Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Báo Trung Quốc dọa Mỹ: Đừng nghĩ Trung Quốc mềm yếu ở Biển Đông

 Bài báo tiếp tục tuyên truyền cho mục đích xấu trong xây dựng đảo nhân
 tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng càng nói càng
 thấy lố bịch.

Hình ảnh minh họa trên tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc về hoạt động bồi đắp bất hợp pháp của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 3 tháng 5 có bài viết cho rằng, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi gần đây đã điện đàm với Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert.
Ông Lợi cho biết Trung Quốc tiến hành xây dựng (bất hợp pháp) ở các đảo đá Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) "sẽ không đe dọa tự do bay và tự do hàng hải ở Biển Đông", còn "hoan nghênh các tổ chức quốc tế, Mỹ và các nước liên quan sử dụng những cơ sở này, triển khai hợp tác cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai khi điều kiện chín muồi trong tương lai".
Đối với vấn đề này, Tham mưu trưởng Jonathan Greenert đã có phản ứng, nhưng báo Trung Quốc đưa tin dễ gây hiểu nhầm - PV. Báo Trung Quốc dẫn lời Greenert nói là: "Nếu có thể sử dụng các cơ sở do Trung Quốc xây dựng cùng triển khai hợp tác lĩnh vực cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai, có lợi cho an toàn đi lại ở khu vực Biển Đông, có lợi cho bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực, có ý nghĩa lịch sử quan trọng".
Nhưng theo hãng Reuters Anh, ông Greenert đã nói là: "Các cơ sở sẽ có lợi cho duy trì ổn định và tự do hàng hải nếu các nước khác có thể sử dụng các cơ sở đó cho hoạt động nhân đạo chung". Tuy nhiên, kể cả theo cách nói này, việc sử dụng các cơ sở do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp này đều không khả thi và nó gián tiếp thừa nhận chủ quyền do Trung Quốc áp đặt - PV.
Tại cuộc họp báo thường lệ, quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke đã tuyên bố: "Xây dựng công trình trên khu đất bồi đắp nhân tạo ở khu vực tranh chấp sẽ không có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực, cho dù có như tuyên bố của một số quan chức Trung Quốc" – Đây là một tuyên bố từ chối thẳng thừng của Mỹ, rằng họ sẽ không tham gia vào các hoạt động phi pháp của Trung Quốc - PV.
Theo báo Trung Quốc, đằng sau Nhật Bản, Philippines luôn có bóng dáng của Mỹ (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
Bài báo dẫn các động thái liên tiếp của Mỹ và đồng minh liên quan đến vấn đề Biển Đông hiện nay: Trước hết là quan chức cấp cao Philippines liên tiếp công khai chỉ trích Trung Quốc tiến hành xây dựng (bất hợp pháp) ở các đảo đá trên Biển Đông, cho rằng "hành vi yêu sách hầu hết Biển Đông của Trung Quốc chắc chắn làm cho toàn bộ cộng đồng quốc tế phải cảm thấy sợ hãi". Đồng thời, Philippines tuyên bố, sẽ khôi phục hoạt động sửa chữa và tái thiết ở khu vực Biển Đông.
Do Philippines ra sức thúc đẩy, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 được tổ chức gần đây đã ra tuyên bố, bày tỏ "đặc biệt quan ngại" đối với hoạt động bồi đắp (do Trung Quốc) đang tiến hành (bất hợp pháp) ở Biển Đông.
Đồng thời, trong thời gian Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Mỹ, hai nước Nhật-Mỹ đã công bố Phương châm hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ mới, đã cởi trói cho Nhật Bản cung cấp chi viện nhiều hơn cho Quân đội Mỹ. Theo hãng tin Reuters Anh, có nguồn tin tiết lộ, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang xem xét gia nhập hoạt động tuần tra trên không ở Biển Đông.
Chính phủ Nhật Bản còn mời Tổng thống Philippinese Benigno Aquino thăm Nhật Bản vào đầu tháng 6 tới. Đây sẽ là lần tiếp theo ông Benigno Aquino thăm Nhật Bản, cách chuyến thăm lần trước 1 năm. Từ đó, có thể nhìn thấy được “sức nóng” của quan hệ hai nước.
Tháng 7 năm 2014, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Jonathan Greenert thăm Trung Quốc
Khi thăm Nhật Bản trong năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đã bày tỏ quan ngại đối với hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng, các hành động của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm “quân sự hóa” đảo đá Biển Đông và tình hình căng thẳng khu vực, không phù hợp với cam kết của Trung Quốc đối với ASEAN.
Trong khi đó, Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ Robert Thomas không chỉ công khai cho biết, hoan nghênh Nhật Bản mở rộng phạm vi tuần tra trên không tới Biển Đông để "chống lại tàu chiến và thuyền bè Trung Quốc", mà còn đề nghị các nước ASEAN xây dựng lực lượng liên hợp để tuần tra Biển Đông, đồng thời cam kết Hạm đội 7 sẽ tiến hành hỗ trợ.
Đối với những chỉ trích của Mỹ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên tiếng yêu cầu Mỹ "chấm dứt phát biểu vô trách nhiệm, tôn trọng những nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định của các nước khu vực Biển Đông, không làm việc thách thức quan hệ nước khác, gây ra tình hình căng thẳng khu vực".
Tuy nhiên, Trung Quốc đã có những nỗ lực gì để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông như họ nói? Phải chăng đó là những hành động từng bước gặm nhấm chủ quyền biển đảo của Việt Nam và các nước ven Biển Đông (tức chiến thuật “tằm ăn dâu” hay lát cắt xúc xích). Trên thực tế, nó đã cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nó đã cướp một số đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đang xây căn cứ quân sự bất hợp pháp trên đó.
Nó đã cướp bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012, nó đã định cướp vùng biển chủ quyền của Việt Nam vào năm 2014 và nó có ý định cướp nốt biển đảo theo yêu sách "đường lưỡi bò" phi pháp, lố bịch - PV.
Tờ "Hoàn Cầu" dùng hình ảnh về Hải quân Trung Quốc này để tuyên truyền, răn đe
Đối với tranh chấp đảo đá ngầm Biển Đông, Mỹ luôn lấy lý do tự do hàng hải quốc tế để tiến hành can thiệp, theo tuyên truyền của báo Trung Quốc thì mục đích thực sự của Mỹ là phục vụ cho chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", thông qua tuyên truyền "mối đe dọa Trung Quốc" để một số nước đối đầu với Trung Quốc, tiến tới ép họ ngả về phía Mỹ để bảo đảm vị thế chủ đạo của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Bài báo tiếp tục tuyên truyền cho rằng, Trung Quốc không có ý định "tranh bá" với Mỹ, bất kể ở châu Á-Thái Bình Dương hay trên toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc xưa nay đều cho biết rõ, bất kể thực lực mạnh thế nào, Trung Quốc vĩnh viễn “không xưng bá”. Nhưng bất cứ nước ngoài nào cũng không nên trông chờ Trung Quốc đem "lợi ích cốt lõi" của mình để tiến hành giao dịch, không nên trông chờ Trung Quốc "nuốt quả đắng" gây thiệt hại cho chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc.
Những tuyên bố của Trung Quốc luôn rất hay, nhưng những gì Trung Quốc đang áp đặt cho khu vực nhất là yêu sách chủ quyền ở Biển Đông là không thể chấp nhận được - nó đang làm nóng vấn đề an ninh ở xung quanh Trung Quốc, đe dọa phát triển bền vững của chính bản thân Trung Quốc và đe dọa hòa bình, ổn định khu vực. Trung Quốc không thể nói suông, mà hãy hành động thực tế - PV.
Trung Quốc không có "lợi ích cốt lõi" hay chủ quyền biển đảo ở Biển Đông. Trung Quốc không thể áp đặt chủ quyền đối với đảo đá đã cướp được của Việt Nam hay Philippines. Trung Quốc không có quyền mời nước khác sử dụng đảo đá của Việt Nam hay các công trình do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở đó - PV.
Trung Quốc không bao giờ và cũng không thể có cái gọi là "lợi ích cốt lõi" (chủ quyền) ở Biển Đông
Trung Quốc nếu ngoan cố áp đặt yêu sách "đường lưỡi bò" (tiếp tục cố tình hành vi xâm lược) thì chắc chắn sẽ đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, khu vực, chắc chắn vi phạm luật pháp quốc tế, chắc chắn sẽ "nuốt quả đắng" - PV.
Trung Quốc nói xây dựng các công trình trên "lãnh thổ của mình, thuộc quyền lợi hợp pháp và công việc nội bộ của Trung Quốc" là một sự lừa đảo trắng trợn. Chưa có nước nào trên thế giới thừa nhận chủ quyền bất hợp pháp, đi ăn cướp của Trung Quốc trên Biển Đông - PV.
Bài báo tuyên truyền cho rằng: "Để giảm sự lo ngại không cần thiết của một số nước do hiểu nhầm, Trung Quốc đã tiến hành giải thích tương đối cụ thể, cho biết, mở rộng đảo đá ở Trường Sa sẽ xây dựng các công trình chức năng trên các phương diện dân sự như tránh gió, hỗ trợ hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, cung cấp dịch vụ cần thiết cho Trung Quốc, các nước xung quanh và tàu thuyền các nước đi lại ở Biển Đông. Công trình mở rộng đảo đá được tiến hành đánh giá khoa học và luận chứng chặt chẽ, có tiêu chuẩn và yêu cầu bảo vệ môi trường chặt chẽ, sẽ không gây phá hoại đối với môi trường sinh thái của Biển Đông".
Trên thực tế, Trung Quốc chỉ lấy cớ vậy thôi, tỏ ra tốt đẹp, nhưng thực chất là thủ đoạn lắt léo để tìm kiếm sự thừa nhận chủ quyền thuộc về Trung Quốc từ các nước khác, nhưng thủ đoạn lừa đảo này còn lâu mới dụ được ai và cũng chẳng có tác dụng gì - PV.
Từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014, Trung Quốc kéo giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 và một lực lượng quân sự, bán quân sự khổng lồ vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam rõ ràng là một hành động "xâm lược", uy hiếp, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền, an ninh quốc gia Việt Nam cũng như đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định khu vực.
Bài báo tiếp tục tuyên truyền với dụng ý xấu, cho rằng, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi lần này mời Mỹ sử dụng công trình xây dựng phi pháp của họ trên Biển Đông là có một số ý nghĩa sau:
Thứ nhất, nói với phía Mỹ, hoạt động xây dựng (bất hợp pháp) trên các đảo đá ngầm Biển Đông sẽ tiếp tục tiến hành. Bởi vì, nếu chấm dứt xây dựng như vậy sẽ không tồn tại khả năng "sử dụng trong tương lai".
Thứ hai, xây dựng của Trung Quốc sẽ không đe dọa tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Đông. Nói cách khác, muốn Mỹ hiểu vấn đề "tự do hàng hải quốc tế ở Biển Đông" không tồn tại (tức là tự do hàng hải không gặp trở ngại).
Thứ ba, công trình xây dựng trên đảo đá ngầm hoàn toàn không phải chỉ dùng cho mục đích quân sự. Bài báo nghĩ rằng "bảo vệ lãnh thổ là tất yếu", nhưng, ngoài ra, theo tưởng tượng của bài báo, những công trình này cũng có thể đem lại không ít “lợi ích thiết thực” cho người dân Trung Quốc và các nước khác, đặc biệt là trên các phương diện như dự báo khí tượng, cứu trợ hàng hải và bảo vệ an toàn hàng hải ở vùng biển quốc tế.
Trên thực tế, khi Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, cố đấm ăn xôi với yêu sách tham lam vô độ “đường lưỡi bò” cũng như ngày càng hung hăng áp đặt chủ quyền lãnh thổ với các nước xung quanh thì các hành động của Trung Quốc chẳng đem lại lợi lộc gì cho các nước xung quanh và khu vực. Khi Trung Quốc dùng thực lực kinh tế và quân sự ngày càng tăng để tìm cách phá vỡ nguyên trạng, phá vỡ trật tự quốc tế thì không có ai đảm bảo rằng, những lời nói mỹ miều về an ninh của Trung Quốc được thực hiện – PV.
Philippines chỉ thẳng mặt Trung Quốc: Cảnh sát biển Trung Quốc là bọn "cướp có vũ trang" ở Biển Đông
Ngoài ra, theo bài báo, trong điện đàm, ông Ngô Thắng Lợi còn cho rằng, hoạt động đến gần do thám Trung Quốc của máy bay, tàu chiến Mỹ không phù hợp với không khí tích cực xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới Trung-Mỹ, quan hệ hải quân nước lớn kiểu mới. Muốn hai bên tiếp tục thực hiện quan điểm "hợp tác thiết thực, hài hòa, cùng tiến", thiết thực bảo vệ “đại cục” quan hệ hai nước, hai quân đội.
Theo bài báo, Chính phủ và Quân đội Trung Quốc có thái độ "kiên định" (bành trướng bất hợp pháp) trong vấn đề Biển Đông, một mặt thông qua giải thích và trao đổi để thể hiện “thiện chí” (ý đồ xấu), xóa bỏ hiểu nhầm (muốn các nước khác không còn cảnh giác, đề phòng Trung Quốc nữa), mặt khác cũng đang cảnh cáo Mỹ không được dùng thủ đoạn can thiệp vào "công việc nội bộ" của Trung Quốc và vấn đề Biển Đông (để Trung Quốc thích làm gì thì làm).
Bài báo muốn Mỹ "lĩnh hội được dụng ý" của Trung Quốc, không coi "thiện chí" của Trung Quốc là "mềm yếu". Ngoài ra, Trung Quốc còn thông qua phát ngôn viên ngoại giao của họ nói là, họ phản đối các nước ngoài khu vực thò tay vào tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển giữa Trung Quốc và các nước xung quanh, bất cứ ai đều không nên đánh giá thấp quyết tâm và năng lực “bảo vệ quyền lợi chính đáng” của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một nước Trung Quốc không thể áp đặt “đường lưỡi bò” tham lam vô độ cho cả cộng đồng quốc tế, một nước Trung Quốc không thể dùng luật lệ do họ tự tạo ra để đè lên luật pháp quốc tế, để đè lên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, một nước Trung Quốc không thể tiếp tục “chiến thuật gặm nhấm dần dần” đến khi “nuốt lấy” toàn bộ Biển Đông – trong khi đảo đá ở đó về lẽ tự nhiên và pháp lý rõ ràng thuộc chủ quyền của Việt Nam và các nước khác, cũng như Biển Đông là một vùng biển quốc tế - PV.
.http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/Bao-Trung-Quoc-doa-My-Dung-nghi-Trung-Quoc-mem-yeu-o-Bien-Dong-post157939.gd
Hiện nay, Trung Quốc lại đang kéo giàn khoan nước sâu thứ hai có tên là Hưng Vượng xuống Biển Đông. Trung Quốc định làm gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét