Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Việt Nam sắp mua Club-K?


VietnamDefence - Báo chí Nga đưa tin, nước này đã đàm phán với một nước Đông Nam Á để bán vũ khí chiến lược của người nghèo Club-K. Đó là nước nào? Indonesia, Malaysia, Philippines hay Việt Nam?
Vũ khí chiến lược của người nghèo Club-K

Công ty Concern Morinsystema-Agat (Nga) tại triển lãm LIMA-2013 ở Malaysia đã có nhiều cuộc gặp gỡ và đàm phán bán hệ thống tên lửa lắp trong container Club-K.

“Sự quan tâm đối với hệ thống là khá lớn,chúng tôi đã tiến hành đàm phán. Hơn nữa, đây không phải là cuộc đàm phán đầu tiên, chúng tôi đang lặng lẽ tiến về phía trước”, Tổng giám đốc, Tổng công trình sư của Concern Morinsystema-Agat, ông Georgy Antsev cho biết.

Ông Antsev cho biết, công ty của ông đang đàm phán với một nước Đông Nam Á, nhưng không nói rõ cụ thể là nước nào. “Chúng tôi đang tiến hành ráo riết chính sách marketing. Chúng tôi dự nhiều triển lãm, đàm phán cùng với công ty Rosoboronoexport. Tôi nghĩ rằng, kết quả sẽ có. Tiến vào thị trường nào cũng không đơn giản”, ông Antsev nói.

Theo ông, hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện các đối thủ khá mạnh. Đó là Trung Quốc, Ấn Độ và các nước NATO. “Sau khi đã thực hiện chuyển giao lớn công nghệ cho các nước châu Á-Thái Bình Dương, nay tự chúng tôi phải tiến lên phía trước bằng cách nghiên cứu chế tạo và chào hàng cái gì đó mới mẻ. Hệ thống Club-K chính là cái mới mà hiện người khác chưa có”, ông Antsev nói.

“Điều dễ hiểu là giải pháp được áp dụng ở hệ thống này bản thân nó đã độc đáo, nó đòi hỏi bất kỳ quốc gia nào cũng phải xem xét lại học thuyết của mình, trước hết là học thuyết quân sự. Ta biết là ai cũng có những mối quan tâm riêng, mỗi vị tư lệnh, bộ trưởng quốc phòng cũng có thẩm quyền của mình. Đưa ra quyết định mua cái gì đó hoàn toàn mới, vạn năng và ở đâu đó có thể lấy đi một ít của hạm đội, ở đâu đó của lục quân, ở đâu đó của không quân là không đơn giản. Đó là vấn đề chính trị, nơi mà mỗi quốc gia phải tự mình đưa ra quyết định cho mình”, ông Antsev nói.

Tổng giám đốc Concern Morinsystema-Agat nhấn mạnh, Club-K có các đặc điểm nổi bật là tính cơ động, bí mật và chi phí sử dụng tương đối rẻ.

“Khi quý vị đã có hệ thống logistics (kho vận) ổn thỏa, ưu điểm ở đó thậm chí không phải là ở chỗ hệ thống nằm trong container, có thể giấy ở đâu tùy ý. Điều chủ yếu ở đây là logistics. Trước hết đó là thuận tiện cho vận chuyển, thuận tiện lưu kho, không cần trang thiết bị đặc chủng: tất cả trang thiết bị đều có sẵn trên thị trường, có rất nhiều và rẻ. Tốt nhất là mua dư những quả tên lửa thay cho hạ tầng logistics. Hệ thống này không đòi hỏi khung gầm chuyên dụng đồ sộ như cả chục quả tên lửa. Tốt nhất là mua khung gầm xe thông thường và thêm các quả tên lửa”, ông Antsev nói.

Theo ông Antsev, đây chính là ưu thế nổi trội của hệ thống tên lửa container Club-K.
Club-K sẽ trở thành ác mộng đối với các cường quốc hải quân như Mỹ, Trung Quốc

“Chúng tôi đang ra thị trường với một sản phẩm mới, chúng tôi đang tới các nước nhỏ. Chúng tôi sẽ rất quan tâm đến chính sách giá cả cùng với công ty Rosoboronoexport. Điều đó rất quan trọng. Giới quân sự cần phải thay đổi chút ít cách nhìn của mình đối với các cuộc xung đột quân sự và xem xem cần chi tiền vào đâu, giải quyết nhiệm vụ bảo đảm an ninh bằng những lực lượng và phương tiện nào”.

Trước đó, có tin Concern Morinsystema-Agat đã thử nghiệm phóng thành công hệ thống Club-K vào năm 2012. Chương trình thử nghiệm đã hoàn thành đầy đủ. Các thử nghiệm này một lần nữa cho thấy rằng, Nga đang chào bán cho các khách hàng không phải là mô hình hay maket, mà là một hệ thống vũ khí tên lửa container có thực. Club-K được triển khai trong container đường sắt tiêu chuẩn. Chỉ có thể phát hiện khi hệ thống phóng tên lửa, khi hệ thống được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Những lúc khác, bề ngoài, đó chỉ là một container đường sắt quen thuộc.

Trở lại vấn đề phía Nga đang đàm phán với quốc gia Đông Nam Á nào về việc bán Club-K.  Vậy quốc gia Đông Nam Á mà Concern Morinsystema-Agat đã đàm phán bán Club-K là nước nào? Ta hãy phân tích, suy luận dựa trên những thông tin báo chí đã có.

Trước hết, phải thấy rằng, Nga ngay từ đầu đã xác định Đông Nam Á với điểm nóng xung đột chủ quyền biển đảo là một trong những thị trường hàng đầu của Club-K. Các chuyên gia Nga khẳng định, Club-K trước hết dành cho các nước nhỏ có bờ biển dài, không có điều kiện mua các tàu chiến lớn như ở Đông Nam Á để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Với 4 tên lửa cất giấu trong contenơ đặt trên tàu biển, tàu hỏa hoặc xe tải và có tầm bắn xa 220-275 km, phần chiến đấu 200-450 kg, Club-K là hệ thống vũ khí đối hạm và đối đất rẻ tiền mà Mỹ và các cường quốc khác phải khiếp sợ.

Và những quốc gia Đông Nam Á quan tâm đến loại vũ khí đáng sợ và là một phương tiện phi đối xứng của các nước nhỏ chống lại các hạm đội hùng mạnh, chắc chắn là có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Trong tầm ngắm, dễ thấy là Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam.

Với đặc điểm lãnh thổ rộng lớn với hàng vạn hòn đảo, cũng như do không có mối đe dọa trực tiếp từ hướng biển vào đất liền, Indonesia sẽ không quan tâm đến Club-K. Họ chú trọng trang bị tên lửa chống hạm cho hải quân, cho tàu chiến mặt nước. Đó là tên lửa hành trình chống hạm siêu âm Yakhont của Nga, các tên lửa chống hạm dưới âm C-802 và mới đây là C-705 của Trung Quốc. Nếu muốn tăng cường khả năng tác chiến chống hạm, Indonesia sẽ tìm cách trang bị các tên lửa chống hạm hiện đại khác như BrahMos cho các tiêm kích Su-30 của họ hơn là mua Club-K.

Nếu tính đến tranh chấp gay gắt giữa Trung Quốc và Philippines ở khu vực quần đảo Trường Sa và bãi Scarborough, cũng như yếu tố địa lý, Club-K nếu được mua sắm sẽ tăng mạnh sức uy hiếp của Philippines đối với hải quân Trung Quốc. Club-K là vũ khí phòng thủ có sức răn đe hữu dụng nhất đối với Philippines. Philippines là đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á và chưa từng mua vũ khí Nga, lại là quốc gia có tiềm lực hải quân và kinh tế yếu kém. Khả năng nước này mua Club-K là rất nhỏ.

Malaysia là quốc gia từng mua sắm vũ khí Nga như máy bay tiêm kích Su-30MKM, MiG-29N…, nhưng họ chủ yếu dùng tên lửa chống hạm Exocet cho tàu chiến và tàu ngầm. Nước này ít có khả năng mua Club-K.
Cabin điều khiển Club-K

Hội tụ nhiều yếu tố quan tâm đến Club-K nhất là Việt Nam. Với đặc điểm lãnh thổ, đường bờ biển và tranh chấp biển đảo với nước ngoài, Việt Nam rất cần một loại vũ khí đa năng, tầm xa, cơ động, bí mật, có tính răn đe mạnh cả với mục tiêu trên biển và đất liền và lại vừa túi  tiền (15 triệu USD/hệ thống) như Club-K. Nếu được triển khai trên bờ, Club-K cùng với Bastion-P có khả năng bao phủ phần lớn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khi được triển khai trên các tàu dân sự hay vận tải quân sự, tầm với của Club-K sẽ vươn xa hơn nữa. Đặc biệt, khi được trang bị cho các tàu hoạt động gần Trường Sa hay bố trí trên các đảo lớn ở quần đảo này, Club-K trở thành vũ khí chống phong tỏa, chống đổ bộ từ xa cực kỳ lợi hại.

Trước đó, có tin trong năm 2012, Nga và Việt Nam bắt đầu phát triển một tên lửa hành trình mớidựa trên hệ thống tên lửa Uran. Nhiều khả năng, Việt Nam sẽ chọn hợp tác sản xuất biến thể mới nhất của Uran là Kh-35UE có tầm bắn 260 km. Hơn nữa, phần lớn các tàu tên lửa hiện đại của Hải quân Việt Nam đều đang sử dụng tên lửa hành trình chống tàu Uran làm vũ khí tấn công chủ lực. Vì thế, mua Club-K sẽ là một giải pháp đúng đắn, hợp lý và cần thiết cả về mặt kỹ thuật, hậu cần trang bị và kinh tế đối với Việt Nam vì Kh-35UE chính là một phương án trang bị của Club-K. Hơn nữa, có lẽ các nhà sản xuất vũ khí Nga cũng đã xác định Việt Nam là khách hàng tiềm năng của Club-K nên trong một clip video quảng cáo Club-K xuất hiện các container chở hàng có in dòng chữ "DONGNAMA" (Đông Nam Á).

Xét tất cả những yếu tố trên, Việt Nam là quốc gia có nhiều khả năng nhất quan tâm đến việc mua sắm và trang bị hệ thống tên lửa vạn năng đối hạm/đối đất Club-K. Đây chỉ là những suy đoán, sự thực thế nào, chúng ta còn phải chờ xem.
Nguồn: RG, Interfax AVN, Telegrafist, 27, 29.3.2013.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------
VietnamDefence - Việt Nam có lẽ là khách hàng tiềm năng của Club-K nên trên các contenơ chở hàng trong clip video quảng cáo có in dòng chữ "DONGNAMA" (Đông Nam Á). Với 4 tên lửa cất giấu trong contenơ đặt trên tàu biển, tàu hỏa hoặc xe tải và có tầm bắn xa 220-275 km, phần chiến đấu 200-450 kg, Club-K là hệ thống vũ khí đối hạm và đối đất rẻ tiền mà Mỹ và các cường quốc khác phải khiếp sợ. 

Tập đoàn Morinformsystem-Agat của Nga đang quảng cáo, tiếp thị hệ thống tên lửa hành trình mới Club-K có thể cất giấu trong một contenơ chở hàng bình thường, nhờ vậy có thể tạo cho bất kỳ một tàu chở hàng nào khả năng tiêu diệt tàu sân bay.

Hệ thống tên lửa chống hạm/đối đất Club-K được thiết kế để bán cho các nước nhỏ có bờ biển dài, hải quân yếu để bảo vệ lãnh hải, chủ quyền biển, đảo, có thể được trang bị 3 loại tên lửa hành trình 3M-54TE, 3M-54TE1, 3M-14TE.

”Trong chốc lát, hệ thống mang lại khả năng tấn công chính xác ở tầm xa nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện vận tải vốn có thể di chuyển hầu như đến mọi nơi trên trái đất mà không khiến ai chú ý”, - Robert Hewson, biên tập viên tạp chí Jane's Defense Weekly”, người đầu tiên khám phá sự tồn tại của hệ thống này, cho biết.

Clip video quảng cáo hệ thống Club-K của nhà sản xuất (Tập đoàn Morinformsystem-Agat) quay cảnh một nước nhiệt đới bị một quốc gia láng giềng thù địch tấn công từ mặt đất, biển và từ trên không.

Đáp lại, 3 contenơ chở hàng chứa hệ thống Club-K được đưa lên xe tải, tàu biển và tàu hỏa, sau đó chúng từ các vị trí khác nhau thực hiện đòn tấn công hủy diệt nhằm vào các tàu chiến, xe tăng và máy bay của đối phương.
 
 
 
“Ý tưởng về việc bạn có thể cất giấu một hệ thống tên lửa trong một cái hòm và chở nó đi mà không gây chú ý là khá mới, trước đây chưa từng có ai làm thế cả” - Robert Hewson nói.

Hewson ước tính giá của Club-K với 4 tên lửa hành trình cất giấu trong 1 contenơ tàu biển 40 ft là khoảng 10-20 triệu USD.

“Nếu việc bán các hệ thống này không được tăng cường kiểm soát thì sẽ có nguy cơ chúng có thể lọt vào tay kẻ xấu”, - Hewson nói.

Clip video cho thấy một contenơ tàu biển bình thường với hệ thống Club-K bên trong có thể giấu kín giữa các contenơ khác trên tàu hỏa hay tàu biển. Khi cần, nóc contenơ nâng lên và các tên lửa được dựng thẳng đứng ở tư thế sẵn sàng phóng.

Ông Mikhaik Barabanov, chuyên gia về quốc phòng của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (Nga) nói rằng, theo ông hiểu, Club-K còn đang ở giai đoạn phát triển.

“Khách hàng tiềm năng là tất cả những ai thích ý tưởng này. Được biết Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã quan tâm tới việc mua Club-K”, ông Barabanov nhận định.

Các chuyên gia phương Tây thì cho rằng, khách hàng tiềm năng của hệ thống Club-K là Iran và Venezuela, trong khi một số chuyên gia Nga lại nói Club-K được phát triển để bán cho các nước có đường bờ biển dài như các quốc gia Đông Nam Á.

Ông Barabanov nói rằng, Club-K sử dụng các tên lửa đã được kiểm nghiệm của Viện OKB Novator, một nhà sản xuất vũ khí Nga uy tín, chuyên sản xuất các loại tên lửa đất-không, chống ngầm và các tên lửa phóng từ tàu ngầm.

Một trong các tên lửa đó là biến thể tên lửa đặc biệt dùng để tiêu diệt hạm tàu với tầng 2 tách ra sau khi phóng, tên lửa tăng tốc lên 3M.

”Đây là sát thủ tàu sân bay. Nếu bạn sẽ bị trúng 1 hay 2 quả tên lửa trong số này, tác động động năng của nó sẽ là... đó sẽ là kinh khủng lắm”, Robert Hewson nói. 
 
 

Tính năng của các loại tên lửa hành trình trang bị cho Club-K: 
3M-54TE / 3M-54TE1 / 3M-14TE 
Tầm bắn, km: 12,5-15 - 220 / 15-20 - 300 / đến 275

Tốc độ bay của tầng hành trình, m/s: 180-240 / 180-240 / 180-240

Tốc độ bay của tầng chiến đấu, m/s: không dưới 700 / - / -

Độ cao tiếp cận mục tiêu, m: 5-10 / 5-10 / -

Trọng lượng phần chiến đấu, kg: 200 / 400 / 450.
  • Nguồn: The Washington Post, yutube, topwar, 29.4.2010.

    ---------------------------------------------------------------------------------------------------------

    VietnamDefence - Lầu Năm góc lo ngại hệ thống tên lửa Club-K sẽ làm thay đổi hoàn toàn cán cân quân sự thế giới. Nga trấn an rằng, Club-K trước hết dành cho các nước nhỏ có bờ biển dài, không có điều kiện mua các tàu chiến lớn như ở Đông Nam Á để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
    Lầu Năm góc lo ngại hệ thống tên lửa Club-K của Nga sẽ làm thay đổi hoàn toàn cán cân quân sự thế giới. Vấn đề là ở chỗ Club-K không chỉ cho phép phóng tên lửa từ bất cứ tàu thuyền, xe tải, hay toa xe lửa nào, mà còn làm cho cho chúng vô hình vì Club-K được ngụy trang dưới dạng contenơ chở hàng.

    Mỹ cho rằng, nếu các công nghệ này được đưa vào trang bị cho Venezuela, hay hơn nữa là cho Iran, điều đó có thể làm mất ổn định tình hình thế giới.
    Hệ thống tên lửa contenơ Club-K cho phép phóng tên lửa từ tàu ngầm,
    xe tải và toa xe lửa
    Viện OKB Novator của Nga đã trưng bày hệ thống tên lửa Club-K tại Triển lãm các hệ thống quốc phòng châu Á diễn ra ở Malaysia từ ngày 19-22.4.2010. Mỗi contenơ có giá gần 15 triệu USD.

    Hệ thống tên lửa mà các nhà thiết kế gọi là vũ khí chiến lược rẻ tiền này được trang bị 4 tên lửa hành trình chống hạm hoặc tấn công mặt đất. Hệ thống trông giống như một contenơ chở hàng tiêu chuẩn 12 m được dùng để vận chuyển đường biển. Nhờ cách ngụy trang này, không thể phát hiện ra Club-K cho đến khi nó được kích hoạt.

    Club-K làm thay đổi hoàn toàn luật chơi 
    Các chuyên gia quân sự phương Tây lo sợ rằng, Club-K có thể làm thay đổi luật chơi trong các cuộc chiến tranh với những nước nhỏ khi các nước đó có khả năng từ xa triển khai rất nhiều tên lửa lên tàu thuyền, xe tải hay đường sắt.. Một contenơ nhỏ gọn có thể bố trí trên các tàu thuyền, xe tải, toa xe lửa, và nhờ có cách thức ngụy trang tuyệt hảo cho hệ thống tên lửa, đối phương sẽ phải tiến hành trinh sát kỹ càng hơn nhiều khi lập kế hoạch tấn công.

    “Club-K đang làm thay đổi luật chơi với khả năng tiêu diệt một tàu sân bay cách xa 200 hải lý. Sự đe dọa rộng lớn ở chỗ không ai có thể nói các tên lửa của ban có thể được triển khai xa đến đâu" - Robert Hewson, biên tập viên của tạp chí Jane's Air-Launched Weapons, người đầu tiên đã đưa tin về những tiến triển của Club-K đánh giá.

    Nếu như năm 2003 Iraq có các hệ thống tên lửa Club-K, cuộc xâm lược của Mỹ ở Vùng Vịnh sẽ không thể diễn ra bởi vì bất kỳ tàu chở hàng nào trong vịnh cũng là mối đe dọa tiềm tàng, một số chuyên gia quân sự phương Tây nhận định.
    Tên lửa được lắp kín trong contenơ (SMH)
    “Hệ thống này tạo ra khả năng phổ biến tên lửa đường đạn ở quy mô chúng ta chưa từng thấy. Nhờ sự ngụy trang kỹ lưỡng, các vị sẽ không còn dễ dàng xác định được rằng, vật thể đó được sử dụng như một bệ phóng. Ban đầu, bên bờ biển của các vị xuất hiện một tàu hàng vô hại, nhưng chỉ một phút sau đó những vụ nổ lớn đã vang lên tại các mục tiêu quân sự của các vị”, - chuyên gia tư vấn của Lầu Năm góc về các vấn đề quốc phòng Reuben Johnson nói. Ông cho rằng, hệ thống này sẽ là "nỗi kinh hoàng trên biển thật sự đối với bất cứ ai có bờ biển".

    Hơn nữa, Mỹ và phương Tây cho rằng, không phải ngẫu nhiên Nga quảng cáo, tiếp thị Club-K tại Triển lãm DSA 2010 ở Malaysia và OKB Novator sẽ không tiếp thị hệ thống này nếu không có sự bật đèn xanh của Moskva.

    “Điều làm tôi lo ngại nhất là việc người Nga quảng cáo Club-K tại một sự kiện quốc phòng riêng biệt và họ khai chào bán hệ thống tên lửa này cho tất cả những ai đang bị nguy cơ tấn công từ nước Mỹ”, - Robert Hewson nói. Ông lưu ý rằng, trước đây, Nga đã làm Washington lo ngại khi hứa bán cho Iran các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung S-300 là loại có thể ngăn chặn một cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng vào các mục tiêu hạt nhân của nước này từ phía Mỹ và Israel.

    Hiện tại, Iran và Venezuela đã tỏ ra quan tâm đến hệ thống tên lửa contenơ Club-K, loại tên lửa cho phép họ tiến hành các đòn tấn công phủ đầu từ phía sau hệ thống phòng thủ tên lửa của kẻ địch.

    Nga trấn an Mỹ
    Club-K trên tàu chở contenơ
    Trước việc Mỹ và phương Tây lo ngại Club-K, nhà sản xuất tên lửa là Tập đoàn “Morinformsystema-Agat” đã vội tung ra thông cáo báo chí có tính trấn an. Hãng này khẳng định Club-K dùng để trang bị trước hết cho các tàu thuyền được trưng dụng vào giai đoạn khẩn cấp, bị đe dọa. Không thể sử dụng hệ thống vũ khí này từ một tàu chở contenơ ngẫu nhiên có được.

    “Morinformsystema-Agat” phát triển Club-K xuất phát từ nhận thức rằng, không phải tất cả các nước đều có khả năng duy trì trong biên chế hạm đội của mình những “đồ chơi” đắt tiến như tàu corvette, frigate, khu trục, tuần dương và các tàu uy lực mạnh khác, được trang bị vũ khí tên lửa hiện đại. Tuy vậy, không ai có quyền tước bỏ của các nước đó cơ hội bảo vệ chủ quyền của mình. Đồng thời, một kẻ xâm lược tiềm tàng cũng phải hiểu rõ mình có thể phải hứng chịu tổn thất không thể chấp nhận. 
    Nga có hệ thống kiểm soát xuất khẩu vũ khí nghiêm ngặt nhất thế giới, cho phép loại trừ khả năng chuyển giao trái phép vũ khí vào tay các tổ chức khủng bố. Vì thế, Club-K không những không giúp sức cho khủng bố mà trái lại dùng để đấu tranh hiệu quả chống khủng bố nhà nước.

    Còn theo tổng biên tập tạp chí “Quốc phòng” của Nga Igor Korotchenko, sự lo sợ của Mỹ trước hết liên quan đến nỗi sợ mất lợi nhuận. “Khi chúng tôi bán cho ai đó một loại vũ khí tốt, điều đó hoặc là đụng chạm đến lợi ích địa-chính trị của Mỹ, hoặc là lợi ích của các hãng công nghiệp quân sự cụ thể. Căn cứ vào những bước đi gần đây của ban lãnh đạo Nga, tại thời điểm này, giả thiết thứ hai có nhiều khả năng hơn cả.

    Nước Nga tại thời điểm này ít có ý định nhất trong việc làm mất ổn định an ninh thế giới. Iran trong thời gian tới chắc chắn sẽ không nhận được từ chúng tôi cả S-300, lẫn Club-K. Hơn nữa, hệ thống tên lửa mới trước hết là dành cho các nước có bờ biển dài, ví dụ như cho vùng Đông Nam Á.

    Theo lời ông Korotchenko, ở góc độ địa-chính trị, Club-K có thể là nguy cơ đối với Washington chỉ từ phía Mỹ Latinh vốn tiếp giáp hải phận Mỹ. Các nước thuộc cái gọi là “vành đai đỏ” tại khu vực này vốn tự coi mình là kẻ thù ý thức hệ của Mỹ có thể quan tâm đến Club-K.

    • Nguồn: The Daily Telegraph, 25.4.2010; gzt, 26.04.2010; morinsys. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét