng nhằm phục vụ các mục tiêu kinh tế mang tính đế quốc chủ nghĩa của người Mỹ.
Mặt khác, nhiều cường quốc cũng theo đuổi chủ nghĩa đế quốc vì mục tiêu chính trị. Theo đó các nước đế quốc xâm chiếm lãnh thổ nhằm thỏa mãn khát vọng quyền lực, nâng cao vị thế, tăng cường an ninh và giành lợi thế về mặt ngoại giao đối với các quốc gia khác. Tiêu biểu như vào thế kỷ 19, chủ nghĩa đế quốc Pháp được cho là nhằm phục vụ một mục tiêu quan trọng là phục hồi danh dự cho nước Pháp sau thất bại nhục nhã của nước này trong cuộc Chiến tranh Pháp – Phổ.
Ngoài ra, về mặt văn hóa và ý thức hệ, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng các niềm tin về tôn giáo, văn hóa và chính trị cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc các cường quốc theo đuổi chủ nghĩa đế quốc. Nước Anh khi đi xâm chiếm thuộc địa đã rêu rao rằng người da trắng có sứ mệnh khai hóa văn minh cho các dân tộc lạc hậu. Thực tế, đi cùng với các đội quân xâm chiếm thuộc địa thường là các nhà truyền giáo Cơ đốc đi quảng bá tôn giáo mình khắp các vùng đất từ Châu Á cho tới Châu Phi.Việc nước Đức thực hiện chính sách bành trướng lãnh thổ dưới thời Adolf Hitler cũng xuất phát từ tư tưởng phân biệt chủng tộc cho rằng nước Đức có nền văn hóa ưu việt và xứng đáng là dân tộc thượng đẳng, có quyền đứng trên các dân tộc khác. Trong Chiến tranh Lạnh, việc Mỹ can thiệp vào các quốc gia khác phục vụ cam kết “bảo vệ thế giới tự do” cũng là một ví dụ minh họa cho việc theo đuổi chủ nghĩa đế quốc dựa trên các biện minh mang tính đạo đức hay ý thức hệ.
Chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc
Khái niệm chủ nghĩa đế quốc có nghĩa gần giống với khái niệm chủ nghĩa thực dân và hai khái niệm này thường được sử dụng thay thế cho nhau trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, giữa hai khái niệm này vẫn tồn tại những khác biệt cơ bản.
Chủ nghĩa thực dân liên quan đến việc kiểm soát chính thức về mặt chính trị đối với quốc gia thuộc địa, bao gồm việc sáp nhập lãnh thổ và đánh mất chủ quyền quốc gia.
Trong khi đó chủ nghĩa đế quốc mang hàm ý rộng hơn, có thể liên quan đến việc thực hiện quyền kiểm soát hay ảnh hưởng đối với quốc gia khác một cách chính thức hoặc không chính thức, trực tiếp hoặc gián tiếp, trên khía cạnh chính trị hoặc kinh tế mà không nhất thiết bao gồm việc xâm chiếm, sáp nhập lãnh thổ hay kiểm soát trực tiếp về mặt chính trị đối với quốc gia khác.
|
Cuối cùng, các học thuyết về tâm lý – xã hội gắn liền với các tư tưởng của Joseph Schumpeter cho rằng các quốc gia theo đuổi chủ nghĩa đế quốc bắt nguồn từ việc các nhà nước này có xu hướng bành trướng vô giới hạn thông qua bạo lực. Xu hướng này là sản phẩm của một dạng hành vi nhận thức được thể chế hóa bởi các “tầng lớp chiến binh,” hay giới quân sự, ở các nước đế quốc. Mặc dù các nhà nước tạo ra “tầng lớp chiến binh” nhằm phục vụ nhu cầu quốc phòng chính đáng, tuy nhiên chính “tầng lớp chiến binh” lại tìm cách dựa vào và khuếch trương chủ nghĩa đế quốc để duy trì sự tồn tại và nâng cao quyền lực, ảnh hưởng của mình.
Kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, chủ nghĩa thực dân, một hình thức của chủ nghĩa đế quốc, đã dần thoái lui do làn sóng phi thực dân hóa dâng cao ở các nước thuộc địa Thế giới thứ ba. Các cường quốc, đứng đầu là Mỹ và Liên Xô, cơ bản đều phản đối chủ nghĩa thực dân và tuyên bố bảo vệ quyền tự quyết của các dân tộc. Chính vì vậy, nhiều xứ thuộc địa ở Châu Á và Châu Phi đã giành được độc lập, hình thành một loạt các quốc gia non trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn những năm 1950-1960. Mặc dù vậy, nhiều xứ thuộc địa vẫn mong muốn tiếp tục nằm dưới sự bảo trợ của các cường quốc mà không muốn giành độc lập hoàn toàn, chủ yếu là vì lý do kinh tế. Ví dụ như cho đến ngày nay Bermuda ở khu vực Caribê vẫn là một vùng đất nằm dưới sự quản lý của Anh.
Mặc dù chủ nghĩa đế quốc dưới hình thức xâm chiếm, quản lý trực tiếp các thuộc địa không còn tồn tại phổ biến, chủ nghĩa đế quốc mới, một hình thức kiểm soát và chi phối các quốc gia khác thông qua con đường kinh tế mà không cần cai trị trực tiếp, vẫn tiếp tục là một đặc điểm của nền kinh tế chính trị quốc tế đương đại. Ví dụ, Mỹ được cho là có ảnh hưởng to lớn đối với nhiều quốc gia thuộc Thế giới thứ ba nhờ sức mạnh kinh tế vượt trội cũng như khả năng chi phối các thể chế kinh tế quốc tế chủ chốt như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tương tự, các cường quốc Châu Âu tiếp tục duy trì ảnh hưởng đáng kể về kinh tế và chính trị đối với các thuộc địa cũ trước đây, như ở Châu Phi hay khu vực Caribbean.
http://redsvn.net/chu-nghia-de-quoc-tu-lich-su-den-hien-tai/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét