Cục diện quân sự châu Á Thái Bình Dương đang thay đổi từng ngày, từng
giờ. Những cuộc phối hợp tập trận liên tục, những chiến lược bày binh bố
trận sắp xếp lại “đội hình”, những phi vụ mua bán vũ khí nóng hừng hực…
Nổi trội hơn hẳn vẫn là cuộc chiến cân bằng quân sự giữa Mỹ và Trung
Quốc (TQ). Đằng sau các cuộc đấu võ mồm và chiến lược ngoại giao giành
ưu thế trên bàn cờ chính trị là những vụ đầu tư cho vũ trang giữa hai
bên. Mỹ liệu có thể duy trì ưu thế đến chừng nào, trước sự nổi dậy của
TQ?
http://www.petrotimes.vn/news/vn/quoc-te/my-va-chuong-trinh-_quottai-phoi-tri_8221-hai-quan.html
Từ các cuộc nội soi…
Trong cuộc phỏng vấn chương trình This Week của Đài ABC ngày 27/5/2012,
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta lại than thở việc cắt giảm ngân
sách quốc phòng khiến có thể mang lại “thảm họa” cho quân đội Mỹ nói
riêng và an ninh nước Mỹ nói chung. Trong tình thế hơn bao giờ hết cần
tiền cho việc nâng cấp quân đội mà bị cắt tỉa ngân sách có phải khác nào
cầm chắc lá cờ trắng trong tay?! Trong bài viết trên The Diplomat
(22/5/2012), Thượng nghị sĩ John McCain cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh
Washington dồn trọng tâm vào châu Á – Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ vẫn
còn chưa đạt được mục tiêu 313 tàu chiến, trong khi Nội các Obama tính
cho nghỉ hưu non 7 tàu tuần dương (lớp Ticonderoga); hủy kế hoạch cung
cấp hai tàu vận tải cần thiết cho thủy quân lục chiến; và trì hoãn việc
mua 1 tàu đổ bộ lớn, 1 tàu ngầm lớp Virginia, 2 tàu chiến duyên hải và 8
tàu vận tải cao tốc. Trước đó, Thượng nghị sĩ Carl Levin cũng cho rằng,
Hải quân Mỹ phải được nâng cấp lên với 346 tàu chiến mới có thể “bảo vệ
những lợi ích chiến lược của chúng ta ở Thái Bình Dương”.
Bằng vào những con số thống kê (với ngôn ngữ thể hiện bi đát được làm
đậm một cách có chủ ý), có thể nói Hải quân Mỹ đang trong tình trạng khá
thảm não. Trên chuyên san quân sự Proceedings Magazine (9/2010), tác
giả Mackenzie Eaglen cho biết, Hải quân Mỹ hiện có quân số ít hơn bất kỳ
giai đoạn nào kể từ năm 1941 và ít tàu chiến hơn bất kỳ giai đoạn nào
kể từ năm 1916! Hiện thời, Nga và TQ có tổng cộng 12 dây chuyền sản xuất
oanh tạc cơ và chiến đấu cơ trong khi Mỹ chỉ còn một dây chuyền sản
xuất chiến đấu cơ thế hệ thứ năm. Từ sau Chiến tranh lạnh, Hải quân Mỹ
đã giảm số hàng không mẫu hạm (HKMH) cũng như “chất lượng lẫn số lượng
không lực hải chiến”. Năm 1991, Hải quân Mỹ có 15 HKMH và 377 chiếc F-14
Tomcat thuộc 26 phi đội. Năm 1999, Mỹ chỉ còn 12 HKMH và 235 chiếc
Tomcat.
Năm 1990, Mỹ có 566 tàu chiến các loại. 20 năm sau, họ chỉ còn 291 tàu
chiến. Năm 2006, Hải quân Mỹ đã cho chiếc F-14 cuối cùng vào nhà kho;
thay bằng F/A-18E/F Super Hornet. Xét về chi phí, Super Hornet tiết kiệm
được 1/2 ngân sách so với F-14 cho mỗi giờ bay; nhưng về tầm hoạt động,
tốc độ lẫn khả năng tác chiến không đối không, “cái thứ đáng vất đi”
F-14 lại trội hơn hẳn Super Hornet. Nói cách khác, việc buộc phải sử
dụng Super Hornet là chuyện chẳng đặng đừng, do ngân sách bị bóp, chứ
không phải bởi Tomcat kém hiện đại và hiệu quả hơn.
Năm 2009, (cựu) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói rằng: “TQ dự
kiến không có chiếc chiến đấu cơ thế hệ thứ năm nào vào trước năm 2020;
và đến năm 2025, khoảng cách giữa Mỹ và TQ chỉ có thể càng giãn rộng.
Lúc đó, Mỹ đã có thể có 1.700 chiến đấu cơ thế hệ thứ năm hiện đại bậc
nhất trong khi TQ cùng lắm cũng chỉ có vài chiếc”. Trên chuyên san
Foreign Affairs (1/2009), Robert Gates viết: “Dù Hải quân Mỹ đã co lại
đáng kể từ sau Chiến tranh lạnh nhưng xét về tấn (trọng lượng) mà nói
thì các hạm đội chiến đấu Mỹ vẫn còn lớn hơn hải quân của 13 quốc gia kế
tiếp, trong đó 11 nước là đồng minh hoặc đối tác chiến lược của Mỹ”.
Trấn an của Gates không làm những ý kiến bi quan bớt bồn chồn…
…đến kế hoạch “tái phối trí” bằng AirSea Battle
Tháng 1/2010, Nga cho bay thử lần đầu tiên chiến đấu cơ thế hệ năm
T-50, ra lò từ Hãng Sukhoi, nơi sản xuất Su-27/Su-30 Flanker, Su-30MKK
và Su-30MK2 – những thứ hàng nóng mà TQ là khách sộp mua nhiều nhất hai
thập niên qua. Và rồi, tháng 1/2011, TQ đã thật sự làm Mỹ “choáng váng”
khi “sơ hở” làm “lộ” chuyến bay thử đầu tiên của chiến đấu cơ tàng hình
thế hệ thứ năm J-20 (Tiêm nhị linh).
Nhận định sự kiện này, Roger Cliff – nhà khoa học chính trị thuộc tổ
chức nghiên cứu RAND – nói rằng: “Chúng ta đã quen với một thế giới mà
không lực chúng ta chiếm ưu thế tuyệt đối. Tuy nhiên, ưu thế này bắt đầu
bị nghi vấn”. Cùng nhận xét tương tự, Giáo sư Huang Jing – chuyên gia
về quân sự TQ thuộc Đại học Quốc gia Singapore – nói: “Chúng ta đã ở
trong tình trạng mù. Chúng ta cứ nghĩ quân đội TQ thua chúng ta 20 năm
nhưng bất ngờ chúng ta nhận ra TQ đang đuổi theo sát gáy”.
Để đối phó với TQ, nước đang được tô bằng những gam màu cực đậm trên
báo chí Mỹ cũng như giới chính trị Washington như một cường quốc quân sự
biển, Mỹ phải làm gì? Cuối hè 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta (cựu
sếp CIA) đã ký chuẩn y việc thành lập Cục tác chiến hải – không (AirSea
Battle Office), biến khái niệm mang tính lý thuyết quân sự “AirSea
Battle” (ASB) thành hiện thực – một học thuyết chiến tranh được thiết kế
với mục đích khống chế khả năng “A2/AD” đang ngày càng hoàn thiện của
TQ (“anti-access/area-denial” – thuật từ quân sự hiện đại có thể hiểu
nôm na là khả năng ngăn chặn thâm nhập tạo ra vùng trống vô hiệu hóa đối
phương).
Giới quân sự Mỹ tin rằng, môi trường, khả năng cũng như kỹ thuật
“A2/AD” mà TQ đang triển khai (chẳng hạn tên lửa sát thủ Đông Phong, tức
DF-21D, thế hệ vũ khí đầu tiên được tin là có thể diệt được HKMH) chỉ
có thể được hóa giải bằng chiến thuật ASB. “Tinh thần” của ASB, theo
tướng tư lệnh không quân Norton A. Schwartz và tướng tư lệnh các chiến
dịch hải quân Jonathan W. Greenert, là phát triển khả năng điều phối để
giúp bộ chỉ huy tác chiến đồng bộ, với chiến thuật “tấn công chiều sâu
thông qua việc phối hợp liên kết mạng” để “phá vỡ, tiêu diệt và đánh
bại” đối phương, theo phương châm tác chiến “3D” (disrupt, destroy và
defeat). Với ASB, hải lục không quân phải trở thành một khối liên kết,
được kết nối thông qua mạng liên lạc để cùng tấn công các điểm khác nhau
của hệ thống địch bằng ba chuỗi (hoặc làm mù mắt cung thủ đối
phương-disrupt; hoặc hạ chết cung thủ – destroy; hoặc chặn đứng mũi tên
đối phương – defeat).
Cơ động và tinh gọn cũng là yếu tố cốt lõi trong khái niệm ASB, với
việc thiết lập các điểm tác chiến linh hoạt, hơn là dồn quân vào những
căn cứ thuê ở nước ngoài. Tổng quát, ASB sẽ giúp tăng khả năng “hiện
diện ảo” của quân đội Mỹ (như thể có mặt mọi lúc mọi nơi), không chỉ đáp
ứng yêu cầu chiến thuật tác chiến mà còn mang lại lợi thế cho các cuộc
đàm phán ngoại giao.
Ngày 15/8/2010, không quân Mỹ suýt bị mất vệ tinh 7 tấn AEHF-1 trị giá 2
tỉ USD (Lockheed Martin sản xuất). AEHF-1 là một phần trong “chòm” vệ
tinh 6 chiếc được thiết kế để hỗ trợ liên lạc vô tuyến, một kỹ thuật
không thể thiếu đối với chiến thuật ASB. Phải vất vả lắm Mỹ mới “cứu”
được và đưa AEHF-1 vào quỹ đạo định sẵn. Bất luận thế nào, vụ việc đã
được diễn dịch như là một “thảm họa” đối với một quân đội đang “xuống
cấp trầm trọng” của một cường quốc sắp đến ngày “tàn mạt” như chú Sam…
http://www.petrotimes.vn/news/vn/quoc-te/my-va-chuong-trinh-_quottai-phoi-tri_8221-hai-quan.html
Khoảng 80.000 bộ binh cùng 20.000 thủy quân lục chiến sẽ được tinh giảm. ½ lực lượng quân đội Mỹ tại châu Âu đang xếp balô lên đường về nước. Thay thế họ là lực lượng đặc nhiệm “bất quy ước”, oanh tạc cơ thế hệ mới, tên lửa “phiên bản cập nhật” và những binh đoàn robot…
Một quân đội “không người”
Đầu năm 2012, trong bản kế hoạch tổng thể phát triển, Lầu Năm Góc đã đệ
trình và đề nghị Quốc hội cấp 525 tỉ USD (cộng thêm 88,4 tỉ USD cho
cuộc chiến Afghanistan), so với đề xuất 553 tỉ USD vào năm 2011. Trong
báo cáo chương trình chi tiêu gửi Tổng thống Barack Obama đầu tháng
1/2012, Lầu Năm Góc đã nhấn mạnh đến yếu tố “phi con người”. Các loại
máy bay - chiến cụ không người, từ máy bay không người lái (UAV)
Predator, Reaper, Fire Scout, X-47B… đến robot dò mìn trong lòng biển
đều được nhấn mạnh. Tổng quát, quân số sẽ giảm (có thể lên đến 100.000
binh sĩ) nhưng các hệ thống chiến đấu không người sẽ tăng. Những loại
“đồ cổ” cũng sẽ được thay thế (vận tải cơ C-5A và C-130…).
Máy bay do thám không người lái RQ-4A Global Hawk – một trong những
vũ khí cho chiến lược quân sự “tái cân bằng” của Mỹ (tầm hoạt động
19.500km, bay liên tục 30 tiếng và mỗi giờ có thể giám sát một phạm vi
4.000km2)
Trong khi đó, hải quân sẽ được trang bị loạt “hàng mới khui thùng” (dù
số lượng đặt mua giảm bớt so với dự kiến), trong đó đặc biệt đáng chú ý
là các loại tàu chiến với thiết kế tinh chỉnh cơ động, chẳng hạn tàu
chiến cận duyên (LCS). Đây là thế hệ tàu chiến rất mới được thiết kế để
“tác nghiệp” cận bờ, với kiểu dáng gọn và linh hoạt hơn khu trục hạm, có
bãi đáp trực thăng, trang bị tên lửa RIM-116, chạy với vận tốc hơn
74km/g. Chi phí đóng LCS là một trong những yếu tố khiến nó được chú ý:
chỉ khoảng 350 triệu USD so với chừng 1,7 tỉ USD của khu trục hạm Aegis.
Khả năng tác chiến LCS cũng linh động, từ hải chiến, phá mìn, diệt tàu
ngầm đến hỗ trợ đổ bộ… Ngoài LCS, hải quân còn được bổ sung tàu cao tốc
hỗn hợp (JHSV). Với vận tốc 35-45knot (65-83km/g), JHSV chuyên vận
chuyển vũ khí cũng như giúp thủy quân lục chiến thâm nhập bờ biển chớp
nhoáng. Tháng 11/2008, Hải quân Mỹ đã trao hợp đồng cho Hãng đóng tàu
Austal của Australia đóng 9 chiếc JHSV từ 2009-2013 với giá tổng cộng
hơn 1,6 tỉ USD. Một trong những JHSV đã được đóng xong và đang chạy thử
là chiếc USNS Spearhead (hạ thủy tháng 9/2011)... Tất cả cho thấy xu
hướng “nhanh và gọn” của Hải quân Mỹ thế kỷ XXI, ngày càng được ưu tiên
phát triển, song song việc duy trì những thứ hạng nặng truyền thống,
chẳng hạn hàng không mẫu hạm (HKMH).
“Sine qua non”
Với Mỹ, HKMH là một sine qua non (điều kiện tối thượng). Chương trình
HKMH thế kỷ XXI của Mỹ gồm việc đóng mới lớp Gerald R. Ford, với 2 tàu -
USS Gerald R. Ford và USS John F. Kennedy - dự kiến được “biên chế” vào
năm 2015 và 2019. Tổng cộng, theo Navy Times (15/5/2012), sẽ có chừng
10 HKMH lớp Gerald R. Ford đóng liên tục từ nay đến năm 2058. Có trọng
lượng nước rẽ khoảng 100.000 tấn, tương tự chiếc USS George H. W. Bush
(lớp Nimitz; hạ thủy năm 2006), nhưng HKMH lớp Gerald R. Ford (trị giá
khoảng 15 tỉ USD) đã được điều chỉnh thiết kế lại nhiều phần, với kho
chứa tên lửa đạn dược rộng hơn cũng như chở được nhiều máy bay hơn…
Mỗi chiếc lớp Gerald R. Ford giúp tiết kiệm được hơn 5 tỉ USD trong 50
năm phục vụ. Cụ thể, tổng chi phí vận hành của HKMH lớp Nimitz trong 50
năm là 32,1 tỉ USD (theo thời giá 2004) trong khi USS Gerald R. Ford chỉ
khoảng 26,8 tỉ USD. Được nâng cao tính tự động hóa, lớp Gerald R. Ford
cũng giúp giảm đáng kể quân số thủy thủ đoàn. Cần biết (theo
navy.mil/navydata), tàu lớp Nimitz (thế hệ 1970 – hiện có 10 chiếc đang
hoạt động, gồm USS Nimitz, USS Theodore Roosevelt, USS Harry S. Truman,
USS Ronald Reagan, USS George Washington – thuộc Hạm đội bảy…) cần đến
khoảng 5.000-5.500 người; và tàu lớp Enterprise (thế hệ 1960, hiện có
mỗi chiếc USS Enterprise; bắt đầu nghỉ hưu năm 2013) cần hơn 5.800
người. Trong khi đó, tàu lớp Gerald R. Ford chỉ cần hơn 4.600 người...
Xào lại cỗ bài để đánh ván mới
Những chi tiết liên quan “kỹ thuật” nói ở trên không chỉ cho thấy sự
thay đổi diện mạo quân đội Mỹ mà còn cho thấy sự điều chỉnh chiến lược
an ninh của Mỹ, khi vấn đề bây giờ ai là đối thủ và cần có gì để đối phó
với đối thủ đó đã trở nên rõ ràng. Trong thực tế, không phải chờ đến
lúc Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta đến dự Đối thoại Shangri-La đầu
tháng 6/2012 người ta mới biết Washington sẽ chuyển “hỏa lực” Hải quân
Mỹ sang Đông Nam Á, với tỉ lệ 60/40 dành cho Thái Bình Dương so với Đại
Tây Dương. Tản mát trong những phát biểu đó đây của giới chức quân sự Mỹ
đã bộc lộ việc chuyển “thuốc súng” như vậy rồi.
Thời gian gần đây, Quốc hội Mỹ luôn nhấn mạnh việc cần có một hải quân
mạnh về chất lẫn lượng. “Làm thế nào chúng ta có thể hoàn thành những
nhiệm vụ cần hoàn thành ở Châu Á - Thái Bình Dương với số tàu ít ỏi như
thế?” – phát biểu của dân biểu Rodney P. Frelinghuysen tại phiên điều
trần Tiểu ban Quản lý chi tiêu (nơi có sức ảnh hưởng nặng ký trong Quốc
hội). “Làm thế nào mà các anh chỉ có một con tàu cho hai địa điểm cùng
lúc?” – phát biểu tiếp theo của dân biểu Ander Crenshaw. “Ôi, tôi nhớ
làm sao cái thời mà hải quân chúng ta có đến 600 con tàu…” – than thở
của dân biểu Jo Bonner…
USNS Spearhead, “hàng mới khui thùng” năm 2011, một trong những tàu chiến thế hệ mới của Hải quân Mỹ
Đó là thái độ phản hồi trước kế hoạch của Tư lệnh Hải quân Jonathan
Greenert, về việc duy trì một lực lượng vỏn vẹn 285 tàu trong 5 năm tới
(Wired 1/3/2012), trong khi Nhà Trắng dự tính giảm 7 tuần dương hạm
trong 5 năm tới, mua ít hơn 1 tàu ngầm lớp Virginia và hoãn thay thế tàu
ngầm lớp Ohio trong 2 năm… Đô đốc Greenert giải trình: hải quân sẽ đưa
“50 tàu đến Tây Thái Bình Dương; trong 5 năm, con số đó sẽ là 55; tại
vùng Vịnh là 30 rồi từ từ là 32”. Dù ngân sách 2012 bị giảm 2,5% so với
2011 nhưng hải quân vẫn duy trì những “sine qua non” lẫn các phi đội
chiến đấu cũng như ngân sách R&D. Và vào giờ này sang năm (2013),
theo đô đốc Greenert, USS Freedom - chiếc đầu tiên trong 55 tàu LCS mà
hải quân đặt mua - sẽ đến Singapore. Loại tàu có khả năng tác chiến linh
hoạt như USS Freedom sẽ đóng vai trò như những con cờ di động, được cơ
biến dịch chuyển, tùy “tình hình thời sự”. Việc có mặt 16 tháng của
chúng tại một “trạm”, như được quy định, sẽ giúp những con tàu khác rảnh
hơn để rồi lại dễ dàng được điều chuyển đến nơi khác. Sự thay đổi liên
tục của những quân cờ sẽ tạo ra một thế cờ vây rối mù khó đoán...
Dựa vào viễn kiến cũng như hành động của giới chỉ huy Hải quân Mỹ, có
thể nói rằng, sự cân chỉnh quan trọng nhất là chiến lược tiếp cận mang
tính địa lý song song việc dồn hỏa lực ngoại giao vào Thái Bình Dương –
một chiến lược được triển khai theo tư duy và tầm nhìn chứ không đơn
giản xuất phát từ lý do “cơ chế” ngân sách. Chỉ trong vài năm, HKMH USS
Kitty Hawk (chiếc cuối cùng của lớp Kitty Hawk) đã được cho nghỉ hưu và
thay bằng USS George Washington tại biển Nhật Bản; dàn khu trục hạm tại
Yokosuka nhất loạt được nâng cấp (hiện gồm 7 tàu đều được trang bị hệ
thống tên lửa bắn chặn Aegis); đưa 3 tàu ngầm tấn công chạy hạt nhân lớp
Los Angeles đến Guam; đưa 3 UAV do thám Global Hawk đến “thường trú”
tại căn cứ Guam; tăng số tàu quét thủy lôi đến Sasebo - Nhật (từ 2 lên
4); nâng cấp loạt sân bay, cầu cảng và hạ tầng Hải quân Mỹ tại Ấn Độ
Dương - Thái Bình Dương; lập kế hoạch xây bến cảng có khả năng giúp HKMH
neo đậu tại Guam…
Cùng lúc, Mỹ cũng áp dụng chiến thuật GMP (Global Maritime Partnership -
Đối tác hàng hải toàn cầu) – một khái niệm giúp tăng cường hợp tác để
mang lại sức mạnh cho một lực lượng Hải quân vốn đang bị co rút về mặt
“số học”. Nói cách khác, đó là “kỹ thuật” dùng sức người để tạo thêm sức
cho mình. Bằng công cụ GMP, có thể nói hải quân Mỹ không chỉ có “285
tàu trong năm năm tới” mà có thể có đến gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba,
nhờ sự cộng thêm lực lượng hải quân các nước đồng minh. GMP không chỉ là
cách để gián tiếp tăng quân số mà còn tăng tính hiệu quả và xác suất
thành công để thực thi một sứ mạng quân sự. Công thức GMP đã thể hiện cụ
thể ở những cuộc phối hợp tập trận, bởi các thương vụ vũ khí, bởi những
chuyến kinh lý thực địa của giới chức ngoại giao và quốc phòng... Kể từ
khi chiếc khu trục USS Vandegrift trở thành con tàu chiến Mỹ lần đầu
tiên đến Sài Gòn (tháng 11/2003) sau 30 năm, đã có hơn 20 tàu chiến Mỹ
cập cảng nước ta (Navy Times 3/6/2012). Tương tự, tháng 7/2007, lần đầu
tiên 1 HKMH Mỹ (USS Nimitz) đã cập cảng Chennai của Ấn Độ; và tháng
4/2011, USS La Jolla cũng trở thành chiếc tàu ngầm hạt nhân Mỹ lần đầu
tiên đến nước này...
Gút lại, để biết Mỹ liệu có đủ sức “ôm sô” tại Đông Nam Á hay không, có
lẽ không cần thiết đếm họ có bao nhiêu con tàu mà phải quan sát xem thể
hiện của chiến lược GMP như thế nào. Sức mạnh của hỏa lực Mỹ tại đấu
trường Thái Bình Dương giờ đây đang nằm trong GMP…
Mạnh Kim (Năng lượng Mới số 139, ra thứ Sáu ngày 20/7/2012)
http://www.petrotimes.vn/news/vn/quoc-te/cuoc-doi-dau-my-trung-o-thai-binh-duong-my-quyet-gianh-ngoi-ba-chu.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét