Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Điều gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc trở thành số Một?

Câu hỏi có thể phụ thuộc vào việc Mỹ hành động thế nào vào lúc này. Điều quan trọng là cả hai bên cần học từ những sai lầm mà họ từng phạm phải. Trung Quốc cần rút kinh nghiệm từ sự quyết đoán của họ với Nhật Bản và các nước láng giềng ASEAN. Mỹ cần tự hỏi liệu những hành động gần đây của mình có là hình mẫu về vai trò tốt cho Trung Quốc hay không.


Trước hết, theo tôi, có ba sự kiện không thể tránh khỏi. Đầu tiên, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Thứ hai, hầu hết người Mỹ, giống như hầu hết người phương Tây, nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc với dự cảm lớn. Thứ ba, vai trò của Trung Quốc với tư cách cường quốc kinh tế số 1 sẽ không bị đóng khung. Phản ứng của thế giới, đặc biệt là Mỹ, trước sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ tác động như thế nào đến hành vi của Trung Quốc trong tương lai?
Nếu chúng ta đưa ra quyết định ngay bây giờ, Trung Quốc có thể trỗi dậy như một cường quốc tốt đẹp (dù hầu hết người Mỹ cảm thấy điều này hầu như là bất khả thi). Cùng lúc đó, nhiều người Mỹ không nhận thức được rằng một số hành động gần đây của Mỹ đang tạo ra tiền lệ xấu mà Trung Quốc có thể làm theo khi họ trở thành số 1.
Hành động đầu tiên như vậy của Mỹ là chương trình nới lỏng định lượng (QE). Cho đến tận giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn hài lòng rằng Mỹ và Trung Quốc đã hình thành một hình thức phụ thuộc lẫn nhau. Trung Quốc dựa vào thị trường Mỹ để tạo kim ngạch xuất khẩu và việc làm. Mỹ dựa vào Trung Quốc để mua trái phiếu chính phủ Mỹ bù đắp thâm hụt chi tiêu. Niềm tin phụ thuộc lẫn nhau này của Trung Quốc đã tan vỡ khi Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo gói biện pháp QE đầu tiên vào tháng 10/2008. Hành động này của FED cho thấy Mỹ không dựa vào việc Trung Quốc mua trái phiếu chính phủ Mỹ. 
Hành động thứ hai của Mỹ là áp dụng luật trong nước ra bên ngoài khi khởi tố một loạt ngân hàng, gồm HSBC, RBS, UBS, Credit Suisse và Standard Chartered. Năm 2012, Mỹ đã phạt Standard Chartered 340 triệu USD do thực hiện các khoản thanh toán cho Iran. Hầu hết người Mỹ cảm thấy công bằng khi ngân hàng này bị phạt do quan hệ với Iran. Tuy nhiên, Standard Chartered, đặt trụ sở chính tại Anh, không hề vi phạm luật pháp Anh cũng như bất kỳ lệnh trừng phạt bắt buộc nào do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt. Dù vậy, do gần như mọi khoản thanh toán quốc tế phải đi qua cơ chế thanh toán của Mỹ, Standard Chartered bị phạt do phạm luật Mỹ. Tóm lại, Mỹ áp dụng luật của mình với công dân không phải người Mỹ và doanh nghiệp không phải của Mỹ hoạt động ngoài nước Mỹ.
Hành động thứ ba của Mỹ là đe dọa các nước bằng cách từ chối cho họ tiếp cận hệ thống Swift. Vì mọi khoản thanh toán quốc tế phải đi qua hệ thống Swift, nên bất kì nước nào bị từ chối tiếp cận Swift sẽ bị ném vào hố đen và bị từ chối mọi loại giao dịch và đầu tư quốc tế. Trong bài viết gần đây, nhà báo Fareed Zakaria đã mô tả phản ứng của Nga trước khả năng bị từ chối tiếp cận hệ thống Swift. Theo bình luận của giới truyền thông phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin thường được xem là người xấu và Thủ tướng Dmitry Medvedev được cho là người tốt. Song, chính "người tốt" đã nói: "Phản ứng của Nga, về cả kinh tế và những khía cạnh khác, là không có giới hạn".
Giấc mơ hồi sinh của Trung Quốc
Tôi kể ra ba câu chuyện trên bởi trong khi người Mỹ suy nghĩ Trung Quốc nên hành xử như thế nào với tư cách cường quốc số 1, họ cũng cần suy nghĩ về câu hỏi liệu Mỹ đã làm tốt hình mẫu của cường quốc số 1 hay chưa. Đây là câu hỏi lớn mà tôi nêu ra trong kết luận của mình.
Trước khi kết luận, tôi muốn đặt ra câu hỏi quan trọng đầu tiên: mục tiêu và tham vọng của giới lãnh đạo Trung Quốc là gì khi Trung Quốc trở thành số 1? Không như giới lãnh đạo Liên Xô trước đây, giới lãnh đạo Trung Quốc không mong muốn chứng tỏ tính ưu việt của hệ thống cộng sản Liên Xô. Song nếu chủ nghĩa cộng sản không phải điều họ muốn thúc đẩy, vậy Bắc Kinh muốn gì? Lời đáp đơn giản là họ chỉ muốn hồi sinh nền văn minh Trung Hoa.
Nếu có một điều thúc đẩy giới lãnh đạo Trung Quốc, đó chính là ký ức của họ về nhiều điều sỉ nhục mà Trung Quốc đã trải qua trong hơn 150 năm qua. Nếu cần một khẩu hiệu để thúc đẩy họ, nó sẽ đơn giản là: “Không bị sỉ nhục nữa”. Đó là lý do tại sao họ muốn biến Trung Quốc lại trở thành một cường quốc vĩ đại và hùng mạnh. Chủ tịch Tập Cận Bình đã giải thích về mục tiêu này trong bài phát biểu tại UNESCO vào ngày 27/3/2014. 
Ông nói: “Người Trung Quốc khao khát hiện thực hóa giấc mơ lớn hồi sinh dân tộc Trung Hoa. Giấc mơ Trung Hoa là về sự phồn vinh của đất nước, hồi sinh dân tộc và hạnh phúc của người dân. Nó phản ánh cả lý tưởng của người dân Trung Quốc ngày nay và truyền thống mong mỏi tiến bộ liên tục của chúng tôi. Giấc mơ Trung Hoa sẽ được hiện thực hóa thông qua sự phát triển cân bằng và thực hiện đồng thời cả tiến bộ vật chất lẫn văn hóa. Không có sự liên tục và phát triển văn minh hay thúc đẩy và thịnh vượng văn hóa, giấc mơ Trung Hoa sẽ không thành sự thực”.
Tuy nhiên, nhiều người phương Tây sẽ không cảm thấy thoải mái cho đến khi Trung Quốc tự chuyển đổi thành một nền dân chủ tự do. Họ giả định rằng nếu hệ thống Trung Quốc thay đổi và một nền dân chủ kiểu phương Tây xuất hiện ở Trung Quốc, thì đó là điều rất tốt. Song đây là một giả định nguy hiểm nếu thực hiện. Một Trung Quốc dân chủ hơn nhiều khả năng sẽ là một Trung Quốc dân tộc chủ nghĩa hơn. Một Trung Quốc dân tộc chủ nghĩa hơn có thể sẽ là một Trung Quốc hung hăng và quyết đoán hơn. Theo đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tạo ra một thứ công ích cho thế giới khi kiềm chế lực lượng và tiếng nói dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc.
Sự kiềm chế hiện tại là điều kì diệu
Cho đến nay, như chúng ta đã biết, Trung Quốc trỗi dậy hòa bình. Đây là hệ quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng là hệ quả chính sách sáng suốt của Mỹ với Trung Quốc.
Điều này giải thích sự kiềm chế bất thường trong quan hệ Trung-Mỹ hiện nay. Thông thường, khi một cường quốc mới nổi lớn nhất thế giới chuẩn bị vượt qua cường quốc lớn nhất, người ta sẽ chứng kiến mức độ căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai bên. Vì thế, hoàn toàn là điều bình thường khi chứng kiến căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay. Song, thay vào đó, người ta lại nhận thấy điều hoàn toàn trái ngược: quan hệ hoàn toàn bình thường và kiềm chế.
Mỹ bắt đầu can dự nghiêm túc với Trung Quốc trong Chiến tranh Lạnh khi Bắc Kinh trở thành một đồng minh giá trị chống Liên Xô. Tuy nhiên, mối quan hệ này tiếp tục được duy trì sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Bất chấp căng thẳng trong những năm 1990 do sự kiện Thiên An Môn, hai bên đã có nỗ lực để duy trì quan hệ này ở mức cân bằng. Khi Tổng thống Bill Clinton nắm quyền vào tháng 1/1993, sau khi mô tả giới lãnh đạo Trung Quốc là những “tay đồ tể Bắc Kinh”, người ta có thể dễ dàng dự đoán một con đường nhiều trắc trở. Song, may mắn là ông Clinton đã phản ứng sáng suốt.
Tôi đã tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đầu tiên ở đảo Blake vào tháng 11/1993 và tận mắt chứng kiến ông Clinton và Chủ tịch Giang Trạch Dân đã có nỗ lực lớn như thế nào để tiếp xúc với nhau. Cuối cùng, sự cảnh giác lẫn nhau được thay thế bằng một mức độ bạn bè thân thiết đáng kể. Mỹ đã giúp Trung Quốc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới. Và Mỹ cũng giúp Trung Quốc bớt nhạy cảm về vấn đề Đài Loan. Quả thực, họ đã phản hồi rất tốt mỗi khi giới lãnh đạo Đài Loan tìm cách độc lập. Mỹ cũng hào phóng đặc biệt khi mở cửa các trường đại học danh giá nhất của mình cho sinh viên Trung Quốc.
Trong niên khóa 2013-2014, có 275.000 sinh viên Trung Quốc vào học tại các trường đại học Mỹ. Các sử gia tương lai sẽ cảm thấy khó hiểu bởi hành động hào phóng lớn như vậy khi phần đông sinh viên đó sau này về nước để thúc đẩy Trung Quốc tiến lên trong những lĩnh vực từ thăm dò không gian đến quốc phòng. Tất cả những hành động sáng suốt đó của Mỹ đã tạo ra một điều kì diệu: một mối quan hệ Mỹ-Trung kiềm chế. Tuy nhiên, những điều kì diệu tồn tại bởi những sai lạc lịch sử. Chúng sẽ không kéo dài.
Chúng ta sẽ sớm trở lại những quy tắc lịch sử bình thường và chứng kiến sự cạnh tranh gia tăng giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới. Một ví dụ về hình thức cạnh tranh mới này là những nỗ lực gần đây của Mỹ trong việc thuyết phục các nước không tham gia sáng kiến của Trung Quốc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Ngay cả Anh đã bị cáo buộc "liên tục thỏa hiệp với Trung Quốc, vốn không phải là cách tốt nhất để can dự với một cường quốc đang trỗi dậy".
Để tránh sự cạnh tranh gia tăng, cả hai bên cần học từ những sai lầm mà họ từng phạm phải. Trung Quốc cần rút kinh nghiệm từ sự quyết đoán của họ với Nhật Bản và các nước láng giềng ASEAN. Mỹ cần tự hỏi liệu những hành động gần đây của mình có là hình mẫu về vai trò tốt cho Trung Quốc hay không. Đó là lý do tại sao tôi bắt đầu với ba câu chuyện về QE, áp dụng luật trong nước ra bên ngoài và từ chối cho phép tiếp cận Swift.
Chúng phản ánh tại sao Mỹ nên xem lại những hành động của mình qua một lăng kính đơn giản: Trung Quốc có lặp lại những hành động này khi họ trở thành số 1 hay không? Lý do sử dụng lăng kính này là bởi khi Trung Quốc trở thành số 1, nhiều khả năng họ sẽ lặp lại hành động của Mỹ, chứ không phải lời nói. Mỹ có năng lực và có thể đe đọa đơn phương hành động trong ba trường hợp mà tôi nhắc đến ở trên bởi rõ ràng là Mỹ vẫn là hoàng đế ngự trị trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Họ đơn phương kiểm soát đồng tiền dự trữ của thế giới, đồng USD. Về lý thuyết, đồng USD là một công ích của thế giới. Song trên thực tế, đây là một công cụ chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ. Vì thế, đang có mối đe dọa lớn về việc Mỹ sử dụng những công ích thế giới, như đồng USD, giao dịch ngân hàng quốc tế và hệ thống Swift, cho những mục đích riêng. Điều này sẽ khuyến khích thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, hướng đến một trật tự toàn cầu thay thế. Nếu điều đó xảy ra, thế giới sẽ trở nên hỗn loạn hơn.
Một lý do mà tại sao thế giới tương đối ổn định và yên bình trong vài thập kỷ qua là phần còn lại của thế giới, đặc biệt là châu Á, đã nhất trí chấp nhận và hợp tác với một loạt thể chế toàn cầu do phương Tây tạo ra, như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Họ nhất trí làm vậy là bởi họ tin rằng những thể chế này phục vụ lợi ích toàn cầu, chứ không phải của phương Tây. Tuy nhiên, Mỹ, trong nhiều trường hợp, đã đưa ra các quyết định không sáng suốt làm xói mòn những thể chế này. Và mỗi hành động Mỹ thực hiện làm xói mòn những thể chế này rất có thể sẽ được Trung Quốc lặp lại.
Nếu Mỹ tìm cách củng cố trật tự thế giới phục vụ lợi ích thế giới, Trung Quốc cũng sẽ làm tương tự. Nếu điều đó xảy ra, sẽ không có gì thay đổi về cơ bản khi Trung Quốc trở thành số 1. Chúng ta sẽ tiếp tục sống trong một thế giới an toàn và có thể đoán định. Nói cách khác, Trung Quốc có thể nổi lên là một bên có trách nhiệm như Mỹ. Do Mỹ vẫn là cường quốc số 1 thế giới, câu hỏi lớn nhất mà Mỹ cần tự đặt ra là một câu hỏi đơn giản: Liệu họ có sống thoải mái trong một thế giới mà Trung Quốc sẽ hành xử giống hệt như Mỹ khi là siêu cường duy nhất?
Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu. Bài viết được đăng trênStraits Times.
Văn Cường (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/4911-dieu-gi-se-xay-ra-khi-trung-quoc-tro-thanh-so-mot

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét