Dưới tựa đề "Phía sau nền ngoại giao pháo hạm tại Biển Đông", Tạp chí "Bình luận Chiến lược" tháng 9/2011 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại Luân Đôn đánh giá về tình hình tranh chấp tại Biển Đông thời gian qua.Trong thời gian trước mắt, Biển Đông sẽ tiếp tục nóng với sự leo thang cạnh tranh hiện đại hóa hải quân giữa các nước và đối đầu trên biển giữa các lực lượng của các bên tuyên bố chủ quyền.
IISS kết luận rằng việc có được một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc chính trị đối với các bên tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông sẽ còn phải mất nhiều năm nữa. Trong thời gian trước mắt, Biển Đông sẽ tiếp tục nóng với sự leo thang cạnh tranh hiện đại hóa hải quân giữa các nước và đối đầu trên biển giữa các lực lượng dân quân của các bên tuyên bố chủ quyền. Dưới đây là nội dung bài viết:
Trung Quốc đã bị cáo buộc có ít nhất bốn lần trong năm nay quấy rối tàu của các quốc gia khác trong vùng biển tranh chấp, trong đó Bắc Kinh đã quấy rối các hoạt động của cả Việt Nam và Philíppin ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Các cuộc diễn tập quân sự trong khu vực đã gia tăng mạnh, cùng với đó là các cuộc khẩu chiến giữa các bên, các cuộc biểu tình của công chúng và các cuộc tấn công mạng theo kiểu ăn miếng trả miếng. Các đối thủ của Trung Quốc thậm chí còn vận động hành lang đề nghị đổi tên “South China Sea”. Tại Việt Nam, hiện có kiến nghị đổi tên thành Biển Đông Nam Á; còn ở Philíppin, người phát ngôn của quân đội nước này đã đề nghị đổi tên thành Biển Tây Philíppin.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó có cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Các nước Việt Nam , Philíppin, Đài Loan, Malaixia và Brunây cũng tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ đối với hai quần đảo này. Các tuyến đường hàng hải quan trọng cũng chạy qua khu vực biển được cho là giàu tài nguyên và khí đốt này. Một thỏa thuận hồi tháng 7/2011 giữa Trung Quốc và ASEAN tuyên bố hướng tới sự hợp tác trên Biển Đông là một bước đi quan trọng sau 9 năm gián đoạn. Tuy nhiên, nó chưa thể làm dịu được các tranh chấp. Mỹ cũng hết sức quan ngại về tham vọng hải quân của Trung Quốc.
Căng thẳng đã tăng dần từ năm 2005, sau quãng thời gian tương đối yên tĩnh cuối những năm 1990. Trong tháng 3/2011, Manila đã phàn nàn rằng tàu tuần tra hải quân Trung Quốc đã quấy rối một tàu thăm dò dầu khí của Philíppin gần Bãi Cỏ rong (Reed Bank), bãi đá ngầm lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, mà Manila nói nằm trong khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình. Trong tháng Năm, Việt Nam phản đối khi Trung Quốc đặt phao và xây các trụ đá gần Iroquois Reef Amy Douglas Bank. Trong tháng Sáu, một tàu chiến Trung Quốc bắn vào ba tàu đánh cá Philíppin gần Jackson Atoll.
Bắc Kinh đã chỉ trích việc Manila xây dựng căn cứ cho quân đội trên đảo Flat ( Flat Island ) (Philíppin gọi là Patag và Trung Quốc gọi là Feixin). Trong bài diễn văn cuối tháng 7, Tổng thống Philíppin Benigno Aquino nói: "Chúng ta không muốn gia tăng căng thẳng với bất cứ ai, nhưng chúng ta cần phải cho thế giới biết chúng ta đã sẵn sàng để bảo vệ những gì thuộc về chúng ta".
Cũng đã có một sự căng thẳng nghiêm trọng giữa Trung Quốc với Việt Nam. Trong tháng 5/2011 và một lần nữa vào tháng 6/2011, Hà Nội tuyên bố rằng các cáp thăm dò của tàu khảo sát Việt Nam đã bị cắt ở độ sâu 30 mét dưới mặt nước, sau khi các tàu này đối mặt với các tàu đánh cá của Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc cáo buộc Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của mình khi đưa các tàu hải quân ra để "đuổi một cách bất hợp pháp" các tàu thuyền đánh cá trong sự kiện tháng Sáu, gần Vanguard Bank (bãi Tư chính) thuộc quần đảo Trường Sa.
Hai bài xã luận trên truyền thông nhà nước của Trung Quốc trong tháng 6 và tháng 7/2011 tuyên bố rằng "nếu Việt Nam muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh, Trung Quốc có đủ sự tự tin để phá hủy các tàu chiến xâm lược của Việt Nam", và rằng "không nên đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc". Điều bất thường là các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã diễn ra tại cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong tháng 6/2011, Trung Quốc đã tổ chức cuộc diễn tập chống tàu ngầm ngoài khơi đảo Hải Nam, một trong sáu cuộc diễn tập lớn do Hải quân Trung Quốc tổ chức trong tháng đó, trong khi Mỹ tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung với Việt Nam và Philíppin. Li Jinming, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trường Đại học Hạ Môn nói với tờ "Thời báo Tài chính" rằng: "Các tàu tuần tra duyên hải và ngư nghiệp của chúng tôi thực tế đã tăng cường các hoạt động tuần tra ở Biển Đông thời gian gần đây khi căng thẳng tại khu vực này một lần nữa lại gia tăng".
Những lý do gia tăng căng thẳng
Tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Biển Đông, đặc biệt đối với Bắc Kinh, là một trong những lý do cho sự gia tăng căng thẳng gần đây. Là trung tâm sản xuất hàng hóa quan trọng nhất của thế giới, Trung Quốc hiện phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là nguồn cung cấp năng lượng và quặng sắt, để có thể duy trì mức tăng trưởng kinh tế của mình. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng đã bắt đầu đòi hỏi nhiều lương thực và các sản phẩm khác mà Trung Quốc không thể cung cấp. Vì vậy, các tuyến đường biển, đặc biệt là thông qua Biển Đông, đã trở nên ngày càng quan trọng trong tư duy của Bắc Kinh.
Đồng thời, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc đã đẩy giá dầu và khí tự nhiên lên. Tình trạng thiếu dầu lửa đang hiện rõ đã khiến cho các nguồn nguyên liệu mới tiềm tàng có giá trị hơn bao giờ hết. Vì vậy, việc đảm bảo chủ quyền trên Biển Đông và các tiềm năng ở vùng biển này (bao gồm cả cá và hải sản khác) đã trở thành mục tiêu chính sách đối ngoại chủ chốt của các quốc gia trong khu vực.
Tranh chấp trên Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp sau khi việc khảo sát ba bên tại một khu vực thăm dò chung tạm thời giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philíppin ngừng lại năm 2008 do sự chỉ trích mạnh mẽ tại Philíppin, nơi mà việc hợp tác ba bên được coi là vi phạm chủ quyền quốc gia. Các kết quả khảo sát không được công bố và mỗi quốc gia sau đó tiếp tục thăm dò đơn phương. Những sự việc gần đây cho thấy Philíppin và Việt Nam quyết tâm tiếp tục khảo sát (và, có lẽ, cuối cùng là khai thác) dầu khí ở Biển Đông.
Tập đoàn Năng lượng Talisman của Canađa, đối tác của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam thuộc sở hữu nhà nước, đã công bố ý định khoan thăm dò, có thể là trong năm tới, trong khi Tập đoàn ExxonMobil lên kế hoạch thăm dò một giếng dầu ngoài khơi bờ biển Việt Nam trong năm 2011. Một số nhà báo Trung Quốc đã ví Biển Đông là "Vịnh Ba Tư thứ 2", và cho rằng khu vực này có thể chứa hơn 50 tỷ tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, khi các cuộc khảo sát chưa kết thúc thì không thể biết trữ lượng chính thức là bao nhiêu.
Trong khi tăng trưởng kinh tế ở Đông Á đã làm gia tăng việc cạnh tranh các nguồn lực, nó cũng mang lại một sự gia tăng hiện đại hóa quân sự đáng kể trong khu vực. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc bình quân luôn ở mức 2 con số trong suốt 30 năm qua. Những quốc gia khác cùng có tuyên bố chủ quyền trong vùng Biển Đông cũng đang cố gắng nâng cấp thực lực hải quân của họ. Việt Nam đặt mua hai tàu khu trục nhỏ lớp Gepard và đã đặt mua 6 tàu ngầm lớp Kilo. Đài Loan đã mua 4 tàu tuần dương lớp Keelung trong 2005-2006, có sức mạnh gấp ba lần so với các tàu chiến trước đây của nước này. Đầu năm nay, Brunây đã nhận hai tàu tuần tra duyên hải mới và đang tiếp tục đặt chiếc thứ 3. Malaixia đã mua 2 tàu ngầm đầu tiên kể từ năm 2009.
Chỉ có Philíppin ít đầu tư nâng cấp lực lượng hải quân của mình.
Tuy nhiên, hầu hết các sự cố trong năm 2011 liên quan đến các lực lượng tổ chức theo mô hình phòng vệ bờ biển chứ không liên quan tới hải quân. Trung Quốc đã và đang nỗ lực không ngừng phát triển các lực lượng dân quân trên biển, đặc biệt là Cơ quan Giám sát biển Trung Quốc (CMS) thuộc Cục Quản lý Hải dương Nhà nước. Sun Shuxian, Phó Giám đốc CMS, cho biết cơ quan này tăng số lượng tàu lên 36 chiếc trong 5 năm tới và tuyển dụng thêm khoảng 1.000 nhân viên hỗ trợ và thủy thủ đoàn. CMS, cùng với Bộ Tư lệnh Thực thi Luật Thủy sản và Cục An toàn Hàng hải, đã tăng cường dấu ấn của mình trên Biển Đông thông qua việc tăng cường tuần tra thường xuyên.
Những tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi
Một nhân tố khác khiến các nước trong khu vực thực thi một quan điểm cứng rắn hơn về vấn đề Biển Đông là hạn chót tháng 5/2009 để đăng ký tuyên bố mở rộng thềm lục địa vượt ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Để kịp mốc thời hạn đó, Malaixia và Việt Nam đã đệ trình một tuyên bố chung; Việt Nam sau đó đệ trình một tuyên bố riêng; Philíppin thông qua một đạo luật về đường cơ bản mới để hỗ trợ cho việc đệ trình tuyên bố một phần; và Brunây đệ trình "thông tin ban đầu". Vấn đề chính đối với Bắc Kinh là Malaixia và Việt Nam đã quyết định tuyên bố quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên của Biển Đông dựa trên tuyên bố chủ quyền lục địa tính từ bờ biển của họ, không phải từ các hòn đảo mà các nước này tuyên bố chủ quyền. Nguyên tắc này, nếu được thông qua bởi tất cả các bên tranh chấp, sẽ làm suy yếu đáng kể tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, vốn không dựa trên việc mở rộng thềm lục địa.
Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn để nhận định một cách chính xác về những yêu sách của Trung Quốc bởi một văn bản khác mà nước này đệ trình phản đối cả đệ trình của Philíppin và đệ trình đơn phương của Việt Nam . Nội dung đệ trình của Trung Quốc tuyên bố rằng Bắc Kinh có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo ở Biển Đông và vùng biển lân cận - ám chỉ vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong phần phụ lục, Trung Quốc đã đệ trình chính thức lần đầu tiên bản đồ "đường chín đoạn" hay còn gọi là "hình chữ U". Bản đồ này, lần đầu tiên được xuất bản ở Trung Quốc vào năm 1948 và được các quan chức nước này cho rằng có cơ sở lịch sử, rõ ràng cho thấy quyền chủ quyền của Bắc Kinh đối với 90% Biển Đông mà không đề cập tới giới hạn vùng lãnh hải 12 hải lý theo quy định của UNCLOS.
Như vậy, những tuyên bố chủ quyền đệ trình Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc (CLCS) năm 2009 đã cho thấy rõ căn bệnh nan y của xung đột, bản chất quy mô lớn và đầy tham vọng trong tuyên bố của Trung Quốc cho thấy sự phức tạp trong giải quyết tranh chấp. Hơn nữa, các đệ trình lên CLCS trong năm 2009 không có một tuyên bố rõ ràng nào liên quan đến chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông, mà chỉ tập trung vào các tuyên bố thềm lục địa. Với việc Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Brunây, Malaixia và Philíppin đều tuyên bố chủ quyền với các đảo hoặc các địa hình đặc trưng khác trên Biển Đông (Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đòi chủ quyền tất cả), thì rõ ràng việc tìm giải pháp cho xung đột chỉ là mò kim đáy bể. Thậm chí kể cả khi xung đột trong các tuyên bố chủ quyền với đảo và các địa hình đặc trưng được giải quyết thì cách thức tính vùng lãnh hải từ các đảo này sẽ tạo ra một lĩnh vực gây tranh cãi nhiều hơn: Brunây, Malaixia, Philíppin và Việt Nam có thiên hướng ủng hộ vùng lãnh hải 12 hải lý tuân thủ theo UNCLOS nhưng Trung Quốc có thể muốn một số đảo có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Với sự phức tạp của tranh chấp, có lẽ không ngạc nhiên rằng các thỏa thuận đa phương tìm một giải pháp thường vừa dài lê thê và vừa mang tính chất cục bộ. Phải mất hơn 1 thập kỷ thì ASEAN và Trung Quốc mới thống nhất và ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002 kể từ khi nó được thai nghén và đề cập; và cũng mất 9 năm mới đạt được thỏa thuận hồi tháng 7/2011 về các bước đi để thực hiện tiến trình này. Theo hướng dẫn này thì các ủy ban sẽ được thành lập để giám sát tiến trình hướng tới một Bộ Quy tắc Ứng xử có tính ràng buộc về mặt chính trị và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như nghiên cứu, an toàn hàng hải và tội phạm đa quốc gia.
Thế nhưng, họ hứa hẹn rất ít về việc giải quyết tranh chấp. Họ không đưa ra được một thời hạn chót hay một lịch trình để nhất trí về Bộ Quy tắc Ứng xử, và tới nay cũng không có tuyên bố nào về cách thức giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Thực tế là Trung Quốc liên tục tuyên bố muốn đàm phán song phương với các bên tuyên bố chủ quyền (trừ Đài Loan), trong khi các quốc gia ASEAN muốn có một môi trường đa phương thông qua Diễn đàn Khu vực ASEAN để khỏa lấp sự khác biệt giữa các bên.
Tranh chấp khó có thể giải quyết?
Với việc không có thoả thuận về các bước đi để giải quyết tranh chấp, và chỉ có các biện pháp xây dựng lòng tin đang được xem xét, thì có vẻ như không chắc rằng các nước trong khu vực sẽ có thể làm chậm lại tiến trình hiện đạo hóa quân đội đang diễn ra trên Biển Đông hay ngăn chặn được việc xây dựng thêm các pháo đài trên các cơ sở hạ tầng thuộc quần đảo Trường Sa. Những nhượng bộ có thể sẽ có được thông qua các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử, đặc biệt liên quan tới các hoạt động tập trận quân sự trên Biển Đông. Tuy nhiên, đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử, đó là chưa nói đến việc thực hiện, có vẻ như sẽ phải mất nhiều năm nữa.
trước mắt, các bên tuyên bố chủ quyền nhiều khả năng sẽ củng cố vị trí của mình tại quần đảo Trường Sa và tăng cường các chương trình phát triển lực lượng dân quân và hải quân. Vì thế, tương lai của Biển Đông nhiều khả năng sẽ là leo thang cạnh tranh hải quân và đối đầu giữa các lực lượng dân quân, kể cả khi các nỗ lực ngoại giao vẫn được tiếp tục để tìm giải pháp cho tranh chấp.
Theo mạng phân tích thông tin tình báo chiến lược "Stratfor" của Mỹ ngày 5/10, khi kinh tế phát triển thịnh vượng, Việt Nam và Trung Quốc sẽ cố gắng tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực. Tuy nhiên, do sự gần gũi về địa lý cũng như khu vực tìm kiếm ảnh hưởng của hai nước chồng lấn nhau, Hà Nội và Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì tình trạng căng thẳng gia tăng trong tương lai.
Trong thập kỷ qua, nhiều nền kinh tế Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã hội nhập hơn vào hệ thống kinh tế quốc tế và điều này mang đến cho họ sự thịnh vượng mới. Với sự thịnh vượng này, Việt Nam đã có thể theo đuổi mục tiêu củng cố hơn nữa vùng đệm chiến lược của mình ở Biển Đông, bán đảo Đông Dương và bảo vệ biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, vấn đề là những mục tiêu này lại đi ngược lại với những mục tiêu của Trung Quốc, nước cũng đang ở vị thế đủ vững mạnh để có thể thúc đẩy ảnh hưởng khu vực của mình ra bên ngoài nhằm loại bỏ tất cả những gì nước này coi là mối đe dọa sắp xảy ra. Do đó, căng thẳng giữa hai nước được dự báo là sẽ tăng lên trong tương lai gần.
Những yêu cầu địa chính trị của Việt Nam
Bảo vệ biên giới là vấn đề quan trọng đối với tất cả mọi nước và điều này đặc biệt quan trọng đối với những nước như Việt Nam do nằm sát với những cường quốc mạnh hơn. Việt Nam có 1.347 km đường biên giới với Trung Quốc, nước trong lịch sử đã nhiều lần xâm lược và chiếm đóng miền bắc Việt Nam. Do đó, không nghi ngờ gì, nhu cầu địa chính trị trước tiên của Hà Nội là bảo vệ biên giới phía Bắc.
Thực tế, lịch sử vẫn khắc in trong sự nghi ngờ của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc. Trung Quốc đã can dự vào Việt Nam từ năm 214 trước Công nguyên, khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất miền Nam Trung Quốc và thành lập chính quyền địa phương ở khu vực phía Bắc của Việt Nam ngày nay. Khi triều đại nhà Tần kết thúc, một tướng Trung Quốc tên là Triệu Đà đã thành lập quốc gia Nam Việt, nhưng quốc gia này cũng sụp đổ sau khi Trung Quốc tái thống nhất dưới thời nhà Hán. Trung Quốc dưới thời nhà Hán đã chiếm Nam Việt hàng trăm năm và đưa nhiều yếu tố văn hoá Trung Quốc đến đây.
Vương quốc ở miền Bắc Việt Nam giành độc lập từ Trung Quốc trong thế kỷ thứ 10, khi Trung Quốc suy yếu. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn duy trì sự quan tâm của mình đối với các công việc của Việt Nam kể từ đó. Trung Quốc đã phản đối sự hiện diện của Pháp tại Đông Dương trong thế kỷ 18 và ủng hộ chính phủ cộng sản ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1954 đến 1978, trong khi phản đối chính phủ do Mỹ kiểm soát ở miền Nam Việt Nam. Hiện tại, Trung Quốc vẫn duy trì ảnh hưởng đáng kể đối với Việt Nam thông qua các mối quan hệ về ý thức hệ, chính trị và kinh tế.
Mặc dù việc bảo vệ biên giới phía Bắc có thể giúp giải quyết phần nào các mối đe dọa xuất phát từ phương Bắc, Việt Nam vẫn phải bảo vệ các đường biên giới khác của mình bằng việc tạo ra các vùng đệm chiến lược ở bán đảo Đông Dương và Biển Đông. Với chiều dài khoảng 1.650 km và chiều rộng tại điểm hẹp nhất chỉ khoảng 50 km, địa lý của Việt Nam dễ dẫn đến sự chia cắt Bắc Nam và trên thực tế Việt Nam có lịch sử chia cắt dài hơn là thống nhất. Do đó, yêu cầu địa chính trị thứ 2 của Việt Nam là tiếp tục củng cố ảnh hưởng của mình ở Đông Dương đối với phía Tây và ở Biển Đông đối với phía Đông.
Đó chính là lý do tại sao Hà Nội hoạt động rất tích cực ở Lào và Campuchia. Hai quốc gia này nằm dưới sự ảnh hưởng của Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 và sau khi thống nhất năm 1975, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của mình sang phía Tây. Việt Nam ủng hộ phong trào cộng sản của Lào và cuối cùng đã xây dựng một chính phủ của Đảng nhân dân cách mạng Lào thân Việt Nam . Tại Campuchia, sự hình thành của chế độ Khơme Đỏ, chế độ có thái độ thù địch với nước láng giềng ở phía Đông - Việt Nam, đã dẫn đến việc Hà Nội đưa quân sang đóng tại Campuchia cho đến tận cuối thập niên 1980. Mặc dù sự hiện diện ở hai nước Lào và Campuchia giảm kể từ đó, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được ảnh hưởng đáng kể về chính trị và kinh tế.
Tương tự như thế, việc duy trị sự hiện diện ở Biển Đông cũng quan trọng đối với Việt Nam, một quốc gia có 3.444 km bờ biển, không kể các đảo - một khu vực lãnh thổ lớn phải bảo vệ trước các lực lượng xâm lược. Việt Nam dễ bị chia cắt từ các mối đe dọa ở phía Tây, các lực lượng hải quân nước ngoài không bị kiểm soát có thể vào từ phía Đông, chia cắt Việt Nam ở điểm hẹp nhất của nước này. Chính điều này lý giải tại sao việc kiểm soát quần đảo Hoàng Sa, nằm ở Biển Đông bên ngoài miền Trung, lại có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với Việt Nam.
Tương tự như thế, việc duy trị sự hiện diện ở Biển Đông cũng quan trọng đối với Việt Nam, một quốc gia có 3.444 km bờ biển, không kể các đảo - một khu vực lãnh thổ lớn phải bảo vệ trước các lực lượng xâm lược. Việt Nam dễ bị chia cắt từ các mối đe dọa ở phía Tây, các lực lượng hải quân nước ngoài không bị kiểm soát có thể vào từ phía Đông, chia cắt Việt Nam ở điểm hẹp nhất của nước này. Chính điều này lý giải tại sao việc kiểm soát quần đảo Hoàng Sa, nằm ở Biển Đông bên ngoài miền Trung, lại có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với Việt Nam.
Kể từ năm 1975, Việt Nam chiếm giữ 29 đảo trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông và nguồn thu từ việc khai thác năng lượng ở xung quanh các đảo này chiếm gần 30% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam trong năm 2010. Đòi hỏi chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam đi ngược lại với yêu cầu của Trung Quốc đòi toàn bộ Biển Đông, khu vực được nước này coi là là một tuyến vận tải biển quan trọng, có nguồn năng lượng tiềm tàng và là vùng đệm chiến lược. Việc cạnh tranh các đảo với Trung Quốc không mới, nó diễn ra từ cuối thế kỷ 19, khi Việt Nam nằm dưới sự cai trị của Pháp. Năm 1974, tranh chấp này đã dẫn đến đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và chính quyền miền Nam Việt Nam ở Hoàng Sa. Kể từ đó, dù Trung Quốc đã khẳng định Hoàng Sa nằm trong sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này, nhưng những tranh cãi liên quan đến quần đảo này và Trường Sa chưa bao giờ lắng dịu hoàn toàn.
Những yêu cầu địa chính trị của Trung Quốc và cuộc cạnh tranh có thể xảy ra
Những yêu cầu địa chính trị của Trung Quốc cũng tương tự như của Việt Nam. Giống Hà Nội, Bắc Kinh phải kiểm soát các vùng đệm của mình, bao gồm Nội Mông, Mãn Châu lý, Tây Tạng và Tân Cương, cao nguyên Vân Nam-Quảng Tây, Hải Nam và khu vực Đài Loan-Phúc Kiến và bán đảo Đông Dương. Một yêu cầu nữa của Trung Quốc là bảo vệ bờ biển của mình. Điều này không mấy xuất phát từ những lo ngại về sự xâm lược, mà xuất phát từ việc bảo vệ các lợi ích kinh tế của nước này.
Tuy nhiên, việc ở gần kề nhau của Trung Quốc và Việt Nam tạo ra một vấn đề không thể tránh khỏi: các vùng đệm chiến lược hai nước cạnh tranh chồng lấn lên nhau. Và chính việc tiếp tục theo đuổi các vùng chồng lấn này đã dẫn đến việc hai quốc gia này rơi vào cuộc cạnh tranh với nhau, đặc biệt là khi tình hình kinh tế và chính trị cho phép họ theo đuổi các yêu cầu về địa chính trị của mình.
Đó chính là trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam hiện nay. Trong khi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã được chứng minh rõ, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang có sự thịnh vượng kinh tế, sự hội nhập khu vực và quốc tế mới, như Malaixia, Xinhgapo và Việt Nam. Trong năm 2010, Việt Nam là nước tăng trưởng cao thứ 3 trong số tất cả các nền kinh tế châu Á, phần lớn nhờ cải cách và cơ cấu lại kinh tế cho phép quốc gia này mở cửa nền kinh tế của mình để khuyến khích ngoại thương và thu hút đầu tư nước ngoài.
Vì Trung Quốc xác định Việt Nam là bên tham gia có năng lực nhất ở Đông Dương, Bắc Kinh đã tìm cách kiềm chế Việt Nam trong việc mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị vào Lào và Campuchia, đồng thời cố gắng tạo ra vùng đệm của riêng mình. Điều này giúp giải thích cho các mối quan hệ chính trị đang phát triển nhanh của Trung Quốc với giới lãnh đạo của Lào và Campuchia, cũng như sự quan tâm về kinh tế của Trung Quốc đối với các nước này đang được mở rộng rất nhanh. Tóm lại, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình ở Đông Dương và Đông Nam Á để đối trọng với Việt Nam và để làm vùng đệm cho mình. Điều này đã được thể hiện ở việc trong năm 2010, Trung Quốc đầu tư khoảng 344 tỷ USD, lớn hơn tất cả các nước khác, vào các lĩnh vực khai khoáng, thuỷ điện và các dự án nông nghiệp của Lào.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thể hiện rằng nước này có thể sử dụng vũ lực cho những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Ví dụ như năm 1988, những đụng độ đã nổ ra giữa Trung Quốc và Philíppin trong vùng biển này. Gần đây hơn, khi Trung Quốc tìm cách trở thành một cường quốc hải quân, Bắc Kinh đã duy trì quan điểm quyết đoán, gây hấn trong việc khẳng định lãnh thổ và Biển Đông đã được đưa lên hàng đầu trong chương trình an ninh khu vực của nước này. Trung Quốc đã phản đối các cuộc đàm phán song phương về vấn đề Biển Đông mà không bao gồm nước này và ngăn chặn sự can dự của bên thứ ba, đặc biệt là Mỹ.
Mặc dù kinh tế Việt Nam đang cải thiện, nhưng nước này cũng có nhiều vấn đề khó khăn như lạm phát cao, đồng tiền yếu và những vấn đề này đang gây thiệt hại cho dân chúng Việt Nam . Sự hội nhập toàn cầu tăng lên, nhờ chính sách "làm bạn với tất cả" của Việt Nam đã cho phép Việt Nam quan hệ với rất nhiều nước khác nhau. Thực tế, Hà Nội là bên tích cực nhất trong số các nước láng giềng của mình trong việc theo đuổi các quan hệ đối tác chiến lược, điều được chứng minh bằng việc nước này mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Hà Nội cũng tích cực theo đuổi quan hệ chiến lược với các cường quốc khác, bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông. Điều này bị Bắc Kinh coi là một mối đe dọa đối với việc khẳng định chủ quyền biển của nước này.
Hiện nay là một thời điểm tương đối đặc biệt trong lịch sử của Việt Nam . Quốc gia này đang thống nhất và có tiềm lực kinh tế và chính trị để đối phó với Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, việc nước này có thành công hay không thì vẫn cần phải quan sát. Những yêu cầu địa chính trị của Hà Nội không thay đổi dù tình hình kinh tế của nước này có thay đổi. Tuy nhiên, vì những yêu cầu này cũng trùng với những yêu cầu của Trung Quốc, nên căng thẳng giữa hai quốc giá sẽ tiếp tục và có thể xấu đi trong tương lai.
Theo Strategic Comments(IISS)
Thuỳ Anh (gt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét