Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

“Chiến tranh Thế giới thứ Ba” sẽ bắt đầu ở châu Á?


Ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến ấy? Xét cả về thực tại lẫn lịch sử, một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ dường như có thể xảy ra, và nếu đúng thế, thì đấy sẽ là cuộc đọ sức thế kỷ.
Trung Quốc là một cường quốc đang lên và đang quyết tìm kiếm vị trí là một trong những cường quốc hàng đầu trên thế giới. Nhớ lại, vào thế kỷ 18, trước “thời kỳ ô nhục” do các cường quốc phương Tây áp đặt, Trung Quốc từng đóng góp gần 1/3 nguồn của cải của thế giới so với 2% vào thế kỷ 20 và 12% hiện nay. Một trong những câu hỏi được đặt ra là cuộc đối đầu này sẽ mang hình thức nào? Và phải chăng, cuộc đối đầu này không nhất thiết là vũ trang và nếu nó là bằng quân sự thì cũng không phải là mang tính toàn cầu. Ưu tiên đầu tiên của Trung Quốc là thiết lập sự bá quyền trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Để đạt được mục đích này, Trung Quốc phải đối phó với Mỹ - người bảo hộ cho nhiều nước trong khu vực. Một số người Trung Quốc cho rằng chỉ cần cân bằng với sự có mặt của Mỹ, một số người khác lại cho rằng cần phải đánh bật Mỹ khỏi khu vực. Thế nhưng, cũng có không ít người, tự coi mình là những người “có đầu óc thực tế nhất”, lại cho rằng sự có mặt của Mỹ đang góp phần bảo đảm an ninh cho Trung Quốc bằng cách ngăn cản các cường quốc khác trong khu vực, chẳng hạn Nhật Bản, sở hữu vũ khí hạt nhân. Cuộc xung đột giữa hai nước có thể tránh được nếu các nhà lãnh đạo Mỹ cũng như Trung Quốc đủ khôn khéo để làm dịu tình hình căng thẳng và tìm ra được một hình thức hợp tác kết hợp thông minh giữa kiềm chế và cam kết. 
Từ sự sụp đổ của Liên Xô, Trung Quốc đã rút ra được bài học là thật hão huyền khi ra sức tìm kiếm một sự ngang hàng về quân sự với Mỹ. Trái lại, Trung Quốc cho rằng sự bá quyền khu vực – ít ra là trong một thời gian đầu – không những nâng tầm của mình lên mà còn phù hợp với số phận lịch sử của mình. Chính vì thế Trung Quốc đã dành cho quốc phòng một khoản ngân sách rất lớn mặc dù vẫn còn thấp hơn của Mỹ nhiều. Trung Quốc phát triển hệ thống vũ khí (tên lửa, tàu sân bay, tàu ngầm…) cho phép họ ngăn chặn Mỹ can thiệp vào cái mà Trung Quốc gọi là những lợi ích sống còn của mình, nhất là những yêu sách về Đài Loan và về các đảo ở những vùng biển quanh họ, đang bị tranh chấp với Nhật Bản hoặc Việt Nam và Philíppin… Nhiều người cho rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang tiến tới một cuộc chiến tranh lạnh mới và thế giới đang chứng kiến một cuộc đối đầu về mô hình của hai nước do sự phụ thuộc lẫn nhau quá mạnh và quá nhiều giữa hai nước. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không loại trừ những nguy cơ xảy ra xung đột, thậm chí nó còn có thể góp phần làm gia tăng tình trạng căng thẳng. Do tương quan lực lượng chênh lệch về quân sự nên khả năng dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh dường như thực tế hơn là một cuộc chiến nóng.
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh lạnh ấy có thể mang một bộ mặt hoàn toàn khác: Trung Quốc chơi con bài phát triển kinh tế trong khi Mỹ, theo cách của Liên Xô trước đây, sa lầy vào một cuộc chạy đua vũ trang vô ích và quá tốn kém mà cường quốc hàng đầu thế giới này dường như không thể duy trì được nữa. Tuy nhiên, không thiếu những dấu hiệu đầu tiên của xu hướng này: chi phí quốc phòng quan trọng nhưng còn tương đối ít của Trung Quốc vẫn khiến các nhà chiến lược Mỹ lo ngại và hậu quả là ngân sách quốc phòng của Mỹ vẫn cao quá mức. Đồng USD, dường như ngày càng nằm trong tay Trung Quốc nhiều hơn, có thể đến lúc nào đó nước này sẽ đủ sức để mặc cả với Mỹ; cán cân thương mại rõ ràng là nghiêng về phía Trung Quốc. Cuối cùng, ảnh hưởng của Trung Quốc (về ngoại giao, chính trị, văn hóa…) ngày càng lớn, sẽ giúp gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế, gây thiệt hại cho Mỹ. Đó là một kiểu chiến tranh “mềm”, ám chỉ “quyền lực mềm” mà hiện nay người ta đang chứng kiến và có nguy cơ trở thành đặc trưng trong mối quan hệ giữa hai nước trong những thập niên tới. Và chính về khía cạnh này, trái với chiến lược của Liên Xô trước đây, Trung Quốc đang triển khai tất cả những nỗ lực nhằm thể hiện mình trước sự chứng kiến của thế giới như một cường quốc trên nhiều khía cạnh và không chỉ là một chế độ chỉ dựa vào sức mạnh quân sự của mình. Đối mặt với điều đó, Mỹ đang phải vất vả tìm ra một chiến lược thích hợp để đối phó với người khổng lồ châu Á này, mà hiện Oasinhtơn vẫn chưa có. 
Tương lai nào cho mối quan hệ Trung-Mỹ? 
Tái đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai, ông Barack Obama phải đối mặt với vô vàn thách thức, trong đó vấn đề cấp bách nhất là mối quan hệ giữa hai siêu cường kinh tế thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Đúng một tuần sau khi ông Obama tái đắc cử, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đã được bầu ra tại Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Trung Quốc từ năm 2008, đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc bầu làm người đứng đầu Đảng, và chỉ sau ít tháng, ông cũng là người kế tục Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Từ nay, ông Obama sẽ phải đối mặt với một nhà lãnh đạo Trung Quốc trẻ tuổi hơn (59 tuổi), vững vàng hơn và gần gũi với quân đội hơn so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Vậy hai nhà lãnh đạo này (Obama và Tập Cận Bình) sẽ giải quyết thế nào đây việc cùng chung sống khó khăn, bởi họ vừa là đối tác vừa là kẻ thù? Chưa bao giờ trong lịch sử của nước Mỹ, vấn đề Trung Quốc lại được nêu lên nhiều như vậy trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2012: trên thực tế, Trung Quốc là nước đã gây ra tất cả những điều tệ hại mà Mỹ phải gánh chịu, nhất là những khó khăn về kinh tế. Tập Cận Bình đã gặp ông Obama hồi tháng 2/2012 và có ý định làm cho hai nước xích lại gần nhau hơn. Nhưng quan hệ giữa hai nước vẫn căng thẳng hơn bao giờ hết, đến mức nhiều người dự đoán rằng một cuộc đụng độ sẽ là tất yếu về hai vấn đề gay cấn nhất. Trước hết là cuộc chiến tranh kinh tế đã bắt đầu diễn ra từ lâu nay. Cho dù Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế số một thế giới, nhưng Mỹ vẫn lo ngại một Trung Quốc đang dần trở nên hùng mạnh về kinh tế hết năm này sang năm khác và vẫn tìm cách tăng cường sự có mặt của mình ở châu Á và trên khắp hành tinh. Sự lo ngại này càng tăng khi một báo cáo được công bố mới đây của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nói rằng đến năm 2016 Mỹ sẽ bị mất vị trí cường quốc số một thế giới về kinh tế, do bị Trung Quốc vượt mặt, sau đó là Ấn Độ. 
Ngoài cuộc chiến tranh về kinh tế, cuộc đụng độ được dự đoán giữa hai cường quốc này sẽ là quân sự: Mỹ sẽ không cho phép Trung Quốc tăng cường sự bá quyền của mình ở châu Á và sẽ không để cho Trung Quốc có cơ may thực hiện chủ quyền của mình đối với đảo Điếu Ngư/Senkaku đang bị tranh chấp với Nhật Bản, một đồng minh trung thành của Mỹ. Chính vì thế Mỹ đã bao vây Trung Quốc bằng những liên minh quân sự trong khu vực này và những căn cứ ở đây, như Philíppin, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Thách thức chính của ông Obama vào lúc này là không được để mâu thuẫn với Trung Quốc ngày càng gay gắt, nhất là vị tân chủ tịch của Trung Quốc là người gần gũi với quân đội hơn so với người tiền nhiệm. Vào lúc này, vấn đề đối ngoại cấp bách nhất là tình hình căng thẳng nghiêm trọng trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, nhất là với Nhật Bản. Mới đây, Nhật Bản đã bày tỏ hy vọng sẽ có “những lợi ích tương hỗ” với ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Naoko Saiki, đã tuyên bố rằng nước ông hy vọng những lợi ích chiến lược chung với ban lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ phát triển. Hiện nay, Nhật Bản đang tìm cách xác định những phương hướng của ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc, điều hiện vẫn là một ẩn số, nhưng Nhật Bản cho rằng cũng không quá lo ngại bởi vì trong ban lãnh đạo mới vẫn có nhiều nhân vật có tư tưởng bảo thủ. Tập Cận Bình sẽ hành động thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này với Nhật Bản? Chưa ai biết câu trả lời sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn là ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc sẽ biến nước này thành “cường quốc biển” và thách thức với cường quốc Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng ta không nên quên rằng mới đây Trung Quốc đã khẳng định là muốn tăng cường cơ sở hạ tầng ở các hòn đảo đang tranh chấp, một quyết định có thể làm nóng lên mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản. Và bằng chứng là Bắc Kinh vừa mới khánh thành tàu sân bay đầu tiên vào tháng 9/2012, đồng thời nhiều lần tuyên bố quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích biển của mình. 
Về quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, người ta đều biết, mới đây Mỹ đã công khai bày tỏ mong muốn duy trì mối quan hệ “có tính xây dựng” với Trung Quốc vào thời điểm mà hai cường quốc hàng đầu thế giới đều đang có những tham vọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Mark Toner, nhấn mạnh: “Chúng ta từng làm việc rất tốt với êkíp lãnh đạo trước đây của Trung Quốc và chúng ta hy vọng cũng sẽ làm việc tốt với ban lãnh đạo mới của Trung Quốc. Chúng ta đã lập ra các cơ chế cho phép chúng ta có những mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc”. Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều bất đồng, nhất là về các vấn đề kinh tế, nhân quyền hay cuộc xung đột ở Xyri và vấn đề hạt nhân của Iran . Thực chất, ai cũng biết Chính quyền Obama đang muốn tăng cường những khả năng ngoại giao và quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc, bởi vì châu Á-Thái Bình Dương là “trụ cột” của nền ngoại giao Mỹ. Theo các nhà phân tích, Tập Cận Bình khó có thể cải thiện được mối quan hệ với Mỹ, và những bất đồng giữa hai nước sẽ ngày càng gia tăng, nhất là Bắc Kinh sẽ không chịu nhượng bộ Oasinhtơn về các vấn đề cơ bản như chủ quyền dân tộc. Theo các nhà phân tích, trong các vấn đề ưu tiên của chính phủ mới ở Trung Quốc, Nga sẽ nằm ở vị trí thứ hai, sau Mỹ, bởi vì Tập Cận Bình sẽ chỉ có một sự lựa chọn, đó là tăng cường quan hệ đối tác với Nga. Mặc dù quan hệ thương mại và kinh tế giữa Nga và Trung Quốc vẫn ở mức độ trung bình, nhưng mối quan hệ chính trị và chiến lược giữa hai nước lại đang ở mức độ cao. Vì vậy, trước hàng loạt thách thức trong và ngoài nước này, đặc biệt là những thách thức từ phía Mỹ, nhiệm kỳ của Tập Cận Bình báo hiệu sẽ tập trung mạnh vào quan hệ với Nga. 
Mỹ quyết hướng tới Châu Á-Thái Bình Dương 
Trong một bài diễn văn đọc tại hội nghị về an ninh cách đây chưa lâu ở Xinhgapo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã nói rằng trong thập niên tới, Mỹ sẽ triển khai đa số lực lượng hải quân của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quyết định này nằm trong một bước ngoặt then chốt trong chiến lược thế giới của Mỹ, nước đang đưa Trung Quốc lên đầu danh sách các mục tiêu phải đối phó. Việc huy động các tàu chiến này diễn ra song song với việc tăng số cuộc tập trận của Lầu Năm Góc tại khu vực này, bao gồm lực lượng không quân, hải quân và lục quân. Cuộc tập trận lớn nhất sẽ được thực hiện phối hợp công khai hoặc ngấm ngầm với các nước, là các đồng minh của Mỹ chống Trung Quốc, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia và Philíppin. Ông Panetta đã nói chi tiết về “sự chuyển hướng sang châu Á” mà Tổng thống Obama đã thông báo hồi năm ngoái và ông cho biết việc rút quân khỏi Irắc và bắt đầu rút quân khỏi Ápganixtan sẽ cho phép quân đội Mỹ triển khai thêm quân ở khu vực Trung Đông. Ông Panetta cũng đã khẳng định rằng mọi hoạt động của quân đội Mỹ đều tập trung vào việc thực hiện chỉ thị của Tổng thống Obama là biến khu vực châu Á-Thái Bình Dương thành một ưu tiên tuyệt đối. Việc triển khai hiện nay lực lượng hải quân Mỹ thực hiện theo tỷ lệ khoảng 50/50 giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Điều này sẽ thay đổi từ nay đến năm 2020 để đạt tới tỷ lệ 60/40 nghiêng về Thái Bình Dương, và ông Panetta cho biết ở đây sẽ có 6 tàu sân bay, và lực lượng tàu chiến và tàu ngầm “rất phong phú”. Ông gọi các lực lượng này là “yếu tố chủ yếu” trong cam kết của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương. Ông Panetta đặc biệt ca ngợi thỏa thuận đã ký kết vào mùa Thu năm 2012 với Ôxtrâylia về việc triển khai hải quân Mỹ tại Bắc Ôxtrâylia bằng cách gọi đó là “điểm nhấn” trong việc tăng cường sự có mặt về quân sự của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Các lực lượng này có thể can thiệp một cách nhanh chóng vào những nơi nhạy cảm như eo biển Malắcca, có tính chất sống còn đối với thương mại của Bắc Kinh, nhất là vận chuyển dầu lửa từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi về Trung Quốc. Mỹ đang tiến hành thương lượng một thỏa thuận tương tự để luân chuyển các lực lượng mặt đất tới Philíppin.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang dự định thực hiện những sự dàn xếp như vậy với các nước khác trong khu vực. Từ năm 2011 đến nay, quân đội Mỹ liên tục tìm kiếm thêm, ngày càng nhiều, cuộc tập trận tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù ông Panetta đã khẳng định rằng việc tăng cường hải quân Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương không phải là nhằm vào Trung Quốc, nhưng người ta vẫn tự hỏi nước nào khác có thể là mục tiêu của các biện pháp trên? Bắc Triều Tiên có một nhóm tàu biển không hề là mối đe dọa đối với Hàn Quốc, và càng không đối với Mỹ. Khi ông Panetta nói rằng người Mỹ, đang “sáng suốt trước các thách thức” thì tất cả, kể cả Bắc Kinh, đều hiểu được nội dung của bức thông điệp ấy. Sau khi rời Xinhgapo, ông Panetta đã tiếp tục hành trình bằng chuyến thăm Việt Nam và Ấn Độ, hai nước từng lần lượt có chiến tranh với Trung Quốc vào năm 1979 và 1962. Tại Việt Nam , ông Panetta đã nói chuyện với các thủy thủ Mỹ phục vụ trên một tàu vận tải của Mỹ lúc ấy đang cập bến vịnh Cam Ranh, nơi từng là căn cứ lớn nhất của hải quân Mỹ tại châu Á trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam . Với Ôxtrâylia, một cuốn sách mới được công bố tiết lộ rằng Sách Trắng về quốc phòng năm 2009 của nước này bao gồm “chương mật” đánh giá về vai trò của Ôxtrâylia trong hợp đồng tác chiến với Mỹ tại một cuộc chiến trên không và trên biển có thể xảy ra trong vùng này. Chương này không được phổ biến công khai bởi vì nó có những thông tin tham khảo nói về các lực lượng Ôxtrâylia hỗ trợ quân đội Mỹ áp đặt lệnh phong tỏa các con đường biển như thế nào nếu chiến tranh xảy ra. Hiện nay, Ôxtrâylia đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan do Mỹ, đồng minh chiến lược và quân sự chủ chốt của họ, có thái độ ngày càng gay gắt với Trung Quốc, hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ôxtrâylia. Tuy có mối lo ngại như vậy song Sách Trắng trên vẫn kiến nghị dành 100 tỷ USD trong thập kỷ tới để trang bị cho quân đội Ôxtrâylia tàu ngầm mới, tàu chiến, máy bay chiến đấu và các thiết bị mũi nhọn khác, nhằm chuẩn bị cho cuộc “xung đột thế kỷ” có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là khi quan hệ giữa hai người khổng lồ của thế giới là Mỹ và Trung Quốc liên tục căng như dây đàn trong suốt thời gian qua và luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ./. 
Theo tờ “Chính trị thế giới” (ngày 4/3)
Lê Sơn (gt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét