Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Lựa chọn khó khăn nhất trong tiến trình trỗi dậy của Trung Quốc

Về phương thức lựa chọn con đường phát triển của Trung Quốc, Trịnh Vĩnh Niên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng: “Đối với Trung Quốc, “giấu mình chờ thời” có thể là nguyên tắc căn bản nhất trong sự trỗi dậy hòa bình và bền vững của họ. Vênh vang với vũ lực và uy hiếp ắt sẽ rơi vào cảnh thất bại".

 

Từ tình thế khách quan nhận thấy, so với bất cứ thời đại nào, Trung Quốc của ngày nay càng cần đến tinh thần “giấu mình chờ thời” do Đặng Tiểu Bình đề xướng, càng cần thiết phải biết điều hơn nữa.
Cục diện quan hệ quốc tế của Trung Quốc hiện nay, đặc biệt tại khu vực Châu Á (Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á), xét từ sự phát triển trên mọi lĩnh vực có thể nhận thấy, Trung Quốc đã bắt đầu tiến vào thời khắc khó khăn nhất trong tiến trình trỗi dậy, đồng thời cũng vấp phải sự lựa chọn chiến lược khó khăn nhất. Ở đây chủ yếu bao gồm các vấn đề như: đảo Điếu N/Senkaku trong quan hệ Trung – Nhật, vấn đề Biển Đông trong quan hệ Trung Quốc – một số nước ASEAN và tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc - Ấn Độ. Tất cả các vấn đề này xét cho cùng đều chính là vấn đề chủ quyền. Mặc dù giữa Trung Quốc và các quốc gia khác tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, nhưng chúng đều không thể gộp chung song hành cùng vấn đề chủ quyền. Các vấn đề phi chủ quyền đều không thể ảnh hưởng đến tiến trình hiện đại hóa toàn diện của Trung Quốc, còn vấn đề chủ quyền lại khác biệt hẳn. Trung Quốc coi các vấn đề liên quan đến chủ quyền thành vấn đề về lợi ích quốc gia cốt lõi, có thể nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này. Nói toạc ra, Trung Quốc không dành đất dư thừa cho bất cứ một sự thỏa hiệp nào trong vấn đề “lợi ích quốc gia cốt lõi”, một khi bị “uy hiếp”, tầng lớp chính phủ chỉ có thể đưa ra những phản ứng cứng rắn nhất, bất chấp cái giá phải trả cho kiểu loại phản ứng này ra sao. Tầng lớp xã hội thì lại càng không khác gì, trong vấn đề chủ quyền, bất kể trường phái cứng rắn hay trường phải chủ nghĩa dân tộc, đều có thể “ưỡn ngực hiên ngang” hoàn toàn không chút lý trí nhằm duy trì thứ “lợi ích quốc gia” mà họ công nhận, coi bản thân là “ái quốc” (người yêu nước), đồng thời coi những tiếng nói lý trí chân chính là “mại quốc” (kẻ bán nước). Trong con mắt quan sát của mọi người thời gian gần đây, những phản ứng của Trung Quốc đưa ra trong tất cả các vấn đề này đều chính là kết quả ngày càng “cường hóa”  (cứng rắn hóa) trong sự tương hỗ giữa tầng lớp chính phủ và tầng lớp xã hội.
Phản ứng của Trung Quốc là loại phản ứng mang tính bản năng
Đương nhiên, nếu đứng trên lập trường của giới chính phủ, cũng không thể nói rằng phản ứng của Trung Quốc trong thời gian gần đây không chút lý trí được. Đối diện trước những biến hóa của môi trường quốc tế, Trung Quốc nghiễm nhiên phải đưa ra những kiểu loại phản ứng như vậy, đặc biệt khi Trung Quốc đã có năng lực để bật ra được phản ứng. Tuy nhiên, xét từ góc độ lịch sử vỹ quan, mọi người có thể suy ngẫm thấu đáo về những hành vi của Trung Quốc. Phần lớn phương thức phản ứng của Trung Quốc là một loại phản ứng mang tính bản năng, mà không phải xuất phát từ phản ứng mang tính lý trí của nhân loại. Nếu là loại phản ứng mang tính bản năng, vậy thì cuối cùng sẽ có khả năng dẫn tới việc tối thiểu hóa lợi ích quốc gia, thậm chí rơi vào ngược cảnh hoàn toàn. Vì sao có thể nói như vậy?
Loại phản ứng hiện nay của Trung Quốc là tầng chiến thuật, cũng chính là loại phản ứng mang tính chất “ăn miếng trả miếng”. Trong vô số các hành vi ngoại giao tồn tại của Trung Quốc, mọi người không thể nhìn thấy được mưu đồ chiến lược một cách thâm thúy. Điều này đặc biệt được biểu hiện trong tranh chấp đảo Điếu ngư/Senkaku với Nhật Bản. Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc hiển nhiên không phải là sự giả định có thể thông qua phương thức hành vi như hiện nay nhằm giải quyết vấn đề đảo Điếu ngư/Senkaku. Bất kể sự không hợp lý đến mức độ như thế nào, thì Nhật Bản hiện nay vẫn nắm giữ quyền kiểm soát thực tế trên đảo Điếu ngư/Senkaku. Nếu Trung quốc có giành giật được quyền kiểm soát thực tế này từ tay Nhật Bản, cũng không có nghĩa rằng vấn đề đã được giải quyết xong xuôi. Nguyên nhân vô cùng đơn giản, phía Nhật Bản không bao giờ công nhận. Nếu như dùng vũ lực giải quyết vấn đề, bất luận bên nào giành quyền kiểm soát đảo Điếu ngư/Senkaku, một kết cục duy nhất chính là sự thù hận lẫn nhau sẽ không ngừng tăng cao đồng thời kéo dài đến những thế hệ sau này. Vậy thì, nếu như giả định Trung Quốc tồn tại mục tiêu chiến lược, vậy thì, mục tiêu chiến lược này rốt cuộc là gì? Mục tiêu chiến lược hạn hẹp của Trung Quốc dường như chỉ có thể là cần sự công nhận “đảo Điếu ngư là khu vực có tranh chấp” từ phía Nhật Bản. Lô-gic là: Nhật Bản hiện nay không công nhận điều này, nếu Nhật Bản thừa nhận điểm này, vậy thì bước tiếp theo sẽ có thể tiến tới tìm hiểu và thảo luận rằng Trung – Nhật làm thế nào để giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên nếu như đây thật sự là mục tiêu chiến lược của Trung Quốc, vậy thì thứ mục tiêu này quá thấp, rất không đáng để Trung Quốc tiếp tục hành xử theo đà như hiện nay. Bởi vì chiến thuật phản ứng “ăn miếng trả miếng” có thể ảnh hưởng thậm chí hủy hoại mục tiêu chiến lược của Trung Quốc từ thời cải cách đổi mới thậm chí từ thời cận đại đến nay mà đời đời kiếp kiếp của người dân nước này luôn theo đuổi về sự trỗi dậy đến cùng của đất nước. Đồng thời cũng không khó để nhìn thấy rằng, xu thế biến chiến thuật thành chiến lược cũng tồn tại trong vấn đề Biển Đông và tranh chấp biên giới Trung - Ấn. Mọi người từ đó có thể đưa ra kết luận rằng, đây chính là một phương thức tư duy ngoại giao mang tính phổ biến của Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên chính phương thức tư duy này mới là mối quan ngại mà giới lãnh đạo Trung Quốc phải bận tâm.
Rất nhiều người tỏ ra vô cùng mơ hồ về mục tiêu chiến lược lớn nhất của Trung Quốc là gì. Trong tình thế này, rất dễ đem chiến thuật biến thành chiến lược. Vậy thì, từ thời cải cách đổi mới đến nay, mục tiêu chiến lược lớn của Trung Quốc là gì? Mọi người có thể thảo luận từ một số phương diện dưới đây:
Thứ nhất, quan trọng nhất là hiện đại hóa quốc gia. Bất luận mọi người có cách lý giải khác nhau về các điểm trọng tâm của hiện đại hóa, tuy nhiên không thể phủ nhận được rằng, hiện đại hóa là sự đồng thuận lớn nhất giữa tất cả người dân Trung Quốc từ thời kỳ cận đại đến nay. Mặc dù từ thời Mao Trạch Đông đến thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã biến đổi trở nên càng hiện đại hơn trong rất nhiều lĩnh vực, tuy nhiên tiến trình hiện đại hóa vẫn còn xa xăm chưa đến hồi hoàn thành. Đối với Trung Quốc của ngày hôm nay, thực hiện hiện đại hóa bền vững vẫn là chiến lược quốc gia cao nhất. Để thực hiện hiện đại hóa trong nước, Trung Quốc vẫn cần đến một môi trường quốc tế hòa bình. Thực hiện hiện đại hóa trong nước không có nghĩa nói rằng Trung Quốc có thể hy sinh lợi ích quốc tế, đặc biệt là lợi ích cốt lõi. Mọi giới Trung Quốc trước sau như một đều nhấn mạnh, để duy trì lợi ích cốt lõi, Trung Quốc không e ngại quá trình hiện đại hóa đất nước bị gián đoạn. Tuy nhiên, đây chỉ là một loại phản ứng mang tính chủ nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn (Yi Hetuan: phong trào xã hội công bằng và hòa hợp), tức là nhất thiết phải ngăn chặn cho được thứ chủ nghĩa Anh hùng đơn giản. Mọi người cần phải tiến thêm một bước tiếp theo, làm thế nào để đảm bảo được rằng Trung Quốc có năng lực để duy trì được tiến trình hiện đại hóa, không bị sự biến hóa từ môi trường quốc tế làm cho gián đoạn.
Từ thời kỳ cận đại đến nay, Nhật Bản đã hai lần gián đoạn tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc, tuy nhiên hai lần đó đều do Trung Quốc đương thời còn quá non yếu, không đủ năng lực đối phó được với Nhật Bản, bất lực đành phải chịu gián đoạn. Nhưng hiện nay tình thế đã đổi khác, Trung Quốc đã hội tụ năng lực hùng mạnh, có thể chủ động ngăn chặn Nhật Bản tiếp tục quấy nhiễu sự hiện đại hóa của đất nước mình. Nếu như lần này lại bị gián đoạn thì đó chính là sự thất bại của Trung Quốc và thành công thuộc về Nhật Bản. Vấn đề chính trong mối quan hệ Trung – Nhật là đảo Điếu ngư/Senkaku. Trung Quốc nên nhận thức được rằng, đặc điểm của vấn đề đảo Điếu ngư/Senkaku nằm ở chỗ, vấn đề chủ quyền không thể nào giải quyết được, tuy nhiên có thể tăng thêm độ kiểm soát và quản lý. Không có bất cứ ai (bao gồm cả người Nhật Bản) có thể tin được rằng, Trung Quốc vì hiện đại hóa có thể từ bỏ chủ quyền đảo Điếu ngư/Senkaku. Thế nhưng nếu như chính vì vấn đề đảo Điếu ngư/Senkaku, hiện đại hóa Trung Quốc lại thêm một lần nữa bị gián đoạn, bất luận kết quả cuối cùng ra sao, thì cũng chính là bi kịch của quốc gia. Vấn đề Biển Đông và vấn đề tranh chấp lãnh thổ Trung - Ấn cũng đều thuộc cùng một loại tính chất này.
Phương diện thứ hai trong chiến lược lớn của Trung Quốc chính là trỗi dậy hòa bình. Trung Quốc liệu có thể trỗi dậy được hay không đương nhiên xuất phát từ việc hiện đại hóa trong nước liệu có thể duy trì bền vững được hay không. Trỗi dậy hòa bình có nghĩa là việc hiện đại hóa đất nước của Trung Quốc không thể tạo nên  tác động phản diện đối với hòa bình khu vực cũng như hòa bình thế giới hoặc cấu kết thành cái gọi là “uy hiếp”, càng không thể trở thành ngọn nguồn của chiến tranh. Trên thực tế, xét từ góc độ của lịch sử quan hệ quốc tế, chỉ có trỗi dậy hòa bình mới có thể trở thành sự trỗi dậy chân chính và trỗi dậy bền vững được. Trong lịch sử, đối với những quốc gia trỗi dậy nhờ thông qua các biện pháp quân sự và chiến tranh, thì cuối cùng đều không thể tránh khỏi được số phận bị diệt vong. Ở Âu Châu, nước Pháp của thời kỳ Napoleon chính là như vậy; nước Đức của thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai chính là như vậy; Liên Xô cũ cũng không khác gì, lực lượng quân sự vốn vô cùng hùng hậu trong thời kỳ chiến tranh lạnh thì cuối cùng cũng không tránh khỏi được số phận bị hủy diệt. Ở Châu Á, đế quốc Nhật Bản vốn dĩ là mô hình khuôn mẫu tốt nhất, sau khi trỗi dậy đã tính toán đến việc bắt nạt các nước láng giềng, khiêu chiến trật tự Đông Á vốn do phương tây xác lập, cuối cùng cũng rơi vào thảm cảnh bị diệt vong. Tuy nhiên cũng tồn tại sự trỗi dậy hòa bình tương đối, điển hình chính là sự trỗi dậy của nước Anh và nước Mỹ. Nền tảng trỗi dậy của hai quốc gia này chính là xây dựng hệ thống cận đại hóa hoặc hiện đại hóa, phát triển kinh tế bền vững và vô vàn các lĩnh vực khác cho quốc gia. Trung Quốc nên lựa chọn phương thức trỗi dậy nào, đã được thể hiện vô cùng rõ ràng. Từ “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình đến “phát triển hòa bình” hay “trỗi dậy hòa bình” những thập niên 90 thế kỷ trước đến “quan hệ nước lớn kiểu mới” ngày nay, tư duy của tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc từ trước đến nay luôn vô cùng rõ ràng, mấu chốt nằm ở chỗ liệu họ có thể kiên trì bước tiếp hay không.
Phương diện thứ ba của đại chiến lược chính là mong muốn trở thành nước lớn có trách nhiệm, đóng vai trò lãnh đạo trong các vấn đề thế giới. Nhưng Trung Quốc liệu có thể thực hiện được mục tiêu chiến lược này hay không lại xuất phát từ kết quả thực thi của hai chiến lược đã nêu trước đó. Nếu như không thể hiện đại hóa đất nước, vậy thì căn bản sẽ không thể có sự trỗi dậy. Nếu như sự trỗi dậy này không phải là trỗi dậy hòa bình, vậy thì không có một quốc gia nào có thể công nhận địa vị lãnh đạo từ Trung Quốc. Thế nhưng trỗi dậy hòa bình lại không phải là mục tiêu chiến lược cuối cùng của Trung Quốc, mục tiêu cuối cùng chính là lãnh đạo toàn thế giới hoặc cùng tham gia lãnh đạo toàn thế giới. Lãnh đạo toàn thế giới hoặc cùng tham gia lãnh đạo toàn thế giới là vận mệnh của bất cứ một nước lớn nào, bất kể tâm nguyện chủ quan của nước lớn đó ra sao. Một hiện thực nghiệt ngã chính là, bất luận trật tự thế giới có tiến tới dân chủ hóa ra sao thì thế giới này mãi mãi là một thế giới có tính phân biệt đẳng cấp, không kể thích hay không, thì trật tự thế giới cần phải có người lãnh đạo, nước lớn tất nhiên phải thừa nhận trách nhiệm lãnh đạo này. Nếu như nước lớn không thể thừa nhận trách nhiệm hoặc không đủ năng lực gánh vác trách nhiệm, vậy thì ắt sẽ phải chịu sự trừng phạt. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch của quan hệ quốc tế.
Xét trên thứ tự chiến lược từ trong ra ngoài, Trung Quốc của ngày nay đã tiến vào thời khắc khó khăn nhất trong tiến trình trỗi dậy. Trung Quốc đang trỗi dậy, nhưng vẫn chưa thật sự trỗi dậy. Từ các nhân tố bên ngoài có thể thấy, Trung Quốc đã trỗi dậy đến thời kỳ có thể không còn giống như trước - lại tiếp tục căn theo sự tồn tại của khu vực hoặc trật tự thế giới để điều chỉnh bản thân, mà có năng lực để cấu thành “uy hiếp” đối với trật tự hiện tại này, thế nhưng đồng thời cũng chưa đạt đến được giai đoạn hội tụ đủ tâm nguyện hoặc đủ năng lực để gánh vác trách nhiệm cho khu vực hoặc trật tự thế giới. Chính vì điều này, các quốc gia đã tồn tại “sự không xác định” rất cao trước Trung Quốc, đối với những vấn đề như liệu Trung Quốc có thể tiếp tục trỗi dậy, có thể trở thành bá quyền, có thể gánh vác trách nhiệm v.v... đều nhận thấy tính không xác định này.
Bất kể hòa bình khu vực hay hòa bình thế giới đều xuất phát từ hai nhân tố chính. Thứ nhất, một Trung Quốc trỗi dậy thực sự. Thời kỳ đầu của trỗi dậy, Trung Quốc có tâm nguyện vô cùng mãnh liệt trong việc chủ động điều chỉnh  trật tự hiện hành, như thứ mà nước này gọi là “tiếp quỹ” (tiếp quản quỹ đạo). Nhưng khi trỗi dậy đến giai đoạn hiện nay, Trung Quốc thật sự không thể vô độ căn theo các quốc gia khác để điều chỉnh chính sách nước mình. Đồng thời Trung Quốc cũng chưa thể đạt đến thời kỳ hùng mạnh đến mức yêu cầu các quốc gia khác điều chỉnh theo Trung Quốc. Có thể nói, thời kỳ hiện nay thuộc về giai đoạn tương hỗ lẫn nhau và đưa ra các yêu cầu song song nhau, các bên đều không chịu lùi bước. Nhưng sau khi Trung Quốc thật sự trỗi dậy, các quốc gia khác ắt nhiên sẽ tiến tới điều chỉnh căn theo Trung Quốc (kỳ thực sự điều chỉnh này đã bắt đầu tồn tại trong một số phương diện trên lĩnh vực kinh tế), các quốc gia Châu Á bao gồm cả Nhật Bản sẽ làm như vậy, các quốc gia khác bao gồm cả Mỹ cũng sẽ làm như vậy.
Thứ hai, Trung Quốc trở thành nước lớn có trách nhiệm. Động cơ chính khiến các quốc gia khác tự nguyện điều chỉnh chính sách nước mình theo Trung Quốc chính là ở trách nhiệm khu vực hoặc trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc. Kỳ thực, trỗi dậy và trách nhiệm là hai phương diện tương hỗ bổ trợ cho nhau. Sự trỗi dậy nhưng không thể gánh vác trách nhiệm không được gọi là trỗi dậy, cho dù một vài lĩnh vực đã trỗi dậy, cũng không thể trở thành nước lớn được. Cũng như đã thảo luận trong phần trước, nước lớn trỗi dậy nhưng không có trách nhiệm (ví dụ như thông qua biện pháp quân sự hoặc chiến tranh) cuối cùng sẽ bị quy vào hàng thất bại, đây chính là minh chứng tốt nhất.
Giới tinh hoa chính trị cần phải lý trí và tỉnh táo
Cũng rất hiển nhiên, trong giai đoạn mấu chốt này, sự lựa chọn chiến lược của Trung Quốc vừa quyết định sự hiện đại hóa đất nước liệu có thể tiếp tục bền vững hay không, đồng thời cũng quyết định sự trỗi dậy tiếp theo của Trung Quốc liệu có hòa bình hay không. Nếu như lựa chọn không khéo, bất luận là sự hiện đại hóa đất nước hay sự trỗi dậy hòa bình cũng đều sẽ bị gián đoạn, bất kể là chủ động hay bị động. Đây chính là điều khiến mọi người vô cùng quan ngại trước cục diện thế giới của Trung Quốc hiện nay. Một khi bất cứ một mối quan hệ nào trong số các quan hệ Trung – Nhật, quan hệ Trung Quốc – ASEAN, quan hệ Trung – Nhật rơi vào tình thế mất kiểm soát, rất dễ dẫn tới sự xung đột cục bộ thậm chí là xung đột toàn diện. Một khi sự trỗi dậy Trung Quốc bị thế giới bên ngoài nhìn nhận là phi hòa bình, vậy thì cục diện quốc tế củaTrung Quốc hẳn nhiên sẽ rơi vào thảm cảnh suy thoái nghiệt ngã. Nếu như đi trên con đường này, vậy thì tương lai của Trung Quốc sẽ vô cùng bi quan, có khả năng lâm vào một trong hai cảnh tượng như sau. Thứ nhất, lặp lại bi kịch của sự trỗi dậy nước lớn, Trung Quốc và các nước lớn khác sẽ phát sinh các xung đột quy mô lớn. Xung đột này nếu không phải là loại tôi sống anh chết thì cũng sẽ tương đương như vây. Thứ hai là làm cho chính mình thất bại. Trong trường hợp này, các nước láng giềng của Trung Quốc và các nước lớn không hy vọng nảy sinh các xung đột quy mô lớn với nước này, mà là tìm các biện pháp hữu hiệu hơn nhằm “bao vây” hoặc “ngăn chặn” Trung Quốc, giống như Mỹ và các nước đồng minh đã đối phó với Liên Xô cũ trước đây.
Từ tình hình khách quan cho thấy, so với bất cứ một thời đại nào, thì Trung Quốc của ngày nay càng cần đến tinh thần “giấu mình chờ thời” do Đặng Tiểu Bình đề xuất, càng cần phải biết điều. Nếu không, hiện thực sẽ hoàn toàn trái ngược. Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, tinh thần chủ nghĩa dân tộc của quần chúng nhân dân và một bộ phận quan chức chính phủ sẽ không ngừng tăng cao, một số người thực sự cảm thấy vô cùng tự hào trước sự biến đổi hùng mạnh của quốc gia, còn một số thành phần khác lại chịu sự truyền nhiễm từ tinh thần bi thảm do chủ nghĩa đế quốc áp bức bóc lột Trung Quốc thời kỳ cận đại, nhận thấy cơ hội để cho Trung Quốc “rửa nhục” đã đến. Vài năm gần đây, ngày càng nhiều người hoài nghi chiến lược “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, thậm chí chủ trương Trung Quốc có thể vứt bỏ nền ngoại giao thân phận thấp, tin tưởng Trung Quốc đã tiến đến thời kỳ “lượng kiếm” (sáng chói).
Trong quá trình trỗi dậy của một quốc gia, khi đạt đến một giai đoạn nhất định, một bộ phận người thậm chí một bộ phận đông đảo nhân dân bắt đầu mê muội đầu óc thậm chí là u mê quay cuồng. Một số lượng lớn các tác phẩm văn hiến lịch sử đã chứng minh rằng,  hiện tượng này đã xuất hiện tại hàng loạt các quốc gia trong quá trình trỗi dậy của họ. Chủ nghĩa dân tộc của Đức và Nhật Bản chính là sự phản ứng tự nhiên xuất phát từ tâm thái của đông đảo quần chúng nhân dân. Lúc đó, sự lựa chọn của giới tinh hoa chính trị trở thành điều then chốt. Nếu như giới tinh hoa chính trị cũng giống như phổ thông dân chúng, hoặc lợi dụng tâm thái này của quần chúng nhân dân nhằm phục dịch cho quyền lực của bản thân, như vậy, quốc gia ắt sẽ rơi vào thảm cảnh. Tuy nhiên nếu như giới tinh hoa chính trị vẫn duy trì được bộ óc đủ lý trí và tỉnh táo, đồng thời có thể huy động các nhân tố lý trí trong cộng đồng xã hội ngăn chặn được bộ phận phi lý trí, vậy thì quốc gia vẫn sẽ có thể tiếp tục trỗi dậy hòa bình, hoàn thành sứ mệnh cuối cùng của một nước lớn.
Đối với Trung Quốc, “giấu mình chờ thời” có thể nói là nguyên tắc căn bản nhất trong sự trỗi dậy hòa bình và sự trỗi dậy bền vững của một quốc gia. Vênh vang với vũ lực và uy hiếp ắt sẽ rơi vào cảnh thất bại. Đây không chỉ là điều đối với Trung Quốc, mà đối với tất cả các quốc gia đều sẽ như vậy. Trung Quốc liệu có thể tiếp tục hoàn thành tiến trình hiện đại hóa đất nước, trỗi dậy hòa bình, cuối cùng bước lên sân khấu lãnh đạo thế giới hay không, đây không phải là một quá trình phát triển diễn ra tự nhiên, mà chính là kết quả của sự lựa chọn lý trí và sáng suốt từ giới tinh hoa chính trị.
Đinh Thị Thu (dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét