Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Trung Quoc đã sở hữu vũ khí laser hay đang "tát nước" theo thành công của Mỹ?

Báo Trung Quốc khẳng định công nghệ laser của họ đứng trong top đầu thế giới, do các bước nghiên cứu phát triển không cách xa Mỹ bao nhiêu.
Pháo laser của Mỹ
Trang mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 21 tháng 2 dẫn hãng tin AP Mỹ ngày 18 tháng 2 đưa tin, giám đốc chương trình của Bộ Tư lệnh hệ thống hải dương-Hải quân Mỹ, Mike Ziff cho biết, mùa hè năm nay, Hải quân Mỹ sẽ kiểm tra nguyên mẫu vũ khí laser trên tàu chiến Ponce, vũ khí này có thể do một người điều khiển.
Hải quân Mỹ cho biết, triển khai vũ khí laser chủ yếu là ứng phó với "mối đe dọa phi đối xứng" như máy bay không người lái, thuyền máy. Vũ khí laser có thể bắn "một chùm năng lượng" thiêu hủy mục tiêu tấn công hoặc phá hoại hệ thống điện tử nhạy cảm.
Nghiên cứu phát triển vũ khí laser
Vũ khí laser là một loại vũ khí năng lượng chùm tia sử dụng chùm laser phóng theo phương hướng nhất định để tấn công mục tiêu, có các tính năng ưu việt như tốc độ nhanh, linh hoạt, chính xác và chống gây nhiễu điện từ, có thể phát huy vai trò đặc biệt trong đối kháng quang điện, phòng không và phòng thủ chiến lược.
Vũ khí laser được chia làm 2 loại gồm vũ khí laser chiến thuật và vũ khí laser chiến lược. Nó sẽ là một lực lượng răn đe thông thường.
Do tốc độ của vũ khí laser là tốc độ ánh sáng, vì vậy khi sử dụng thường không cần tính toán trước, nhưng do laser dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, cho nên đến nay vũ khí laser vẫn chưa được phổ cập.
Vũ khí laser là một loại vũ khí năng lượng chùm tia, sử dụng chùm laser mạnh bắn định hướng, trực tiếp phá hủy mục tiêu hoặc làm cho nó mất tác dụng.
Nó sử dụng năng lượng rất lớn của chùm ánh sáng mạnh có độ sáng cao để tiêu diệt hoặc sát thương các vũ khí mới công nghệ cao của mục tiêu như máy bay, tên lửa, vệ tinh và nhân viên của đối phương.
Vũ khí laser trên máy bay của Mỹ
Vũ khí laser có tốc độ tấn công mục tiêu nhanh, hoặc lực đổi nhanh (chỉ cần vài giây), tỷ lệ giữa hiệu quả và chi phí cao, chắc chắn sẽ trở thành vũ khí trang bị trọng điểm trong thời đại chiến tranh thông tin. Hiện nay, trên phạm vi thế giới, Nga đi đầu trong nghiên cứu lý luận, còn Mỹ đi đầu về ứng dụng vũ khí laser.
Nghiên cứu chế tạo của Mỹ
Mỹ luôn coi vũ khí laser là phương diện phát triển tương lai của vũ khí tương lai của họ, chủ yếu lấy tình hình phát triển của Mỹ để phân tích. Mỹ hiện nay chủ yếu có: chương trình IFX; vũ khí laser trên máy bay; chương trình chống vệ tinh.
- Chương trình IFX
Chương trình IFX là chương trình phát triển vũ khí laser vũ trụ của Mỹ, là chương trình quy hoạch chung của Không quân Mỹ và Cơ quan nghiên cứu khoa học Bộ Quốc phòng Mỹ.
Chương trình này hoàn thành vào năm 2013, nhưng chương trình bị kéo dài, hiện chỉ tiến hành được giai đoạn đầu và giữa, Không quân Mỹ đang toàn lực tiến hành giải quyết vấn đề. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, vũ khí laser vũ trụ là vũ khí hiệu quả nhất dùng để phá hủy tên lửa xuyên lục địa và tên lửa chiến thuật, hơn nữa có thể từ ngoài mấy trăm km có thể tấn công các mục tiêu trên không và vũ trụ.
Máy bay C-130 Mỹ lắp vũ khí laser chiến thuật tiên tiến tấn công mục tiêu (tưởng tượng)
Đương nhiên loại vũ khí này còn có rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết, chẳng hạn, làm thế nào để đưa thiết bị laser vào quỹ đạo, nguyên nhân chính là đường kính của gương chính thiết bị phát ra ánh sáng quá lớn, quan điểm hiện nay là để thiết bị phóng laser ở trong khoang chứa hàng của tên lửa đẩy, đồng thời sau khi đi vào quỹ đạo dự kiến, vũ khí laser vũ trụ có thể tự động mở ra.
Hơn nữa, làm thế nào để bổ sung chất môi giới cho vũ khí laser vũ trụ trên quỹ đạo, sử dụng cho vũ khí laser trong tương lai là laser hóa học, không có chất môi giới sẽ không thể xảy ra phản ứng hóa học, cũng không thể sinh ra laser.
- Vũ khí laser trên máy bay
Tính năng của vũ khí laser trên máy bay trong tương lai theo ý tưởng của Mỹ như sau: số lần bắn chất môi giới laser chứa trong khoang máy bay có thể đạt 40 lần; thời gian bức xạ mục tiêu là 3-5 giây; công suất laser là 3MW; tầm bắn tối đa là 600 km, thời gian tuần tra bình quân là 48 giờ.
Trong quá trình nghiên cứu chế tạo vũ khí laser trên máy bay cho hệ thống phòng thủ tên lửa, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có mối quan tâm rất lớn đối với nghiên cứu chế tạo vũ khí laser trên máy bay kiểu chiến thuật.
Công ty Boeing đã tiến hành thử nghiệm laser công suất khoảng 300 kW, loại thiết bị laser này lắp ở máy bay V-22. Dự kiến công suất phát ra của loại vũ khí laser này là 100-200 kW; khi bắn mục tiêu trên không từ mặt đất, tầm bắn là 10 km, trong khi đó, khi bắn từ trên không tấn công các mục tiêu trên mặt đất và trên không thì tầm bắn là 20 km.
Vũ khí laser lắp cho xe quân sự Mỹ trong tương lai
Năm 2006, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Craig ra lệnh cho Ủy ban khoa học quốc phòng của Lầu Năm Góc, yêu cầu họ triển khai nghiên cứu sâu sắc vấn đề nghiên cứu phát triển và ứng dụng vũ khí năng lượng chùm tia.
Cơ quan phòng thủ tên lửa Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tuyên bố, cơ quan này đã cải tạo tốt một chiếc máy bay chở hàng Boeing 747-400 có thể trang bị hệ thống vũ khí laser, đồng thời sử dụng vũ khí laser do Công ty Northrop Grumman nghiên cứu phát triển để lắp cho đầu máy bay.
Vũ khí laser trên máy bay có thể bắn với tốc độ ánh sáng, có thể phá hủy tên lửa đạn đạo khi vừa mới phóng lên - ở giai đoạn đang đẩy lên, cũng có thể dùng để phá hủy các mục tiêu chiến lược và chiến thuật khác, như radar máy bay, máy bay tiêm kích và trận địa phòng không. Loại vũ khí laser trên không này là bộ phận quan trọng của hệ thống phòng thủ tên lửa "đa tầng" Mỹ.
Trong thử nghiệm 6 năm sau này, vũ khí laser mang tên YAL-1 lắp trên máy bay 747 đã đánh chặn bia tên lửa 7 lần, trong đó có 2 lần phá hủy hoàn toàn. Báo cáo của Không quân Mỹ cho thấy, khi phá hủy tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng, tầm bắn hiệu quả của YAL-1 có thể đạt 600 km.
Nhưng, khi mục tiêu là tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn, tầm bắn bị rút ngắn còn 300 km, thậm chí trong phạm vi 300 km cũng khó có thể trực tiếp phá hủy hoàn toàn tên lửa đạn đạo.
Sau đó cộng với chi tiêu quân sự của Mỹ năm 2012 căng thẳng, vì vậy ngày 14 tháng 2 năm 2012, Lầu Năm Góc đã chính thức kết thúc chương trình vũ khí laser trên không YAL-1.
Nhưng điều cần chú ý là, chương trình laser trên không vẫn tồn tại, song phương hướng nghiên cứu phát triển tương lai sẽ chuyển thành vũ khí đánh chặn laser trang bị cho máy bay không người lái "thu nhỏ".
Máy laser thể rắn công suất cao do Công ty Northrop Grumman nghiên cứu chế tạo.
Vũ khí năng lượng chùm tia được quân Mỹ nghiên cứu phát triển tương đối hoàn thiện là vũ khí laser. Đối thủ có thể tấn công của laser năng lượng cao gồm có tài nguyên vũ trụ như vệ tinh và trạm quỹ đạo, phá hoại các loại khả năng quan trọng như trinh sát, cảnh báo sớm, thông tin và chỉ huy, bảo đảm cho quân Mỹ tiến hành các hoạt động tác chiến "trên vũ trụ, từ vũ trụ và thông qua vũ trụ".
- Chương trình chống vệ tinh
Thiết bị chủ yếu của hệ thống vũ khí chống vệ tinh laser Lục quân Mỹ là MIRACL và vũ khí năng lượng chùm tia Sealite (SLBD) có kính rọi chính là 1,5 m.
Bộ Quốc phòng Mỹ hiện nay đang thực hiện "Chương trình 2010", nội dung chính là trên bầu trời của Mỹ và đồng minh, sử dụng vũ khí laser chống vệ tinh làm "đui mù" vệ tinh của các nước không hữu nghị.
Một trong những hệ thống cốt lõi nhất của tư tưởng chiến lược tác chiến ở không gian vũ trụ là hệ thống tấn công toàn cầu. Nó gồm có vũ khí laser năng lượng cao trên không, vũ khí động năng vũ trụ và máy bay bay xuyên ra ngoài bầu khí quyển.
Laser năng lượng cao trên không sẽ dựa vào kính phản xạ trên vệ tinh, tiến hành tấn công đối với các mục tiêu trên mặt đất, trên không và trên quỹ đạo.
Hiện nay, chi phí bắn của hệ thống vũ khí laser trên vũ trụ rất cao, gấp trên 3 lần kính viễn vọng không gian Hubble, trọng lượng của vũ khí laser vũ trụ thường nhỏ hơn 100.000 pound (mỗi pound khoảng 0,454 kg), hiện nay, chi phí bắn mỗi pound lên tới 40.000 USD.
Máy bay trang bị vũ khí laser Mỹ tiến hành tác chiến lập thể (tưởng tượng)
- Pháo laser
Nhà thầu vũ khí Northrop Grumman của Mỹ nghiên cứu chế tạo vũ khí laser năng lượng cao chiến thuật cho Lục quân Mỹ. Lần đầu tiên bắn rơi đạn pháo cối.
Trong tập bắn đạn thật tiến hành ở bãi bắn tên lửa cát trắng (White Sands Missile Range) ở bang New Mexico Mỹ, loại pháo laser này không những đã bắn trúng đạn phát một của pháo cối, mà còn phá hủy đạn phóng loạt của pháo cối.
Thử nghiệm cho thấy, pháo cối laser có thể dùng để tấn công nhiều loại mục tiêu thường thấy trên chiến trường, như vậy, vũ khí laser cũng từ tấn công các loại mục tiêu đắt đỏ như vệ tinh, tên lửa và máy bay theo ý tưởng chính ban đầu, mở rộng tới tấn công tất cả các phương tiện trên chiến trường.
Năm 2013, Mỹ tuyên bố chế tạo được pháo laser hóa học cỡ lớn, nguyên lý của nó là: sử dụng rất nhiều vật chất hóa học kịch độc phản ứng hình thành tia sáng và năng lượng, cuối cùng hình thành laser.
Năm 2001, do một loạt thử nghiệm thành công hệ thống của Lục quân, Bộ Tư lệnh hệ thống biển của Hải quân Mỹ lại bắt đầu nghiên cứu đối với công nghệ này, đã xây dựng văn phòng riêng cho chương trình.
Nhưng, nhiệm vụ chính của văn phòng này là muốn dựa vào thành quả nghiên cứu đã có của hệ thống Lục quân, nghiên cứu làm thế nào để cải tiến công nghệ đã có, nhằm trang bị thuận lợi cho tàu chiến của Hải quân.
Quan chức Hải quân đã trao đổi với người phụ trách công trình thử nghiệm hệ thống laser năng lượng cao của Lục quân, bàn về vấn đề thuê một số công trình hạ tầng laser của Lục quân.
Nhưng, mối quan tâm của Hải quân còn tập trung ở phương diện công nghệ laser thể rắn, bởi vì ứng dụng loại công nghệ này có thể giúp họ không cần phải chứa chất hóa học nguy hiểm cao ở trên tàu chiến, cũng có thể tránh chất độc hóa học có độc sinh ra khi tạo ra tia laser.
Máy bay trang bị vũ khí laser chống vệ tinh Mỹ
Để có thể sử dụng vũ khí laser trong tương lai, Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch lắp thiết bị phát điện công suất lớn trên một số tàu chiến mới, trong đó có tàu sân bay thế hệ mới CVN21. Sau khi nghiên cứu phát triển thành công, cải tiến và sản xuất được vũ khí laser, sẽ bố trí và sử dụng trên những tàu chiến này.
Hải quân Mỹ cho biết, bố trí vũ khí laser chủ yếu là ứng phó với "mối đe dọa phi đối xứng", bao gồm máy bay không người lái, thuyền máy. Vũ khí laser thông qua bắn "một chùm năng lượng" để thiêu hủy mục tiêu tấn công hoặc phá hoại hệ thống điện tử nhạy cảm.
Ngoài ra, Mỹ đã triển khai thử nghiệm mặt đất đối với pháo ray điện ở bang Virginia, tốc độ đạn khi thử nghiệm gấp 6 - 7 lần so với tốc độ âm thanh, uy lực rất lớn. Hải quân Mỹ hy vọng sử dụng pháo ray điện thay thế cho đại pháo truyền thống, tiêu diệt đạn pháo từ cự ly xa.
Nhà nghiên cứu Loron Thomson, Viện nghiên cứu Lexington Mỹ cho biết, mỗi quả tên lửa đánh chặn trang bị cho tàu chiến Mỹ có chi phí chế tạo ít nhất là 1 triệu USD, trong khi đó vũ khí laser mỗi lần bắn chỉ cần vài USD.
Nhưng Thomson chỉ ra, bất kể là vũ khí laser hay pháo ray điện đều tồn tại khuyết điểm. Chẳng hạn, vũ khí laser dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết và môi trường, trong khi đó, pháo ray điện cần điện lực rất lớn để bắn đạn.
Hiện trạng nghiên cứu phát triển vũ khí laser của Trung Quốc
Trung Quốc mặc dù lặng lẽ không nói gì về nghiên cứu phát triển vũ khí laser, nhưng điều có thể khẳng định là, trải qua hơn 30 năm nghiên cứu, vũ khí laser Trung Quốc đã ngày càng hoàn thiện và phát huy vai trò ngày càng quan trọng trên chiến trường trong tương lai.
Xe tăng chiến đấu Type 99 Trung Quốc đã sớm trang bị máy áp chế laser
1. Vũ khí laser gây mù
Báo chí TQ nói rằng, thiết bị laser siêu ngắn, siêu mạnh của Trung Quốc đã được Viện nghiên cứu cơ khí chính xác quang học Thượng Hải (thuộc Viện Khoa học Trung Quốc) nghiên cứu chế tạo thành công và đã được nghiệm thu vào năm 1996, điều này đánh dấu công nghệ laser Trung Quốc đã nâng lên "tầm thế giới"(?).
Hiện nay, Trung Quốc vẫn chủ yếu sử dụng vũ khí laser gây mù công suất thấp, nhưng điều này đủ để răn đe đối phương. Xe tăng chiến đấu Type 99 của Quân đội Trung Quốc cũng đã trang bị "hệ thống quan sát-áp chế laser", hệ thống này gồm có máy tính điều khiển chính, máy phóng laser, thiết bị hình ảnh  nhiệt và máy gây nhiễu, thường được lắp trên "mâm xoay tròn" ở phía sau bên trái tháp pháo, chỉ huy xe và trưởng pháo đều có thể điều khiển.
Theo đánh giá, thiết bị này có thể đủ để duy trì bắn tia laser xanh lam-lục công suất khoảng 100 megajoule, uy lực đủ để làm bỏng võng mạc của binh sĩ quân địch ngoài 2 km hoặc trực tiếp phá hủy thiết bị quang điện của đối phương.
2. Radar laser tấn công
Radar laser tấn công của Trung Quốc gồm có 5 công nghệ lõi lớn mũi nhọn nhất thế giới:
- Đột phá trong nghiên cứu vật liệu laser.
- Đột phá về cơ chế vật lý vật liệu phát tia laser và nghiên cứu hình ảnh.
- Đột phá về công nghệ điều khiển, định vị, theo dõi nhanh.
- Đột phá về vật liệu phương tiện đảo ngược năng lượng mật độ cao.
- Đột phá công nghệ hình ảnh laser.
Hệ thống đối kháng laser trên xe tăng chiến đấu Type 99 Trung Quốc
Nếu nói Trung Quốc lạc hậu so với Mỹ về công nghệ tên lửa truyền thống thì không thể phủ nhận, bởi vì các bước đi của Trung Quốc tương đối muộn, công nghiệp nền tảng tương đối kém, cộng với sự phong tỏa chặt chẽ của các nước phương Tây đối với công nghiệp quân sự Trung Quốc.
Nhưng, về công nghệ laser, do Trung Quốc và Mỹ khởi đầu cách nhau không xa mấy, cho nên nghiên cứu của Trung Quốc đứng ở vị trí hàng đầu thế giới (?).
Hiện nay, thiết bị laser trạng thái cố định công suất siêu mạnh của Trung Quốc đứng hàng đầu thế giới, chùm laser của nó có thể đạt mật độ 35 K joule với mỗi cm2 ở khoảng cách 3.000 km.
Như vậy, radar laser tấn công của Trung Quốc dự đoán có khả năng sát thương vượt 30.000 km. Hơn nữa, dự đoán thể tích của radar laser tấn công của Trung Quốc sẽ rất khổng lồ, đạt 10 tấn, thiếu pin năng lượng siêu mạnh, dễ bị thời tiết gây khó khăn, hạt cực nhỏ và hơi nước trong không khí sẽ gây nhiễu nghiêm trọng năng lượng và tầm bắn của nó. Hiện nay, Trung Quốc đang tìm mọi cách lắp radar laser tấn công cho vệ tinh.
Triển vọng vũ khí laser của Trung Quốc
Trong chiến tranh thông tin tương lai, có một đội quân trang bị vũ khí mới, công nghệ cao thường có thể giành được quyền chủ động lớn hơn, trái lại có thể đối mặt với cục diện bị động, khó khăn.
Cho nên, ai nắm được vũ khí mới thì họ đã nắm được quyền chủ động của chiến tranh tương lai. Đương nhiên, bất cứ loại vũ khí nào đều không phải là vạn năng, nhưng đối với Trung Quốc “không có vũ khí mới nào là không thể làm được”.
Do vũ khí laser sẽ được sử dụng phổ biến hơn trên chiến trường tương lai, cộng với lịch sử phát triển lâu dài và nền tảng đầy đủ của công nghệ laser, Trung Quốc có tiến triển lớn hơn trong lĩnh vực vũ khí laser, đồng thời sơ bộ có khả năng sản xuất hàng loạt, khi đó, Trung Quốc có thể có khả năng đe dọa máy bay trên không-vũ trụ hoạt động ven bờ của Trung Quốc.
Hệ thống vũ khí laser cấp chiến thuật của Quân đội Trung Quốc

"Khói bụi ở Trung Quốc là phương tiện phòng thủ tốt nhất chống lại vũ khí laser của Hoa Kỳ" - đó là phát biểu của một tướng quân đội Trung Quốc.

Thiếu tướng Trương Triệu Trung, người cũng là một chuyên gia quân sự có tiếng tại Học viện Quốc phòng Trung Quốc, đã nói như vậy khi thảo luận về việc Mỹ thông báo chuẩn bị đưa vũ khí laser vào sử dụng trên tàu vận tải.

Ông Trương nói trên truyền hình nhà nước CCTV tuần trước rằng laser "sợ nhất là khói bụi”. “Trong điều kiện không có khói bụi, vũ khí laser có thể có tầm che phủ tới 10km. Nhưng hễ mà có khói, thì chỉ còn 1km thôi."

Ông nhận xét: "Không hiểu người ta chế tạo ra loại vũ khí này làm cái gì?”. - Theo BBC
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/TQ-da-so-huu-vu-khi-laser-hay-dang-tat-nuoc-theo-thanh-cong-cua-My-post140274.gd

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Trung Quốc thay hàng loạt tướng chỉ huy tiền tuyến

Truyền thông Hong Kong đưa tin, cuộc cải tổ nhân sự mới nhất của Quân đội Trung Quốc chứng tỏ Chủ tịch Tập Cận Bình đang “nhắm vào” vào các lãnh đạo tiền tuyến.
Bắc Kinh đang bắt đầu cuộc tái cấu trúc trọng đại đầu tiên đối với quân đội trong 11 năm qua. Trong lần gần đây nhất, Quân đội Trung Quốc đã có thêm 20 phó chỉ huy mới chia đều cho các Quân chủng từ Lục quân, Không quân, Hải quân tới 7 Đại Quân khu.
 Ảnh minh họa.
Phó Tư lệnh Quân khu Tế Nam kiêm Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải Tian Zhong được thăng chức, trở thành Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc. Theo đó,  chức vụ cũ của ông Tian Zhong được giao lại cho Qiu Yanpeng, cựu Phó Tư lệnh Hạm đội Đông Hải.
Trong khi đó, Yu Daqing - người đứng đầu Cục chính trị của Quân đoàn pháo binh số 2 (lực lượng tên lửa chiến lược) Quân đội Trung Quốc, được bổ nhiệm trở thành Phó Chính ủy. Vị trí cũ của ông Yu được giao cho ông Tang Guoqing, Chính ủy của đơn vị số 52 của Quân đoàn Pháo binh số 2.
Còn ông Shu Qingyou, Phó Chủ nhiệm Cục chính trị Không quân Trung Quốc bị chuyển công tác tới Đại Quân khu Thành Đô, đảm nhiệm chức vụ Chính ủy của lực lượng không quân tại đây.
Trọng tâm chính của các cuộc cải tổ gần đây là thăng chức chéo các lãnh đạo lực lượng tiền tuyến của Quân đội Trung Quốc. Chẳng hạn, tư lệnh Cụm Tập đoàn quân số 12 của Đại Quân khu Nam Kinh, Han Weiguo được thăng chức Phó Tư lệnh Đại Quân khu Bắc Kinh.
Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân số 39 của Đại Quân khu Thẩm Dương được thăng chức tư lệnh lực lượng quân sự ở Bắc Kinh. Vị trí này trước đây thuộc về ông Zheng Zhuanfu, người vừa được thăng chức trở thành Phó Tư lệnh Đại Quân khu Bắc Kinh. Trong khi đó, Xu Linping chỉ huy Cụm Tập đoàn quân số 38 của Bắc Kinh được thuyên chuyển đến Đại Quân khu Lan Châu đảm nhiệm chức Phó Tư lệnh.
Các nhà phân tích nhận định, những động thái trên phản ánh suy nghĩ hiện tại của Chủ tịch Tập Cận Bình, chính là quan tâm hơn đến đội ngũ lãnh đạo ở ngoài tiền tuyến trong bối cảnh gần đây Trung Quốc ngày càng lún sâu vào những căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng châu Á như Nhật Bản và Philippines.
Bạch Dương (theo WTC)
http://kienthuc.net.vn/tin-tuc-quan-su/trung-quoc-thay-hang-loat-tuong-chi-huy-tien-tuyen-312397.html

Chủ tịch Trung Quốc hạ lệnh sẵn sàng chiến tranh với Nhật?

Có tin cho rằng, Quân ủy Trung ương Trung Quốc ban hành chỉ thị trực tiếp và rõ ràng cho quân đội “chiến tranh với Nhật Bản nếu cuộc chiến là thích đáng”.
Một số phương tiện truyền thông (phiên bản tiếng Anh) dẫn thông tin, nhiều người quan ngại căng thẳng Trung-Nhật liên quan đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở Biển Hoa Đông đã trải qua giai đoạn đối đầu bằng miệng và tiếp theo rất có thể sẽ là cuộc đối đầu quân sự trực tiếp.
Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc quan ngại, với sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ phát động chiến tranh chống Trung Quốc. Theo đó, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã chỉ thị trực tiếp và rõ ràng tới toàn quân đội, cứ “chiến tranh với Nhật Bản nếu cuộc chiến là thích đáng”.
 Nhiều người quan ngại, Trung, Nhật sắp bước vào giai đoạn xung đột quân sự trực tiếp. 
Thậm chí, nguồn tin còn tiết lộ thông tin Chủ tịch Trung Quốc kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình thậm chí còn đưa ra cảnh báo như trên tới một phái đoàn kinh tế và thương mại của Nhật tới thăm Trung Quốc thời gian gần đây. Khi đó, Chủ tịch Tập đặc biệt nhấn mạnh, nếu Nhật Bản tiếp tục khiêu khích Trung Quốc, đẩy căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku leo thang, Tokyo sẽ phải hứng chịu mọi hậu quả.
Mới đây, một quan chức Mỹ cũng đưa ra nhận định rằng, các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc chứng tỏ nước này đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh chớp nhoáng với Nhật Bản nhằm đánh chiếm các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông.
Cụ thể, Đại úy Hải quân James Fanell, chỉ huy các hoạt động thu thập thông tin-tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh: "Chúng tôi rút ra kết luận rằng, Quân đội Trung Quốc đã được giao nhiệm vụ mới là tiến hành một cuộc chiến tranh nhanh gọn, chớp nhoáng đánh bại lực lượng Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. Mục tiêu của nhiệm vụ là để đánh chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hay thậm chí cả quần đảo nam Ryukyu".
Bạch Dương (theo TTA)
http://kienthuc.net.vn/the-gioi-24h/chu-tich-trung-quoc-ha-lenh-san-sang-chien-tranh-voi-nhat-312665.html

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Đánh 'Rồng' từ...dưới biển

Nếu muốn ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc, không cho nước này thể hiện sức mạnh cơ bắp quân sự và thay đổi hiện trạng trong khu vực, Mỹ cần phải xây dựng và thực hiện chiến lược tấn công từ dưới biển một cách hiệu quả.

Kỳ 1: “Tử huyệt” của Trung QuốcCó thể hy vọng rằng Trung Quốc và Mỹ không xảy ra một cuộc xung đột vũ trang trong tương lai. Nhưng với sự trỗi dậy của Trung Quốc về sức mạnh kinh tế và quân sự như hiện nay, một ngày nào đó, 2 cường quốc này cũng sẽ va chạm với nhau ít nhất trong vài cấp độ. Xu hướng này còn được gọi là "Trap Thucydides", có nghĩa là: "Khi một cường quốc trỗi dậy nhanh chóng cạnh tranh với một cường quốc thực sự, rắc rối sẽ xuất hiện. 11 trong số 15 trường hợp như vậy đã xảy ra trong vòng 500 năm qua, kết quả là nổ ra một cuộc chiến tranh".

Tên lửa được phóng từ tàu ngầm.

Mục tiêu chiến lược quân sự của Mỹ là phải duy trì ưu thế vượt trội mà không dẫn đến xung đột. Mỹ cần phải tìm cách răn đe hành động quân sự của các đối thủ tiềm tàng, bởi vì những cường quốc có ưu thế lớn thường giành chiến thắng trong các cuộc xung đột. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là chiến lược quân sự của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc sử dụng lực lượng quân sự để thay đổi hiện trạng địa chính trị là gì?

Trả lời cho câu hỏi này không thể dựa trên những đánh giá mang tính chiến thuật trong học thuyết đã được vạch ra và lực lượng quân đội Mỹ hiện nay để đối phó Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là một cuộc tranh luận mà hầu hết các cuộc thảo luận thường không đi đến kết quả. Phát triển một chiến lược quân sự quốc gia hiệu quả nhằm ngăn chặn những xung đột phải bắt đầu với những đánh giá trung thực và thẳng thắng về lịch sử cũng như những mục tiêu, khả năng chiến lược của cả ta và địch cũng như những điểm yếu không chỉ về hệ thống vũ khí, chiến thuật tác chiến và học thuyết quân sự.

Ưu tiên số một của lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là ổn định chính trị trong nước và nâng cao mức sống của người dân. Để đạt được những mục tiêu này, chiến lược lớn của Trung Quốc là phải kiểm soát được phía đông nước này để bảo vệ Đại lục trước các đợt tấn công từ trên biển và đảm bảo sự an toàn cho tuyến đường hàng hải, nơi có vị trí quan trọng đối với việc khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc ra nước ngoài. Theo đó, Trung Quốc đã ưu tiên xây dựng lực lượng vũ trang của mình để cho phép nâng cao khả năng kiểm soát trên biển, tăng cường áp lực nhằm vào Đài Loan, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, quần đảo Trường Sa và xa hơn nữa. Nó là một hệ quả trực tiếp và hợp lý về chiến lược lớn của Trung Quốc trong dài hạn.

Trong khi đó, những thế mạnh chủ yếu của Trung Quốc là rất gần với chiến trường châu Á-Thái Bình Dương, có hệ thống tên lửa và khả năng không kích từ trên không chính xác, lực lượng đổ bộ thì ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, Trung Quốc lại có những điểm yếu cốt tử đó là khả năng chống ngầm và khả năng phá mìn rất hạn chế, cùng với đó là các cảng và các tuyến đường thương mại trên biển của Trung Quốc rất dễ tiếp cận và đánh phá. Những điểm yếu này là rất quan trọng đối Mỹ trong việc đánh chặn nếu chiến tranh với Trung Quốc nổ ra.

Không chỉ mỗi Hải quân Trung Quốc là chưa được chuẩn bị nhiều cho cuộc chiến chống ngầm và phá mìn, mà hầu như tất cả hải quân các nước trên thế giới- trừ Mỹ - cũng trong hoàn cảnh tương tự. Điều này rất khó thực hiện vì một cuộc chiến như vậy đòi hỏi phải dành nhiều thời gian để thành thạo trên biển và có rất ít lực lượng hải quân đầu tư hoặc muốn huấn luyện những chiến thuật nhàm chán, không được ưa chuộng này. Trên cơ sở biên chế lực lượng hải quân hiện nay và trong vòng 15 năm tới, Trung Quốc sẽ không thể thực hiện một chiến dịch chống ngầm thành công, bởi vì hiện tại Bắc Kinh đang tập trung đầu tư vào tàu sân bay và các tàu nổi đối không, chứ không phải là các phương tiện chống ngầm hay phá mìn.

Sẽ là chiến lược thiếu suy nghĩ, thậm chí có lẽ là một sơ xuất về mặt quân sự, nếu chỉ tập trung vào việc làm thế nào để Mỹ có thể bảo vệ Đài Loan hoặc chống lại các hành động quân sự của Trung Quốc với Chiến lược Tác chiến Không – Biển (một chiến lược do Lầu Năm Góc khởi xướng để vô hiệu hóa Chiến lược "chống tiếp cận, phong tỏa khu vực" của Trung Quốc và duy trì ưu thế quân sự của Mỹ ở châu Á, Thái Bình Dương và trên toàn cầu) hay một khái niệm tác chiến khác. Với câu châm ngôn: “Những kẻ nghiệp dư nghiên cứu chiến thuật, còn những người chuyên nghiệp sẽ nghiên cứu về hậu cần” có lẽ là đúng, nhưng các quốc gia cũng nên thực hiện việc bố trí lực lượng và học thuyết mà có thể tăng cường khả năng răn đe.

Trước tiên, mục tiêu chiến lược quân sự của Mỹ nên tập trung vào việc ngăn chặn hành động quân sự của Trung Quốc thông qua một chiến lược rõ ràng, đáng tin cậy và khó có thể bị đánh bại mà ở đó nó có thể tạo ra những hậu quả tiêu cực và nghiêm trọng đối với lãnh đạo của Trung Quốc. Răn đe xuất hiện khi thế trận về chiến lược và quân sự khiến lãnh đạo của đối phương phải nhận thấy rằng họ khó có thể dành thắng lợi mà không có mất mát, hy sinh. Hiện nay, chiến lược và thế trận quân sự của Mỹ dường như chưa thể hiện được điều này. Với tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đang ngày càng coi thường thế trận của Mỹ, điều có thể gây nguy hiểm cho cả hai bên. 


Nếu xung đột đột giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra, chiến lược mới của Washington về mặt cơ học sẽ phải bảo đảm việc chặn tất cả các tuyến đường giao thông, kể cả dân sự và quân sự của Bắc Kinh, mà trước tiên là sử dụng các tàu ngầm cùng với hệ thống không người lái phóng ngư lôi phong tỏa bờ biển của Trung Quốc. Điều này được kết hợp với việc mở rộng các công cụ pháp lý và tài chính để ngăn chặn sự lưu thông thương mại bằng đường không và đường biển. Mục đích của các hoạt động này là tạo ra sự biến động về kinh tế và thúc đẩy sự bất ổn về chính trị bên trong đại lục.

Trong khi một số nhà hoạch định chính sách quân sự của Mỹ đồng tình với chiến thuật “Kiểm soát ngoài khơi” của Đại tá Thủy quân Lục chiến về hưu T.X. Hammes thì một số khác lại ủng hộ Chiến lược Tác chiến Không –Biển (ví dụ như như Elbridge Colby, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ). Chiến lược mới được đề xuất ở đây chính là sự kết hợp của 2 khái niệm trên: Chiến lược tấn công phong tỏa hay còn gọi là chiến lược răn đe từ dưới biển, kết hợp với việc ngăn chặn và đóng cửa các tuyến đường thương mại của Trung Quốc. Chiến lược này một phần giống như chiến lược Kiểm soát ngoài khơi, nhưng phạm vi hoạt động của nó là ở trong và gần những cảng biển của Trung Quốc, nơi thuận lợi cho việc tấn công bằng ngư lôi. Nó được thực hiện chủ yếu bởi các loại vũ khí tấn công dưới mặt nước kết hợp với vũ khí “kinh tế” nhằm tránh sự đổ máu của cả hai bên, điều có thể làm bùng lên chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc. 


Lợi thế của chiến lược này là làm tăng sự răn đe thông thường, xác suất thành công khá cao và rất đáng tin cậy, bởi vì với phương pháp gián tiếp này sẽ ít tốn kém hơn về chi phí quân sự trong khi bản chất của tác chiến tàu ngầm và ngư lôi là phong tỏa đối phương. Ngoài ra, hậu quả về mặt chính trị sẽ thấp hơn so với việc sử dụng chiến thuật ném bom vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Trung Quốc hay bắn hạ hàng trăm phi công của Bắc Kinh, sẽ khiến nhiều dân thường bị thiệt mạng, cơ sở hạ tầng bị phá hủy… 

Một lợi thế khác của chiến lược tấn công phong tỏa dưới biển là nó ít bị ảnh hưởng bởi hệ thống tác chiến điện tử của Trung Quốc hơn là một cuộc tấn công từ trên bộ hoặc trên không. Biển sẽ như một “chiếc áo giáp” bảo vệ và hạn chế tối đa khả năng tấn công của các tên lửa đạn đạo chống hạm như DF-21D vốn được coi là “sát thủ tàu sân bay”. Nói chung, trong điều kiện chiến tranh ở Tây Thái Bình Dương, nơi an toàn nhất sẽ là dưới lòng biển – không phải ở trên mặt nước hay ở trên không. Minh chứng cụ thể cho lợi thế này thể hiện rõ nhất trong cuộc xung đột ở Falklands năm 1982 giữa Vương quốc Anh và Argentina. Người Anh đã đúc kết ra rằng cuộc đối đầu giữa hai lực lượng hải quân hiện đại trên mặt nước thường tổn thất nhân mạng nhiều hơn so với dự kiến ban đầu. Và sau hơn 30 năm, các loại vũ khí đã được hiện đại hóa với khả năng sát thương cao hơn rất nhiều so với trước đây.

Theo chiến thuật mới này, ngay khi bắt đầu xảy ra cuộc chiến, Mỹ sẽ tuyên bố vùng đặc quyền hàng hải mở rộng ít nhất 200 dặm ngoài khơi bờ biển Trung Quốc và xung quanh vùng lãnh thổ Đài Loan. Bất kỳ tàu thuyền nào đi vào khu vực này sẽ bị giam giữ, thậm chí bị đánh chìm, nếu có hành động chống đối hoặc đơn giản là vi phạm vùng đặc quyền. Điều này cũng tương tự như những gì người Anh đã làm trong chiến dịch Falklands và đã phát huy hiệu quả.

Thứ hai, Mỹ sẽ sử dụng các tàu ngầm, máy bay ném bom tàng hình tầm xa hoặc máy bay không người lái tấn công bằng cách phóng/thả mìn, ngư lôi để phong tỏa các vùng biển gần của Trung Quốc, đặc biệt là các cảng biển, các tuyến đường thương mại huyết mạch. Tất cả các tàu thương nhân sẽ được khuyến cáo không nên rời khỏi bất kỳ cảng nào của Trung Quốc cho đến khi một tuyến đường an toàn vừa đủ hẹp được thiết lập để các tàu này thoát ra ngoài. 

Trung Quốc thậm chí sẽ không biết được mức độ của các hoạt động phong tỏa vì nó được thực hiện ngầm dưới biển. Một lợi thế của chiến tranh dưới biển là tạo ra mối đe dọa lớn nhưng rất khó khăn để các lực lượng phòng vệ phát hiện vì không thể quan sát được các hoạt động này. Đơn giản là, chỉ cần một chiếc thuyền nhỏ đi qua các khu vực có bãi mìn, ngư lôi, nó có thể bị đánh chìm ngay lập tức. Kết quả là các tàu chiến hay bất cứ lực lượng phòng vệ nào khác khi hoạt động trên biển cũng sẽ phải hết sức dè chừng, di chuyển chậm chạp. Giảm tốc độ cơ động của đối phương cũng là một nhân tố quan trọng trong chiến tranh. 

Thứ ba, chính phủ Mỹ sẽ tuyên bố rằng tổ chức tài chính và các tòa án Mỹ có thể không thi hành hoặc chi trả bất kỳ yêu cầu bảo hiểm, tín dụng, hoặc công cụ tài chính tương tự cho các tàu thương mại đã được đánh giá theo quyết định riêng của Washington, như là hoạt động trong vùng đặc quyền hoặc với mục đích kinh doanh, trao đổi khác với Bắc Kinh. Giới phân tích quân sự hầu như luôn đánh giá thấp sức mạnh của các công cụ tài chính hoặc pháp lý của Mỹ trong việc thay đổi, hoặc thậm chí ngăn chặn các hoạt động thông thương hàng hải. Nó sẽ là một vũ khí rất có hiệu quả khi áp dụng với Trung Quốc. Mỹ cần phải sử dụng sứ mạnh “bá chủ” về tài chính trên toàn cầu của mình để tăng cường chiến lược răn đe quân sự.

Sự đánh giá một cách tương đối về điểm mạnh và điểm yếu của cả Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế và chính trị cho thấy: chiến lược răn đe thông thường nên tập trung vào việc khiến cho các lãnh đạo của Trung Quốc cảm giác rằng một cuộc chiến tranh là rất nguy hiểm. Gót chân Achilles chính trị của Bắc Kinh là nỗi sợ hãi về cuộc nổi loạn lan rộng với bạo lực leo thang trong khi nền kinh tế bị sụp đổ. Gót chân Achilles quân sự của Bắc Kinh chính là khả năng tác chiến mìn, ngư lôi và khả năng chống ngầm hạn chế. Điểm yếu về kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào ngoại thương, và quyền bá chủ về pháp lý cũng như tài chính Mỹ. Những điểm yếu nghiêm trọng này là điều có thể giúp Washington triển khai và phát huy chiến lược răn đe từ dưới biển.

Để triển khai chiến lược răn đe từ dưới biển, theo Victor L. Vescovo, sĩ quan tình báo hải quân Mỹ đã về hưu đồng thời là tác giả bài viết, Lầu Năm Góc cần phải thực hiện một số biện pháp sau:

Thứ nhất, truyền đạt rõ ràng chiến lược này cho đối phương. Bản chất của sự răn đe là làm cho đối phương hiểu được chiến lược trên của Mỹ thực sự hiệu quả, đáng tin cậy và khó có thể bị đánh bại. Trung Quốc sẽ vẫn thực hiện những hành động phiêu lưu quân sự nếu như biết Mỹ không có một chiến lược và chính sách thực sự nào đối phó với mình. 

Thứ hai, tăng cường năng lực chiến tranh dưới biển của Hải quân Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực tác chiến tấn công bằng mìn, ngư lôi. Đây là hình tức tấn công hiệu quả nhất đối với lực lượng hải quân và đã được chứng minh trong lịch sử, nhưng quân đội Mỹ đã lơ là trong nhiều năm qua khi chỉ dành 1% ngân sách quốc phòng để đầu tư và phát triển. Ví dụ những quả mìn giống như ngư lôi có lớp bảo vệ bên ngoài (CAPTOR) có khả năng neo đậu dưới đáy đại dương, kiên nhẫn chờ đợi, và đột nhiên tung ra một cú đánh với sức mạnh khủng khiếp. 

Ngư lôi CAPTOR chống tàu ngầm của Mỹ. Ảnh: USNI

Những tiến bộ về các loại vũ khí thông minh hiện vẫn chưa được áp dụng cho chiến tranh tấn công ngầm. Nếu được thực hiện, những quả ngư lôi hiện đại có thể triển khai độc lập với tàu ngầm, được trang bị các thiết bị tàng hình, sử dụng cảm biến để xác định mục tiêu và thậm chí chúng có thể “giao tiếp” với nhau trong một khoảng cách ngắn. Các quả mìn, ngư lôi kiểu như Captor đã được Lầu Năm Góc phát triển từ năm 1979- cách đây đúng 35 năm.

Thứ ba, tàu ngầm năng lượng hạt nhân trang bị tên lửa dẫn đường lớp Ohio luôn mang theo ít nhất 150 quả ngư lôi. Tàu ngầm này có khả năng triển khai từ xa hơn 75 quả ngư lôi đầy uy lực vào bên trong các cảng biển của đối phương với khả năng tàng hình cao, đặc biệt là những quả ngư lôi CAPTOR và mìn cơ động Mk-67 đã được cải tiến có kích thước bằng tên lửa hành trình Tomahawk.

Trong thời gian khủng hoảng, Mỹ có thể 'đánh tiếng" báo hiệu cho đối phương biết rằng ít nhất 2 hoặc 3 tàu ngầm loại trên đã hiện diện tại khu vực xung đột. Không giống như sự xuất hiện của tàu sân bay, lãnh đạo Trung Quốc sẽ không biết đó là thật hay giả, như vậy khả năng răn đe được tăng lên đáng kể. 

Bên cạnh đó, Mỹ cần có sự đầu tư vào tên lửa hành trình cùng với các loại ngư lôi “phá hoại”. Những loại ngư lôi này đe dọa nghiêm trọng đối với các khu vực có giá trị chiến lược cao và được bảo vệ chắc chắn như các cảng biển mà không gây ra những tác động lớn hoặc gây tổn hại về mặt chính trị.

Đồng thời, hải quân Mỹ phải thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập chiến thuật tấn công dưới biển. Các phi đội máy bay không người lái và máy bay ném bom hạng nặng cũng nên tham gia vào các cuộc diễn tập này, trong điều kiện ban đêm và ở tầm thấp. Các tàu ngầm tấn công thường xuyên luyện tập các hoạt động tác chiến phóng ngư lôi từ xa, ở vùng nước nông. Bất kể các hoạt động huấn luyện trên được giữ bí mật thế nào, tình báo Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ phát hiện được và như thế, các cuộc diễn tập sẽ củng cố thêm sự răn đe bởi vì nó xác nhận rằng chiến lược của Mỹ là thực sự chứ không phải nói suông. Nếu không, sự răn đe sẽ bị suy yếu.

Theo Vescovo, chiến lược răn đe từ dưới biển có thể tác động ngay lập tức và tạo ra sự đe dọa đối với các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh. Nếu không có thương mại hàng hải, kinh tế của Trung Quốc sẽ sụp đổ. Bắc Kinh sẽ không duy trì được sự ổn định chính trị nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng, mức sống giảm, thiếu nhiên liệu, đặc biệt là ở khu vực ven biển giàu có của nước này - nơi có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi chiến lược phong tỏa trên. 

Nhiều nhà lãnh đạo quân sự thường vận dụng chiến lược quân sự trong “Binh pháp Tôn Tử” của Trung Quốc, nhưng lại thường xuyên bỏ qua bài học quan trọng nhất: Đỉnh cao của nghệ thuật quân sự là chiến thắng mà không cần chiến đấu. Dọc theo bờ Thái Bình Dương, Mỹ đã đạt được gần như tất cả các mục tiêu chiến lược của mình: Tự do đi lại trên các vùng biển, kiềm chế các quốc gia “nguy hiểm” như Triều Tiên, có một loạt các đồng minh và căn cứ quân sự trong khu vực. Vì vậy, chiến thắng đối với Washington trong tương lai gần chỉ đơn giản là ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột lớn nào nổ ra, đặc biệt là với Trung Quốc.

Chiến lược gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc có lẽ là biện pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động phiêu lưu quân sự nào của lãnh đạo Trung Quốc. Nó cũng có lợi thế lớn trong việc tránh được những thiệt hại tiềm năng của tàu sân bay Mỹ, các lực lượng không quân chiến thuật và thậm chí là lực lượng tác chiến mạng. Chiến lược răn đe từ dưới biển không phụ thuộc vào các lực lượng này. Nó cũng là chiến lược hạn chế bạo lực tối thiểu ở chỗ chỉ tấn công những tàu có lựa chọn và các ngư lôi có thể được lập trình để kích nổ hoặc tự hủy với mã cảm biến thích hợp, giống như hệ thống SPIDER của Lầu Năm Góc, sau một khoảng thời gian được thiết lập.

Ông Vescovo nhận định rằng chiến lược răn đe trên của Mỹ sẽ khiến lãnh đạo của Trung Quốc phải cân nhắc kỹ càng trước khi có ý định thực hiện bất kỳ hành động phiêu lưu quân sự nào. Do đó, nó góp phần củng cố nền “hòa bình kiểu Mỹ” và chế ngự được “tính bốc đồng” của “con rồng” Trung Quốc.

Công Thuận 
(Theo USNI)

http://baotintuc.vn/tham-khao/danh-rong-tuduoi-bien-ky-2-kich-ban-tan-cong-phong-toa-trung-quoc-20140218160722351.htm

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Quân đội Trung Quốc: Luôn "bày đặt" sự nguy hiểm

(PetroTimes) - Yếu nhưng luôn cố tỏ ra nguy hiểm là miêu tả chính xác nhất đối với quân đội Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, đây là chiến thuật đang được nâng lên tầm chính sách đối với Bắc Kinh trong tham vọng thống trị châu Á…
Đầu tư tăng tốc
Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS, London) ngày 5/2/2014 cho biết, Trung Quốc tiếp tục nới rộng khoảng cách đầu tư quân sự so với các nước trong vùng (với 112,2 tỉ USD); chiếm 46% trong tổng chi tiêu quốc phòng toàn bộ khu vực; gấp ba Ấn Độ; nhiều hơn Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam cộng lại (phần lớn dành tập trung vào vũ khí hơn là cho các chi tiêu liên quan nhân sự, chẳng hạn tiền lương). IISS dự báo, chi tiêu quốc phòng Trung Quốc có thể ngang bằng Mỹ vào thập niên 2030 (AFP 7/2/2014).
Với Mỹ lẫn nhiều nước trong vùng, an ninh khu vực đang đặt trước một thách thức chưa từng có với sự bành trướng quân sự và ý đồ thống trị không che giấu của Trung Quốc. Phát biểu trong phiên điều trần trước Tiểu ban quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 28/1/2014, viên chức cấp cao Lầu Năm Góc Frank Kendall nói rằng, “xét về ưu thế kỹ thuật (quân sự), Bộ Quốc phòng Mỹ đang đứng trước thách thức theo những cách mà tôi chưa từng thấy trước nay trong nhiều thập niên, đặc biệt tại Châu Á - Thái Bình Dương”.
Dẫn lại những khoản đầu tư mạnh vào hệ thống tên lửa phản hạm, chiến đấu cơ tàng hình, máy bay siêu thanh… của Trung Quốc, Kendall nói rằng, Mỹ có thể mất vị trí vượt trội nếu không có biện pháp phản hồi… Cùng nhận định với Kendall, Đô đốc Samuel Locklear - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương - cũng nói rằng, “ưu thế tương đối” của quân đội Mỹ đang suy yếu trong khi “những nước khác” tiếp tục đầu tư vào các hệ thống vũ khí phức tạp…
Hải đội Liêu Ninh và tàu đổ bộ tấn công Type 071
Cây rìu cùn!
Tuy nhiên, phát biểu của giới chức quân sự Mỹ về mối đe dọa Trung Quốc, ngoài tính chất cảnh báo, thực chất là đòn chiến tranh tâm lý với mục đích làm Bắc Kinh càng huyễn hoặc về sức mạnh của họ, đồng thời lôi Bắc Kinh vào cuộc chạy đua vũ trang cho đến khi kiệt quệ như Liên Xô thuở nào. Thực tế thì, cho đến thời điểm hiện tại, sau hơn một thập niên tăng tốc đầu tư quốc phòng, quân đội Trung Quốc vẫn còn khá yếu. Có thể kể ra nhiều ví dụ (từ bài báo của chuyên gia nghiên cứu quốc phòng Ian Easton for The Diplomat trên The Diplomat 31/1/2014).
Tháng 4/2003, một nhóm sĩ quan cấp cao Hải quân Trung Quốc đã được tập trung đưa xuống con tàu ngầm được đánh giá là tốt nhất thời điểm đó cho một cuộc biểu dương sức mạnh. Chỉ vài giờ sau khi rời cảng, chiếc Type 035 Ming III đã bị sự cố chìm lỉm khiến toàn bộ bị thiệt mạng! Sự cố này chưa bao giờ được giải thích trước dư luận…
Đến nay, Không quân Trung Quốc vẫn còn dùng loại máy bay cổ điển thời thập niên 50 của thế kỷ trước, Tupolev Tu-16 của Liên Xô, biến nó thành thứ máy bay “đa năng” thuộc loại “cái gì cũng chơi tuốt”, từ oanh tạc cơ, thám thính cơ, đến tiếp liệu cơ… Tương tự, Hải quân Trung Quốc cũng dùng máy bay cổ lỗ sĩ Antonov An-12 cho công tác tình báo, cho nhiệm vụ săn tàu ngầm, cho các sứ mạng cảnh báo sớm - thay vì phải có từng loại máy bay quân sự chuyên dụng cho từng sứ mạng cụ thể. Họ thậm chí dùng Antonov An-12 để chở cừu - dê!...
Nóng vội trong việc thể hiện sức mạnh, Trung Quốc đã đi sai, khi đầu tư rất mạnh vào vũ khí hơn là con người. Binh sĩ Trung Quốc buộc phải học nhiều về các nội dung mang tính tuyên truyền bảo vệ Đảng hơn là về chiến thuật quân sự. Thời gian họ ngồi nghe lý thuyết chính trị nhiều hơn thời gian tham gia các cuộc huấn luyện quân trường. 30-40% cuộc đời binh nghiệp một sĩ quan (khoảng 15 tiếng trong 40 tiếng làm việc mỗi tuần) đã bị tiêu phí vào việc học tuyên truyền, học hát các ca khúc cách mạng và “thảo luận nhóm” về các lý thuyết chính trị vô bổ. Đó là lý do tại sao phi công Hải quân chỉ được bay không đến 10 tiếng mỗi tháng; và chỉ đến năm 2012 họ mới được phép đệ trình kế hoạch bay riêng (trước đó, sĩ quan tác chiến chỉ định phi công chương trình bay tập và không cho họ tự cất cánh nếu chưa được phép!).
Có thể nói một hệ thống quan liêu đầy tính thủ tục đang đè nặng lên bộ máy vận hành quân đội Trung Quốc. Tác giả Ian Easton đã nhắc lại một hình ảnh độc đáo khi thuật lại câu chuyện (Tổng thống Mỹ) Abraham Lincoln. Quan sát việc đốn cây, Abraham Lincoln nói rằng, nếu phải tốn 6 tiếng để hạ một thân cây, ông cần 4 tiếng trước đó chỉ để mài rìu.
So sánh hình ảnh này với Trung Quốc, có thể thấy Trung Quốc đang cố làm ra một cây rìu thật to, hơn là mài bén cây rìu nhỏ sẵn có, đồng thời học kỹ thuật chặt cây. Nóng vội muốn đốn đổ cây trong thời gian ít nhất nhưng bằng cây rìu to mà cùn trong khi kinh nghiệm lại không có thì rõ là một điều khá… tiếu lâm! Nói về kinh nghiệm, nhiều ý kiến đã nhắc rồi: quân đội Trung Quốc là một trong những quân đội to xác ít kinh nghiệm nhất thế giới!
Máy bay thế hệ "bà già” Antonov An-12 vẫn được quân đội Trung Quốc sử dụng cho nhiều mục đích
Nếu xảy ra chiến tranh, vì “phát đạn cướp cò” nào đó, khi mà Trung Quốc ngày càng dẫn họ đến bờ vực của giới hạn rủi ro, giới quân sự quốc tế rất hoài nghi khả năng Trung Quốc thắng trận. Lấy ví dụ Đài Loan, người ta vẫn chưa thể hình dung làm thế nào mà Trung Quốc có thể đổ bộ được lên đảo này, chưa nói đến việc đánh chiếm Đài Bắc và bình định được toàn bộ đảo. Hải quân Trung Quốc có thể an toàn lọt qua hàng rào Mỹ, chưa kể hàng rào tên lửa phòng thủ của Đài Loan, được chăng? Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc cũng không có đủ tàu để vượt eo biển cho chiến dịch đổ bộ!
Biết người, biết ta…
Trung Quốc đang đóng hàng không mẫu hạm - đó là bản tin của South China Morning Post(báo Hongkong) vào giữa tháng 1/2014. Tuy nhiên, việc đóng được con tàu to là một chuyện, việc xây dựng hoàn chỉnh một biên đội hàng không mẫu hạm lại là chuyện khác. Quan sát chiếc Liêu Ninh trở về Thanh Đảo sau chuyến hải hành thử nghiệm, giới phân tích quân sự phương Tây đã thấy được nhiều điều và điều đáng chú ý nhất là Hải quân Trung Quốc gần như chưa biết gì về cách vận hành một hải đội hàng không mẫu hạm.
Bức không ảnh chụp Liêu Ninh trên đường về nhà cho thấy nó được hộ tống bằng 10 chiếc tàu chiến: 3 khu trục hạm, 3 tuần dương hạm, 3 tàu ngầm và 1 tàu đổ bộ tấn công (cùng 8 chiến đấu cơ bay bên trên).
Tạm loại trừ Trung Quốc “giả ngu” thì việc dàn một đội hình như trên là hoàn toàn sai về chiến thuật cũng như phương thức vận hành hàng không mẫu hạm. Việc chiếc đổ bộ tấn công Type 071 được biên chế theo Liêu Ninh, nếu không là một thừa thãi, thì chỉ có thể là sự thể hiện của một thiếu hụt với vùng “lõm” khá sâu trong tư duy tác chiến bằng hàng không mẫu hạm. Tàu đổ bộ chỉ dùng tấn công cận bờ, cho nó theo Liêu Ninh, có nghĩa Ban Tư lệnh Hải quân Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể dùng hàng không mẫu hạm để tấn công bờ biển?
Trong thực tế, về nguyên tắc, hàng không mẫu hạm luôn phải nằm càng xa bờ biển càng tốt, để hạn chế tối đa khả năng bị tên lửa đối phương tiêu diệt. Hàng không mẫu hạm chỉ có thể là con tàu hỗ trợ tấn công chứ không bao giờ là tàu tấn công trực tiếp vào đất liền!
Cần biết thêm, sức mạnh của Hải quân Mỹ không phải là dàn tàu chiến hùng hậu súng ống tua tủa như được thấy trên tivi, mà là những con tàu ít “ấn tượng” hơn. Đó là những chiếc tàu hậu cần trong đó có tàu dầu, tàu thực phẩm khô, tàu đạn dược… Hơn 30 chiếc tàu hỗ trợ tác chiến như vậy ngày đêm lúc nào cũng ngược xuôi khắp thế giới để đáp ứng nhu cầu của các hàng không mẫu hạm. Không có dàn tàu hậu cần, Hải quân Mỹ không thể đi xa hơn các quân cảng Virginia, Florida, California hoặc Hawaii… Trong khi đó, bức không ảnh chụp hải đội Liêu Ninh không có một chiếc tàu hậu cần nào. Đơn giản, đến nay Trung Quốc chỉ mới sở hữu một tàu hậu cần duy nhất, được biên chế “cắm” ở duyên hải Đông châu Phi để hỗ trợ lực lượng chống hải tặc thuộc Hải quân nước này…
Còn nữa, trong bất kỳ tấm không ảnh nào chụp hàng không mẫu hạm Mỹ, người ta luôn thấy trên boong tàu là chiến đấu cơ có khả năng cất cánh từ tàu. Trong khi đó, cả 4 chiến đấu cơ trên boong Liêu Ninh đều là chiến đấu cơ - oanh tạc cơ JH-7 - loại máy bay chỉ có thể cất cánh từ đất liền! Chiến đấu cơ có thể cất cánh từ boong tàu mà Trung Quốc đang có hiện chỉ mới là J-15. Tuy nhiên, do Liêu Ninh không có hệ thống thủy lực đẩy (giúp phóng máy bay) và J-15 chỉ có thể được “hỗ trợ” bằng đường băng mũi hếch nên cuối cùng chúng buộc phải càng nhẹ càng tốt, có nghĩa bình xăng không được đổ đầy và vũ khí mang theo phải ở mức “vừa đủ”.
Bất luận những điểm yếu nói trên, Trung Quốc vẫn cố thể hiện ngày càng tỏ ra nguy hiểm. Gây sợ hãi hoang mang đang là chiến thuật của họ. Nên bình tĩnh và cần tránh đánh giá quá cao sức mạnh quân sự của họ là điều cần làm và cần được nhấn mạnh. Bất cứ một sự e ngại nhượng bộ nào xuất phát từ tâm lý sợ hãi cũng sẽ khiến Bắc Kinh càng dễ sở đắc mưu đồ!
Mạnh Kim
http://petrotimes.vn/news/vn/quoc-te/quan-doi-trung-quoc-luon-bay-dat-su-nguy-hiem.html