Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Khi cường quốc chơi trò phiêu lưu quân sự

Trong quá khứ, các sĩ quan Xô Viết biết rằng, một hành động khiêu khích đồng nghĩa với việc chấm dứt sự nghiệp. Trong khi đó, thời hiện tại, Bắc Kinh lại gửi đi tín hiệu khác biệt.
Ngày 5/12/2013, một tàu hải quân Trung Quốc đã cố ngăn chặn tàu tuần dương của Mỹ trên vùng biển quốc tế. Thực sự bất ngờ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã xác nhận với báo chí rằng, có lúc hai tàu chỉ còn cách nhau 100m. Câu hỏi quan trọng đặt ra ở đây là: Tại sao những vị chỉ huy Trung Quốc lại coi đó là ý tưởng tốt khi khơi mào vụ suýt đụng độ với một tàu chiến Mỹ?
Trung Quốc, Mỹ, hải quân, tàu chiến, Hoa Đông, Nhật Bản, Biển Đông, Senkaku, tàu sân bay
Máy bay đậu trên tàu sân bay Mỹ USS George Washington và tàu tuần dương USS Cowpens.Ảnh: Reuters
Ngày càng có nhiều báo cáo cho thấy, sĩ quan hải quân Trung Quốc "có động lực sự nghiệp" để hành động khiêu khích, thậm chí là tạo ra nguy cơ dẫn tới sự cố chết người - giống như những cộng sự của họ từng làm trên đất liền: Lực lượng thuộc quân khu Lan Châu ở miền tây Trung Quốc, đã xâm nhập qua biên giới với Ấn Độ tại Ladakh trong tháng 4/2013. Họ chỉ rút lui khi Ấn Độ đe dọa hủy bỏ một chuyến thăm cấp nhà nước. Tương tự như vậy, đơn vị phòng vệ bờ biển Trung Quốc cũng thường xuyên tuần tra ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nhật, thậm chí gần đây tiến vào vùng lãnh hải Nhật.
Đây là sự khác biệt so với thời Chiến tranh Lạnh. Khi ấy, mặc dù có vô vàn đối đầu giữa máy bay, tàu chiến Mỹ và Liên Xô nhưng lại có rất ít sự cố nguy hiểm xảy ra. Các sĩ quan Xô Viết hiểu rằng, "phiêu lưu" là dấu chấm hết cho sự nghiệp của họ.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo dường như lại khuyến khích điều này. Báo chí chính thức cổ vũ mạnh mẽ mỗi hành động phiêu lưu ấy. Sau tất cả, rủi ro leo thang là rất lớn.
Tôn trọng tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh,  tàu USS Cowpens của Mỹ đã tiến hành quan sát với khoảng cách an toàn khi vụ việc 5/12 xảy ra. Lưu ý rằng, tới thời điểm hiện tại, hải quân Trung Quốc là một tập hợp những mục tiêu dễ dàng của tàu sân bay và tàu ngầm tấn công Mỹ. USS Cowpens là tàu tuần dương nặng gần 10.000 tấn.
Tương tự như vậy, hải quân Nhật có thể "quét" xung quanh vùng biển Senkaku/Điếu Ngư trước bất kỳ vụ xâm nhập nào của tàu hải quân hay phòng vệ bờ biển Trung Quốc. Vậy tại sao Bắc Kinh lại mạo hiểm như vậy?
Kết luận khá rõ ràng là kể từ năm 2008, lãnh đạo Trung Quốc đã từ bỏ chính sách "trỗi dậy hòa bình" mà Đặng Tiểu Bình đưa ra năm 1978. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc cần một môi trường thế giới thuận lợi để hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu không bị cản trở. Chính sách của ông Đặng - không đe dọa ai - đã thành công rực rỡ khi Mỹ tích cực ủng hộ sự tăng trưởng của Trung Quốc, khuyến khích các nước khác làm theo, và người dân Trung Quốc cũng như nhiều nước khác được hưởng lợi.
Mọi thứ đã thay đổi sau năm 2008. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến sức mạnh Mỹ suy yếu. Bắc Kinh thì khôi phục những yêu sách chủ quyền với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và với hầu hết diện tích Biển Đông kể cả những khu vực cách rất xa bờ biển Trung Quốc hay nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của một số nước Đông Nam Á. Cuối tháng 11 vừa qua, Bắc Kinh còn đơn phương tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không bao gồm quần đảo tranh chấp với Nhật khiến quan hệ giữa hai nước lớn ở châu Á khó có thể cải thiện.
Giới lãnh đạo Trung Quốc thì phàn nàn về việc phải đối đầu với một liên minh đang trỗi dậy từ Hàn Quốc tới Ấn Độ, và họ đổ lỗi cho Mỹ. Nhưng mặc dù nổi tiếng với chiến lược "trục xoay", Washington cũng khó có thể khiến các nước láng giềng quay lưng lại với Trung Quốc. Điều cơ bản nằm ở chính chính phủ Trung Quốc, với các yêu sách ngày càng lớn. Sau chuyện Vùng nhận diện phòng không, lại là yêu cầu Nhật không nên tăng chi tiêu quốc phòng, Nhật cần kiềm chế không phản ứng với các mối đe dọa.
Một số nhà phân tích nhìn thấy yếu tố thông minh trong chương trình đe dọa lâu dài có hệ thống này. Số khác lại khẳng định, không hay ho gì khi phải đối đầu với láng giềng. Điều đó chẳng những làm gia tăng cảm giác cảnh giác với Trung Quốc, mà còn khiến các nước thống nhất đoàn kết với nhau, chống lại các lợi ích Trung Quốc. Không may là, chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quân phiệt tắc trách khơi gợi "điềm gở" của một nước Đức trước năm 1914.
  • Thái An(theo Wall Street Journal)
  • http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/156848/khi-cuong-quoc-choi-tro-phieu-luu-quan-su.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét