Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Trung-Mỹ-Nhật sớm muộn sẽ thấy "ngứa ngáy" muốn dùng vũ khí nói chuyện

(GDVN) - Lịch sử thế giới đã chứng minh rằng các quốc gia tạo ra lực lượng vũ trang hùng mạnh với những vũ khí đắt tiền thì sớm hay muộn cũng sẽ cảm thấy “ngứa ngáy”.

Tờ Daily Mail của Anh ngày 3/1 nhận định, một cuộc chiến tranh giữa các nước lớn trong thế kỷ 21 sẽ có sức công phá khủng khiếp chưa từng thấy bởi nó sẽ được tiến hành bằng các loại vũ khí công nghệ cao nhất. Do đó, bất kỳ động thái nào mở ra nguy cơ này đều thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Quân đội Trung Quốc tập trận nhằm về phía Đài Loan.
Một cơn chấn động đang lan tỏa trong các nước châu Á và phương Tây trong tuần này sau khi Đại sứ Trung Quốc ở London cho rằng Nhật Bản có nguy cơ "trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình toàn cầu" bằng cách "tăng thái độ hiếu chiến". Ông thậm chí còn so sánh Nhật Bản ngày nay với Chúa tể Voldemort, nhân vật phản diện trong bộ tiểu thuyết Harry Potter.
Những nhật xét trên của Trung Quốc xuất hiện vài tuần sau khi Bắc Kinh đơn phương thành lập cái gọi là "khu nhận diện phòng không" trên quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku/Điếu Ngư thu hút phản ứng mạnh mẽ của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mỹ đã phản ứng gay gắt với động thái trên của Bắc Kinh bằng cách điều 2 chiếc B-52 bay qua khu vực trên mà không báo trước theo yêu cầu của Bắc Kinh; đồng thời nhấn mạnh cam kết về quyền tự do hàng hải trên vùng biển này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố rằng động thái trên của Trung Quốc là bước leo thang nghiêm trọng và "bắt đầu một cuộc chơi hoàn toàn mới". Chính phủ của ông Abe cũng cảnh báo sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay nào của Trung Quốc xuất hiện trên quần đảo Senkaku. Trong khi đó, Bắc Kinh đáp lại rằng điều này sẽ là một hành động chiến tranh.
Không ai, kể cả người Trung Quốc, muốn xung đột vũ trang trong thời điểm này. 
Không ai, kể cả người Trung Quốc, muốn xung đột vũ trang trong thời điểm này. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Tokyo, Washington và Bắc Kinh đã gia tăng trong nhiều năm qua và nỗi lo sợ một hành động nhầm lẫn có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thế giới mới cũng gia tăng theo.
Giáo sư Peter Dutton từ học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ đã cảnh báo về những căng thẳng ngày càng tăng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương: "Thách thức do Trung Quốc tạo ra để củng cố tuyên bố chủ quyền trên biển của mình đang tạo ra các vết nứt trong trật tự toàn cầu".
Nhật xét này xuất hiện một ngày sau khi một quan chức quân sự Washington thừa nhận rằng "các nhóm khủng bố như al-Qaeda chỉ gây ra các mối đe dọa ngắn hạn, trong khi mối quan tâm chính và kéo dài của quân đội Mỹ chính là Trung Quốc. Trung Quốc đang tái định hình lại trật tự quân sự ở châu Á và cả với quân đội Mỹ".
“Trung-Mỹ đang ở trên miệng hố va chạm”
Trung Quốc đang từng ngày bổ sung các hạm đội tàu chiến của mình trên các vùng biển lân cận. Hải quân Trung Quốc hiện có 80 chiếc tàu tên lửa, khoảng 300 tàu tấn công đổ bộ gồm cả các tàu tấn công được thiết kế đặc biệt như "kẻ săn tàu sân bay của Mỹ".
Tương quan lực lượng quân sự Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản.
Đáp lại Mỹ thiết lập căn cứ không quân lớn trên đảo Guam ở Thái Bình Dương với 15 tỷ USD và lấp đầy các vũ khí tiên tiến như:  máy bay ném bom chiến lược B-2, máy bay ném bom B-52, tên lửa không đối đất và tên lửa hành trình, máy bay Global Hawk , F-15, F-22 để có thể triển khai chúng tới Đài Loan chỉ trong 20 phút.
Amitai Etzioni, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học George Washington, cho rằng: "Có những dấu hiệu ngày càng tăng rằng Mỹ và Trung Quốc đang ở trên miệng hố va chạm".
Trung Quốc mượn các tranh chấp để khẳng định vị thế như một cường quốc mới nổi trong khu vực, trong khi Mỹ đang cố bẻ cong hoặc làm lệch hướng bành trướng của Trung Quốc.
Giáo sư Amitai Etzioni cho rằng nếu chính quyền Washington không duy trì quyết tâm mạnh mẽ hỗ trợ các đồng minh đang bị đe dọa bởi Trung Quốc như Nhật Bản, thì Trung Quốc sẽ còn tiếp tục áp đặt các tuyên bố tàn nhẫn của mình lên toàn bộ khu vực Thái Bình Dương.
Binh sĩ Nhật Bản tham gia tập trận gần núi Phú Sĩ.
Washington hiện muốn Nhật Bản ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong việc kiềm chế Trung Quốc. Nhưng mâu thuẫn giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc về lịch sử chiến tranh đã làm giảm đáng kể uy tín của Tokyo trong khu vực.
Với sức mạnh quân sự đang ngày càng được tăng cường, theo Daily Mail, nó sẽ tiếp tục là công cụ được Trung Quốc vận dụng trong những năm tới. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại rằng mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã loại trừ khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện. Nhưng theo Daily Mail, lịch sử thế giới đã chứng minh rằng các quốc gia tạo ra lực lượng vũ trang hùng mạnh với những vũ khí đắt tiền thì sớm hay muộn cũng sẽ cảm thấy “ngứa ngáy” muốn sử dụng chúng.
Tờ báo cũng cho biết, vành đai Thái Bình  Dương hiện đang rải rác các trò chơi chiến tranh và nguy cơ một số vụ tranh chấp khu vực nhỏ bùng nổ thành một vụ xung đột lớn vẫn còn thực sự đáng báo động./.
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/TrungMyNhat-som-muon-se-thay-ngua-ngay-muon-dung-vu-khi-noi-chuyen-post136685.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét