Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Quân đội tăng vai trò ở Trung Quốc?


Cập nhật: 11:55 GMT - thứ ba, 18 tháng 10, 2011
Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc hội nghị thường niên về nhân sự hôm thứ Ba 18/10, với dự đoán phe quân đội sẽ giành ảnh hưởng lớn hơn trên chính trường.
Giới quan sát tại Bắc Kinh nói điều này cũng có nghĩa Bắc Kinh có khả năng sẽ đối đầu nhiều hơn với Hoa Kỳ và các nước láng giềng.
Khai mạc hôm 15/10, đây là hội nghị trung ương quan trọng cuối cùng trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thay đổi lãnh đạo vào năm tới.
Sau Đại hội Đảng năm 2012, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào được trông đợi sẽ thôi chức vụ, tiếp đó là Thủ tướng Ôn Gia Bảo và nội các của ông.
Hãng thông tấn Hoa Kỳ Associated Press vừa có bài phân tích rằng quân đội Trung Quốc đang ngày càng nổi lên trong bối cảnh nước này tăng cường hội nhập về kinh tế và ngoại giao với các nước trên thế giới.
Một số tướng lĩnh và giới chiến lược quân sự đã thường xuyên xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc, nhất là các báo mang xu hướng dân tộc chủ nghĩa, và không ngần ngại kêu gọi lập trường cứng rắn hơn đối với các nước khác.
Sự có mặt của Quân Giải phóng trong các sứ vụ bảo vệ công dân nước này tại các vùng chiến sự như Libya, được tuyên truyền rộng rãi trên báo chí.
Hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Trung Quốc, với 400 đại biểu, về danh chính ngôn thuận là tập trung vào các vấn đề văn hóa xã hội.
Thế nhưng dư luận nói chung cho rằng, đằng sau hậu trường là cuộc đấu tranh nội bộ để tìm người thay thế lớp lãnh đạo Đảng sẽ từ nhiệm vào năm 2012.

Quyền lực vô biên

Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa (PLA) có thời từng thống lĩnh ban lãnh đạo Trung Quốc và nắm quyền quản lý từ nhà máy đến nông trang trong thời kỳ sau Cách mạng Văn hóa hồi đầu những năm 1970.
Sau sự kiện Thiên An Môn, khi quân đội được điều vào đàn áp cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 1989, Đảng Cộng sản mỗi năm lại tăng ngân sách quốc phòng một nhiều.
Ngân sách năm nay là 91,5 tỷ đôla Mỹ, chỉ kém có mỗi Hoa Kỳ.
Kết quả là quân đội Trung Quốc với 2,3 triệu thành viên đang phát triển vượt bậc, giành tiếng nói trọng lượng hơn trong các lĩnh vực đối ngoại và quốc phòng.

Ông Joseph Cheng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc hiện đại tại Đại học Hong Kong được hãng AP dẫn lời nói: "Chắc chắn là vị thế của quân đội đang ngày càng được đẩy mạnh nhờ xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở trong nước, cũng như điều kiện tài chính được cải thiện".
Thành phần Trung ương Đảng Trung Quốc nay có tới 18% là các tướng lĩnh quân đội.
PLA cũng chiếm tỷ lệ nhân sự áp đảo tại các tổ chức như Quốc hội.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người giữ chức Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc gần một chục năm nay, trong những năm đầu tiên nắm quyền lãnh đạo đã tìm cách tranh thủ ủng hộ của phe quân đội thông qua việc bổ nhiệm các tướng lĩnh thân cận với ông vào Quân ủy Trung ương gồm 11 vị.
Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, người được trông đợi sẽ thay thế ông Hồ Cẩm Đào, còn có quan hệ chặt chẽ hơn với Quân Giải phóng.
Hồi mới khởi nghiệp, ông Tập đã từng làm thư ký riêng cho một vị tướng kỳ cựu là Cảnh Tiên, người có thời giữ chức bộ trưởng quốc phòng.
Cho tới nay, Quân Giải phóng chủ yếu chỉ sử dụng quyền lực chính trị để tăng thêm ngân sách hoạt động và bảo đảm các lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi các mục tiêu như thúc đẩy thống nhất Đài Loan.
Thế nhưng đang có kêu gọi quân đội Trung Quốc cần dẹp đi các mối quan tâm có tính chất "quan liêu" để vươn lên thành một quyền lực mới có tầm ảnh hưởng quyết định đối với nền chính trị Trung Quốc cũng như sự chuyển giao lãnh đạo hiện thời.
Nhìn từ quan điểm của các nước láng giềng, thì chính sách đối ngoại của quân đội Trung Quốc sẽ là điều cần theo dõi nhất.
Liệu chính sách này có trở nên cứng rắn hay phiêu lưu hơn hay không?

Dân tộc chủ nghĩa

"Chắc chắn là vị thế của quân đội đang ngày càng được đẩy mạnh nhờ xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở trong nước, cũng như điều kiện tài chính được cải thiện"
Joseph Cheng, Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại, Hong Kong
Thời gian gần đây, thái độ mạnh bạo, thậm chí là hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông đã khiến các quốc gia xung quanh như Việt Nam, Philippines và các nước Asean khác phải dè chừng.
Trung Quốc cũng tỏ ra không khoan nhượng trong cách hành xử với Nhật Bản, trong chủ đề hạt nhân Bắc Hàn và trong quan hệ với đối thủ hàng đầu là Hoa Kỳ.
Trong khi giới tướng lĩnh thành viên Quân ủy Trung ương nói chung kín tiếng, đang có một tầng lớp sỹ quan mới, những người được cho là có dòng dõi lãnh đạo, tỏ ra mạnh mẽ và lớn tiếng hơn.
Trong số đó có Lưu Nguyên, con trai ông Lưu Thiếu Kỳ, cựu lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tướng Lưu Nguyên đã nhiều lần đăng đàn phát biểu cổ súy cho một xu hướng dân tộc chủ nghĩa được quân sự hóa mới, không khoan nhượng với các giá trị phương Tây.
Còn có thể kể tới nhiều tướng lĩnh khác, như Lưu Minh Phúc, nay là giáo sư Học viện Quốc phòng. Ông Lưu, trong cuốn sách 'Ước mơ Trung Quốc' ra năm 2009, đã kêu gọi thay đổi trật tự thế giới mà Mỹ thống lĩnh hiện thời để thay thế bằng Trung Quốc.
Ông Lưu viết: "Nếu như Trung Quốc trong thế kỷ 21 không thể vươn lên vị trí hàng đầu, không thể trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, thì sẽ bị bỏ rơi và tiêu diệt".
Việc chính giới Trung Quốc, kể cả các nhân vật được cho là trung dung ôn hòa như Thứ trưởng Ngoại giao Thôi Thiên Khải, cũng bắt đầu đồng tình ca ngợi các phát biểu dân tộc chủ nghĩa của phe quân đội, người ta đang tự hỏi, chính sách đối ngoại trong thời gian tới sẽ là như thế nào.


NguồnBBCVietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét