Hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên, thay đổi phiên hiệu các quân đoàn hay đưa vào biên chế các tàu chiến, tên lửa mới được xem là những dấu ấn đậm nét của ông Tập.
Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch cải tổ toàn diện quân đội với mục đích chuyển đổi đội quân lớn nhất thế giới này trở này lực lượng chiến đấu hiện đại, nhỏ gọn hơn.
Dưới đây là những dấu ấn được coi là đáng chú ý nhất trong chương trình này của ông Tập, theo bình chọn của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
1. Hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên
Tháng 4/2017, Trung Quốc cho hạ thủy chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên với tên gọi Type 001A. Sự kiện được xem là động thái phô diễn sức mạnh hải quân mới nhất của Bắc Kinh.
Type 001A là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sau tàu Liêu Ninh - được cải tiến từ tàu sân bay cũ mua lại của Nga và đã biên chế cho Hải quân nước này năm 2012.
Type 001A có chiều dài 315m, chiều rộng 75m, vận tốc hành trình 31 hải lý/giờ và có lượng giãn nước 70.000 tấn.
2. Đạt bước tiến lớn về công nghệ đẩy cho tàu ngầm
Trung Quốc dường nhưng đang lọt vào danh sách các nước đi tiên phong về công nghệ đẩy tàu ngầm. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với kênh truyền hình CCTV, Ma Weiming – Chuẩn Đô đốc Hải quân Trung Quốc cho biết, các kỹ sư nước này đã làm chủ được hệ thống đẩy chạy điện tích hợp (IEPS).
IEPS là hệ thống đẩy dựa vào phản lực dòng nước (pump-jet). Tuy vẫn còn nhiều hoài nghi nhưng nếu hệ thống này được hoàn thiện và vận hành đầy đủ sẽ giúp các tàu ngầm Trung Quốc phát ra ít tiếng ồn hơn, khả năng tàng hình tốt hơn.
Dù không chính thức xác nhận nhưng nhiều khả năng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ trang bị hệ thống này cho các tàu ngầm hạt nhân thế hệ kế tiếp là Type 095 và Type 096.
3. Hạ thủy tàu khu trục Type 055
Tháng 6/2017, Trung Quốc đã hạ thủy tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Type 055 mà nước này tự cho là tàu chiến lớn nhất và tiên tiến nhất châu Á.
Theo nhận xét của các chuyên gia, với lượng giãn nước trên 12.000 tấn, Type 055 được thiết kế để hộ vệ nhóm tàu sân bay tác chiến của Hải quân Trung Quốc trong tương lai.
Type 055 được đóng tại xưởng đóng tàu Jiangnan ở Thượng Hải và được trang bị các vũ khí phòng không, chống tên lửa, chống tàu mặt nước và chống tàu ngầm.
Giới quân sự nhận định, về lý thuyết Type 055 có thể được xem là tàu khu trục mạnh thứ 2 thế giới, sau tàu khu trục DDG-1000 lớp Zumwalt của Hải quân Mỹ.
4. Trang bị chiến đấu cơ tàng hình J-20
Trung Quốc chính thức biên chế cho Không quân nước này chiến đấu cơ tàng hình J-20 vào tháng 3/2017.
Các nhà thiết kế của J-20 tuyên bố, chiếc máy bay này là “một bước tiến lớn về khả năng của PLA” và thậm còn có tầm bay xa hơn, sức chứa nhiên liệu nhiều hơn và mang được nhiều vũ khí hơn cả F-22 và F-35 của Mỹ.
5. Tham vọng phát triển thêm nhiều tàu sân bay
Có thể trong tương lai, Trung Quốc sẽ là cường quốc tàu sân bay lớn thứ hai, sau Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, các phi đội không quân của nhóm tàu sân bay hiện nay của Trung Quốc vẫn còn kém xa so với chuẩn quốc tế.
“Chỉ có một tàu sân bay duy nhất không thể trở thành lực lượng chiến đấu vì nó cần phải có thêm nhiều tàu chiến khác để tạo thành một nhóm tác chiến cũng như để được bảo vệ”, chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh nhận xét.
6. Tập trận với tên lửa tầm trung DF-16
Tháng 2/2017, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đăng tải trên website của mình đoạn video tên lửa tầm trung Đông Phong 16 (DF-16) bố trí trên các bệ phóng di động trong cuộc tập trận diễn ra tại một khu rừng ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.
Với tầm bắn 1.000 km, DF-16 có thể bắn tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa, các đảo của Nhật Bản, Đài Loan và Philippines.
Lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc duyệt binh ở thủ đô Bắc Kinh năm 2015, DF-16 có thể mang theo ba đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, có khả năng bắn trúng mục tiêu với độ chính xác cao.
7. Thử nghiệm nguyên mẫu chiến đấu cơ tàng hình "tiên tiến nhất"
Thánh 12/2016, Trung Quốc thử nghiệm phiên bản mới nhất của chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 J-31 (hiện đổi tên thành FC-31 Gyrfalcon) mà Bắc Kinh cho là để chấm dứt thế độc quyền của Phương Tây về sở hữu những máy bay tiên tiến nhất thế giới.
Theo đánh giá của chuyên gia hàng không Wu Peixin, FC-31 có các khả năng tàng hình tốt hơn, thiết bị điện tử được cải tiến và có tải trọng lớn hơn phiên bản mà Trung Quốc cho ra mắt tháng 10/2012.
8. Thay đổi phiên hiệu các quân đoàn
Năm 1949, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có tới 70 quân đoàn, mang số hiệu từ 1 đến 70. Sau nhiều lần cải cách, con số trên được rút xuống còn 18, nhưng sau quyết định giải thể của ông Tập vào tháng 4/2017, hiện Trung Quốc chỉ còn 13 quân đoàn.
13 quân đoàn mới này sẽ sử dụng hệ thống phiên hiệu mới, bắt đầu từ 71 và kết thúc ở 83. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, các quân đoàn bị đổi phiên hiệu, kể cả Quân đoàn 1 mà trước đây ông Tập Trọng Huân, cha của ông Tập Cận Bình, từng giữ chức chính ủy.
9. Đóng mới tàu tấn công đổ bộ Type 075
Tháng 3/2017, Trung Quốc đã bắt đầu đóng một thế hệ mới các tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn Type 075. Đây là loại tàu đổ bộ có kích thước lớn hơn nhiều so với các tàu cùng chủng loại từng trang bị cho Hải quân PLA.
Type 075 có thể được sử dụng dưới dạng tàu sân bay, cho phép Hải quân Trung Quốc hạ/cất cánh nhiều mẫu trực thăng tấn công mặt đất, tàu chiến hoặc tàu ngầm đối phương.
http://soha.vn/ong-tap-can-binh-dai-cai-to-quan-doi-trung-quoc-duoc-gi-20170717105436715.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét