Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Ba cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông!

Cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ nhất (1258)

“Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”

(Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn đỏ)

Giang Văn Minh (Vế đối đáp lại vế đối láo xược của vua Minh Sùng Trinh)
Vào đầu thế kỷ XIII, trên đất nước Mông Cổ ngày nay hình thành một quốc gia quân sự độc tài của cư dân du mục, thạo cưỡi ngựa, bắn cung, quen sống du mục hoang sơ trên vùng thảo nguyên rộng lớn. Với lực lượng quân sự mạnh, dựa trên những đạo kỵ binh thiện chiến, các vua chúa Mông Cổ đã lao vào cuộc chiến tranh chinh phục khủng khiếp. Trong vòng nửa thế kỷ, Thành Cát Tư Hãn và các vua chúa Mông Cổ với đoàn quân viễn chinh khét tiếng tàn bạo, cách tấn công ào ạt, chớp nhoáng đánh đâu thắng đó đã chinh phục hết quốc gia này đến quốc gia khác, thành lập một đế quốc Mông Cổ rộng lớn từ bờ biển Đông Á Thái Bình Dương đến tận Hắc Hải. Cả châu Á và châu Âu bao trùm bóng đen xâm lược của Mông Cổ. Nước Đại Việt cũng không nằm ngoài bối cảnh chung đó.
Từ năm 1226, triều Trần được thiết lập, chấm dứt cuộc khủng hoảng suy tàn cuối triều Lý. Triều Trầnđảm nhận sứ mệnh đẩy mạnh công cuộc dựng nước và chăm lo quốc phòng đối phó với nạn ngoại xâm.
Năm 1252, chúa Mông Cổ sai Hốt Tất Liệt và Ngột Lương Hợp Thai đánh chiếm nước Đại Lý (Vân Nam, Trung Quốc). Năm 1257, Ngột Lương Hợp Thai được lệnh đem một đạo quân từ Vân Nam đánh chiếm Đại Việt để mở rộng gọng kiềm vu hồi đánh vào phía nam nước Nam Tống. Trước khi xuất quân, Hốt Tất Liệt là em trai chúa Mông Cổ Mông Kha và là tổng chỉ huy đạo quân phía Nam sai sứ sang đòi vua Trần đầu hàng. Vua Trần Thái Tông và triều đình đã tống giam kẻ đại diện đế quốc Mông Cổ và tổ chức quân dân ta gấp rút chuẩn bị kháng chiến. Trần Quốc Tuấn dẫn một lực lượng lên bố trí ở vùng biên giới. Đại quân ta do vua Trần Thái Tông trực tiếp chỉ huy lên lập phòng tuyến ở Bình Lệ Nguyên (Việt Trì, Vĩnh Yên) chặn đường tiến quân của địch từ Vân Nam theo đường Lào Cai xuống Thăng Long.
Cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ nhất (năm 1258)
Đầu năm 1258, quân Mông Cổ vượt biến giới vào nước ta. Đạo quân dịch gồm khoảng 3 vạn tên, có lực lượng kỵ binh thiện chiến làm nòng cốt nhanh chóng tiến được xuống Bình Lệ Nguyên. Sau một trận đấu ác liệt, quân ta “thất lợi”, không thể ngăn chặn được quân giặc. Theo mưu kế của Lê Tần, quân ta rút về Phù Lỗ (Đông Anh, Hà Nội), phá cầu Phù Lỗ và lập trận tuyến phòng ngự ở bờ Nam sông Cà Lồ để chặn địch. Quân Mông Cổ tiếp tục tấn công mạnh. Vua Trần cùng đại quân phải rút về Thăng Long.
Trước thế mạnh của giặc, triều Trần thực hiện cuộc rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng, triều đình và đại quân rút về vùng Thiên Mạc (Khoái Châu, Hưng Yên). Nhân dân Thăng Long cũng rời kinh đô, tản cư về vùng nông thôn. Quân giặc vào được thành Thăng Long, một tòa thành trống rỗng, không người không của. Chúng tàn phá Thăng Long nhưng không dám tiến công tiếp vì không biết chủ lực quân ta ở đâu, mở rộng chiếm đóng thì quân số có hạn. Lương thực mang theo đã hết, nguồn tiếp tế vốn không được phòng bị cho cách đánh nhanh thắng nhanh, trông chờ cướp lương để ăn thì không có. Tình thế khó khăn bế tắc, kế hoạch rút lui chiến lược phát huy hiệu quả. Thời cơ phản công đã đến.
Ngày 29/1/1258, quân ta ngược sông Hồng bất ngờ tiến công quyết liệt vào Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng ở Thăng Long). Quân giặc bị thiệt hại nặng vội rút chạy khỏi Thăng Long theo con đường ven sông Hồng mà chúng vừa tiến xuống. Chạy đến Quy Hóa (Phú Thọ, Yên Bái), bị bộ phận quân chủ lực bố trí chặn địch từ đầu cuộc chiến tranh còn ém tại đây phối hợp cùng dân binh địa phương do tù trưởng Hù Bỏng chỉ huy đón đánh bị thiệt hại thêm, Ngột Lương Hợp Thai cùng đám tàn quân không dám đánh lại chỉ lo chạy tháo thân về Vân Nam.

Cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ hai (1285)

"Chương Dương cướp giáo giặc, 
   Hàm Tử bắt quân thù.
   Thái bình nên gắng sức, 
    Non nước ấy nghìn thu".

Trần Quang Khải (Tòng giá hoàn kinh)
Sau khi tiêu diệt nhà Nam Tống, thôn tính toàn Trung Quốc, Hốt Tất Liệt lên làm vua lập ra triều Nguyên (năm 1271). Đây là đế quốc lớn mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Với thế và lực mới, Hốt Tất Liệt quyết tâm xâm lược Đại Việt, một đất nước có vị trí đặc biệt quan trọng trên con đường bành trướng xuống phía Nam của nhà Nguyên.
Đánh giá được âm mưu và hành động chuẩn bị chiến tranh của nhà Nguyên, triều Trần cũng lãnh đạo toàn dân khẩn trương triển khai kế hoạch chống xâm lược. Năm 1282, vua Trần Nhân Tông triệu tập Hội nghị Bình Than (vùng hiểm yếu sông Lục Đầu) gồm các vương hầu, tướng lĩnh hạ quyết tâm và bàn kế hoạch đánh giặc.
Sau đó, đầu năm 1285, vua Trần lại mở Hội nghị Diên Hồng triệu các bô lão đại diện nhân dân ở các địa phương về triều đình để thống nhất quyết tâm kháng chiến và động viên toàn dân đánh giặc. Khí thế "Sát Thát” náo nức trong toàn quân, toàn dân. Trần Quốc Tuấn được cử làm Quốc công Tiết chếthống lĩnh quân đội. Ông đã ra lời kêu gọi Hịch Tướng sĩ - một áng thiên cổ hùng văn bất hủ có ý nghĩa lớn, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của người chiến binh trước sự mất còn của dân tộc. Các vương hầu hăng hái mộ quân, luyện tập sẵn sàng theo mệnh lệnh của triều đình. Các địa phương, dân binh được tăng cường, luyện tập, rào làng chiến đấu. Nhân dân phối hợp với quân đội chuẩn bị trận địa và cất giấu lương thực để làm kế thanh dã - vườn không nhà trống. Nhiều cuộc duyệt binh và diễn tập lớn được tổ chức ở kinh thành và những nơi xung yếu.
Nắm được tình hình điều động lực lượng và dự đoán kế hoạch tiến công của địch, quân ta cũng triển khai thế trận phòng thủ. Trên hướng Bắc, Trần Quốc Tuấn trực tiếp chỉ huy một lực lượng chủ lực lớn đối đầu với lực lượng chính của địch. Trên hướng Tây Bắc, Trần Nhật Duật - vị tướng thông thuộc địa hình, phong tục tập quán vùng này, chỉ huy một đạo quân nhằm ngăn chặn quân Nguyên từ Vân Nam tiến sang. Ở phía Nam, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải trực tiếp chỉ huy một đạo quân trấn giữ ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh chặn đường đạo quân Nguyên đánh lên từ phía Nam. Việc chuẩn bị với quy mô lớn, nghiêm cẩn và chủ động. Xem cách bố trí phòng vF diễn biến chiến tranh, ta thấy Trần Quốc Tuấn chủ trương rút lui chiến lược rồi phản công chiến lược đánh tan quân địch.
Cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ hai (năm 1285)
Đầu năm 1285, 60 vạn quân Nguyên do con trai Hốt Tất Liệt là Trấn Nam vương Thoát Hoan làm tổng chỉ huy cùng lúc tiến đánh nước ta. Ở phía bắc, 50 vạn quân chia làm hai hướng: hướng Bắc, đạo quân chủ lực do Thoát Hoan chỉ huy từ Quảng Tây tiến vào Lạng Sơn. Hướng Tây Bắc theo sông Chảy đánh Yên Bái. Ở phía Nam, 10 vạn quân do Toa Đô chỉ huy từ Champa tiến ra.
Cánh quân Thoát Hoan đánh các đồn biên giới, vào Lộc Bình (Lạng Sơn), theo đường Lạng Sơn - Thăng Long, đánh xuống Chi Lăng. Trước thế mạnh của giặc, Trần Quốc Tuấn chỉ huy đánh cản địch một số trận rồi rút dần về Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương) - vùng hiện nay có đền Vạn Kiếp thờ Trần Hưng Đạo, một di tích lịch sử, một danh thắng, nhân dân cả nước thường đến viếng quanh năm. Thoát Hoan lại tiến đến Vạn Kiếp. Trần Quốc Tuấn đánh một trận nữa rồi theo đường sông rút về Thăng Long, sau đó rút khỏi Thăng Long về Trường Yên (Ninh Bình) và Thiên Trường (Nam Định). Quân địch vào Thăng Long rồi tiếp tục đánh xuống Trường Yên và Thiên Trường.
Cánh quân Naxirút Đin vào theo sông Chảy. Trần Nhật Duật đánh chặn ở vùng Yên Bái rồi rút về Bạch Hạc, sau đó về hợp quân ở vùng Nam Định, Ninh Bình.
Cánh quân phía Nam của Toa Đô tiến được ra Nghệ An. Quân ta đánh một số trận nhưng không cản được địch, Trần Quang Khải phải rút về Thanh Hóa rồi tiến ra Trường Yên. Trước tình thế bị đánh úp bằng hai gọng kiềm Bắc-Nam, để thoát khỏi vòng vây bảo toàn lực lượng, tạo và đón thời cơ phản công, Trần Quốc Tuấn cho một bộ phận nghi binh lên hoạt động ở vùng Đông Bắc thu hút sự chú ý của địch còn triều đình và đại quân thì vòng vào trấn giữ Thanh Hóa làm căn cứ. Đến đây, cuộc rút lui chiến lược của ta đã hoàn thành. Âm mưu bao vây tiêu diệt quân chủ lực và bộ máy đầu não đất nước ta của quân Nguyên đã bị thất bại.
Thoát Hoan chia quân đóng giữ những vị trí quan trọng và lập các trạm liên lạc với nhau. Quân chủ lực phối hợp với dân binh tổ chức đánh du kích ở vùng địch chiếm tạo thế và chuẩn bị phản công. Quân Nguyên bị tiêu hao, mỏi mệt, bị triệt đường tiếp lương, lại gặp mùa viêm nhiệt đến, ốm đau dịch bệnh phát sinh, đánh, giữ đều khó.
Nắm bắt thời cơ, tháng 5/1285, Trần Quốc Tuấn tổ chức phản công. Một loạt trận đánh lớn từ Trường Yên ra đến Thăng Long. Đó là các trận A Lỗ (Nam Định), Tây Kết, Hàm Tử (bờ sông Hồng thuộc địa phận Hưng Yên), Chương Dương (Thường Tín, Hà Tây) phá vỡ tuyến phòng ngự dọc sông Hồng và đánh vào Thăng Long. Thoát Hoan phải rút chạy về Vạn Kiếp. Tại Vạn Kiếp quân ta đã bố trí một trận đánh lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Thoát Hoan cùng đám bại quân chạy về hướng Lạng Sơn. Tại đây phục binh ta đổ ra bao vây đánh tiêu diệt. Nhiều tướng lĩnh và binh lính Nguyên tử trận. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để tránh tên độc cho quân lính khiêng chạy mới thoát chết về đến bên kia biên giới.
Đám quân Naxirút Đin còn lại tháo chạy về biên giới. Đến vùng Phú Thọ lại bị thổ binh (dân binh các dân tộc ít người) do Hà Đặc, Hà Thương chỉ huy chặn đánh tổn thất nặng.
Đạo quân Toa Đô từ Trường Yên theo đường biển vào sông Hồng định đến Thăng Long hội quân với Thoát Hoan, nhưng đến Tây Kết thì bị quân ta tiến công tiêu diệt phần lớn, Toa Đô tử trận.
Sau gần 6 tháng chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt và quét sạch đạo quân xâm lược lớn ra khỏi bờ cõi.
Cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ hai thắng lợi hoàn toàn.
Trần Quang Khải đã làm bài thơ mừng thắng trận:
Tòng giá hoàn  kinh
(Tụng giá hoàn kinh sư)
從駕還京
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình nghi nỗ lực
Vạn cổ thử giang san

Phò giá về kinh(Người dịch: Trần Trọng Kim)

Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy nghìn thu.

Cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ ba 1288

"Xã tắc hai lần lao ngựa đá,
Non sông nghìn thuở vững âu vàng"

Trần Nhân Tông (Hai câu thơ viết bên lăng Trần Thái Tông lúc làm lễ dâng tù binh mừng chiến thắng Nguyên-Mông lần thứ ba)
Một quân đội đánh đâu thắng đó, được coi là không đối thủ mà hai lần bị thảm hại bởi nước Đại Việt nhỏ bé ở kề bên khiến cho Hốt Tất Liệt hết sức cay cú. Đang là hoàng đế một đế quốc mạnh nhất trong lịch sử Nguyên Mông, rộng lớn và cường thịnh nhất thế giới lúc đó, Hốt Tất Liệt vốn hiếu chiến và kiêu căng quyết định chuẩn bị một cuộc xâm lược mới đối với Đại Việt vừa để hủy diệt quốc gia ngang bướng hỗn xược này, vừa là để rửa nhục, giữ thể diện với các nước khác. 
Tuy nhiên lần này nhà Nguyên cũng không dám khinh suất. Để tập trung đánh Đại Việt, Hốt Tất Liệt ra lệnh bãi bỏ kế hoạch xâm lược Nhật Bản đang được chuẩn bị. Triều Nguyên huy động gần 50 vạn quân và lại giao cho Thoát Hoan, người đã nắm được nhiều tình hình Đại Việt, đã có kinh nghiệm lần xâm lược trước chỉ huy để lập công chuộc tội. Tuy quân số lần này chỉ gần bằng lần trước nhưng tinh nhuệ hơn. Đặc biệt nhà Nguyên thấy rằng trên chiến trường Đại Việt kỵ binh quân Nguyên không phát huy được sức mạnh, trong khi đó thủy quân là điểm mạnh của Đại Việt luôn làm cho quân Nguyên không sao chống đỡ nổi. Chính vì lẽ đó, quân Nguyên đã điều động lực lượng thủy quân chuẩn bị vượt biển đánh Nhật Bản dùng vào việc đánh Đại Việt.
Về phía Đại Việt, sau chiến thắng năm 1285, nhân dân cả nước ra sức lao động hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa thì tin tức về một cuộc xâm lược mới của nhà Nguyên lại được truyền đến. Được kinh nghiệm và khí thế hai lần chiến tranh trước cổ vũ, cả triều đình và quân dân ta chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến với tinh thần chủ động và tự tin cao. Trần Quốc Tuấn, nhà quân sự thiên tài một lần nữa lãnh trách nhiệm tổng chỉ huy quân đội đã nói với vua Trần: quân ta đã quen đánh trận, quân địch thì từ xa đến, lại bị ảnh hưởng lần thất bại trước, không có khí chiến đấu, tất thế nào ta cũng phá được chúng. Khi quân Nguyên đến biên giới, ông còn nhận định: “Năm nay giặc dễ đánh”.
Cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ ba (năm 1285-1288)
Tháng 12/1287, quân Nguyên chia làm ba đạo, theo ba hướng tiến vào nước ta. Đạo chủ lực gồm bộ binh (gồm cả kỵ binh) do Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy từ Quảng Tây vào Lạng Sơn hướng tới Vạn Kiếp. Một đạo bộ binh do Ái Lỗ chỉ huy từ Vân Nam theo đường sông Hồng tiến vào hướng xuống Thăng Long. Đạo thủy binh gồm 600 chiến thuyền do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp cùng chỉ huy từ Khâm Châu (Quảng Đông) vượt biên giới vào sông Bạc Đằng, tiến vào Vạn Kiếp, hội quân cùng Thoát Hoan để đánh vào Thăng Long.
Rút kinh nghiệm các lần xâm lược trước, lần nào quân Nguyên cũng bị thiếu lương - nhân tố thiết yếu bảo đảm sự sống và chiến đấu của quân đội, lần này chúng tổ chức hẳn một đoàn thuyền lớn gồm 70 vạn hộc (khoảng hàng vạn tấn) do Trương Văn Hổ chỉ huy đi cùng đạo thuỷ quân.
Như vậy, ở cả ba hướng, ba đạo quân đều hướng tới hợp lực đánh chiếm Thăng Long. Vua Nguyên còn căn dặn các tướng là phải hành động hết sức thận trọng: “Không được cho Giao Chỉ là nước nhỏ mà khinh thường”.
Trên hướng Lạng Sơn và hướng sông Hồng, quân ta theo kế hoạch vừa chặn đánh để kiềm chế và tiêu hao lực lượng địch vừa rút dần bảo toàn lực lượng. Quân Thoát Hoan xuống đóng được ở Vạn Kiếp, quân Ái Lỗ cũng xuống dần đến Thăng Long.
Trên hướng biển Đông Bắc, thuỷ binh địch đến của sông Bạch Đằng. Thuỷ binh ta do Trần Khánh Dư chỉ huy chặn đánh nhưng bị tổn thất, Ô Mã Nhi tiến nhanh vào Vạn Kiếp. Không chặn được thuỷ binh địch nhưng Trần Khánh Dư vẫn bám giữ vùng ven biển. Biết đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ chở nặng đi chậm, không có thuỷ binh yểm trợ đang đi vào, Trần Khánh Dư bố trí trận địa mai phục ở Vân Đồn đón đánh tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ.
Thoát Hoan cùng Ô Mã Nhi hội quân được ở Vạn Kiếp, chúng cho xây dựng ở đây một căn cứ quân sự, một hậu cứ trung tâm trọng yếu. Tháng 12/1287, quân thuỷ bộ Nguyên tiến về Thăng Long, đạo quân Ái Lỗ cùng đến Thăng Long. Triều đình và đại quân ta đã chủ động rút khỏi Thăng Long bảo toàn lực lượng về vùng hạ lưu sông Hồng. Quân Nguyên vào Thăng Long nhưng cũng lại là một toà thành trống rỗng. Thoát Hoan cho quân tìm đuổi triều đình và quân chủ lực của ta nhưng tìm không thấy mà bị chặn đánh quyết liệt nên lại phải rút về Thăng Long. Đến đây, chiến lược đánh nhanh thắng nhanh bị phá sản, quân Nguyên lại lâm vào tình trạng đánh không được, giữ không xong, vừa bị bao vây cô lập, vừa bị tập kích, phục kích khắp nơi, lương thực thiếu thốn, bệnh dịch phát sinh.
Chờ mãi không thấy đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đem một đội thuỷ binh ra biển đón thuyền lương. Ra đến cửa biển, Ô Mã Nhi mới biết đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ đã bị diệt, hắn đành quay lại Vạn Kiếp. Ở Thăng Long, đại bản doanh Thăng Long đứng trước nguy cơ bị tấn công tiêu diệt như lần trước, Thoát Hoan phải rút khỏi Thăng Long kéo về Vạn Kiếp.
Đại quân ta dưới sự thống lĩnh của vua Trần và sự chỉ huy trực tiếp của Trần Quốc Tuấn di chuyển về vùng Đông Băcs chuẩn bị những trận địa lớn để tiêu diệt quân xâm lược.
Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Thoát Hoan tìm cách bỏ chạy. Quân Nguyên chia làm hai đạo. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy đạo thuỷ binh có cả bộ binh đi cùng theo hướng sông Bạch Đằng rút chạy trước. Đây cùng là mưu kế thoát thân của Thoát Hoan. Cánh quân rút trước sẽ thu hút lực lượng quân ta. Sau đó bộ binh do Thoát Hoan chỉ huy sẽ nhanh chóng rút chạy theo đường bộ qua Lạng Sơn về nước. Ở cả hai hướng quân ta đã chủ động dàn thế trận đón địch.
Sông Bạch Đằng lại được chọn làm điểm quyết chiến chiến lược. Trên sông Bạch Đằng, đoạn từ ghềnh Cốc, núi Tràng Kênh đến các ngã ba sông Chanh, sông Kênh, sông Rút, Trần Quốc Tuấn cho bố trí những trận địa cọc ngầm quy mô lớn, khi thuỷ triều xuống sẽ trở thành những bãi cản, thuyền lớn không thể vượt qua để ra biển. Hai bên bờ sông và các lạch, các sông nhánh thuộc đất hai huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) và Yên Hưng (Quảng Ninh), bộ binh, thuỷ binh của ta mai phục Đông và mạnh với nhiều loại vũ khí uy lực lớn.
Cuối tháng 3, đạo quân Nguyên đi đường thuỷ bắt đầu rút theo đường sông Kinh Thầy ra sông Bạch Đằng. Trên bờ tả ngạn có một toán kỵ binh do Trình Bằng Phi chỉ huy hộ tống. Toán kỵ binh này trên đường bị ta phá cầu và đánh chặn nên phải quay lại Vạn Kiếp.
Sáng ngày 9/4/1288, đoàn thuyền địch bắt đầu vào sông Bạch Đằng, một đội chiến thuyền nhẹ của ta ra đón đường khiêu chiến rồi giả thua chạy về phía hạ lưu. Đoàn thuyền địch đuổi theo, thuyền ta nhỏ nhẹ đã nhanh chóng cơ động vào các lạch bên sông. Lúc bấy giờ thuỷ triều đang xuống, nước chảy mạnh, chiến thuyền địch đang lao nhanh ra biển, bất ngờ bị bãi cọc chặn lại, thuyền chiến to, nặng, không xoay trở được, nhiều chiếc bị vỡ đắm, đội hình dồn lại. Lúc đó, từ hai bên bờ, các lạch sông quân ta với khí thế “Sát Thát” đổ ra đánh hết sức quyết liệt. Những bè lửa được thả trôi xuống đốt cháy quân địch, tên độc bắn xuống như mưa, các thuyền chiến nhỏ, nhẹ, cơ động với đội thuỷ binh tinh nhuệ thiện chiến, quân địch không sao chống đỡ nổi. Chiến trận xảy ra trọn ngày 9/4. Toàn bộ thuỷ quân của Ô Mã Nhi bị tiêu diệt. Các tướng giặc như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đều bị bắt sống. Riêng số thuyền chiến ta thu được đã là 400 chiếc, không kể số bị vỡ đắm.
Chiến thắng Bạch Đằng lần thứ ba là trận quyết chiến chiến lược của cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ ba. Đây là trận đánh có quy mô lớn, được chuẩn bị công phu với nghệ thuật tác chiến tài giỏi, chỉ trong một ngày tiêu diệt gọn cả một đạo quân hàng chục vạn tên.
Đạo bộ binh của Thoát Hoan rút lui theo đường Lạng Sơn, quân ta đã chiếm lĩnh các vị trí hiểm yếu chặn đánh địch ở các ải Nội Bàng, Nữ Nhi, Khưu Cấp (thuộc trục đường Băcs Giang - Lạng Sơn). Quân Nguyên bị tổn thất nặng nề, đám tàn quân may thoát chết chạy được về Quảng Tây. Ngày 19-4-1288 Thoát Hoan giải tán nốt số quân bại trận này. Thế là gần 50 vạn quân chủ lực, một bộ phận quan trọng trong quân lực triều Nguyên bị xoá sổ.
Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ ba thắng lợi rực rỡ, kết thúc mưu đồ xâm lược của nhà Nguyên.
  • Nguồn: Từ điển bách khoa Tri thức quốc phòng toàn dân.-H.: Chính trị Quốc gia, 2002.
  • http://vietnamdefence.com/Home/quansuvietnam/khoinghiachientranh/Cuoc-khang-chien-chong-NguyenMong-lan-thu-ba-12851288/20099/48727.vnd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét