Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

10 lý do khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong chiến tranh hiện đại

Biên dịch: Nguyễn Trần Bảo Yến | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Việc quân đội Trung Quốc (PLA) đưa vào sử dụng các hệ thống vũ khí trang thiết bị mới đã thu hút sự chú ý của thế giới trong hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, vũ khí tối tân chỉ là một yếu tố trong quá trình hiện đại hóa mang tính dài hạn và đa chiều của PLA. Nhiều thứ khác còn cần phải được hoàn thiện và người hiểu rõ điều này nhất không ai khác ngoài chính bản thân Trung Quốc. Theo những gì mà các chỉ huy và bộ phận tham mưu của PLA đã viết trong các tờ báo và tạp chí nội bộ, lực lượng này đang đối mặt với hàng loạt các thách thức liên quan đến mục tiêu thu hẹp khoảng cách về năng lực giữa nước này với các quân đội tiên tiến khác.
Vũ khí hiện đại, ngân sách quốc phòng gia tăng hay gần đây nhất là tham nhũng có khuynh hướng thu hút sự chú ý của báo giới phương Tây, nhưng có ít nhất 10 lý do khác làm gia tăng sự hoài nghi về khả năng hiện tại của PLA khi tiến hành chiến tranh hiện đại chống lại một kẻ thù mạnh hơn (một số lý do đã được thảo luận trong báo cáo mới của RAND mà tôi có đóng góp một số ý kiến)
1. Chia sẻ trọng trách chỉ huy
  
Từ cấp độ của một đại đội cho đến các sở chỉ huy cao nhất của PLA, các sĩ quan chỉ huy phải chia sẻ trách nhiệm của mình liên quan tới hoạt động của thuộc cấp với các chính uỷ – những người chuyên trách công việc chính trị bao gồm đảm bảo sự trung thành của PLA đối với Đảng thông qua công tác giáo dục tư tưởng, thăng cấp sĩ quan, theo đuổi ba loại hình chiến tranh là chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông, chiến tranh pháp lý cũng như duy trì tinh thần cũng như kỷ luật của binh sĩ. Trong mắt các sĩ quan quân đội phương Tây, đặc điểm trên đã vi phạm đến một nguyên lý của chiến tranh là “thống nhất lãnh đạo” (unity of command) mà trong đó “tất cả các lực lượng đều dưới quyền một người chỉ huy duy nhất”. Một xu hướng huấn luyện chủ đạo trong thập kỷ qua là cải thiện khả năng chiến thuật của chính uỷ trong các nhiệm vụ mà đơn vị của họ phải thực hiện. Về lý thuyết, các chỉ huy được phép toàn quyền đưa ra những quyết định mang tính chiến thuật và tác chiến khi cần thiết. Tuy nhiên, có những thời điểm xảy ra xích mích giữa các sĩ quan chỉ huy và những người đồng đội chính uỷ của họ. Tình hình có thể trở nên trầm trọng hơn nếu tham nhũng thấm sâu vào các chỉ huy và chính uỷ của các đơn vị tham gia tác chiến trực tiếp ở bên dưới. Hệ thống chia sẻ trọng trách như vậy có thể phù hợp trong thời bình, nhưng nó lại chưa bao giờ được thử nghiệm dưới áp lực của các chiến dịch tác chiến có tốc độ nhanh và mang tính hiện đại.
2. Sự thống trị của lục quân trong cấu trúc lãnh đạo và thành phần lực lượng
  
Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố rằng “Trung Quốc là quốc gia biển cũng như là quốc gia lục địa quan trọng”, nhưng cấu trúc lực lượng và lãnh đạo của PLA vẫn tiếp tục bị thống trị bởi lục quân. Dựa vào những số liệu được cung cấp từ chính phủ Trung Quốc, lục quân (bao gồm các nhánh độc lập của Quân đoàn Pháo binh số 2, vốn là lực lượng kiểm soát kho vũ khí tên lửa thông thường và hạt nhân của PLA) chiếm hơn 72% trong tổng số 2,3 triệu quân chính quy, còn lại 10% lực lượng thuộc về hải quân và 17% nằm trong không quân. Giữa năm 2014, lục quân Trung Quốc có 24 tướng (mang hàm ba sao), hải quân sở hữu ba đô đốc và không quân có năm người. Hiện tại, trong Quân uỷ trung ương (tổ chức hoạch định chính sách quân sự và lãnh đạo quân đội ở cấp cao nhất) lục quân chiếm 6 trên 10 ghế lãnh đạo quân đội cấp cao trong khi không quân là hai, hải quân và Binh đoàn Pháo binh số 2 mỗi lực lượng có một. Những con số này có thể dao động nhẹ qua các thời kì, nhưng phần lớn nhân sự lãnh đạo cấp cao của PLA vẫn thuộc về lục quân. Từ trước tới nay, bảy đại quân khu của PLA được chỉ huy bởi toàn các sĩ quan lục quân. Mặc dù Trung Quốc đã nhận ra mối đe dọa ngày càng gia tăng từ biển cả, và các chiến dịch trong tương lai sẽ phần lớn có sự tham gia của hải quân và không quân, nhưng Bắc Kinh vẫn chưa tiến hành thay đổi cấu trúc lực lượng chỉ huy để đáp ứng với yêu cầu thực tế. Những thay đổi về quy mô, cơ cấu, và hệ thống chỉ huy tác chiến kết hợp của PLA đã được thông báo vào tháng 11 năm 2013 nhưng mọi chi tiết vẫn chưa được hé lộ. Cho dù có bất cứ sự thay đổi nào đã được đề xuất, chắc chắn sẽ phải mất rất nhiều năm để hiện thực hoá và khắc phục các vấn đề. Điều này có thể khiến cho những cá nhân, hoặc những tổ chức bị mất quyền lực hay thẩm quyền trong cả quá trình tái cơ cấu trở nên bất mãn, gây ra những gián đoạn lớn.
3. Quá nhiều sở chỉ huy phi tác chiến
  
Trong tổng số khoảng 1,6 triệu lính lục quân, 850.000 người đã được điều chuyển tới 18 quân đoàn và một số sư đoàn, lữ đoàn tác chiến độc lập, tạo nên lực lượng chiến đấu chính của lục quân. Điều đó có nghĩa là 750.000 sĩ quan lục quân sẽ được triển khai tới các đơn vị quân đội ở địa phương (đặc biệt là các đơn vị bảo vệ biên giới), các đơn vị hậu cần, trường học và các căn cứ huấn luyện, và hệ thống các sở chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân cấp địa khu, dưới cấp địa khu, và cấp huyện. Các sở chỉ huy địa phương này đều nằm dưới sự lãnh đạo song song và cân bằng giữa PLA và chính quyền địa phương. Chúng chịu trách nhiệm giám sát các đơn vị dân quân tự vệ, đồng thời chịu trách nhiệm đăng ký và tuyển chọn quân nhân, giải ngũ và huy động quân đội trong thời kì chiến tranh. Các sở chỉ huy này được lập ra hàng thập kỷ trước khi cơ sở hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc của Trung Quốc còn kém phát triển và rất cần thiết phải có đại diện của quân đội ở mỗi cấp độ của chính quyền địa phương. Hiện tại, hàng chục ngàn sĩ quan các cấp được chuyển tới các sở chỉ huy này. Do những cải thiện trong hệ thống giao thông và thông tin liên lạc của Trung Quốc mà việc có quá nhiều các sở chỉ huy phi tác chiến trên cả nước là không còn cần thiết nữa. Việc tái cơ cấu mạnh mẽ và cắt giảm các sở chỉ huy địa phương có thể làm giảm bớt quy mô của PLA, và cũng quan trọng không kém là giảm đi một số lượng lớn các sĩ quan ở cấp thấp và trung bình vốn dễ dàng trở nên tham nhũng. Việc tái cơ cấu này sẽ đối mặt với sự chống đối từ những người không muốn mất đi vị trí công việc hậu hĩnh này.
4. Các chỉ huy và đội ngũ thiếu kinh nghiệm
  
Khi PLA nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện khả năng kết hợp chiến đấu và tiến hành các chiến dịch đa binh chủng, một luồng chỉ trích cho rằng “một số” chỉ huy và sĩ quan tham mưu không được chuẩn bị toàn diện cho các nhiệm vụ đa binh chủng hỗn hợp và đa phương tiện. Do đó, quá trình huấn luyện hiện tại phần lớn áp dụng theo khẩu hiệu “Một quân đội mạnh đầu tiên cần tướng mạnh; trước khi huấn luyện binh sĩ hãy huấn luyện các sĩ quan”. Đặc biệt, PLA nhấn mạnh tới quá trình chỉ huy các chiến dịch hiệp đồng ở cấp độ sư đoàn và lữ/trung đoàn so với hầu hết các chiến dịch trước đây vốn được lãnh đạo bởi các sĩ quan lục quân tại doanh trại hoặc các sở chỉ huy quân đội khu vực. Chỉ trong vòng 2 năm gần đây, các sĩ quan hải quân và không quân mới được chỉ huy các hoạt động chung. Cuối năm 2014, PLA thông báo rằng họ vừa quyết định thành lập chương trình “chọn lựa, huấn luyện, đánh giá và đề bạt các sĩ quan chỉ huy chiến dịch nhằm mục đích cải thiện việc huấn luyện của các sĩ quan chỉ huy các chiến dịch hỗn hợp. Tuy nhiên, việc đào tạo chỉ huy và sĩ quan tham mưu có chất lượng là một quá trình dài hạn bao gồm giáo dục, huấn luyện và kinh nghiệm có được thông qua các bài tập ở những cấp độ tổ chức khác nhau.
5. Các sở chỉ huy tiểu đoàn thiếu nhân lực
  
Khi PLA thử nghiệm việc tiến hành các chiến dịch hỗn hợp ở cấp độ tiểu đoàn trong thập kỷ qua, họ nhận ra rằng những quy tắc hiện tại không thể cung cấp đầy đủ nhân lực cho các sở chỉ huy cấp tiểu đoàn để có thể chỉ huy và kiểm soát các đơn vị hỗ trợ, ví dụ như pháo binh hay công binh có nhiệm vụ giúp đỡ bộ binh hay các tiểu đoàn cơ giới. Do đó những đơn vị trực thuộc PLA đang nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề bằng cách chỉ định sĩ quan hay các hạ sĩ quan giúp đỡ những người chỉ huy tiểu đoàn trong nhiệm vụ chiến đấu. Gia tăng số lượng sĩ quan chỉ huy là cần thiết trước khi có những bổ sung về mặt số lượng, một tiểu đoàn hỗn hợp có thể trở thành “đơn vị tác chiến cơ bản” (basic tactical unit) trong lục quân với khả năng điều hành tác chiến độc lập như hình dung trong các bài viết của PLA.
6. Hạ sĩ quan còn kém phát triển
  
Vào cuối những năm 1990, PLA bắt đầu một chương trình nhằm đào tạo các khoá hạ sĩ quan chuyên nghiệp giúp hỗ trợ các sĩ quan trong việc chỉ huy binh lính và thực hiện các công việc mang tính chất hành chính. Trong thập kỷ qua, việc lựa chọn, giáo dục, tập huấn hạ sĩ quan được chú trọng và đội ngũ hạ sĩ quan đã thay thế sĩ quan trong nhiều vị trí. Khoảng 10 năm sau khi khởi động chương trình, năm 2009, PLA thông báo đang điều chỉnh lại hệ thống này bằng cách bổ sung thêm một cấp bậc hạ sĩ quan cấp cao, làm tăng số lượng cấp bậc từ 6 lên 7. Các đơn vị được chọn hiện đang thử nghiệm việc bổ nhiệm các sở chỉ huy tiểu đoàn/lữ đoàn “siêu thủ lĩnh” (master chiefs) và đang cố gắng xác định chính xác nhiệm vụ của hạ sĩ quan cao cấp là gì và họ có liên hệ như thế nào với các sĩ quan cấp cao hơn. Có thể phải mất thêm một thế hệ nữa để các nhóm hạ sĩ quan của PLA có thể trở thành xương sống của lực lượng quân đội giống như trong quân đội các quốc gia khác.
7. Trang thiết bị đa thế hệ trong các đơn vị
  
Vì kích cỡ quá lớn, PLA phải đối mặt với các thách thức đến từ việc trang bị các hệ thống vũ khí đa thế hệ cho tất cả các quân bình chủng của mình. Các loại vũ khí khí tài hiện đại được trang bị cho các đơn vị một cách từ từ theo thời gian. Vì thế, trong khi một số đơn vị sở hữu những trang thiết bị hiện đại, thì một số đơn vị khác lại sử dụng những loại vũ khí cũ hơn. Ví dụ, gần một nửa trong số 6.500 xe tăng của lục quân là loại xe tăng Type-59 và các biến thể của nó. Điều này dẫn tới các khó khăn trong vấn đề kết nối liên thông hệ thống thông tin liên lạc, hoặc hệ thống máy tính. Hơn nữa, việc các thiết bị vũ khí cả cũ và mới được biên chế trong cùng một đơn vị làm phức tạp hóa quá trình huấn luyện, các chiến thuật và đặc biệt là hỗ trợ và sửa chữa/bảo trì. Các đơn vị phải thường xuyên điều chỉnh chiến thuật và phương pháp tác chiến dựa trên nền tảng công nghệ vũ khí mà họ đang sở hữu. Mặc dù PLA có chủ trương gia tăng mức độ chuẩn hóa và tính tương tác giữa các đơn vị, nhưng chính việc sử dụng vũ khí đa thế hệ đã cản trở họ trong quá trình đạt được những mục tiêu phát triển. vũ khí đa thế hệ.
8. Không đủ tính thiết thực trong việc huấn luyện
  
Tiếp tục xu hướng của 15 năm qua, việc gia tăng mức độ thực tế trong huấn luyện là mục tiêu chính của PLA. Những tác giả viết về quân đội Trung Quốc thường chỉ trích chủ nghĩa “hình thức” (formalism) trong huấn luyện và việc “tập luyện chỉ để biểu diễn” (training for show) khiến cho giá trị thực sự của việc huấn luyện bị suy giảm. Một số “lực lượng quân xanh chuyên nghiệp” đã được tạo ra để đóng vai kẻ thù trong các bài tập đối đầu, một phần của các cuộc luyện tập đơn hoặc đa bình chủng và trong các khoa mục đánh trận giả giữa các binh chủng. Mục tiêu chính trong hầu hết các buổi huấn luyện là giúp bộc lộ những vấn đề mà PLA có thể gặp phải qua đó khắc phục chúng trong các bài huấn luyện trong tương lai. Mặc dù đã có tiến bộ trong vấn đề này, các nhà lãnh đạo PLA vẫn nhận thức được rằng lực lượng của họ không được luyện tập một cách đầy đủ. Hơn nữa, việc gia tăng tính thực tế trong tập luyện sẽ cần một nguồn quỹ cao hơn, đặc biệt là phí nhiên liệu và bảo trì, cũng như các khu vực tập luyện và hệ thống mô phỏng tập luyện tốt hơn.
9. Hỗ trợ trên không còn kém phát triển
  
Một trong những ví dụ quan trọng của các trận đánh hiệp đồng là sự giúp sức của không quân với các chiến dịch trên mặt đất. Khi các máy bay hiện đại, hệ thống vũ khí có độ chính xác cao và các phương tiện thông tin liên lạc xuất hiện, PLA tiếp tục thử nghiệm làm thế nào để thực hiện tốt nhất các chiến dịch không kích mặt đất. Các đơn vị quân đội vẫn đang thử nghiệm kỹ thuật được các đơn vị tiền tuyến dưới mặt đất sử dụng để điều phối các máy bay cánh cố định và trực thăng trong việc tấn công kẻ thù ở khoảng cách gần với vị trí của họ, một nhiệm vụ được gọi là “chi viện không quân trực tiếp”. Năm 2014, không quân tiến hành cuộc thử nghiệm trước công chúng lần đầu tiên khi một phương tiện bay không người lái có trang bị vũ khí thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất. Các đơn vị không quân hải quân và không quân cũng đang bắt đầu tiến hành những chiến dịch phối hợp với nhau.
10. Căn bệnh hòa bình: thiếu hụt kinh nghiệm tác chiến
  
Chiến dịch lớn cuối cùng của PLA chống lại một quân đội nước ngoài, cuộc chiến tranh ngắn với Việt Nam năm 1979, chỉ có sự tham gia của lục quân. PLA cho rằng cuộc tấn công đổ bộ chiếm đóng đảo Nhất Giang Sơn từ lực lượng Quốc dân đảng trong năm 1955 là kinh nghiệm tác chiến phối hợp đầu tiên và duy nhất. Cả hai trận chiến đều dẫn đến thương vong nặng nề cho PLA. Những tác giả viết về PLA thường ví sự thiếu kinh nghiệm trong chiến tranh hiện đại là “căn bệnh hòa bình” (the peace disease). Hiện tại, chỉ có rất ít sĩ quan cấp cao của PLA từng tham gia chiến đấu; không có một hạ sĩ quan hay cá nhân binh sĩ nào từng tham gia chiến tranh. Việc triển khai binh sĩ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, các nhiệm vụ xoa dịu thảm họa, các hoạt động hộ tống hàng hải tại vịnh Aden mang lại một số lợi ích nhưng không thay thế được kinh nghiệm chiến đấu thực thụ. PLA đã mở rộng nghiên cứu các cuộc chiến tranh có sự tham dự của các quốc gia khác, nhưng học qua sách vở hay thậm chí là cải thiện các chương trình tập luyện không thể so sánh được với những với áp lực xuất hiện khi đóng quân ở những khu vực tác chiến thật sự. Tuy nhiên, khả năng tác chiến và răn đe kẻ thù cũng đang dần tăng lên nhờ vào những cải thiện trong hệ thống nguồn nhân lực, huấn luyện thực tế hơn, một nền tảng học thuyết được cập nhật, hệ thống hỗ trợ hậu cần được cải thiện, và sự xuất hiện của các hệ thống vũ khí, thông tin liên lạc và máy tính hiện đại. Cuối năm 2014, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng đã lưu ý rằng, “Sau nhiều năm với nỗ lực vượt khó, quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Nhưng, dĩ nhiên, ở một vài lĩnh vực cụ thể, chúng tôi vẫn còn tụt hậu so với các nền quân sự tiên tiến trên thế giới. Chúng tôi cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.
  
Kết luận
Thậm chí nếu xem xét đến những cải thiện đáng chú ý về mặt năng lực của PLA, giới lãnh đạo quân đội cấp cao vẫn cho rằng thời gian và con người vẫn quan trọng hơn tiền bạc và vũ khí đối với quá trình hiện đại hóa quân đội. Do đó, quỹ thời gian của họ sẽ kéo dài cho đến giữa thế kỷ trong một quá trình phát triển mang tính cách mạng trải dài qua nhiều thế hệ.

Trái ngược với những giả thuyết đang thịnh hành bên ngoài Trung Quốc cho rằng lãnh đạo PLA là những chú chim ưng hung hãn xúi giục các hành động gây hấn hay bành trướng, những yếu tố được đề cập bên trên có thể khiến cho các nhà lãnh đạo cấp cao của quân đội, trong các lời khuyên mang tính riêng tư dành cho các lãnh đạo Đảng Cộng sản, là họ phải cẩn thận hơn trong việc sử dụng vũ lực. Dựa vào kiến thức của họ về năng lực và những khó khăn mà PLA đang gặp phải, các nhà lãnh đạo cấp cao của PLA ưu tiên chọn lựa việc sử dụng các phương pháp răn đe và phi quân sự để đạt được các mục tiêu chiến lược trong lúc PLA vẫn đang xây dựng sức mạnh cho riêng mình. Một ví dụ điển hình là ở biển Hoa Đông nơi các cơ quan phi quân sự của chính phủ đã nắm quyền dẫn dắt các hoạt động tuần tra ở các vùng nước lân cận quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, trong khi quân đội đứng ngoài.
  
Tuy nhiên, nếu các nhà lãnh đạo dân sự Trung Quốc kiên quyết buộc PLA phải tiến hành chiến tranh trước khi quá trình hiện đại hóa được hoàn thành, như những đầy tớ trung thành của Đảng, lãnh đạo PLA sẽ tìm cách đánh bại quân thù một cách nhanh chóng và mang tính quyết định với mọi đơn vị và khả năng có sẵn. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài. Cơ hội thành công của Trung Quốc còn phụ thuộc vào thời gian, địa điểm mà trận đánh diễn ra và kẻ thù là ai. Sự tự tin chiến thắng của PLA sẽ tăng lên nếu họ đối mặt với kẻ thù ở những khu vực gần đại lục, sở hữu công nghệ lạc hậu hơn mà ko có sự hậu thuẫn từ các đồng minh hay một quốc gia bè bạn hùng mạnh nào đó.
Dennis J. Blasko, Trung tá lục quân Hoa Kỳ (đã nghỉ hưu) phục vụ 23 năm trong Văn phòng Tình báo Quân sự và cán bộ khu vực nước ngoài chuyên về Trung Quốc. Ông Blasko làm tuỳ viên quân sự tại Bắc Kinh và Hong Kong từ 1992 tới 1996; trong các đơn vị bộ binh ở Đức, Ý và Hàn Quốc, làm việc tại Washington trong Cơ quan Tình báo Quốc phòng và tại trụ sở của Bộ Lục quân (Văn phòng hoạt động đặc biệt). Ông Blasko tốt nghiệp Học viện quân sự Hoa Kỳ và Trường hải quân sau đại học. Ông là tác giả của cuốn sách: Quân đội Trung Quốc hiện nay: Truyền thống và Quá trình chuyển đổi trong thế kỉ 21.
http://thanhnientudo.com/2015/05/29/10-ly-do-khien-trung-quoc-gap-kho-khan-trong-chien-tranh-hien-dai/

Chiến lược quân sự mới của Trung Quốc: 5 điều nước Mỹ cần biết

Hôm 26/5/2015, bộ quốc phòng Trung Quốc đã công bố văn kiện chính sách đầu tiên của mình trong hai năm, Sách trắng quốc phòng với tiêu đề “Chiến lược quân sự Trung Quốc”.

Văn kiện này được ban bố trong khi Trung Quốc tiếp tục hoạt động bồi đắp đảo trái phép và đưa ra những cảnh báo ngày càng thù địch đối với các máy bay Hải quân Mỹ hoạt động ở Biển Đông, vạch ra cách thức quân đội Trung Quốc dự kiến yểm trợ cho các mục tiêu địa-chính trị của Trung Quốc.

Trong Sách trắng (có cả phiên bản tiếng Trung và tiếng Anh), Trung Quốc cam kết sử dụng quân đội để tạo ra “tình thế chiến lược có lợi có nhấn mạnh hơn tới việc sử dụng các lực lượng và phương tiện quân sự” để bảo đảm sự phát triển hòa bình của nước này.

Văn kiện này cũng công khai kết tội Mỹ và các nước láng giềng khác vì có “các hành động khiêu khích xung quanh các rạn san hô và đảo của Trung Quốc”.

5 yếu tố chủ yếu chiến lược mà Mỹ cần chú ý là:
1. Giữ vững vai trò của đảng cộng sản Trung Quốc vẫn là ưu tiên số 1 của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc

Nhiệm vụ quan trọng nhất của quân đội Trung Quốc vẫn là duy trì sức mạnh và quyền lực của đảng cộng sản Trung Quốc. Sách trắng nói rõ rằng, quân đội Trung Quốc tồn tại trước hết là để bảo vệ đảng cộng sản Trung Quốc và chế độ của chủ tịch Tập Cận Bình. Các vấn đề bảo vệ đất nước và nhân dân Trung Quốc đứng sau nhiệm vụ bảo vệ tính hợp pháp và hiệu quả của đảng cộng sản Trung Quốc.

2. Trung Quốc đang xây dựng một quân đội để chiến đấu và chiến thắng các cuộc chiến tranh


Quân đội Trung Quốc tập trung vào việc bảo đảm để những đầu tư gần đây cho quân đội chuyển thành khả năng chiến đấu nổi trội. Sách trắng nói rõ rằng, quân đội Trung Quốc có ý định “nỗ lực giành thế chủ động chiến lược trong đấu tranh quân sự, lập kế hoạch chủ động để đấu tranh quân sự trên tất cả các hướng và lĩnh vực và nắm bắt các cơ hội để tăng tốc xây dựng, cải cách và phát triển quân đội”. Quân đội Trung Quốc rất muốn có một quân đội có khả năng tấn công và đánh bại bất kỳ đối thủ nào. Sách trắng đặc biệt nhấn mạnh các tham vọng hải quân của Trung Quốc là trở thành một lực lượng nước xanh. Hải quân nước xanh của Trung Quốc sẽ hoạt động thường xuyên ở bên ngoài “chuỗi đảo thứ nhất” chia cách Biển Đông, biển Hoa Đông và Hoàng Hải với Thái Bình Dương, để bảo vệ các lợi ích chiến lược của Trung Quốc.

Đối với các quan chức ở Bắc Kinh, một lực lượng hải quân nước xanh là một lực lượng hiện đại hóa có khả năng bảo vệ các yêu sách lãnh thổ, tiến hành các hoạt động toàn cầu và có lẽ quan trọng nhất là tạo thành một “thách thức thật sự” đối với Hải quân Mỹ. Tuy mong muốn có một hải quân nước xanh mạnh mẽ là không đáng ngạc nhiên, nhưng nó là một sự cảnh báo đối với các quốc gia khác trong khu vực, một sự cảnh báo rằng sẽ khó có thể giảm bớt căng thẳng hiện tại với các nước láng giềng Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Một quân đội Trung Quốc được xây dựng để chiến đấu và đánh thắng các cuộc chiến tranh cũng là quân đội có thể chẳng mấy ngần ngại sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền.

3. Quân đội Trung Quốc có vẻ đang tập trung vào các mối đe dọa từ Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, các nước ven bờ Biển Đông và hai nước Triều Tiên
Sách trắng và các hướng dẫn chiến lược được điều chỉnh của nó phản ánh sự nhận thức về các vấn đề an ninh quốc gia “mới”: Mỹ tái cân bằng sang châu Á; Nhật xem xét lại chính sách quân sự và an ninh; các nước bên ngoài can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và các nơi khác; sự bất ổn và bất định trên bán đảo Triều Tiên; và các phong trào độc lập đang sôi sục ở cả Đài Loan và Tây Tạng. Các lợi ích an ninh của Bắc Kinh hiện nay ở xa nhà hơn và trải rộng qua các khu vực đòi hỏi phải có một sự hiện diện quân sự tích cực.

Ban lãnh đạo PLA đang tìm cách trang bị và huấn luyện các lực lượng của mình để đáp ứng những nhận thức mới về môi trường an ninh của Trung Quốc. Khi làm như vậy, Sách trắng mới khẳng định, Trung Quốc không e ngại trong việc thực thi một chiến lược quân sự “phòng thủ chủ động”, hoặc cái mà văn kiện này chi tiết thành một sự kết hợp của phòng thủ chiến lược, tự vệ, tiến công chiến dịch và chiến thuật, và sẵn sàng phản công.

4. Quân đội Trung Quốc biết họ có một số trở ngại về tổ chức phải vượt qua  
Sách trắng xem xét các biện pháp cần thiết để cải tổ các hoạt động hàng ngày và cơ cấu nội bộ của quân đội Trung Quốc. Chúng bao gồm: tiếp tục ưu tiên công tác chính trị-tư tưởng, hiện đại hóa hạ tầng hậu cần, thiết lập một hệ thống quân pháp, và tích hợp các nỗ lực hỗ trợ quân sự và dân sự. Cụ thể ở cấp độ trong nước, Sách trắng nhấn mạnh sự cần thiết cải thiện giáo dục quốc phòng, nâng cao nhận thức của công chúng về quân đội Trung Quốc, và xem xét lại các quá trình tuyển quân. Các sáng kiến này có vẻ đều nhằm vào việc khắc phục các yếu kém tồn tại trong trong nguồn lực tổ chức và nhân sự để tạo ra một lực lượng quân sự mạnh hơn.

5. Tin tốt: Trung Quốc quan tâm đến các tiếp xúc và quan hệ quân đội với quân đội và Sách trắng là một dấu hiệu của sự minh bạch gia tăng
Sách trắng tuyên bố, “các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển quan hệ quân đội với quân đội có tính không liên kết, không đối đầu và không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba nào”. Cụ thể hơn, Sách trắng thể hiện sự quan tâm của quân đội Trung Quốc đối với việc thúc đẩy một mô hình quan hệ quân sự mới với quân đội Mỹ, có thể sẽ bao gồm các cuộc đối thoại quốc phòng, trao đổi và các biện pháp khác nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, ngăn chặn leo thang ngoài ý muốn và giảm nhẹ khủng hoảng. Tiếp xúc và can dự quân đội với quân đội với với Trung Quốc là có ích lợi với Mỹ vì những sáng kiến như vậy có thể giúp tránh tính toán sai lầm và cải thiện khả năng của Mỹ hiểu rõ ý định của Trung Quốc.

Can dự cũng tạo ra nền tảng cho đàm phán trong tương lai và giảm leo thang nếu xảy ra các cuộc khủng hoảng. Một “tin tốt” khác trong Sách trắng là tính minh bạch của nó. Sách trắng là một tuyên bố rõ ràng về ý định quân sự của Bắc Kinh; sau khi xem xét Sách trắng, cộng đồng quốc tế chỉ còn việc hiểu rõ hơn về các kế hoạch của Trung Quốc cho quân đội của họ.

Việc đọc một cách đơn giản Sách quốc phòng trắng mới của Trung Quốc có thể khiến ta có suy nghĩ ngây thơ rằng, Bắc Kinh đang tìm cách trở thành một thành viên yêu hòa bình, có trách nhiệm trong trật tự toàn cầu. Bên cạnh sự quan tâm làm sâu sắc thêm mối quan hệ quân đội với quân đội hiện có, các định hướng chiến lược mới cho thấy rõ các tham vọng của Trung Quốc biến thành một cường quốc hải quân hiện đại, có khả năng thách thức Mỹ tại chiến trường châu Á-Thái Bình Dương và các nơi khác trên thế giới.

Sách trắng còn báo hiệu rằng, quân đội Trung Quốc có ý định tung sức mạnh ra bên ngoài đường ngoại vi trực tiếp của nó, tiến vào đại dương, để theo đuổi “việc trẻ hóa quốc gia” nhằm chống lại những gì mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi là các nỗ lực của Mỹ ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Văn kiện này không chỉ đánh dấu một sự chuyển dịch đáng chú ý từ sự tập trung của Trung Quốc vào phát triển kinh tế và cách tiếp cận hạn chế đối với các công việc toàn cầu sang một sự định hướng lại không chỉ khẳng định phạm vi lợi ích toàn cầu của Trung Quốc, mà còn cho thấy sự kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc thông qua sử dụng vũ lực.

Sách trắng của Trung Quốc sẽ gửi một số thông điệp đáng lo ngại rằng, Trung Quốc quyết “từ từ giành được vị thế bá chủ khu vực”. Dường như Trung Quốc có cả một tầm nhìn và một kế hoạch để mở rộng tầm với toàn cầu của quân đội Trung Quốc. - nay đến lượt Mỹ và các đồng minh và bạn bè của Mỹ ở Thái Bình Dương phải can dự với Trung Quốc khi làm việc để đưa ra sự phản ứng phù hợp.
Nguồn: 5 Things America Needs to Know about China's New Military Strategy / Lauren Dickey, Stephen Liszewski // TNI, 28.5.2015.
http://vietnamdefence.com/Home/khqs/hocthuyetbinhphap/Chien-luoc-quan-su-moi-cua-Trung-Quoc-5-dieu-nuoc-My-can-biet/20155/54523.vnd

Mỹ soạn thảo “chiến lược quốc gia” chiến tranh chống Trung Quốc

Báo cáo này có tên “Xem xét lại chiến lược tổng thể của Mỹ đối với Trung Quốc (Revising U.S. Grand Strategy Toward China) chính là một kế hoạch tác chiến không hơn không kém.





Báo cáo này do Hội đồng Đối ngoại (Council on Foreign Relations) công bố tháng 4/2015. Các tác giả của báo cáo là Robert D. Blackwill và Ashley J. Tellis có quan hệ mật thiết với Bộ Ngoại giao Mỹ và nhiều trung tâm chiến lược đối ngoại Mỹ.

Trong báo cáo có nêu văn kiện có từ thời Thế chiến II từng xác định “chiến lược quốc gia” như một chương trình “hợp nhất chính trị và tiềm lực quân sự của quốc gia sao cho việc tham chiến hoặc là trở nên không thích hợp, hoặc là được tiến hành với những cơ hội giành chiến thắng là lớn nhất”. Đây không chỉ là khái niệm chiến tranh, mà là “bộ phận không tách rời của nghệ thuật quản trị quốc gia trong mọi thời kỳ”.

Chủ đề chính của báo cáo là: sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với ưu thế toàn cầu của Mỹ, và quá trình này sẽ phải bị ngăn chặn lại bằng các phương tiện kinh tế, ngoại giao và quân sự.

Điều quan trọng là ngay ở đầu báo cáo, các tác giả đã nhắc đến chương trình quốc phòng của Lầu Năm góc xây dựng vào năm 1992 ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, trong đó khẳng định rằng, chiến lược của Mỹ phải “chuyển hướng sang các biện pháp ngăn chặn sự xuất hiện một đối thủ tiềm tàng toàn cầu”.

Khẳng định Trung Quốc hiện đã có “chiến lược quốc gia” giành thế bá chủ khu vực và cuối cùng là bá chủ toàn cầu của mình, các tác giả đưa ra kết luận dứt khoát: họ coi sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc là mối đe dọa đối với vị thế thống trị của Mỹ trong trật tự thế giới hiện hữu.

Các nhà phân tích lưu ý rằng, từ năm 1907, quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Anh Eyre Crowe đã viết trong báo cáo của mình về ý nghĩa của sự trỗi dậy của nước Đức đối với lợi ích của Anh quốc. Ông Crowe tin rằng, bất kể các ý đồ của các nhà lãnh đạo nước Đức, sự bành trường kinh tế của nước Đức tự thân nó là mối nguy hiểm lớn đối với Đế quốc Anh. Bảy năm sau, hai đại cường quốc này đã lao vào một cuộc chiến tranh. Trung Quốc không phải là cường quốc đế quốc như nước Đức hồi đầu thế kỷ trước, nhưng sự trỗi dậy kinh tế của nó tự thân đang phá hoại ưu thế toàn cầu của Mỹ.

“Bởi lẽ, các nỗ lực của Mỹ “hội nhập” Trung Quốc vào trật tự thế giới tự do đã không dẫn đến sự xuất hiện mối đe dọa đối với ưu thế của Mỹ ở châu Á mà cuối cùng có thể lớn lên thành sự thách thức đối với Mỹ, Washington cần một chiến lược quốc gia đối với Trung Quốc tập trung nhiều vào việc kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc hơn là hỗ trợ thiết lập sự thống trị của họ (Trung Quốc), các tác giả báo cáo nhận định.

Việc lặp lại chính sách chiến tranh lạnh dựa trên học thuyết “kiềm chế” là không thể vì nó hình thành do chính sách độc lập khép kín của Liên Xô, trong khi sự phát triển kinh tế của Trung Quốc lại gắn liền với các quá trình toàn cầu hóa và hội nhập Trung Quốc vào các thị trường thế giới.

Ở góc độ nào đó, khẳng định này là sự xác nhận trực tiếp cho luận điểm Marxism rằng, các nguồn gốc chiến tranh nàm ở ngay rong nguyên tắc hoạt động của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Trung Quốc đang hoạt động trong khuôn khổ các quy luật của thị trường thế giới phần lớn được xác lập bởi chính nước Mỹ, trong khi sự hội nhập của Trung Quốc đang ngày càng phá vỡ thế thống trị của Mỹ.

Trong báo cáo, điều đó được trình bày như sau: “Sự ủng hộ mà Mỹ dành cho việc hội nhập Trung Quốc vào cơ cấu thương mại thế giới đã dẫn đến sự xuất hiện một tình thế khó khăn. Các hành động của Washington đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Bắc Kinh và đẩy nhanh việc biến nó thành đối thủ địa-chính trị của Mỹ”.

Tóm lại, khi miêu tả sơ bộ các yếu tố chủ yếu của “chiến lược quốc gia” Mỹ, các tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của các vấn đề kinh tế. Trong khuôn khổ kế hoạch lành mạnh hóa kinh tế của mình, Mỹ phải “xây dựng một sơ đồ các quan hệ thương mại mới với các nước châu Á loại trừ Trung Quốc, xây dựng các công cụ hiệu quả để đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á và trên toàn thế giới, và cùng với các đồng minh của Mỹ, cũng như với các đối tác có chung lập trường đó xây dựng một cơ cấu kiểm soát công nghệ đối với Trung Quốc”.

Ở góc độ này, tổ chức Hiệp ước đối tác kinh tế-thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, trong đó không có mặt Trung Quốc, mà Obama đang đòi Quốc hội Mỹ trao cho các thẩ quyền đặc biệt để đàm phán thành lập đang được xem là phương tiện quan trọng nhất để làm việc đó. Nếu nỗ lực này thất bại thì điều đó “sẽ làm suy yếu nghiêm trọng” chiến lược quốc gia Mỹ.

Tầm quan trọng mà báo cáo giành cho các vấn đề kinh tế không hề hạ thấp vai trò của các phương tiện quân sự. Trái lại, các tác giả đã mô tả chi tiết các biện pháp có tính quân sự cả trong khuôn khổ chính sách của bản thân nước Mỹ, lẫn các biện pháp xuất phát từ các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Liên minh với Nhật Bản có tầm quan trọng hàng đầu. Các đề xuất trong báo cáo bao gồm: mở rộng quan hệ Mỹ-Nhật trong lĩnh vực quốc phòng ra toàn bộ lãnh thổ châu Á, hiện đại hóa lực lượng vũ trang Nhật, đưa Nhật vào các khái niệm tác chiến như “Tác chiến không-biển” (Air-Sea battle) vốn trù tính tấn công ồ ạt vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Trung Quốc, cũng như đẩy mạnh hợp tác với Nhật trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa. Các hệ thống phòng thủ tên lửa được coi là yếu tố cực kỳ quan trọng của chiến lược đánh đòn đầu tiên và dùng để ngăn chặn mọi hành động đánh trả của đối phương.

Liên quan đến Hàn Quốc, báo cáo kêu gọi mở rộng tiềm lực của nước này trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa,  cũng như đưa Hàn Quốc vào chiến lược chung với Nhật nhằm thay đổi chế độ ở Bắc Triều Tiên.

Australia trong báo cáo được gọi là “điểm tựa phía nam” của lợi ích Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Tài liệu kêu gọi sử dụng căn cứ hải quân Stirling để yểm trợ cho “cơ cấu Hải quân Mỹ trong khu vực”. Mỹ và Australia phải tiến hành quan sát bằng máy bay không người lái đối với khu vực quần đảo Cocos thuộc Australia ở Ấn Độ Dương, cũng như “hai nước phải hợp tác nhằm thúc đẩy các năng lực tiềm tàng của Australia trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa”.

Danh sách này có thể kéo dài thêm. Vũ khí hạt nhân của Ấn Độ cần được xem như “tài sản” trong cán cân sức mạnh hiện có và hợp tác quân sự Mỹ-Ấn cần phải mở rộng. Cũng cần tăng cường vai trò của Indonesia trong các cuộc tập trận chung mà Việt Nam cần được huy động tham gia vào đó. Ngoài ra, Philippines cần được giúp đỡ phát triển tiềm lực quốc phòng thật sự.

Liên quan đến các khía cạnh chính trị của vấn đề, các tác giả báo cáo kêu gọi tăng cường các quan hệ chiến lược và đối tác với tất cả các nước trong khu vực, trong đó có củng cố các liên minh hiện có và lập ra các liên minh mới. Họ cho là cần tăng cường “khả năng của các nước châu Á tự lực đối chọi với Trung Quốc’” và phát triển các hình thức hợp tác nội bộ châu Á mới trực tiếp nhằm đối phó với Trung Quốc, nhưng không nhất thiết phải có sự tham gia trực tiếp của Mỹ, nhưng nhận được sự ủng hộ có tính hệ thống của Mỹ.

Sau khi luận giải tất cả các biện pháp chống Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự và chính trị, báo cáo khẳng định rằng, Mỹ phải thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ ngoại giao cấp cao với Trung Quốc nhằm “làm giảm căng thẳng phát sinh” và “thuyết phục các đồng minh của Mỹ, cũng như các nước bạn bè của Mỹ ở châu Á và ngoài châu Á tin rằng, Washington đang tìm cách tránh đối đầu với Trung Quốc”.

Căn nguyên của sự mâu thuẫn này là một trong những thành tố chính cảu chính sách của Mỹ chính là sự hiếu chiến ý thức hệ. Mục tiêu của “ngoại giao cấp cao” và của việc có thể thậm chí lập ra các liên doanh với Trung Quốc trong những lĩnh vực nhất định là bảo đảm sự tuyền truyền lừa dối rằng, nguyên nhân chiến tranh là các hành động của địch thủ của Mỹ mà trong trường hợp này là chính sách bành trướng của Trung Quốc. Sự lừa dối này nằm ở trung tâm chính sách quân sự Mỹ từ khi Mỹ trở thành cường quốc đế quốc vào cuối thế kỷ XIX.

Về thực chất, báo cáo này loại trừ mọi sự dàn xếp quan hệ với Trung Quốc. Ở phần kết luận, các tác giả viết: “Không hề có triển vọng hiện thực nào để tạo dựng không khí tin cậy lẫn nhau, “cùng tồn tại hòa bình”, đối tác chiến lược này “quan hệ hợp tác kiểu mới” giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Nguồn: cfr.org, islamtimes.org, 4.5, mixednews, warandpeace, 7.5.2015
http://vietnamdefence.com/Home/phantich/My-soan-thao-chien-luoc-quoc-gia--chien-tranh-chong-Trung-Quoc/20155/54499.vnd

Biển Đông có nguy cơ trở thành vũ đài của Chiến tranh Thế giới thứ 3

Hơn một tuần qua, tình hình Biển Đông nhanh chóng "tăng nhiệt". Thay đổi chủ yếu là việc Mỹ thực sự bắt đầu can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Bối cảnh của động thái trên là việc Trung Quốc gia tăng tốc độ cải tạo và xây dựng đảo ở khu vực này. 

Trong tương lai sẽ xuất hiện những tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông với mục đích gia tăng mạnh mẽ năng lực quản lý, kiểm soát vùng biển này. Tình trạng đối đầu chính thức ở Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rõ nét khiến vùng biển này đang đứng trước nguy cơ trở thành "kho thuốc súng" làm bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ 3. 
Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã xảy ra từ lâu. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo, vùng biển trong phạm vi cái gọi là "Đường 9 Đoạn", vốn chiếm 3/4 diện tích Biển Đông và do nước này tự ý vạch ra. Từ tháng 3/2014 đến nay, Trung Quốc tiến hành bồi đắp, cải tạo ít nhất 7 đảo, rạn san hô ở Biển Đông bao gồm: bãi Đá Vành Khăn, đá Gạc Ma, đá Chữ Thập... với diện tích hơn 800 hécta, đồng thời lắp đặt trang thiết bị quân sự tại đây như cứ điểm quan trọng, chống pháo, radar, trang thiết bị thông tin liên lạc, bãi đỗ máy bay trực thăng, cầu cảng... Trong đó, công trình trên bãi đá Chữ Thập bao gồm đường băng cho máy bay chiến đấu với chiều dài khoảng 3km, dự kiến hoàn thành vào năm 2017-2018. Một khi công trình này hoàn thiện sẽ nâng cao năng lực phòng ngự, tấn công của Trung Quốc ở Biển Đông. Diễn biến này khiến Mỹ cảm nhận được nguy cơ to lớn. 
Cho đến nay, việc Mỹ can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông rõ ràng được tiến hành theo 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là cảnh cáo bằng lời, và động thái của Quốc hội Mỹ vào năm 2014 mở đường cho việc can thiệp bằng sức mạnh quân sự trong tương lai. Tháng 5/2014, Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan “Hải Dương-981” ở vùng biển cách đất liền Việt Nam 220 km. Sau đó, tháng 7/2014, Mỹ đưa ra 3 kiến nghị cụ thể nhằm đóng băng các hành động khiêu khích của các bên có liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm: chấm dứt xây dựng tiền đồn quân sự mới, chấm dứt viếc xây dựng trên các hòn đảo và chấm dứt các hành động đơn phương nhằm vào hoạt động kinh tế của đối phương ở khu vực xảy ra tranh chấp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ đưa ra kiến nghị cụ thể nhằm hóa giải xung đột ở Biển Đông.
Thượng viện Mỹ cũng thông qua Nghị quyết số 412 nhằm ủng hộ chính sách của chính phủ Mỹ sử dụng phương thức ngoại giao để giải quyết vấn đề tự do hàng hải và tranh chấp lãnh thổ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đồng thời lên án bất kỳ hành động nào có ý đồ làm thay đổi hiện trạng như: uy hiếp, sử dụng vũ lực và lợi dụng máy bay quân sự, máy bay dân dụng gây trở ngại đối với tự do hàng không trong không phận quốc tế. Ngoài ra, Mỹ kêu gọi Trung Quốc kiềm chế thực hiện "Vùng Nhận dạng Phòng không" (ADIZ) trên Biển Hoa Đông mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố hồi cuối tháng 11/2013. 
Giai đoạn thứ hai là Mỹ bắt đầu các hành động can thiệp thực sự vào Biển Đông trong tháng 5/2015. Từ ngày 11/5 vừa qua, Mỹ phái tàu chiến ven biển USS Forth Worth (LCS-3), một trong những chiến hạm hiện đại nhất của Hải quân Mỹ, tới tuần tra ở Biển Đông, đồng thời phái một máy bay trinh sát không người lái và một trực thăng Seahawk để tuần tra vùng trời ở các vùng biển có liên quan. Đây là lần đầu tiên Mỹ phái tàu chiến tới tuần tra ở khu vực đang có tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Động thái này của Mỹ nhằm gia tăng sức ép đối với Trung Quốc, đồng thời kiềm chế và đáp trả khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông. 
Tuy nhiên, động thái của Mỹ hiện mới chỉ dừng lại ở việc tuần tra nên không thể ngăn cản được Trung Quốc tiếp tục "xây đảo" và lắp đặt hệ thống quản lý, giám sát quân sự ở Biển Đông. Trừ khi Mỹ nâng tầm vấn đề lên thành nghi ngờ đối với chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc, bao gồm phủ định hoàn toàn tính chính đáng của "Đường lưỡi bò" (hay đường chữ U) mà Đại lục và Đài Loan công nhận thì mới có khả năng phối hợp lập trường mới, triển khai toàn diện hàng loạt hành động bao vây nhằm ngăn cản Trung Quốc tiếp tục "bành trướng" ở Biển Đông. Kịch bản này nếu diễn ra đồng nghĩa với việc chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông đã có sự thay đổi to lớn bởi lập trường nhất quán của Washington luôn là: duy trì thái độ trung lập đối với vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. 
Các nước lớn hàng đầu thế giới gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn đối với việc bảo vệ hòa bình của nhân loại, điều này không có sự khác biệt đối với Mỹ hay Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông phức tạp, Trung Quốc, Mỹ và các bên có liên quan tới chủ quyền ở Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan nên ngồi lại, tái xây dựng cơ chế hiệp thương, tìm kiếm con đường hòa bình để giải quyết vấn đề. Đây mới là con đường đúng đắn. 
Tác giả Lâm Tuyền Trung, chuyên gia nghiên cứu của Phòng Nghiên cứu Sử cận đại, thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan đăng trên tờ "Minh báo" (Hong Kong).
Thuỳ Anh (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/4934-bien-dong-co-nguy-co-tro-thanh-vu-dai-cua-chien-tranh-the-gioi-thu-3

Trung Quốc nghênh chiến Mỹ, dân Hải Nam chuẩn bị chiến tranh

Đăng Bởi  - 
TQ nghenh chien My
Chiến đấu J-10 được triển lãm

Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc (TQ) dâng cao, khi Mỹ nói TQ đã đưa vũ khí đến đảo nhân tạo mà TQ xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong khi Tân Hoa Xã cho biết: quân đội TQ nghênh chiến Mỹ, sẽ đưa vũ khí hiện đại đến đảo Hải Nam, sẵn sàng cho một cuộc xung đột quân sự trên Biển Đông.


Tân Hoa Xã ngày 28.5 nêu: sau nhiều cuộc đối đầu với tàu chiến và máy bay Mỹ trên Biển Đông, Quân đội giải phóng nhân dân TQ (PLA) quyết định trưng bày nhiều vũ khí hiện đại nhất cho nhân dân đảo Hải Nam thưởng lãm.  
Các vũ khí triển lãm ở cảng Hải Khẩu Tú Anh  gồm chiến đấu cơ J-10, tàu đổ bộ hạng nhẹ Type 63A, trực thăng WZ-10, các loại tên lửa chống tăng và xe chỉ huy bọc thép.
Tân Hoa Xã giải thích đảo Hải Nam (nam TQ) nhiều khả năng sẽ là căn cứ chính của PLA nếu TQ nhảy vào một cuộc xung đột quân sự trên Biển Đông. Nên Bắc Kinh muốn chuẩn bị cho người dân đảo sẵn sàng chịu đựng cuộc xung đột này, bằng cách triển lãm số vũ khí trên.
Hoàn Cầu thời báo (TQ) viết, rằng TQ sẵn sàng cho một trận chiến, nếu Mỹ cùng các nước láng giềng tiếp tục đòi TQ ngưng các hoạt động cải tạo đất.
 TQ nói không nước nào, kể cả Mỹ, không có quyền ngăn chặn TQ thực hiện cuộc cải tạo đất trên các đảo nhân tạo này, vì chúng thuộc chủ quyền lãnh thổ TQ.
Vì thế, các vũ khí trưng bày ở đảo Hải Nam, có thể được xem là một nước cờ chính trị, để TQ phô trương sự sẵn sàng cho một xuộc xung đột quân sự.
Ngày 11.5, tàu chiến đấu cận duyên Fort Worth (lớp Tự do) của hải quân Mỹ đã bị tàu hộ vệ trang bị tên lửa điều khiển Diêm Thành (lớp Type 054A) của hải quân TQ truy đuổi, khi nó hoạt động tuần tra gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sau đó, một máy bay tuần tra biển P-8 Poseidon của hải quân Mỹ bay do thám hoạt động cải tạo đất của TQ trên Bãi Đá Chữ Thập của Việt Nam ngày 20.5, đã bị hải quân TQ cảnh cáo 8 lần.
Trinh My’s (theo Want China Times)
http://motthegioi.vn/quoc-te/dien-bien-bien-dong/trung-quoc-nghenh-chien-my-dan-hai-nam-chuan-bi-chien-tranh-194638.html

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Mỹ đã sẵn sàng cho cuộc chiến với Trung Quốc trên Biển Đông?

Nếu Mỹ - Trung rơi vào cuộc chiến trên Biển Đông, Lầu Năm Góc đã có sẵn kịch bản để triển khai hải quân tới khu vực này. 3 cánh quân của Mỹ từ 3 khu vực khác sẽ phải vượt qua những điểm nóng để tới được nơi xảy ra xung đột
Đây là những nhận định mà Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao (FPRI) đưa ra trong bài viết: "Ready for a Fight?: How America Could Respond to a South China Sea Crisis".

Tàu chiến duyên hải Fort Worth


Ngày 11/5, Mỹ đã đưa tàu chiến duyên hải Fort Worth tới khu vực cách các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông 12 hải lý. Trước đó, Hải quân Mỹ từng qua lại khu vực này để đảm bảo tự do hàng hải thì đây là lần đầu tiên một tàu chiến của Washington tiến gần các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ đến vậy. Đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm từng bước ngăn chặn Trung Quốc khẳng định các tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa. Nỗ lực này bao gồm việc không khai đặt ra câu hỏi về yêu sách biển của Trung Quốc hồi tháng 12/2014 và khuyến khích Nhật Bản thể hiện vai trò an ninh lớn hơn tại khu vực trong đầu năm nay.
2 tuần trước, Mỹ cũng tiết lộ việc cân nhắc đưa tàu và máy bay giám sát tới vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận, cách các đảo nhân tạo của Trung Quốc 12 hải lý. Nếu điều này xảy ra, lực lượng của Mỹ và Trung Quốc có thể xảy ra xô xát.
Do đó, Lầu Năm Góc phải xét đến khả năng sẽ phản ứng như thế nào nếu khủng hoảng xảy ra. Nói rộng hơn, Hải quân Mỹ hy vọng sẽ đưa lực lượng của mình tới khu vực này từ những vùng khác trên thế giới. Nhưng để tới được Biển Đông, các lực lượng của Mỹ sẽ phải đi qua hoặc tiến sát một số điểm nóng. Những điểm nóng này sẽ là nơi mà Trung Quốc cố thể đánh chặn Mỹ.

3 hướng triển khai hải quân của Mỹ nếu xung đột xảy ra trên Biển Đông

Hạm đội 7, có trụ sở tại Nhật Bản sẽ là đội quân tiếp viện gần nhất mà Mỹ có thể điều động. Đây cũng sẽ là lực lượng dễ bị Trung Quốc đánh chặn nhất. Để tới được Biển Đông, Hạm đội 7 có thể sẽ đi xuống sườn đông của quần đảo Ryukyu và qua eo biển Luzon. Trên đường đi, lực lượng này sẽ qua eo biển Miyako, phải vượt được các tàu ngầm và chiến hạm của Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Sau đó, khi hạm đội của Mỹ đi qua eo biển Luzon, sẽ phải đối mặt với toàn bộ sức mạnh của lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc đóng dọc Biển Đông, bao gồm các căn cứ chính của Hạm đội Nam Hải ở Trạm Giang và vịnh Á Long. Trong khi tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Angeles được đưa từ vịnh Guam tới có thể tránh được không lực Trung Quốc thì cả tàu trên mặt nước và tàu dưới mặt nước có thể sẽ gặp phải tàu ngầm của Trung Quốc trong không gian nhỏ hẹp tại eo Luzon và trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.
Hạm đội 5 của Mỹ, thường hoạt động gần vùng vịnh Ba Ta sẽ là nguồn quân tiếp viện gần tiếp theo. Thách thức chủ yếu của hạm đội này khi tới Biển Đông là đi qua eo biển vừa dài, vừa hẹp - Malacca. Ở đây, khả năng của không quân và hải quân Singapore có thể đóng vai trò quan trọng trong việc canh phòng nghiêm ngặt tàu ngầm và máy bay Trung Quốc cho dù bản thân họ không muốn liên quan trực tiếp đến tranh chấp này.
Lực lượng cuối cùng có thể triển khai đó là từ Hawaii, bờ tây nước Mỹ. Họ chủ yếu được rút ra từ Hạm đội 3. Lực lượng này có thể hoàn toàn tránh eo biển Luzon và hỗ trợ các hoạt động tại vùng Biển Đông từ Sulu hoặc biển Celebes. Ở đây, họ có thể hoạt động tương đối an toàn mặc dù vẫn nằm trong phạm vi của tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc. Ít nhất thì vùng núi của đảo Palawan sẽ làm giảm khả năng của các thiết bị tìm kiếm cao tần và radar vượt đường chân trời trên đất liền của Trung Quốc. Việc tiếp tế, đặc biệt là truyền các pháp lệnh có thể được chuyển bằng đường hàng không qua Zamboanga (nơi mà Lực lượng Đặc biệt của Mỹ đã hoạt động khoảng 1 thập kỷ) hoặc bằng tàu qua Davao hoặc Koror.
Tất cả những điều này để cho thấy sự thành công (hay thất bại) của Mỹ trong cuộc khủng hoảng tại Biển Đông phụ thuộc không nhỏ vào những gì đang xảy ra tại các eo biển. Và các eo biển này nhận được sự quan tâm rất nhiều từ phía chỉ huy hải quân Mỹ. Chúng nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng lâu dài của vị trí địa lý, ngay cả trong hải chiến. 
Mới đây, ông Lim Chuan-tiong, học giả liên kết với Viện hàn lâm uy tín nhất Đài Loan Academia Sinica đã đưa ra nhận định: Mỹ cuối cùng cũng bắt đầu có các hành động nhằm can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp trên khu vực Biển Đông, biến nơi này thành điểm nóng xung đột và có thể châm ngòi cho chiến tranh thế giới thứ 3.
Trong những năm gần đây, tình hình Biển Đông liên tục nóng lên. Chính quyền Trung Quốc ngang nhiên đòi chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông, trong đó có cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Từ tháng 3/2014, Trung Quốc bị phát hiện cải tạo đảo nhân tạo với mục đích biến chúng thành căn cứ quân sự tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Theo các bằng chứng mà Mỹ đưa ra, Trung Quốc đã cải tạo khoảng 2.000 mẫu Anh (hơn 800 ha) các đảo nhân tạo tại Biển Đông.
Theo ông Lim, khi quàn thành các căn cứ quân sự tại Trường Sa, Trung Quốc sẽ trở thành mối họa đối với quân đội Mỹ.
Ngày 11/5, Mỹ đưa chiến hạm tuần dương USS Fort Worth tuần tra trên Biển Đông. Cách đây vài ngày, Mỹ đưa máy bay trinh sát P-8 tơi tuần tra tại khu vực Trung Quốc cải tạo đảo trái phép ở Trường Sa. Ông Lim  cho rằng đây là động thái ám chỉ sự gia tăng áp lực của Washington đối với Bắc Kinh.
Chuyên gia Đài Loan phán đoán rằng đến khi Washington thực sự chất vấn Trung Quốc về tính hợp pháp của tuyên bố Đường 9 đoạn thì lúc ấy, Mỹ sẽ tung ra một loạt các hành động quân sự nhằm ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trên biển Đông. Nếu điều đó xảy ra, đây là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi ý nghĩa trong chính sách Biển Đông của Mỹ và có thể dẫn tới một cuộc xung đột quy mô lớn.
Bảo Linh (Theo FPRI)
http://www1.tinmoi.vn/my-da-san-sang-cho-cuoc-chien-voi-trung-quoc-tren-bien-dong-011359808.html

Trung Quốc chuyển đổi chiến lược từ phòng vệ sang tấn công

(PetroTimes) - Dư luận trong và ngoài khu vực đã có phản ứng ngay sau khi Trung Quốc công bố Sách trắng quốc phòng 2015, đa số đều bày tỏ quan ngại trước động thái chuyển đổi chiến lược từ phòng vệ sang tấn công mà Bắc Kinh đề cập trong đó.
Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng 2015: Chuyển đổi chiến lược từ phòng vệ sang tấn công
Ngày 26/5, Tân Hoa xã trích đăng Sách trắng quốc phòng 2015 của Trung Quốc với tựa đề “Chiến lược quân sự Trung Quốc” do Văn phòng thông tin chính phủ Trung Quốc công bố cùng ngày. Theo đó, Trung Quốc đang phải đối mặt với “hàng loạt mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và phức tạp, bao gồm vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông”.
“Chiến lược quân sự Trung Quốc” nhấn mạnh tới 4 "lĩnh vực an ninh quan trọng", bao gồm đại dương, không gian vũ trụ, không gian mạng và lực lượng hạt nhân. Ngoài ra, Binh đoàn pháo binh số hai được tăng cường sức mạnh nhằm ngăn chặn và phản công bằng hạt nhân, cũng như thực hiện chính xác các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm trung và tầm xa. Không quân sẽ chuyển từ phòng thủ sang phòng thủ và tấn công. Và đặc biệt là, hải quân Trung Quốc sẽ chuyển từ "phòng vệ ngoài khơi" sang kết hợp giữa "phòng vệ ngoài khơi" với "bảo vệ trên các đại dương". Bắc Kinh cho rằng, Sách trắng quốc phòng 2015 đã nhấn mạnh tới chiến lược “chủ động phòng vệ”.
Sách trắng quốc phòng 2015 cũng không quên chỉ trích các nước láng giềng có “hành động khiêu khích” đối với 7 rạn san hô và bãi đá ngầm mà Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là lần thứ 9 Trung Quốc công bố Sách trắng quốc phòng (kể từ năm 1998). Cũng trong ngày 26/5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho rằng, có một số quốc gia đã tăng số lần áp sát vùng biển Trung Quốc để hoạt động trinh sát, và có người còn “bôi nhọ” quân đội Trung Quốc, cố tình làm rùm beng tình hình căng thẳng khu vực!
Ông Dương Vũ Quân còn ám chỉ việc Mỹ điều máy bay trinh sát săn ngầm P-8A Poseidon tới chụp ảnh 7 đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép trên Biển Đông. Đồng thời coi chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương và việc Nhật Bản điều chỉnh chính sách quốc phòng gần đây là vấn đề đáng lo ngại đối với các nước trong khu vực. Ngoài ra, ông Dương Vũ Quân còn ngang ngược tuyên bố, hoạt động xây dựng đảo nhân tạo có thể được so sánh giống như việc xây nhà và làm đường trên đất liền!? Theo tờ China Daily, đây là một phần trong nỗ lực nhằm tăng tính minh bạch của Bắc Kinh với các nước khác.
Trước đó (25/5), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh) còn lớn tiếng nói rằng, Trung Quốc và các nước ASEAN đã đạt được tiến triển tích cực về việc tham vấn Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông, đồng thời tranh thủ đạt được Bộ Quy tắc trên cơ sở hiệp thương nhất trí, tham vấn liên quan. Bà Hoa Xuân Oánh cũng cảnh báo, Mỹ không phải là bên có tranh chấp trong vấn đề Biển Đông, do đó nên tôn trọng đầy đủ những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN, thận trọng trong lời nói và hành động, tạo ra bầu không khí tốt đẹp cho tham vấn, chứ không phải phá đám, quấy rối!
Ngày 26/5, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã tổ chức lễ khởi công xây dựng trái phép 2 ngọn hải đăng ở bãi đá Gạc Ma và Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Tân Hoa xã, 2 ngọn hải đăng này cao 50 m, có đèn chiếu với bán kính 4,5 mét và có thể chiếu sáng 22 hải lý. Và theo tuyên bố của Trung Quốc, việc xây hải đăng nhằm nâng cao khả năng hướng dẫn tàu thuyền, đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông.
Tân Hồng (tổng hợp)
http://petrotimes.vn/news/vn/bien-dong/chuyen-doi-chien-luoc-tu-phong-ve-sang-tan-cong.html

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Lời người xưa và bản đồ Việt Nam

Hãy xem Phan Châu Trinh năm 1912 viết về Mạnh yếu, Được mất, Giống khác nhau giữa dân tộc Việt và dân tộc Trung Hoa:

"Dân đời trước của Tổ quốc ta lúc bấy giờ cũng quật cường vĩ đại, trăm lần bẻ không cong, chẳng như một động vật ngu si, không xương, không máu, không não, khí, gân. Cho nên các thủ đoạn đối đãi cũng rất kịch liệt: Hoặc khi nó lành thì ta phục tùng, hoặc khi nó dữ thì ta phản đối; khi ta thua thì nó ra tay chém giết chẳng chịu buông tha, khi ta thắng thì máu sông xương núi lấy đó báo phục... Nó chết ta sống, nó tiến ta lùi. Kể từ sau trước được trên ngàn năm, nó cũng không làm gì được ta là vì sao? Rốt cuộc do cái loạn thời Ngũ quý ... mà quân cách mệnh của Đinh Tiên Hoàng, với trống tự do, cờ độc lập, bỗng nhiên xuất hiện ở động Hoa Lư... Ôi! Xứ Giao Chỉ con con, một vùng đất nhỏ không bằng một huyện lớn, mà xem nó ngang hàng, muốn đuổi nó đi. Với mấy vạn của dân tộc hùm sói Trung Quốc... liều chết mà giành, không chịu lùi một chút, cuối cùng có thể thắng được, giành giật sinh tồn cho đến ngày nay, ngang nhiên là một nước lớn ở phương Nam!"


Phan Châu Trinh không quên vạch rõ dã tâm bành trướng, giả dối thâm hiểm của phong kiến Trung Hoa: 

"Không ngờ đời sau lầm điều quan sát ấy, chỉ cậy bên ngoài, binh bị không giảng, nội chính không sửa sang, cho ngọc lụa quý hơn thành trì, lấy ỷ lại làm điều phải của nước, còn Trung Quốc thì nhân đó mà tới, mang bộ mặt giả dối để thầm lén làm điều âm hiểm. Cho nên bọn Minh lúc đầu thì lấy tiếng khôi phục nhà Trần để biến nước ta thành một huyện, cuối cùng thì giúp Mạc làm loạn, ủng hộ bề tôi giặc của người; Thanh thì giả đò giúp Lê mà thầm làm việc chiếm cứ, binh thua xấu hổ, bắt giam vua tôi ép buộc cắt tóc, chẳng có lương tâm gì"... 

(Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam, 1912, bản viết nháp tiếng Hán, chưa hề được dịch sang tiếng Việt)

(Theo FB Bui Quang Minh)



Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Liên minh Trung- Nga sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Mỹ?

Tuy Mỹ vẫn có sức mạnh quân sự số một thế giới nhưng Trung Quốc và Nga đang cố sức để đuổi kịp và khoảng cách ngày càng rút ngắn lại. Cuộc tập trận trên biển Địa Trung Hải mới đây được đánh giá là nhằm tạo đối trọng quyền lực với Mỹ.

Liên minh Trung- Nga sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Mỹ?
Tàu đô đốc Moska rời căn cứ Sevastopol, tham gia cuộc tập trận chung Trung- Nga trên biển Địa Trung Hải. (Ảnh: RT)

Mới đây, Trung Quốc đã gửi một số tàu chiến tham gia cuộc tập trận trên biển Địa Trung Hải cùng hạm đội của Nga, nhằm củng cố mối liên kết giữa Mátxcơva và Bắc Kinh. Tuy không có một hiệp ước liên minh quân sự cụ thể nhưng việc hai nước Trung - Nga kết hợp phô diễn sức mạnh có thể được đánh giá là tạo đối trọng với quyền lực Mỹ.

Cả Trung Quốc và Nga đang tiến hành hiện đại hóa quân đội của mình dù so với phương Tây có thể vẫn lạc hậu hơn một chút về công nghệ. Tuy thế, các chuyên gia đều cho rằng khoảng cách này giữa hai bên Trung -  Nga với Mỹ và phương Tây đang dần thu hẹp lại.
 
Giấc mơ Trung Hoa và cải tổ quân đội

Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền lực năm 2012 đã thể hiện mong muốn dành cả nhiệm kỳ của mình để xây dựng “Giấc mơ Trung Hoa” của cái gọi là “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Một phần của giấc mơ này là cải cách quân đội với quân số 2,3 triệu lính, cao gấp 3 lần quân số của Nga. Thực tế hiện quân đội Trung Quốc cũng chịu một số chỉ trích là cồng kềnh, tham nhũng và chưa thích hợp cho chiến đấu.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đánh giá quân đội mạnh là yếu tố quan trọng để ngăn các nước khác có những hành động làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc và để đảm bảo nước này có thể tự vệ, tránh mọi thất bại có thể. Đánh giá này là động lực cho quyết tâm cải tổ Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Quyết tâm của ông Tập nhằm cải tổ PLA trong thế kỷ này sẽ khiến chi phí quốc phòng của Bắc Kinh tăng lên khoảng 132 tỷ USD cho riêng năm 2015 này và sẽ tăng khoảng 10% cho năm tiếp theo. Quân đội Trung Quốc hiện nay là lực lượng hùng mạnh nhất châu Á với hơn 300 tàu chiến và sẽ còn nhận được phần khá lớn từ ngân sách quốc phòng.

Bắc Kinh hiện sở hữu ít nhất 25 tàu khu trục và đang đóng tàu sân bay thứ hai tại một xưởng đóng tàu ở vùng Đông - Bắc nước này. Đây là một phần của kế hoạch đầy tham vọng xây dựng “Hải quân viễn dương” cho phép Trung Quốc giành quyền kiểm soát lớn hơn trên mặt biển.Trung Quốc cũng đang tìm cách tăng hạm đội tàu ngầm hiện đã gồm 59 chiếc chạy bằng động cơ diesel và 9 chiếc chạy bằng động cơ hạt nhân. Đây là số liệu trong báo cáo của Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo rằng nếu chỉ đơn giản đầu tư vào thiết bị quân sự thì sẽ không đương nhiên giải quyết được các vấn đề của PLA. Bắc Kinh vẫn phải đương đầu với vô số thách thức trước khi có thể triển khai đội quân hiện đại sẵn sàng cho chiến đấu.
 
Những thách thức này bao gồm cả vấn đề quân số không trực tiếp chiến đấu quá lớn, các sĩ quan chỉ huy thiếu kinh
nghiệm và binh lính thiếu kinh nghiệm chiến đấu do không có thực tế chiến tranh kể từ sau xung đột biên giới với Việt Nam năm 1979.

Về nhân sự, PLA còn liên quan đến cả vấn nạn tham nhũng. Ông Tập với tư cách là Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch nước đã hạ bệ một số sĩ quan quân đội cấp cao trong chiến dịch nỗ lực chống tham nhũng của mình, đáng kể nhất là tướng Từ Tài Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, người đã chết trước khi bị kết án.

Nga đang tăng cường quốc phòng mạnh mẽ

Các chỉ số thống kê sức mạnh chính của Nga và Trung Quốc. (Đồ họa: 
Các chỉ số thống kê sức mạnh chính của Nga và Trung Quốc. (Đồ họa: Global Fire Power

Về phía đồng minh hiện thời của Trung Quốc, quân số Nga dù chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc nhưng Nga có số lượng lớn xe tăng và đại bác. Chi tiêu quốc phòng của Nga đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2014. Năm 2010, Tổng thống Nga lúc đó là Medvedev đã công bố ngân sách khoảng 420 tỷ USD cho giai đoạn 10 năm 2010-2020 trong khuôn khổ một chương trình tái vũ trang nhà nước quy mô lớn. Kế hoạch này có mục tiêu đưa số vũ khí khí tài hiện đại của quân đội Nga lên mức 70% trong năm 2020.

Ngân sách quốc phòng của Nga đã tăng 33% lên khoảng 65 tỷ USD năm 2015 (theo tỷ giá hiện nay), tuy các quan chức nước này cảnh báo có thể bị cắt giảm do giá dầu sụt giảm và cấm vận của phương Tây.

Như vậy xu hướng tới đây Nga sẽ là tăng cường mạnh mẽ và đầy tham vọng sức mạnh quân sự của mình. Quân đội Nga sẽ nhận thêm 50 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và 200 máy bay chiến đấu mới. Siêu xe tăng Armata và pháp tự hành Koalitsiya cũng đã ra mắt nhân lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng ở Mátxcơva.

Các chuyến bay thăm dò, những lần tàu ngầm thâm nhập qua biên giới NATO, những đợt tập trận lớn ngay sát Ukraine và các đoàn tàu chiến lần đầu có mặt diễu hành trên vùng biển là những bằng chứng cho thấy thái độ kiên quyết của Nga.

Cùng với việc Trung Quốc và Nga ra sức nâng cấp thiết bị khí tài, những cuộc tập trận chung của hai nước này có vai trò nhắc nhở thường xuyên hơn ý đồ muốn làm xói mòn quyền lực của Mỹ.

Theo Dmitry Trenin, một chuyên gia về an ninh của Nga, “việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau là một dấu hiệu của trật tự thế giới đang thay đổi trong đó phương Tây vẫn rất mạnh nhưng không còn thống trị nữa.”

Uyên Châu
Theo Telegraph, AP
http://dantri.com.vn/the-gioi/lien-minh-trungnga-se-anh-huong-nhu-the-nao-toi-my-1076123.htm