Trong phát biểu mới đây với báo giới bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ví căng thẳng hiện tại với Trung Quốc như những gì từng diễn ra giữa hai nước đối địch Anh và Đức trước Thế chiến thứ nhất.
Điểm tương đồng...
Theo cây bút Gideon Rachman của tờ Financial Times, ông Abe lí giải rằng, so sánh bắt nguồn từ thực tế rằng Anh và Đức, cũng giống như Nhật với Trung Quốc, đều có một mối quan hệ thương mại lớn mạnh. Tuy nhiên, vào năm 1914, điều đó không đủ ngăn các căng thẳng chiến lược dẫn tới bùng nổ xung đột - chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ.Ảnh: Reuters
|
Không may là, có rất nhiều điểm tương đồng giữa hai nước châu Âu trước Thế chiến thứ nhất với tình trạng hiện tại của Nhật - Trung. Đây đều là các cường quốc khu vực có giao thương rất phát triển và vô cùng bền chặt. Với vị trí là các nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 của thế giới, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nhật lên tới gần 334 tỉ USD trong năm 2012.
Thủ tướng Abe cũng tuyên bố, việc mạnh tay chi tiêu quân sự của Trung Quốc là căn nguyên chính gây mất ổn định trong khu vực. Năm ngoái, Nhật đã tăng đầu tư quân sự nhiều nhất trong gần 2 thập niên qua để đáp lại động thái tăng 10%/năm của nước láng giềng. Trong giai đoạn 1908 - 1913, các cường quốc châu Âu cũng từng tăng chi tiêu quân sự 50% sau khi Đức bắt đầu xây dựng lực lượng hải quân để đối địch với hải quân của Anh.
Ngoài ra, giữa hai cường quốc còn có các căng thẳng chiến lược khác. Trung - Nhật từ lâu đã "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" vì Bắc Kinh cho rằng Tokyo không tỏ ra hối hận hoặc chuộc lỗi về sự chiếm đóng Trung Quốc trong những năm 1930 và 1940.
Mối quan hệ song phương gần đây càng trở nên xấu đi do các tranh chấp lãnh thổ xung quanh một quần đảo nhỏ, không có người cư trú ở Hoa Đông và chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới một ngôi đền tử sĩ hồi tháng 12 vừa qua, mà những người chỉ trích gọi là làm sống dậy những ký ức đau buồn về quá khứ xâm lược của Nhật.
Việc Trung Quốc đơn phương thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Hoa Đông cách đây 2 tháng, bao trùm không phận phía trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật càng làm cho Tokyo "nóng mặt". Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) của Nhật hiện cũng thường xuyên phải điều chiến đấu cơ xuất kích để chặn đuổi máy bay Trung Quốc tiến sát không phận nước này.
Sự so sánh trên chỉ là điểm khởi đầu, đặc biệt vì bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào, vốn dẫn tới xung đột quân sự trực tiếp, sẽ đưa Mỹ về phe bảo vệ Nhật. Theo cách nào đó, nó cũng giống như khi Archduke Franz Ferdinand của Áo bị ám sát vào tháng 6/1914, Đức đã hậu thuẫn các đồng minh khu vực là Áo - Hungary và đế chế Ottoman trong cuộc đại chiến. Anh sau đó đã lãnh đạo phe đồng minh, bao gồm Pháp, Nga, Italia, Nhật và cuối cùng là Mỹ.
... và khác biệt
Phía Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích cách so sánh của ông Abe. "Tốt hơn là nên đối mặt với những gì Nhật đã làm với Trung Quốc trước chiến tranh và trong lịch sử gần đây, thay vì nói như vậy về quan hệ Anh - Đức trước Thế chiến thứ nhất", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo vừa diễn ra ở Tokyo, Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga nhấn mạnh, các phát biểu của Thủ tướng Abe không nên được hiểu thành, chiến tranh giữa 2 cường quốc châu Á có thể sắp xảy ra. Việc ví von của ông Abe cho thấy, lãnh đạo Nhật đã lưu ý đến việc năm nay là dịp kỷ niệm 100 năm khởi đầu Thế chiến thứ nhất.
Thủ tướng Abe muốn Nhật và Trung Quốc tránh lặp lại các sai lầm của Anh và Đức trước đây. Ông cho biết, bất kỳ xung đột mang tính "sơ xuất" nào cũng sẽ được coi là một thảm họa, và ông một lần nữa kêu gọi đối thoại cũng như thiết lập thông tin liên lạc giữa quân đội Nhật - Trung.
Khi được hỏi liệu hai nước có thể đụng độ quân sự hay không, ông Abe đáp rằng, một cuộc xung đột như vậy "sẽ là tổn thất lớn không chỉ đối với Nhật và Trung Quốc, mà còn đối với cả thế giới. Chúng ta cần chắc chắn rằng điều như vậy sẽ không xảy ra".
Trong thông điệp gửi các từ báo tiếng Trung ở Nhật trước thềm năm Giáp Ngọ, ông Abe cũng khẳng định, Nhật "đã xây dựng một đất nước tự do, dân chủ và đi theo con đường hòa bình" kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai, và không có gì thay đổi chính sách đó.
Tuấn Anh(theo BI, Reuters)
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/159497/cang-thang-nhat-trung-giong-anh-duc-truoc-the-chien-i-.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét