Sự quyết đoán của Trung Quốc không phải chỉ giới hạn trong vùng biên giới mà còn bao gồm nhiều lãnh vực khác nữa. Một số công trình kiến thiết hải cảng do Trung Quốc thực hiện nằm ngay ngoài rìa Ấn Độ như Qwadar tại Pakistan, Hambantota ở Sri Langka, Chittagong ở Bangladesh, và Kyaukpyu tại Miến Điện đã gây ra nhiều mối quan ngại cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực bao vây Ấn Độ bằng sách lược chuỗi ngọc trai, với mỗi hải cảng kể trên tượng trưng cho một hạt ngọc trong chuỗi. Trung Quốc cũng đã tăng cường sự hiện diện của quân đội mình tại khu vực Gilgit Baltistan của Pakistan. Quan trọng hơn là gần đây Trung Quốc đã lên tiếng phản đối những dự án thăm dò và khai thác dầu khí của ONGC trên hai lô quy hoạch của Việt Nam tại Biển Đông, với tuyên bố rằng đây là khu vực tranh chấp.
Trung Quốc đã yêu cầu Ấn Độ đình chỉ mọi hoạt động, thương mãi cũng như trong các lãnh vực khác, tại nơi mà họ mệnh danh là "lãnh thổ hải dương của Trung Quốc". Ấn Độ đã bác bỏ phản đối của Trung Quốc bằng một tuyên bố xác đáng rằng tiến trình hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong việc thăm dò dầu khí là phù hợp với luật pháp quốc tế và được thiết lập để tiếp tục phát triển. Giới truyền thông của Trung Quốc đã bình luận rộng rãi về vấn đề này và cảnh báo rằng những hành động như thế của Ấn Độ sẽ gây tổn hại cho quan hệ Ấn-Trung trong tương lai lâu dài. Sự thực là giới truyền thông Trung Quốc thường xuyên nhắc nhở rằng Ấn Độ nên đóng vai trò xây dựng và mang lại lợi ích cho sự ổn định của khu vực và đừng nên mạo hiểm dấn thân vào Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang nỗ lực tuyên truyền là 'Biển Của Trung Quốc'. Đây là một giả định ngu ngốc. Giống như chuyện Ấn Độ Dương không phải là 'Biển Của Ấn Độ', Nam Trung Quốc Hải đương nhiên cũng không phải là 'Biển Của Trung Quốc'.
Ngoài ra, cái mà Trung Quốc xem là vai trò xây dựng và mang lại lợi ích là những gì phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Một kết quả như thế chỉ có thể xảy ra khi lợi ích của cả hai nước hội tụ. Khi lợi ích phân kỳ, một điều chắc chắn sẽ xảy ra giữa các quốc gia tự chủ, quan điểm của Trung Quốc về quan hệ hài hòa ngụ ý phải chấp nhận điều kiện của Trung Quốc. Đó rõ ràng là việc mà Ấn Độ không thể làm.
Thái độ quyết đoán của Trung Quốc còn phản ánh mối quan tâm của họ đối với vấn đề năng lượng. Tăng cường sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại khu vực đối diện Ladakh và trong vùng Gilgit Baltistan của Pakistan có quan hệ mật thiết với nỗ lực thiết lập một tuyến đường bộ an toàn cho nguồn cung ứng dầu hỏa từ các nước cộng hòa Trung Á và vùng Vịnh qua ngã Qwadar. Tuyên bố chủ quyền của họ trên nhiều phần đất của Arunachal Pradesh nhắm vào mục tiêu tạo tình hình bất ổn cho Ấn Độ trong tương lai gần. Trong tương lai xa, Trung Quốc tỏ vẻ ngắm nghé những trữ lượng dầu đá phiến lớn lao của tỉnh bang này. Theo ông Chudamani Ratnam, cựu chủ tịch công ty Oil India Limited, những lớp trầm tích ở đó có khả năng sản xuất 140 triệu tấn trong vòng 100 năm, có thể đưa Ấn Độ lên địa vị một nước xuất khẩu dầu thực thụ. Tuy trong hiện tại kỹ thuật khai thác không có hiệu quả kinh tế, nhưng tình trạng này có thể thay đổi trong tương lai. Arunachal Pradesh cùng với Tây Tạng là một nguồn chứa nước và Trung Quốc rất hùng hổ trong chính sách thủy văn của họ. Bởi thế thái độ gây hấn về chuyện Arunachal Pradesh không có khả năng suy giảm trong tương lai.
Đã từ lâu, vùng Biển Đông với nhiều trữ lượng dầu khí phong phú là nguyên nhân gây ra tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước thành viên chủ yếu của ASEAN — Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei. Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề với các nước liên quan theo biện pháp song phương nhưng các nước này tỏ ý cảnh giác một cách chính đáng trước những kế hoạch của Trung Quốc và muốn chọn lựa biện pháp đa phương để giải quyết những đòi hỏi của mình. Tình trạng leo thang căng thẳng tại Biển Đông biểu hiện rõ ràng ý đồ muốn quay trở lại với học thuyết cũ rích của Trung Quốc là phải cải chính những sai lầm của quá khứ và đòi hỏi những gì mà họ tin tưởng là lãnh thổ đương nhiên của mình bằng tất cả mọi phương tiện có thể tiến hành. Việc quấy nhiễu các tàu khảo sát của Phi Luật Tân và Việt Nam vào đầu năm nay cùng với luận điệu rất quả quyết rằng "chủ quyền, quyền tài phán cũng như các quyền hạn liên quan khác của Trung Quốc tại Biển Đông được hỗ trợ bằng nhiều chứng cứ lịch sử và pháp lý phong phú," là dấu hiệu biểu thị thái độ ngang ngạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực. Trong hàm ý chiến lược của mình, Trung Quốc không xem Ấn Độ là một tay chơi ở ngoài vùng Nam Á và kiếm cách kiểm soát địa vị đang trỗi dậy của Ấn Độ tại khu vực này. Điều đó phù hợp hoàn hảo với chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc là giới hạn ảnh hưởng của New Delhi trong phạm vi các nước thành viên của SAARC [Hiệp Hội Hợp Tác Khu Vực Nam Á]. Mục đích của việc Bắc Kinh hỗ trợ cho Islamabad trong lãnh vực quân sự và hạt nhân là để cột chân Ấn Độ tại vùng Nam Á. Cuộc chiến ủy nhiệm do Pakistan tiến hành tại Jammu và Kashmir cũng rất có khả năng được Trung Quốc hỗ trợ bởi vì nó ăn khớp một cách tuyệt vời với chính sách của họ.
Có một số người trong giới chiến lược của Ấn Độ muốn tránh né quan hệ thù địch với Trung Quốc bằng mọi giá. Họ sẽ từ bỏ nỗ lực khai thác dầu khí với Việt Nam và đưa nó lên bệ thờ tình hữu nghị với Trung Quốc. Loại tư duy đó đặt lên vai Ấn Độ một trách nhiệm nặng nề là phải duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc ngay cả khi nó mang ý nghĩa hy sinh lợi ích của Ấn Độ. Đó là một thái độ nguy hiểm và gợi lại tuyên bố nổi tiếng "Hòa bình cho thời chúng ta" của Arthur Neville Chamberlain sau khi ông ta ký kết một hiệp ước hòa bình với Hitler trước khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ. Về sau Churchill đã nói rằng ông Chamberlain chuyên nhìn mọi sự vật từ miệng dưới của ống cống thành phố. Ý nghĩa đó đại khái cũng có thể miêu tả thái độ của nhóm người theo chủ nghĩa hòa bình luôn luôn ủng hộ lập trường của Trung Quốc.
Năm ngàn năm lịch sử ngoại giao của Trung Quốc cho thấy họ có nhiều khả năng tôn trọng một quốc gia hùng cường hơn một nước yếu đuối và lung lay. Nhượng bộ chỉ làm tăng khát vọng thống trị khu vực của Trung Quốc. Một điều không thể nghi ngờ là sự gia tăng ảnh hưởng quân sự và kinh tế của Trung Quốc đang dẫn đến tình trạng chuyển dịch quyền lực dần dần ra khỏi tay Hoa Kỳ. Tuy nhiên quá trình này mang tính chất tiệm tiến và từ bây giờ cho đến lúc đó còn cần thêm nhiều thập kỷ nữa. Để bảo tồn lợi ích cốt lõi của mình, Ấn Độ phải có khả năng quân sự cần thiết trên đất liền, biển cả, và không gian để đối chọi với những kế hoạch của Trung Quốc. Điều này cần phải được tiến hành cấp tốc cùng với mức tăng trưởng kinh tế, nếu không khả năng đứng lên để bảo vệ những gì chúng ta tin tưởng sẽ bị tổn thất nghiêm trọng.
Tác giả: Thiếu Tướng Dhruv C Katoch
Chủ Tịch Bổ Sung, Trung Tâm Nghiên Cứu Địa Chiến
Dịch giả: Nam Hải Trường Sơn
Nguồn: Indian Defence Review
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét