VietnamDefence - Trung Quốc cho rằng, trong các cuộc xung đột quân sự hiện tại và tương lai, vai trò quyết định thuộc về các hệ thống đường không “máy bay + vũ khí chính xác cao tầm xa”.
Không quân Trung Quốc ráo riết đổi mới huấn luyện cho nhiệm vụ giành ưu thế trên không |
Căn cứ theo kết luận này, năm 2004, các nhà lý luận quân sự Trung Quốc đã soạn thảo văn kiện “Các chiến dịch liên kết đường không và vũ trụ” mà thực ra là chiến lược quân sự mới áp dụng cho lĩnh vực đường không-vũ trụ.
Phòng thủ và tấn công
Theo học thuyết “chiến tranh cục bộ” đề ra trước đó, nhiệm vụ bảo đảm sẵn sàng tiến hành các chiến dịch đường không, cũng như hiệp đồng với các đơn vị thuộc các quân/binh chủng khác đã được đặt ra cho không quân Trung Quốc. Trong văn kiện này nhấn mạnh rằng, không quân Trung Quốc phải là lực lượng có khả năng bảo đảm không chỉ bảo vệ tin cậy không phận quốc gia, mà còn tiến hành các chiến dịch hiệp đồng và đường không với các mục tiêu (nhiệm vụ) phòng thủ và tiến công tại các khu vực quanh đường biên giới Trung Quốc.
Có thể liệt vào các mục tiêu (nhiệm vụ) phòng thủ là: ngăn chặn kẻ địch giành ưu thế (quyền không chế) trên không, đẩy lùi (phá vỡ) các đòn tấn công ồ ạt bằng không quân-tên lửa, bảo vệ các mục tiêu lãnh đạo/chỉ huy nhà nước và quân sự chống các đòn tấn công đường không, các mục tiêu hạ tầng kinh tế và quân sự của nhà nước, dân chúng, các cụm quân (lực lượng).
Được liệt vào các nhiệm vụ tấn công là giành ưu thế (quyền khống chế) trên không, tiêu diệt các cụm phương tiện tấn công đường không-vũ trụ của đối phương, các lực lượng của đối phương, bao gồm lực lượng phòng không/phòng thủ tên lửa, các loại vũ khí trang bị, làm suy giảm tiềm lực quân sự và kinh tế, phá hoại hệ thống lãnh đạo nhà nước và quân sự (thông tin liên lạc) của đối phương, cô lập khu vực chiến sự, phá hủy hạ tầng giao thông vận tải (các tuyến đường giao thông) của đối phương.
Ban lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng, không quân Trung Quốc chỉ có thể thực hiện hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ nêu trên trong điều kiện tác chiến lấy mạng làm trung tâm trong các cuộc chiến tranh cục bộ (khu vực) khi sử dụng các loại máy bay đa nhiệm thế hệ 4, 5. Bởi vậy, vị trí trung tâm trong chương trình hiện đại hóa không quân Trung Quốc được dành cho việc trang bị lại bằng các loại máy bay đa nhiệm hiệu quả cao mới mà số lượng của chúng dự kiến nâng lên đến 70% tổng số máy bay chiến đấu có trong trang bị vào năm 2018-2020.
Do số lượng máy bay giảm xuống vì các máy máy thế hệ 2 và một phần thế hệ 3 bị loại khỏi trang bị, quân số phi công và kỹ thuật viên cũng đang giảm đi. Đồng thời, đặt ra nhiệm vụ nâng cao cơ bản việc đào tạo lý thuyết, cũng như kỹ năng, chuyên môn của đội ngũ người lái và kỹ thuật viên trong điều kiện các loại máy bay thuộc các thế hệ mới đang được tích cực đưa vào trang bị.
Trong công tác huấn luyện chiến đấu đội ngũ phi công, người ta tập trung chủ yếu cho việc tạo lập ra trong quá trình huấn luyện trên các thiết bị tập lái và trong các chuyến bay tập các tình huống chiến đấu hiện thực có thể xảy ra trong tác chiến lấy mạng làm trung tâm vốn có đặc trưng là sử dụng rộng rãi các phương tiện chiến đấu hiện đại, trí năng cao. Các mục tiêu và nhiệm vụ đào tạo và huấn luyện chiến đấu trong những điều kiện mới đã được cụ thể hóa trong “Các nguyên tắc cơ bản trong huấn luyện chiến đấu và đánh giá” được thông qua năm 2009. Trong tài liệu trên có nhấn mạnh rằng, công tác huấn luyện chiến đấu cho đội ngũ cán bộ quân sự cần đặt trọng tâm vào việc tiến hành các chiến dịch hiệp đồng với sự tham gia của các đơn vị thuộc tất cả các quân/binh chủng, đào tạo chung, huấn luyện chung nhằm giáo dục các binh sĩ (cấp chỉ huy) kiểu mới, có tư duy chiến lược và tài năng chiến dịch, cho phép tiến hành các chiến dịch hiệp đồng hiệu quả trong điều kiện chiến tranh lấy mạng làm trung tâm, bảo đảm giành thắng lợi trước mọi kẻ thù.
Tài liệu “Các nguyên tắc cơ bản” được chia thành 4 “nguyên tắc chỉ đạo”: “thích ứng với những thay đổi có tính cách mạng đang diễn ra trong quân sự”; “chuẩn bị ngăn chặn bằng vũ lực Đài Loan tuyên bố độc lập”; “tích cực tích hợp vũ khí trang bị tiên tiến nhất”; “trong quá trình xây dựng kế hoạch, tổ chức và tiến hành tập trận (diễn tập), không được làm giảm tính hiện thực của chúng để bảo đảm an toàn hơn”.
Để giải quyết hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ nêu ra trong tài liệu nêu trên, không quân Trung Quốc đã soạn thảo các chương trình huấn luyện mới cho các học viện không quân và trường bay, cũng như các khóa bồi dưỡng nâng cao ngắn hạn có sự tham gia học tập của tới 60% quân nhân. Đồng thời, người ta cũng rất chú ý nâng cao không chỉ trình độ đào tạo lý thuyết và thực hành cho các chuyên gia không quân mà còn mở rộng nhãn quan chung của họ, xây dựng khả năng tư duy độc lập (khách quan). Nhằm có được các kỹ năng đó, chỉ huy không quân Trung Quốc ủng hộ việc đào tạo đội ngũ cán bộ chỉ huy, chính trị và kỹ thuật tại các khóa hàm thụ của các trường đại học và chuyên ngành dân sự.
Kiến tạo hòa bình và tìm hiểu đối phương
Bộ tư lệnh không quân Trung Quốc đang tận dụng việc tham gia của các đội quân Trung Quốc vào các chiến dịch kiến tạo hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác để tập dượt các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu và đào tạo quân nhân. Cụ thể là nâng cao kỹ năng bay và hoa tiêu trong quá trình vận chuyển quân bằng đường không đến các điểm nóng ở các khu vực khác nhau trên thế giới, ở xa lãnh thổ Trung Quốc, cũng như trong các hoạt động nhân đạo cứu trợ nạn nhân thiên tai và thảm họa công nghiệp.
Kể từ năm 1990, các quân nhân quân đội Trung Quốc, bao gồm cả đội ngũ phi công và kỹ thuật viên không quân, đã tham gia 22 chiến dịch kiến tạo hòa bình ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Tổng cộng, đã có hơn 200.000 binh lính và sĩ quan quân đội Trung Quốc được huy động tham gia các hoạt động đó.
Nhằm phục vụ công tác đào tạo và huấn luyện chiến đấu, người ta sử dụng tích cực cả các cuộc tập trận chung của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cũng như các cuộc diễn tập, tập trận song phương. Năm 2010, trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc tập trận không quâ chung Trung Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên có tên Đại bàng Anatolia (Anatolian Eagle). Để tham gia cuộc tập trận này, một số máy bay tiêm kích đa nhiệm của không quân Trung Quốc đã thực hiện chuyến bay liên tục không hạ cánh sang Thổ Nhĩ Kỳ, trong quá trình bay đã thực hiện các bài tập tiếp dầu trên không.
Trong cuộc tập trận Đại bàng Anatolia, đã thao dượt các khoa mục phối hợp của máy bay chiến đấu hai nước trong điều kiện gần với tình huống thực chiến, thiết lập và duy trì liên lạc và trao đổi thông tin giữa các máy bay này. Ngoài ra, còn đã tiến hành các trận không chiến tập của các máy bay Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc tham gia tập trận chung không quân với một quốc gia thành viên NATO đã cho phép các phi công Trung Quốc làm quen trên thực tế với tính năng chiến đầu của các máy chiến đấu Mỹ hiện có trong trang bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, tìm hiểu những mặt mạnh, mặt yếu của chúng, chiến thuật sử dụng và các thủ đoạn chiến đấu mà không quân Mỹ và các nước NATO khác sử dụng.
Cuộc tập trận không quân chung Trung Quốc-Pakistan kỷ niệm 60 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước diễn ra vào tháng 3/2011 cũng được tận dụng cho các mục đích này. Phía Pakistan đã điều động tham gia tập trận các tiêm kích nâng cấp F-16 do Mỹ sản xuất và các biến thể máy bay Mirage mới nhất của Pháp.
Như vậy, công tác đào tạo và huấn luyện chiến đấu cho đội ngũ quân nhân không quân Trung Quốc đang được thực hiện là để tiến hành các chiến dịch đường không và phối hợp hiệu quả với các mục tiêu (nhiệm vụ) phòng thủ và tấn công nhằm ngăn chặn sự can thiệp quân sự của Mỹ bên phía Đài Loan trong trường hợp Bác Kinh sử dụng biện pháp vũ lực quân sự để giải quyết vấn đề Đài Loan, cũng như trong các cuộc chiến tranh cục bộ (khu vực) có thể bùng nổ trong các khu vực xung quanh đường biên giới trên bộ và trên biển của Trung Quốc chứ không chỉ và hơn là nhằm bảo vệ không phận quốc gia.
Nguồn: Aleksandr Vasilevich Shlyndov, PTS sử học, nghiên cứu viên chính Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, Đại tá dự bị, Nikolai Petrovich Tebin, nghiên cứu viên trưởng Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga // NVO, 1.2.2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét