Việc đa dạng hóa nguồn cung vũ khí-trang bị khiến Việt Nam đang thiếu phiên bản máy bay tuần tiễu chống ngầm và máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên không.
Airbus Defence đang tổ chức một chương trình giới thiệu quảng bá sản phẩm quốc phòng mới mang tên “C295 Worldtour”, nhằm giới thiệu những đặc điểm ưu việt của loại máy bay quân sự đa năng C295 tới các khách hàng tiềm năng ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo thông báo của công ty mẹ Airbus, loại máy bay C-295 sẽ có chuyến hành trình giới thiệu sản phẩm vòng quanh châu Á trong vòng 2 tuần, với hành trình qua Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc - những khách hàng tiềm năng cho mẫu máy bay mới này.
Theo đó, Airbus Defence & Space đã đưa một máy bay tuần tiễu săn ngầm C-295MPA tới căn cứ không quân Clark của Philippines hôm 10/7 nhằm giới thiệu tính năng ưu việt của nó, hy vọng giành được gói thầu cung cấp máy bay tuần tra tầm xa của Bộ Quốc phòng Philippines.
Philippines cũng đã mua 3 máy bay vận tải hạng trung C-295M, tương tự như Việt Nam cũng đang vận hành 3 máy bay vận tải C-295M của Airbus Defence và dự định sẽ mua sắm tiếp để thay thế dòng máy bay Liên Xô già lão An-26 sắp hết hạn sử dụng.
Giới chuyên gia cho rằng, việc mua sắm 3 máy bay vận tải C-295M có thể là bước khởi đầu để Việt Nam cân nhắc mua sắm thêm một số lượng nhỏ máy bay vận tải nữa; đồng thời cũng có thể cân nhắc mua các phiên bản vận tải tiếp dầu, tuần tra chống ngầm và chỉ huy-cảnh báo sớm mà Việt Nam còn đang thiếu.
Phiên bản tuần tra chống ngầm C-295MPA Persuader
Vừa qua, giới truyền thông quốc tế đưa tin là Việt Nam có ý định mua máy bay tuần tra chống ngầm tầm xa P-3C Orion cũ của Mỹ hoặc của Nhật; thậm chí còn có tin đồn Việt Nam có thể sẽ mua biến thể chống ngầm SC-130J Sea Hercules, đồng bộ với phiên bản máy bay vận tải hạng nặng mới C-130J.
C-295 có các phiên bản vận tải, chống ngầm, chỉ huy-cảnh báo sớm và tiếp dầu
|
Thế nhưng, việc mua lại P-3C là không dễ dàng gì bởi dù đã dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam nhưng theo giới quân sự Mỹ, nước này sẽ chỉ bán cho Việt Nam các máy bay đã gỡ bỏ vũ khí, mà đây lại là ưu điểm lớn nhất của dòng máy bay này.
Hơn nữa, các máy bay này cũng đã quá cũ, hết khả năng nâng cấp lên chuẩn hiện đại hơn. Đây là điều Việt Nam nên cân nhắc nếu tính đến tương lai xa hơn cho việc hiện đại hóa lực lượng máy bay trinh sát-giám sát của mình.
Còn đối với máy bay vận tải hạng nặng C-130J và biến thể chống ngầm SC-130J Sea Hercules là những máy bay sản xuất mới, có khả năng nâng cấp thêm; tuy nhiên do là những máy bay hạng nặng của Mỹ nên giá rất đắt, phạm vi hoạt động rất xa của nó cũng được cho là quá thừa thãi đối với yêu cầu tác chiến phòng thủ bảo vệ đất nước của Việt Nam.
Do đó, phiên bản máy bay tuần tiễu chống ngầm hạng trung C-295MPA Persuader của Airbus có thể là một sự lựa chọn phù hợp đối với Việt Nam. C-295MPA là phiên bản máy bay tuần tiễu chống ngầm do Airbus phát triển trên cơ sở khung thân máy bay vận tải hạng trung C295.
Máy bay sử dụng hai động cơ tuốc bin cánh quạt (turboprop) PW127 với cánh quạt 5 lá, cho tốc độ bay tối đa 480km/h, trần bay 7.620m, có khả năng bay liên tục trên không 11 tiếng, với cự ly tối đa 5.630km.
Để phục vụ vai trò tuần tiễu chống ngầm trên biển, C-295MPA được tích hợp nhiều trang bị điện tử hiện đại bao gồm hệ thống tình báo điện tử/áp chế điện tử; radar tìm kiếm mặt biển; cảm biến quang học/hồng ngoại dưới mũi máy bay; pod lắp đặt sonar dưới buồng lái; hệ thống phát hiện điểm từ tính bất thường ở phần đuôi máy bay.
Máy bay vận tải C-295M của Không quân Nhân dân Việt Nam
|
Về vũ khí, tới nay Airbus vẫn đang trong giai đoạn phát triển các hệ thống vũ khí chống hạm, chống ngầm cho C-295MPA. Airbus đã thử thành công bắn ngư lôi từ C-295MPA vào năm 2010, tương lai nó có thể mang được tên lửa chống hạm, thủy lôi trên 6 mấu cứng ở hai bên cánh.
Với nhiều hệ thống thiết bị hiện đại nên ngoài vai trò chính là tuần tra, trinh sát phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm; C-295MPA còn có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như tuần tra, giám sát bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế; tìm kiếm, cứu hộ-cứu nạn trên biển…
Hiện nay, Airbus Defence đã ký được hợp đồng mua bán C-295MPA với Hải quân Chile (3 chiếc), Hải quân Bồ Đào Nha (5 chiếc), Mexico (5 chiếc). Đó là thành công lớn với dòng máy bay mới này, khiến Việt Nam cần cân nhắc về chiến lược mua sắm các trang bị đã đạt được sự tin cậy của mình.
Phiên bản chỉ huy-cảnh báo sớm trên không C-295 AEW&C
Hiện nay, Việt Nam đang thận trọng cân nhắc mua sắm vũ khí của phương Tây, trong chiến lược đa phương hóa hợp tác quốc phòng, đa dạng hóa nguồn cung vũ khí-trang bị. Việc sở hữu các trang bị khác đối tác truyền thống Liên Xô/Nga là xu thế tất yếu của Quân đội Việt Nam.
Tuy nhiên, việc sở hữu những trang bị khác tiêu chuẩn tác chiến dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác chia sẻ thông tin trinh sát-giám sát và chỉ huy - hiệp đồng, tác chiến giữa các loại trang bị Nga - phương Tây.
Đây là bài toán nan giải đối với Việt Nam, không chỉ đối với lực lượng hải quân, mà còn đối với lực lượng lục quân, không quân…Vấn đề này cũng là thách thức mà bất cứ quốc gia nào cũng sẽ gặp phải trên chặng đường hiện đại hóa quân đội bằng các vũ khí trang bị khác chủng loại.
Bởi vậy, Việt Nam cần có một loại trang bị có khả năng đáp ứng nhu cầu trung chuyển thông tin giữa các vũ khí kiểu Nga và phương Tây; đồng thời, cũng bổ khuyết cho khả năng chỉ huy hiệp đồng tác chiến giữa các máy bay của không quân, giữa không quân với hải quân. Đây là những chức năng của các máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không.
Hiện nay, trên thị trường trang bị AEW&C có khá nhiều loại máy bay như Boeing E-3 Sentry, Northrop Grumman E-2 Hawkeye, Boeing 737 của Mỹ; Saab 2000 Erieye của Thụy Điển; Beriev A-50 Mainstay của Nga; Boeing E-767 (Nhật đang sử dụng); G550 Gulfstream của Israel, KJ-200 của Trung Quốc…
Tuy nhiên, đây hoặc là những chiếc máy bay khổng lồ, hoặc là những máy bay theo tiêu chuẩn rất khác lạ, không phổ quát; thường chỉ phù hợp với một đối tượng sử dụng nhất định; không phù hợp với điều kiện kinh tế hoặc không phù hợp với yêu cầu tác chiến của Việt Nam.
Do đó, phiên bản máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm C-295 AEW&C mà Airbus cũng đang phát triển trên khung gầm máy bay vận tải C-295 có thể là sự lựa chọn đáng xem xét đối với Việt Nam.
Phiên bản cảnh báo sớm và chỉ huy trên không C-295 AEW&C có thể đảm nhận đa nhiệm vụ như: Trinh sát, phát hiện sớm, từ xa các mục tiêu trên không và trên mặt biển; chỉ huy lực lượng tác chiến hỗn hợp không quân-hải quân, dẫn bắn cho tên lửa tiêu diệt mục tiêu...
Phiên bản máy bay tuần tiễu chống ngầm trên biển C-295MPA
|
Đây chính là loại máy bay mà Việt Nam đang rất cần có để đảm bảo mối liên kết và khả năng hiệp đồng tác chiến giữa các loại vũ khí khác loại thuộc các quân binh chủng với nhau; hoặc chỉ huy-điều phối hoạt động của những trang bị khác tiêu chuẩn.
C-295 AEW&C là kết quả của sự hợp tác giữa Airbus Military và Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Isarel (IAI) - nhà cung cấp radar mạng pha điện tử chủ động (AESA) thế hệ 4 rất hiện đại là EL/M-2075 Phalcon 2 (do công ty con của IAI là ELTA chế tạo).
Theo giới chuyên gia, C-295 AEW&C có khả năng trung chuyển các dạng tín hiệu số liệu theo chuẩn NATO và cả của Nga. Các kỹ sư quân sự Isarel có nhiều kinh nghiệm tích hợp các hệ thống vũ khí của Nga/Liên Xô cũ với các khí tài phương Tây, điển hình là ở Ấn Độ.
Công ty Elta - cha đẻ của radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) EL/M-2075 Phalcon2 trên C-295 AEW&C đã từng tích hợp radar EL/W-2085 Phalcon trên khung thân của chiếc A-50 Beriev do Nga chế tạo, để nâng cấp mạnh phi đội máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm của Ấn Độ; giúp nó có khả năng chỉ huy tác chiến cho giàn máy bay chiến đấu hỗn hợp Nga - châu Âu của nước này như MiG-29K/KUB, Su-30MKI, Jaguar, Mirage-2000…
Hiện nay, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam-Israel cũng có những bước tiến rất lớn.
Ngoài súng cá nhân và tên lửa phòng không, pháo phản lực nhiều nòng, Việt Nam cũng đang sử dụng một số loại radar của Israel như Tổ hợp radar mảng pha điện tử chủ động (AESA), cảnh giới tầm xa ELM-2288ER AD STAR và radar phòng không chiến thuật 3 chiều ELM-2106NG của chính Elta.
Phiên bản máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên không C-295 AEW&C
|
Do đó, việc Việt Nam mua máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm C-295 là điều vừa hợp lý vừa có nhiều thuận lợi, vừa đáp ứng nhu cầu cảnh báo sớm trên không, trên biển, vừa có khả năng trung chuyển thông tin giữa các trang bị của Nga và phương Tây.
Với C-295 AEW&C, các phi đội máy bay chiến đấu; các biên đội tàu mặt nước (tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa cao tốc, các tiểu đoàn tên lửa bờ đối hạm Việt Nam...) sẽ được chỉ huy-điều phối tác chiến thống nhất tạo thành thế trận phòng thủ chung liên hoàn và chặt chẽ.
Các mục tiêu sẽ được phát hiện sớm và kịp thời; các mục tiêu trọng yếu sẽ được tự động nhận diện và “ưu tiên chăm sóc”; hơn nữa với máy bay AEW&C, tầm hoạt động của vũ khí được tăng cường; khiến sức mạnh của không quân và hải quân Việt Nam sẽ tăng thêm rất nhiều.
C-295 là sự lựa chọn tối ưu ?
Một vấn đề cũng được các chuyên gia quân sự đề cập đến là vào tháng 1 năm 2016, Airbus đã giới thiệu quá trình phát triển một phiên bản C-295 khác hết sức đáng chú ý là máy bay tiếp liệu C-295, sử dụng phương thức tiếp dầu bằng ống mềm.
Phiên bản này được cải tạo trên cơ sở máy bay vận tải C-295M, mà chỉ cần sửa đổi một phần khung thân, trang bị thêm một số thiết bị và các phần mềm điều khiển khác. Đây là những thuận lợi rất lớn đối với các nước đã mua máy bay vận tải C-295M của Airbus như Việt Nam.
Phiên bản C-295 vận tải-tiếp liệu đã thử nghiệm tiếp dầu thành công cho máy bay trực thăng
|
Hiện phiên bản này đã thử nghiệm tiếp liệu thành công đối với máy bay trực thăng chiến đấu, nâng cao phạm vi tác chiến trên không cho các máy bay. Đây là điều mà hiện lực lượng không quân Việt Nam vẫn chưa có được.
Ngoài ra, Airbus cũng đang thực hiện việc cải tạo, tối ưu hoá máy bay để giúp máy bay có khả năng cất cánh trên đường băng cực ngắn và khả năng hạ cánh thẳng đứng, khiến nó có thể hoạt động được ở những sân bay dã chiến, ở những những khu vực địa hình đồi núi hiểm trở.
Với những phiên bản đa dạng, phục vụ cho nhiều yêu cầu nhiệm vụ khác nhau mà các hệ máy bay khác không có, C-295 đang là loại máy bay hạng trung hết sức đáng chú ý đối với các nước có ngân sách quốc phòng ít ỏi như Việt Nam. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Ngoài khả năng tác chiến đa nhiệm, việc mua sắm hàng loạt phiên bản máy bay trên cơ sở khung thân C-295 cũng cho phép chúng ta có thể tiết kiệm chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng sửa chữa, bảo dưỡng máy bay; đào tạo nhân viên kỹ thuật, huấn luyện phi công…
Thêm nữa, Airbus cũng đã bày tỏ ý định sẵn sàng hợp tác với bất cứ quốc gia nào có nhu cầu sản xuất máy bay ở trong nước. Điều này sẽ giúp các đối tác được tiếp cận với những công nghệ hàng không đỉnh cao của thế giới, nâng cao trình độ khoa học công nghệ hàng không.
http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/c-295-canh-bao-som-chong-ngam-hoan-hao-cho-viet-nam-3339101/?paged=3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét