TPO-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát quân cảng Tam Á là hành động mới nhất thể hiện mối quan tâm hàng đầu đến xây dựng quân đội hùng mạnh trên Biển Đông, theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng hôm 12/4 (SCMP).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm quân cảng Tam Á. |
Trong chuyến thăm hạm đội Nam Hải hôm thứ ba, 9/4, ông Tập Cận Bình kêu gọi các binh sỹ chuẩn bị tốt tinh thần chiến đấu. Tuy nhiên, thông tin trên chỉ được truyền thông của quân đội và nhà nước đăng tải hôm 11/4.
Chuyến thị sát đơn vị quân sự diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Tập Cận Bình bất ngờ tới thăm các ngư dân hoạt động trong vùng Biển Đông tranh chấp. Theo SCMP, đây được coi là động thái nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới các nước láng giềng đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 11/4 đưa tin, ông Tập Cận Bình thị sát các tàu thuộc hạm đội Nam Hải. Trong số các tàu có một tàu ngầm loại mới (không xác định rõ) và tàu đổ bộ Jinggangshan, con tàu tham gia trong cuộc tập trận 16 ngày và vừa kết thúc nhiệm vụ tuần tra Biển Đông vào tuần trước.
Chủ tịch Tập Cận Bình trò chuyện với các nữ binh sỹ. Khi đến thăm tàu ngầm và ăn trưa cùng với các binh sỹ, ông nói mức sống của quân đội đã được cải thiện, đồng thời kêu gọi binh sỹ nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Tờ SCMP cho biết ông ra lệnh cho lực lượng hải quân phải ghi nhớ mục tiêu xây dựng quân đội Trung Quốc hùng mạnh. Ông kêu gọi các binh sỹ “hợp nhất mục tiêu cá nhân với mục tiêu xây dựng một quân đội vững mạnh”, và nhấn mạnh sự cần thiết của việc “nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu” và mục tiêu trở thành cường quốc về hằng hải, mở rộng quản lý đại dương.
Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo từ tháng 11 năm ngoái, ông Tập Cận Bình thường xuyên đến thăm các lực lượng bộ binh, hải quân, không quân.
Hôm 11/4, Cục quản lý Hải dương Nhà nước cũng ban hanh kế hoạch phát triển hằng hải, tuyên bố mở rộng phạm vi bảo vệ các quyền hằng hải bằng việc mua tàu và máy bay mới.
Theo kế hoạch này, các chiến dịch sẽ thường xuyên được đưa ra để bảo vệ tàu cá ở Biển Đông và vùng biển Hoa Đông, tăng cường thăm dò khí đốt ở vùng biển tranh chấp và biển Hoàng Hải.
Một số các biện pháp khác được đề cập trong bản kế hoạch này đó là xây dựng chính sách tài khóa và thuế đối với phát triển kinh tế hằng hải và tham gia vào các hoạt động hằng hải quốc tế.
Giáo sư Wang Hanling, một chuyên gia hằng hải tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh tuần tra trong vùng biển tranh chấp sau khi thỏa thuận đánh bắt cá giữa Đài Bắc và Tokyo được ký kết.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên “đường chín đoạn”, chiếm hầu hết Biển Đông và gần đây liên tục có những động thái ngang ngược gây bất bình trong dư luận quốc tế.
Gần đây nhất, hôm 20/3/2013, khi tàu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động tại ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc truy đuổi và bắn cháy cabin.
Hôm 25/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết: “Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.”
Phan Yến
Theo SCMP
Theo SCMP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét