Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Bàn về sự bất ngờ trong cuộc chiến biên giới Việt – Trung


Từ hòa bình chuyển sang chiến tranh, có nghĩa là xã hội có một sự chuyển trạng thái đột ngột. Tất nhiên, nó sẽ xuất hiện rất nhiều dấu hiệu khác thường lưu tâm các nhà lãnh đạo. Các dấu hiệu đó có thể diễn ra một cách lớp lang, có thứ tự, có quy luật nhưng cũng có thể diễn ra một cách hỗn độn, khó hiểu, khó nắm bắt. Điều đó càng đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải thực sự sáng suốt, nhạy bén nắm bắt tình hình, tìm ra quy luật mới có thể chủ động đối phó có kết quả.
Không có gì khó khăn hơn là dự đoán trước thời điểm nổ ra một cuộc chiến tranh. Lịch sử đã cho thấy điều đó.
Sự kiện vào rạng sáng ngày 22.6.1941, nước Đức Hitler bất ngờ tấn công Liên Xô là một thí dụ. Trước đó, quan hệ hai nước diễn ra có vẻ rất tốt đẹp. Thậm chí, Liên Xô và Đức còn ký Hiệp ước không tấn công lẫn nhau. Hitler, bằng những tính toán quỷ quyệt, sẵn sàng bán cho Liên Xô những công nghệ quân sự mới nhất, với ý nghĩ rằng, đằng nào thì Liên Xô cũng không còn đủ thời gian nữa. Chẳng hạn, trong phái đoàn thương mại của Liên Xô sang thăm Đức tháng 5.1939 có Tổng công trình sư máy bay Iacốplép, người được giao nhiệm vụ bí mật tìm cách mua những kỹ thuật hàng không mới nhất của Đức. Để thực hiện sứ mệnh, Xtalin ra lệnh dành cho phái đoàn một triệu đô la và nếu không đủ thì chi thêm một triệu đô la nữa. Và Iacốplép đã mua được nhiều loại máy bay tiêm kích, cả những kỹ thuật hàng không mới nhất của Đức. Đây là một sai lầm lớn, một sự chủ quan, khinh địch mà Hitler phải trả giá rất đắt.
Cho dù Xtalin tin rằng thế nào Đức cũng tấn công Liên Xô nhưng đêm trước chiến tranh, khi Tổng tham mưu trưởng Giucốp báo cáo có một người lính Đức từ điểm xuất phát tiến công chạy sang Nga thông báo cuộc xâm lược của Đức, ông ta vẫn chưa tin, sợ rơi vào một âm mưu khiêu khích của Đức sẽ dẫn đến những rắc rối lớn. Do đó, ông ta chưa cho phép Giucốp ra các mệnh lệnh cần thiết cho quân đội.
Trái ngược với bối cảnh nước Đức tấn công Liên Xô năm 1941, bối cảnh trước cuộc chiến biên giới Việt – Trung lại diễn ra khác hẳn. Sau năm 1975, quan hệ Việt – Trung đột ngột xấu hẳn đi mà nguyên nhân chính là do Trung Quốc. Một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất không bao giờ là mong muốn của họ. Thế là Trung Quốc nhanh chóng sử dụng bọn Pol Pot quấy rối biên giới phía Tây Nam, gây ra vụ “nạn kiều”, kế đó cắt viện trợ, rút toàn bộ chuyên gia về nước. Trung Quốc công khai nói xấu Việt Nam. Cho đến những ngày đầu tháng 2 năm 1979, Đặng đi Mỹ, Nhật Bản tìm sự hậu thuẫn cho cuộc tấn công Việt Nam, gọi “Việt Nam là tên côn đồ phương Đông”, đòi “dạy cho Việt Nam một bài học” – tình hình hai bên rõ ràng đã căng thẳng đến tột độ.
Những nhà lãnh đạo Việt Nam không thể không nhận thấy, một cuộc chiến đã cận kề. Từ rất sớm, Lê Duẩn đã nói, trong việc xử lý cuộc chiến biên giới Tây Nam, nếu ta tấn công Cambodia, Trung Quốc sẽ tấn công ta. Lùi xa hơn nữa, Lê Duẩn đã cho thấy ông hiểu rất rõ âm mưu và dã tâm của Trung Quốc. Và, sau năm 1975, tiếng nói của Lê Duẩn có tính cách quyết định, trong mọi lĩnh vực. Bấy giờ, ông cũng là Bí thư Quân ủy Trung ương, theo Điều lệ Đảng mới – Tổng bí thư kiêm giữ chức Bí thư Quân ủy Trung ương.
Thế nhưng, vào lúc 5 giờ 25 sáng ngày 17.2.1979, Trung Quốc nổ súng tấn công Việt Nam và Việt Nam bị bất ngờ hoàn toàn. Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, sau khi ra lệnh cho quân đội chuyển về trạng thái cấp 2, đã cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng bay đi Cambodia và họ nhận được tin Trung Quốc tấn công khi đang ở Cambodia. Còn tướng Đàm Quang Trung – “chiều hôm trước ngày 17.2 đồng chí Thượng tướng Đàm Quang Trung còn đứng ở xã Quang Lang Cao Bằng nói rằng: Cho kẹo Trung Quốc cũng không dám đánh ta, không đánh được ta đâu?” (Theo Đại tá Quách Hải Lượng – tư liệu của nhà văn Phạm Viết Đào).
Rõ ràng, Trung Quốc đã giành được sự bất ngờ về chiến thuật.
Về hướng tấn công từ biên giới phía Bắc, đó không phải là bất ngờ đối với Việt Nam. Nhưng, quy mô cuộc tấn công đã làm cho Việt Nam bất ngờ. Về không gian, Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới, từ cực Tây Bắc (Phong Thổ, Lai Châu) đến cực Đông Bắc (địa đầu Móng Cái). Về lực lượng, có tới chín quân đoàn chủ lực Trung Quốc áp sát biên giới vào ngày 17.2, trong khi lực lượng vũ trang Việt Nam tổng cộng chỉ có khoảng mười một sư đoàn. Trung Quốc sử dụng tới trên 550 xe tăng, xe thiết giáp và bổ sung liên tục trong quá trình tấn công.
Do giành được yếu tố bất ngờ, tốc độ quân Trung Quốc tiến nhanh trong những ngày đầu đã bắt đầu chậm lại do hệ thống hậu cần lạc hậu và sự đánh trả quyết liệt của quân Việt Nam – bấy giờ chủ yếu là lực lượng địa phương. Phương thức tác chiến lạc hậu, có phần “vụng về” của quân Trung Quốc xem ra cũng là “bất ngờ” cho Việt Nam. Mục tiêu quân Trung Quốc rất dễ lộ, chiến thuật kém, lại không có không quân yểm hộ. Họ chỉ giỏi sử dụng chiến thuật biển người nhưng lấy người đâu ra cho đủ? Vả lại, sự thiệt hại quá lớn về quân số sẽ tác động không nhỏ đến tinh thần binh sỹ tham chiến, là bất lợi cho quân Trung Quốc. Tác chiến với quân Trung Quốc “dễ” hơn nhiều so với tác chiến với quân Mỹ – một quân đội hiện đại, thiện chiến, cơ động nhanh, hỏa lực mạnh và rất giỏi trong nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.
Như vậy, cả Liên Xô (chiến tranh với Đức) và Việt Nam (chiến tranh với Trung Quốc) đều bị bất ngờ chiến thuật là thời điểm nổ ra chiến tranh, mặc dù về chiến lược, Liên Xô và Việt Nam đều không bất ngờ. Nói cách khác, bên tấn công đã giành được yếu tố bất ngờ trước trận đánh. Về quy mô tấn công, Liên Xô và Việt Nam cũng đều bị bất ngờ. Nhưng, trong khi quân đội Liên Xô phải chạy dài, rút lui hết nơi này đến nơi khác trong thời kỳ đầu chiến tranh thì quân Việt Nam lại kiên quyết bám trụ, đánh chặn quyết liệt, ngăn cản rất hiệu quả bước tiến của quân Trung Quốc, chờ chủ lực đưa từ Cambodia về phản công.
Việc Trung Quốc tuyên bố rút quân từ ngày 5.3.1979 dường như cũng làm Việt Nam bất ngờ và Việt Nam có vẻ không tin điều đó. Bởi, cùng ngày Việt Nam đã ra lệnh Tổng động viên nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ và ác liệt.
Một bất ngờ không thể không nói tới là sự dã man, tàn ác của quân Trung Quốc. Họ thực hiện chính sách “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”. Tất cả nhà máy, thiết bị, hầm mỏ, cầu cống, nhà cửa đều bị quân Trung Quốc phá tan hoang. Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn chỉ còn là một đống gạch vụn.
“Tại Cao Bằng, quân Trung Quốc lần lượt đập nát từng ngôi nhà, từng công trình và trước khi rút lui đã ốp mìn cho nổ tung từng cột điện. Ở Bát Xát, Lào Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang. Tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9.3, trước khi rút quân, lính Trung Quốc đã giết bốn mươi ba người, gồm hai mươi mốt phụ nữ, hai mươi trẻ em, trong đó có bảy phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pot. Mười người bị ném xuống giếng, hơn ba mươi người khác, bị chặt ra nhiều khúc, thây vứt hai bên bờ suối” (Huy Đức – Giải phóng, Bên Thắng Cuộc).
Nhìn sâu vào cuộc chiến, rốt cuộc chúng ta thấy, phía bất ngờ trong cuộc chiến biên giới Việt – Trung chính là Trung Quốc. Họ đã bất ngờ đến sửng sốt khi tung ra một lực lượng áp đảo – “dùng dao mổ trâu để giết gà”, tưởng có thể nhanh chóng đè bẹp Việt Nam nhưng lại bị đánh cho tan tác. Chính Trung Quốc mới là người bị Việt Nam “dạy cho một bài học” – bình luận của báo chí thế giới. Lịch sử sẽ tiếp tục dành cho Trung Quốc sự bất ngờ lớn hơn nữa, nếu như họ quyết tâm phiêu lưu mạo hiểm. Đó là điều chúng ta luôn tin tưởng, sau khi suy nghĩ về sự bất ngờ trong cuộc chiến biên giới Việt – Trung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét