Xin được chuyển đến bạn đọc cách nhìn khác của chuyên gia quân sự Nga Vladimir Gospodarenko cũng về chủ đề này qua bài viết với tiêu đề trên.
Bài đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) ngày 25/8/2019. Do bài rất dài nên chúng tôi có lược bớt một số đoạn. Sau đây là nội dung bài báo:
“Chúng ta thường được nghe rao giảng rằng tàu sân bay là một mục tiêu lớn nhưng mong manh dễ vỡ, - những con tàu này, nếu như không dễ bị đánh chìm, thì cũng dễ dàng có thể bị loại khỏi cuộc chơi.
Không nhẽ những người Mỹ thực dụng có tiếng lại dốt đến mức đổ nhiều tỷ đô la vào những con tàu “đồ chơi” trong khi chúng có thể dễ dàng bị nổ tung chỉ vì một cú hắt hơi của ai đó?
Chúng ta hãy xem xét khả năng sống sót của tàu sân bay kiểu “Nimitz”, - lớp tàu tạo nên sức mạnh chủ yếu của lực lượng tàu sân bay Mỹ và là biểu tượng của sự hùng cường Mỹ trên các đại dương.
Nhưng tôi xin phải nói ngay rằng tác giả bài báo (tức Vladimir Gospodarenko-ND) sẽ không đặt ra những câu hỏi kiểu như: có bao nhiêu tên lửa xuyên qua được “lá chắn Aegis”, hoặc là có bao nhiêu cơ hội để tàu ngầm (của đối phương) đột nhập vào trung tâm đội hình cụm tàu sân bay Mỹ.
Không, chúng ta hãy cứ hình dung một tình huống hoàn toàn giả định như sau- tất cả các tên lửa và ngư lôi (mà đối phương phóng nhằm vào tàu sân bay) đều đánh trúng mục tiêu (tàu sân bay Mỹ).
Đòn tấn công bằng tên lửa chống hạm hạng nặng
Trước hết, phải nhắc lại rằng đến thời điểm khởi công đóng chiếc “Nimitz” đầu tiên vào năm 1968, người Mỹ đã từng có 48 năm kinh nghiệm đóng và khai thác tàu sân bay trong các điều kiện tác chiến thực tế, và vì vậy họ có thể ứng dụng rất nhiều giải pháp kỹ thuật đã qua kiểm chứng khi đóng tàu lớp “Nimitz” để làm tăng khả năng sống sót của tàu.
Và vậy, khả năng sống sót của tàu (Nimitz”) được đảm bảo như thế nào?
Thứ nhất, tàu sân bay có kích thuớc khổng lồ và lực nổi rất lớn. Thứ hai, lớp kết cấu bảo vệ của nó - độ dày lớp vỏ ngoài của tàu tới 1-1,5 cm và độ dày các vách ngăn bên trong - lên đến 2-2,5 cm làm bằng thép cường độ cao chất lượng tốt.
Phần lớn diện tích sàn chứa máy bay được làm bằng các tấm thép có thể tháo rời để có thế thay ngay những tấm nào bị hỏng, trong khu vực các hầm tàu có hệ thống vách thép bảo vệ dày hơn và có thể lên tới 140 mm.
Tổng cộng, để đóng một con tàu lớp “Nimitz”, cần tới 1.496 tấn thép mác HY-80, 21.527 tấn thép HY-100 và 22.370 tấn thép HTS và MS. Tất nhiên – đấy không phải là các loại thép chống đạn, nhưng chúng có độ bền tốt nên tàu sân bay quyết không thể được gọi là "cái hộp sắt tây" biết bơi như các tàu chiến hiện đại khác.
Ngoài lớp bảo vệ bằng thép, còn có một lớp giáp chống mảnh đạn được làm từ các tấm Kevlar dày tới 64 mm, tất nhiên, các lớp giáp này không chặn được các đầu tác chiến của tên lửa, nhưng để vô hiệu hóa các mảnh đạn- chúng thừa khả năng.
Thứ ba, tất cả các hệ thống có tầm quan trọng sống còn trên tàu đề có hệ thống dự phòng để thay thế khi cần thiết và được bố trí cách xa nhau để loại trừ khả năng bị hỏng hóc cùng lúc do một đòn tấn công.
Thứ tư, tất cả khối thiết bị dễ bị tổn thương như tổ hợp động lực hạt nhân và các hầm chứa thuốc nổ đều được bố trí ở phần đáy tàu.
Phía dưới mớn nước và có các lớp vỏ bằng thép bảo vệ, còn nhiên liệu máy bay được bảo quản trong các phao kéo nằm bên ngoài thân tàu. Do đó, (đối phương) gần như không có cơ hội phá hủy những bộ phận quan trọng như vậy.
Nhiều người nhấn mạnh đến một ý rằng trên mặt sàn boong cất hạ cánh có nhiều máy bay chứa hàng tấn đạn dược và nhiên liệu dễ cháy đứng sát cạnh nhau. Để cho luận chứng thêm phần sinh động, họ dẫn hai ví dụ nổi bật: vụ hỏa hoạn trên tàu “Forrestal” (năm 1967) và trên tàu “Enterprise” (năm 1969).
Trong cả hai trường hợp trên, một quả tên lửa “Zunni” nhỏ đã gây thảm họa cực lớn làm chết nhiều thủy thủ và làm tàu hư hỏng rất nặng. Một số chuyên gia đã lấy hai sự cố này để lập luận rằng tàu sân bay rất dễ bị tổn thương.
Nhưng tôi (tác giả) phản đối quan điểm này- những sự cố trên là tai nạn ngẫu nhiên, chúng xảy ra vào thời điểm khi các máy bay đang chuẩn bị cất cánh thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, và trên mặt boong lúc đó có rất nhiều máy bay đã được treo bom và nạp nhiên liệu.
Kịch bản như vậy chỉ có thể lặp lại nếu xảy ra một cuộc tấn công bất ngờ vào tàu sân bay, và chỉ trong trường hợp khi các sỹ quan chỉ huy tàu không có đủ thời gian phản ứng, nhưng như các bạn thấy, khả năng này (không đủ thời gian phản ứng) trên thực tế là không thể xảy ra vì Hải quân Mỹ có rất nhiều phương tiện giám sát không gian quanh cụm tàu sân bay tấn công của mình- vậy nên đối phương không thể tiến hành một đòn tấn công bất ngờ vào tàu sân bay.
Nhiều khả năng hơn cả, thủy thủ đoàn trên tàu sân bay sẽ có khoảng thời gian từ 5-10 phút (để chuẩn bị đối phó). Lực lượng trên tàu có thể làm được những gì trong khoảng thời gian 5-10 phút đó? Vâng, rất nhiều việc, và cụ thể là:
- Khóa và bơm hết nhiên liệu ra khỏi các đường ống dẫn, vì vậy sẽ loại trừ được nguy cơ hỏa hoạn lan rộng hoặc rò rỉ khí nhiên liệu có thể dẫn đến một vụ nổ.
- Đưa hết đạn dược và thùng dầu phụ vào trong hầm tàu, hoặc, nếu không đủ thời gian, dùng xe ủi đẩy hết xuống biển.
- Khẩn cấp cho những máy bay đã sẵn sàng (đã nạp nhiên liệu và treo bom, vũ khí) cất cánh. Những máy bay đã được nạp nhiên liệu, nhưng chưa sẵn sàng bay, cho hút hết nhiên liệu ra khỏi máy bay (nếu không đủ thời gian, đẩy ngay những máy bay này xuống biển- tất nhiên, mất một máy bay tiêm kích trị giá hàng chục triệu đô la là không dễ chịu chút nào, nhưng để lại một quả bom như vậy trên boong tàu sẽ còn khó chịu hơn nhiều).
Những máy bay chưa nạp nhiên liệu nhanh chóng đưa vào khoang hầm chứa máy bay.
- Chặn các vách ngăn chống mảnh đạn, đóng các cửa chống nổ và kích hoạt tất cả các trang thiết bị chữa cháy.
Nhưng nếu kíp thủy thủ tàu sân bay vẫn bị bất ngờ? Trong trường hợp bị bất ngờ, khi mà các máy bay trên boong cất hạ cánh đều đã được lắp đạn tên lửa, treo bom và đã được tiếp đầy nhiện liệu, thì tất nhiên đây sẽ là kịch bản tồi tệ nhất cho kíp thủy thủ, nhưng nếu mới chỉ như thế mà đã vội kết luận là tàu sẽ bị tiêu diệt hoặc chí ít cũng bị loại khỏi vòng chiến đấu thì sẽ là hơi sớm.
Người Mỹ đã rút được kinh nghiệm từ những thảm họa và các trận hải chiến với Đế quốc Nhật Bản. Trên các tàu sân bay lớp “ Nimitz” được trang bị hệ thống tưới sàn boong tự động và rất mạnh có thể biến sàn cất hạ cánh thành một thác nước Niagara (thác nước rất lớn nổi tiếng ở Bắc Mỹ, giáp biên giới với Canada-ND) thực sự chỉ trong vài giây.
Các hệ thống tưới nước trên boong bắt đầu được đưa vào sử dụng trên các tàu sân bay Mỹ sau vụ cháy tàu “Forrestal”. Trên ảnh là tàu sân bay CV-42 “Franklin Roosevelt” |
Hệ thống phun nước trên tàu sân bay lớp “Nimitz” |
Chưa hết, mỗi một thủy thủ Mỹ trên tàu sân bay đều là một lính cứu hỏa chuyên nghiệp. Trên tàu còn có các phương tiện chữa cháy và xe công binh, kể cả máy húc bọc thép để đẩy các máy bay đang cháy trên tàu xuống biển nếu cần thiết.
Nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết phải đánh chìm tàu sân bay, chỉ cần phá hủy được các máy phóng, thiết bị hãm máy bay khi hạ cánh, thang nâng máy bay, hoặc đơn giản chỉ cần “khoan” được một lỗ trên sàn boong cất hạ cánh và như thế là xong- (gã khổng lồ) Goliath đã bị đánh bại.
Không phải vậy. Các máy phóng (4 máy phóng) và thiết bị hãm (4 thiết bị), các thang nâng máy bay (4 chiếc- 3 chiếc ở mạn phải, 1 chiếc ở mạn trái) được bố trí cách nhau ở một cự ly đủ (50m) để loại trừ khả năng chúng bị hỏng cùng lúc do một quả tên lửa hoặc ngư lội đánh trúng.
Thêm nữa, các máy bay F - 18A / F phiên bản “rút gọn” có thể cất cánh từ tàu sân bay mà không cần máy phóng (nếu chỉ mang tên lửa không đối không trên các móc treo và nạp một nửa nhiên liệu).
Ngoài ra, trên tàu sân bay còn có các thiết bị tăng tốc đẩy máy bay cất cánh bằng thuốc nổ dự phòng và các lưới hãm trong trường hợp khẩn cấp khi hạ cánh.
Nhưng boong cất hạ cánh máy bay “chịu nhiệt” đến mức nào? Trong vụ hỏa hoạn trên tàu “Forrestal”, đã có những loại đạn dược sau đây phát nổ trên mặt boong: 16 quả bom hàng không cỡ 453 kg, 4 quả bom cỡ 340 kg, 8 quả bom cỡ 225 kg.
Nhưng phải nói rõ rằng đây là những quả bom đã cũ thời Thế chiến II, chất nổ đã xuống cấp và sức công phá kém hơn những quả bom mới, - dù vậy, 1.038 kg bom cũng không phải là trò đùa.
Còn trong trường hợp với “ Enterprise”, trên boong máy bay của tàu này đã phát nổ: 4 quả tên lửa “Zuni” đầu tác chiến 5 kg, 6 quả bom hàng không cỡ 225 kg và một xì tec chở dầu mang 6.000 gallon nhiên liệu.
Tuy nhiên, các lỗ thủng không lớn, sau khi dọn dẹp boong, thay tạm các tấm thép, gia cố lại gờ boong, máy bay đã lại có thể cất cánh thực hiện nhiệm vụ. Để phá hỏng hoàn toàn boong cất hạ cánh của một tàu sân bay, phải cần rất nhiều bom đạn.
Chúng ta có thể dùng tên lửa “khoan ” vào tận hầm (khoang) chứa máy bay không? Nếu tên lửa có thể xuyên qua sàn boong hoặc đâm vào sườn tàù ở độ cao 20-30 mét phía trên mớn nước, nó cũng có thể “chui vào” được khoang chứa máy bay.
Hầm tàu chứa máy bay của “Nimits” được chia làm ba khu ngăn cách nhau bằng các vách ngăn trượt chống cháy nổ để khoanh vùng vụ nổ.
Tuy nhiên, những máy bay đang ở trong khoang chứa không được nạp nhiên liệu và không mang bất kỳ loại vũ khí gì (kinh nghiệm cay đắng trong cuộc chiến ở Thái Bình Dương khiến người Mỹ học rất thuộc bài học là nạp nhiên liệu và treo vũ khí cho các máy bay trong hầm chứa là một ý tưởng cực kỳ tồi), trừ một số loại đạn rất khó phát nổ.
Hầm chứa đạn dược của tàu sân bay được bố trí ở nơi an toàn nhất - ở phần đáy tàu, phía dưới đường mớn nước, và hầm này được chia thành 32 khoang độc lập nhau. Đạn dược được đưa từ kho lên sàn tàu qua hai nấc.
Đầu tiên, thang máy cuốn chuyển đạn từ hầm đến phòng lắp ráp, nằm trên boong thứ hai. Trong phòng lắp ráp, đạn dược được đưa vào trạng thái sẵn sàng sử dụng và được đưa lên sàn cất hạ cánh của máy bay bằng một thang máy chuyên dụng hoặc thang nâng máy bay.
Điều đáng chú ý là Hải quân Mỹ sử dụng loại đạn có tên gọi là đạn “an toàn” có thể chịu được nhiệt độ rất cao do cháy trong một thời gian dài- cho đến khi đội cứu hỏa đến dập tắt lửa.
Vì nhiên liệu cho máy bay là nguồn gây cháy, các công ty đóng tàu Mỹ đã chú ý tối đa đến vấn đề này. Thứ nhất, tất cả nguồn nhiên liệu dự trữ được bảo quản trong các phao chống ngư lôi và là một phần của hệ thống bảo vệ chống ngư lôi.
Do đó, nhiên liệu được cách ly và được nước bao quanh, trong các thùng nhiên liệu chỉ có nitơ để loại trừ khả năng nổ các hỗn hợp không khí và hơi nhiên liệu nguy hiểm.
Thứ hai, Hải quân Mỹ hiện chỉ sử dụng loại nhiên liệu JP-5 cũ, mặc dù nó không hiệu quả như nhiên liệu JP-8 hiện đại hơn- vì nhiên liệu JP-5 cũ có nhiệt độ cháy cao hơn.
Ngay trên mặt boong cất hạ cánh, có 14 máy tiếp nhiên liệu để bơm hoặc hút khẩn cấp, - theo định mức thì tổ tiếp nhiên liệu phải hút hết thùng nhiên liệu của một máy bay F -18 chỉ trong 10 phút, hoặc trong 15 phút nếu sử dụng các ống dẫn cơ động.
Các tổ hợp năng lượng hạt nhân của “Nimitz” nằm ở phần phía dưới mớn nước của con tàu và bố trí phân tán. Các lò phản ứng và các tua bin để xen kẽ nhau từ mũi tàu đến đuôi tàu theo thứ tự sau: lò phản ứng - tuabin - lò phản ứng - tuabin, và được ngăn cách với nhau bằng hai vách ngăn chắn nước và các khoang trung gian.
Các lò phản ứng làm việc theo nguyên tắc "fail- sale”, có nghĩa là lõi của lò phản ứng được đổ đầy một phần nước để “hãm” neutron và nước được thay đổi liên tục bằng máy bơm.
Trong trường hợp xảy ra tai nạn, máy bơm ngừng hoạt động, lõi bị ngập hoàn toàn, lò phản ứng không làm việc. Thêm nữa, ngay bản thân các thiết bị hạt nhân trên tàu có độ tin cậy cực kỳ cao.
“Phân tích trong phòng lạnh” một chút
Vâng, vậy thì chúng ta sẽ cần bao nhiêu tên lửa, để nếu không đánh chìm được, thì chí ít cũng loại một tàu sân bay ra khỏi vòng chiến trong một thời gian dài? Nếu tính đến tất cả các biện pháp tự bảo vệ của tàu sân bay lớp “Nimitz” như đã nói ở trên, có thể ước tính được khoảng bao nhiêu là đủ.
Lấy ví dụ, nếu sử dụng tên lửa “Granit”- một trong những kiểu tên lửa chống hạm mạnh nhất thế giới hiện nay.
- 1-2 "Granit" đánh trúng – tàu sân bay sẽ khôi phục xong khả năng sẵn sàng chiến đấu chỉ sau vài giờ. Các máy phóng và thiết bị hãm vẫn hoạt động, nhưng không phải tất cả. Nếu may mắn, có thể hủy diệt được khoảng 1/3 số máy bay.
- 3-5 quả "Granit" đánh trúng- tàu sân bay sẽ có thể khôi phục một phần khả năng chiến đấu và sẽ cần phải sửa chữa lớn tại căn cứ, hơn một nửa số máy bay bị phá hủy.
-6-8 quả "Granit" đánh trúng - tàu sân bay hoàn toàn mất khả năng khôi phục lại khả năng tác chiến, tối đa chỉ có thể sử dụng được máy bay lên thẳng.
Tàu cần phải được đại tu trong một thời gian dài, có thể là nhiều tháng, hoặc thậm chí là nhiều năm nên có thể nó sẽ không có kịp quay lại tham chiến, có nghĩa là tàu này sẽ không còn giá trị sử dụng trong cuộc xung đột đang diễn ra đó nữa.
- 9-19 quả "Granit" đánh trúng – tàu sân bay bị hư hỏng nặng đến mức không thể và không nên sửa chữa tàu (vì quá tốn kém).
- 20-24 quả "Granit" đánh trúng (đó là một loạt phóng (hết cơ số đạn) của tàu tuần dương (dự án) 1144 và tàu ngầm (dự án) 949A) của Nga- tàu sân bay sẽ chỉ một bộ khung xương, không những thế- còn là nguồn ô nhiễm phóng xạ.
Trong trường hợp này, chính các tàu hộ tống nó sẽ “kết liễu” nó (cái chết nhân đạo- để kẻ hấp hối không phải chịu đựng đau đớn làm ảnh hưởng đến tinh thần các thủy thủ còn lại).
Thế còn ngư lôi thì sao?
Độ dày của lớp bảo vệ chống ngư lôi lên tới 6 mét, chịu được một vụ nổ tiếp xúc của ngư lôi tiêu chuẩn 533 mm mang đầu tác chiến nặng 300 kg.
Để chống nổ dưới đáy tàu, đáy tàu có hai lớp chạy suốt toàn bộ thân tàu. Thân tàu được chia thành một loạt các khoang ngăn nước với 23 vách ngăn ngang và 4 vách ngăn dọc, đảm bảo cho tàu không bị chìm kể cả trong trường hợp bị hư hỏng đáng kể.
Để đánh chìm một con quái vật khổng lồ như vậy, sẽ cần ít nhất 10 quả ngư lôi cỡ 533 mm. Và tất cả những lập luận cho rằng chúng ta chỉ cần 2 quả ngư lôi là đủ để làm nghiêng tàu sân bay là không đúng với thực tế- chi huy tàu chỉ cần tiến hành các biện pháp chống chìm đã được chuẩn hóa là đủ làm tàu trở lại trạng thái cân bằng.
Ngư lôi “Kit” cỡ 650 mm đã bị đưa ra khỏi trang bị mang đầu tác chiến nặng hơn là 550 kg có thể hiệu quả hơn và có thể khoan thủng lớp bảo vệ chống ngư lôi, tuy nhiên để loại tàu sân bay khỏi vòng chiến sẽ cần khoảng 5-6 quả ngư lôi như vậy.
Hơn nữa, chỉ duy nhất có ngư lôi mới “đưa” được con quái vật này xuống đáy biển.
Bạn có sử dụng bao nhiêu tên lửa đi nữa thì cũng vậy, chỉ có mỗi một cách là khoan thủng được phần ngập dưới nước của tàu để nước biển tràn vào- đó là cách duy nhất để “thanh toán” tàu sân bay.
Thế còn với “mẹ Kuzkina” (vũ khí hạt nhân)
Tất nhiên, nếu một “đầu tác chiến đặc biệt” (đầu tác chiến hạt hạt nhân) đánh trúng tàu sân bay, thì thế cũng là quá đủ để đảm bảo rằng chiếc tàu sân bay này chỉ còn tồn tại trong ký ức.
Nhưng nếu một vụ nổ hạt nhân xảy ra ở một cự ly nhất định nào đó, thì tàu sân bay hoàn toàn vẫn có khả năng sống sót. Chiến dịch “Crossroads” được (Mỹ) tiến hành tháng 7 năm 1946 cho thấy các tàu lớn hoàn toàn có khả năng chống lại các tác động của vụ nổ hạt nhân.
Tàu sân bay hiện đại có hệ thống bảo vệ kíp thủy thủ chống lại vũ khí hủy diệt hàng loạt, thân tàu bằng thép với hệ thống điều hòa không khí tinh vi sẽ bảo vệ kíp thủy thủ trước phóng xạ và bụi phóng xạ.
Nhiều chuyên gia khẳng định rằng vụ nổ của đầu tác chiến đặc biệt (hạt nhân) trên tên lửa “Granit”, “Basalt”, “Kh-22” (của Liên Xô- Nga) cách tàu sân bay >1,5 km sẽ không gây ra mối đe dọa nào cho tàu.
Nhiều người đưa ra quan điểm cho rằng trong điều kiện chiến tranh hạt nhân, tàu sân bay sẽ trở nên vô dụng, bởi vì bụi phóng xạ sẽ khiến các quân nhân trên tàu không thể ở lại trên boong cất hạ cánh để thực hiện nhiệm vụ.
Có thể “phản biện” ngay lập tức quan điểm này, vì trên tàu đã có một hệ thống tưới- hệ thống này không chỉ dập tắt các đám cháy, mà còn có thể tẩy sạch ô nhiễm phóng xạ từ sàn máy bay.
Thử nghiệm giả định một vụ nổ hạt nhân ở một khoảng cách nhất định với tàu- mô phỏng một cuộc tấn công hạt nhân không trúng tàu,- tất cả các hệ thống trên tàu vẫn hoạt động bình thường. |
Kết luận
Tàu sân bay thực sự là một "hạt dẻ cực kỳ cứng và khó nhằn", rất khó “xẻ nó thành từng mảnh” (như chúng ta vẫn tưởng), chưa hết, với cả một phi đoàn máy bay trên boong, nó là kẻ thù nguy hiểm nhất trên các đại dương.
Tàu sân bay có khả năng sống sót rất cao, nhưng, tất nhiên, không phải là bất khả chiến bại. Để gây thiệt hại đáng kể cho tàu sân bay, cần sử dụng rất nhiều lực lượng, bởi vì chỉ có nhiều đòn đánh trúng nó mới có thể loại nó khỏi vòng chiến, trong khi bản thân nó (tàu sân bay) chắc chắn sẽ không chịu đứng yên để “đầu hàng” một cách dễ dàng như vậy.
Lê Hùng- Nguyễn Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét