Trong bối cảnh dân số Trung Quốc đang già hóa một cách rất nhanh, thì việc hàng năm có hàng triệu người chết sớm hoặc suy giảm sức khỏe đang thực sự là một hiểm họa khủng khiếp với đất nước và nền kinh tế.
Bắc Kinh đang trải qua những ngày bận rộn. Một mặt, Trung Quốc đang phải đối phó với việc Mỹ đang tăng cường các động thái ở châu Á Thái Bình Dương gia tăng một cách chóng mặt, với các cuộc tập trận và tăng cường liên kết các nước đồng minh trong khu vực. Mặt khác, những vấn đề về nền kinh tế cũng đang đòi hỏi những nhà lãnh đạo cao nhất của nền kinh tế thứ hai thế giới phải tìm ra một mô hình phát triển mới cho tương lai.
Nhưng về lâu dài, đó vẫn chưa phải là vấn đề đáng lo ngại nhất với Bắc Kinh. Đơn giản là vì đó không phải là lỗi lầm lớn nhất mà Trung Quốc đã mắc phải trong suốt hơn 30 năm phát triển kinh tế chóng mặt, sai lầm đó là: thiếu quan tâm đến chính người dân của mình.
Đặc điểm này tiếp tục diễn ra kể cả khi Trung Quốc mở cửa và đón nhận những luồng tư tưởng mới từ bên ngoài. Thế giới đã ngợi ca không tiếc lời đối với những thành tựu phát triển kinh tế to lớn của Trung Quốc trong hơn ba mươi năm qua, nhưng nhìn sang vấn đề điều kiện sống của người dân Trung Quốc thì đó lại là một bức tranh khác hẳn. Những nỗ lực và thành quả mà Trung Quốc đạt được trong phát triển kinh tế lớn bao nhiêu, thì nó lại ít bấy nhiêu trong việc cải thiện chất lượng sống và phát triển của người dân Trung Quốc. Trung Quốc hiện đã là nền kinh tế thứ hai thế giới, với số lượng triệu phú mới nổi cao nhất thế giới, là minh chứng cho những thành quả phát triển kinh tế.
Nhưng Trung Quốc vẫn đang là một nước có thu nhập bình quân đầu người thuộc loại trung bình, kém rất xa so với các nước phát triển. So với ba mươi năm trước, khi mà Trung Quốc chưa mở cửa, thì điều kiện sống của người dân rõ ràng là tốt hơn, và ngày càng nhiều người dân nước này sống ở các đô thị lớn hơn. Nhưng nó chưa tương xứng với những gì mà Trung Quốc đạt được trong phát triển kinh tế. Đơn giản là vì chính phủ Trung Quốc đang lơ là đi người dân của mình hơn bao giờ hết.
Một thực tế là, ngày càng có nhiều người Trung Quốc muốn rời khỏi đất nước mình, không chỉ là những người có tiền muốn sang châu Âu hoặc Mỹ, mà còn đang lan rộng ra cả những người thu nhập thấp. Cuộc sống ở Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn. Sinh viên ra trường có tới 30% là không tìm được việc làm, mức thu nhập trung bình cũng chưa đủ để trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở những đô thị, số hộ gia đình có mức thu nhập đạt 24.000 USD/năm chỉ chiếm hơn 10%, trong khi đó những vấn đề về ô nhiễm môi trường, sức khỏe đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Trung Quốc có lẽ đang là quốc gia ô nhiễm nhất thế giới, khi mà hàng loạt thành phố lớn nhất trở nên quá tải và ngập trong khói bụi của các nhà máy, còn diện tích đất canh tác nông nghiệp bị ô nhiễm đã lên tới 10%, chiếm cả triệu hecta. Từ cách đây cả chục năm những tổ chức môi trường đã cảnh báo Trung Quốc về nạn ô nhiễm do phát triển bừa bãi các ngành công nghiệp. Nhưng chính phủ Trung Quốc đã lờ đi và tiếp tục bảo trợ cho các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng như sắt thép, xi măng, nhiệt điện và hóa chất.
Sự thờ ơ với việc bảo vệ sự ổn định đời sống của người dân của chính phủ Trung Quốc, còn nằm ở việc sẵn sàng chấp nhận những tác hại miễn là thu được lợi ích kinh tế. Điển hình là trong hai lĩnh vực thuốc lá và sữa trẻ em. Trung Quốc đang là nước có số người hút thuốc lớn nhất thế giới, với khoảng trên 300 triệu người, và cũng không đâu mà thuốc lá lại rẻ như ở nước này. Đơn giản là vì Trung Quốc đang là nước trồng thuốc lá lớn nhất thế giới, với sản lượng vượt hơn cả tổng sản lượng của gần mười nước đứng sau cộng lại.
Phần lớn sản lượng thuốc lá do Trung Quốc trồng được là để phục vụ cho nhu cầu của người dân trong nước, và với số người hút thuốc lớn như vậy thì dù có bán với giá rất rẻ thì lợi nhuận mà ngành công nghiệp thuốc là Trung Quốc thu được vẫn là rất lớn. Lợi nhuận trong năm 2014 của ngành này ước tính đạt khoảng 10 tỷ USD.
Câu chuyện về sữa cho trẻ em cũng tương tự. Phần lớn các loại sữa ở thị trường Trung Quốc hiện nay là nhập ngoại và được bán với cái giá cắt cổ, một phần do chính phủ Trung Quốc đánh thuế quá cao. Nhưng tình trạng của những gia đình Trung Quốc có trẻ nhỏ hiện nay vẫn bắt buộc họ phải mua và sử dụng các loại sữa đắt đỏ này, do thời gian nghỉ sinh và chăm sóc con quá ngắn, cũng như cuộc sống công nghiệp khiến cho việc sử dụng sữa nhập ngoại này là điều gần như không thể tránh khỏi.
Chính vì giá cả sữa ngoại quá đắt đỏ, đã làm nảy sinh tình trạng làm sữa giả ở Trung Quốc. Điển hình là vụ sữa có chứa chất Melamine gây nhiễm độc, đã gây ra tử vong cho hàng trăm trẻ em, và hàng chục ngàn trẻ phải nhập viện.
Việc thiếu đi sự quan tâm đến cuộc sống của người dân đang khiến Bắc Kinh phải trả một giá rất đắt. Chỉ tính riêng con số tử vong do thuốc lá gây ra, hàng năm có khoảng 1 triệu người Trung Quốc qua đời do thuốc lá. Tổng con số do các nguyên nhân về ô nhiễm môi trường, điều kiện sống khó khăn thì còn lớn hơn nữa. Trong bối cảnh dân số Trung Quốc đang già hóa một cách rất nhanh, thì việc hàng năm có hàng triệu người chết sớm hoặc suy giảm sức khỏe đang thực sự là một hiểm họa khủng khiếp với đất nước và nền kinh tế.
Trong khi Bắc Kinh đang cố gắng nới lỏng chính sách sinh một con để duy trì tình trạng dân số trẻ để đảm bảo nhân lực cho nền kinh tế, thì việc thiếu quan tâm đến người dân đang khiến những nỗ lực đó trở nên vô ích. Trong cả năm 2015 chỉ có chưa đầy 100.000 cặp vợ chồng được phép sinh con thứ hai, có nghĩa là sẽ chỉ có khoảng chưa đầy 100.000 trẻ được sinh thêm, thì số người tử vong sớm đã lên tới cả triệu người.
Không khó để dự đoán được rằng tốc độ già hóa dân số của Trung Quốc sẽ còn tăng cao hơn nữa. Và giờ đây, khi mà tình trạng đã ở mức báo động, thì những nỗ lực như dẹp bỏ các nhà máy gây ô nhiễm, tăng gấp đôi thuế tiêu thụ thuốc lá của Bắc Kinh có vẻ như đã là quá muộn màng.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
http://motthegioi.vn/ho-so-phan-tich/sai-lam-nguy-hiem-nhat-cua-trung-quoc-luc-nay-la-gi-187113.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét