Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

ĐẠI VIỆT TRƯỚC LIÊN MINH CHIÊM THÀNH – CHÂN LẠP

Đọc sử Việt Nam, không quá khó để tìm thấy những chuỗi hòa hiếu và xung đột liên miên giữa Đại Việt với Chiêm Thành. Một quãng thời gian dài người Chăm-pa chịu triều cống, rồi thì một vị vua Chăm nào đó quật khởi, chiến tranh lại nổ ra. Thường thì Đại Việt là người thắng, Chiêm Thành mất dần đất đai. Đó không phải là chuyện quá xa lạ.

Không có mô tả ảnh.

Nhưng đọc sử liệu triều Lý thì thấy có vài chi tiết đáng chú ý. Đó là sự xuất hiện liên minh quân sự “Chân Lạp – Chiêm Thành” cùng chống lại Đại Việt (năm 1132, 1216, 1218). Chưa kể, người Chân Lạp cũng có các chiến dịch quân sự riêng rẽ tấn công vào cương thổ triều Lý (năm 1128, 1137, 1150). Vấn đề nằm ở chỗ: Về mặt địa lý, Chiêm Thành nằm ở giữa, Đại Việt ở phía bắc Chiêm Thành, Chân Lạp ở phía nam Chiêm Thành. Nếu như không có chung đường biên giới với Đại Việt, vậy thì Chân Lạp đánh Đại Việt kiểu gì?
Có thể có 2 cách: Đánh bằng đường biển, hoặc mượn đường bộ từ Chiêm Thành.
1 - CHINH PHẠT BẰNG THỦY QUÂN
Đây là chuyện đã xảy ra vào 01/1128 đời vua Lý Thần Tông. Toàn thư chép: “…hơn 2 vạn người Chân Lạp vào cướp bến Ba Đầu ở châu Nghệ An. Xuống chiếu cho Nhập nội thái phó Lý Công Bình đem các quan chức đô cùng người châu Nghệ An đi đánh” [1]. Kết quả là “đánh bại quân địch, bắt được tướng và quân của địch gồm một trăm sáu mươi chín người” [2].
Không cam lòng với thất bại này, 6 tháng sau, người Chân Lạp tiếp tục cuộc tấn công theo đường biển với quy mô không kém: “Người Chân Lạp vào cướp hương Đỗ Gia ở châu Nghệ An, có đến hơn 700 chiếc thuyền”. Kết quả: “…sai bọn Nguyễn Hà Viêm ở Thanh Hoá và Dương Ổ ở châu ấy đem quân đánh, phá được” [3]
2 - XUYÊN QUA BIÊN GIỚI CHIÊM THÀNH
Cách thức hành quân này mới có nhiều điều để bàn. Bởi lẽ, khi nước A dẫn quân đi ngang qua lãnh thổ của nước B để gây chiến với nước C, đấy sẽ luôn là sự kiện ẩn chứa nhiều tai họa cho cả hai bên A và B. Lịch sử đã để lại nhiều ví dụ:
+ A có thể ra vẻ “mượn đường” đi ngang qua B, nhưng họ có khả năng thừa cơ tập kích B. Một ví dụ kinh điển chính là tích “mượn đường diệt Quắc”, nước Tấn năm xưa mượn đường đi ngang nước Ngu để đánh nước Quắc, về sau thừa cơ chiếm luôn nước Ngu.
+ A thật lòng mượn đường đi qua B để đánh nước C. Khổ nỗi, B lại thừa lúc A đang đánh C mà tập kích A từ sau lưng. Có một ví dụ “hơi gần” với chuyện này, đấy là chiến dịch Tương-Phàn thời Tam quốc, khi đại tướng nhà Thục là Quan Vũ xuất phát từ Giang Lăng (vốn là mảnh đất được nhà Ngô coi là “đồ cho nhà Thục mượn”), đánh lên phía Bắc uy hiếp Tương Dương-Phàn thành của nhà Ngụy. Trước chiến dịch này, Thục - Ngô là đồng minh. Nhưng khi Quan Vũ sắp chiếm được Tương-Phàn, đánh bại viện quân của Vu Cấm, thì quân Ngô trở mặt, âm thầm thọc một đòn sau lưng Quan Vũ, nuốt luôn hậu phương Giang Lăng. Kết quả: Quan Vũ mất mạng, nhà Thục mất Kinh châu, quan hệ minh hữu Thục – Ngô cũng chính thức tan vỡ.
Dẫn ra hai ví dụ trên để cho thấy, một khi Chân Lạp có thể sử dụng đường tiến quân trên bộ, đi ngang lãnh thổ Chiêm Thành và tấn công Đại Việt, thì có nghĩa là Chân Lạp đã nắm chắc được rằng: Chiêm Thành không thể, không dám hoặc không đủ khả năng tập kích sau lưng họ. Và Chiêm Thành lúc ấy, có lẽ cũng phải cam chịu khả năng bị Chân Lạp nuốt sống bất cứ lúc nào.
Thực tế mối quan hệ Chân Lạp - Chiêm Thành trong những lần “mượn đường” đó có ủng hộ lập luận này hay không?
(còn tiếp)
GHI CHÚ:
[1] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, Quyển III, bản điện tử, trang 126.
[2] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính Biên, Quyển IV, Bản kỷ, bản điện tử, trang 156.
[3] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, Quyển III, bản điện tử, trang 127.


Không có mô tả ảnh.

Ở các kỳ tiếp theo này, người viết thử trả lời các câu hỏi trên thông qua 02 sự kiện chính: (i) Chiến dịch quân sự của Đại Việt chống lại sự xâm lấn của Tống – Chiêm Thành – Chân Lạp năm 1076; và (ii) Chuỗi xung đột quân sự giữa Chân Lạp – Chiêm Thành với Đại Việt từ 1128 đến 1137.
3 – CHIẾN DỊCH NĂM 1076
3.1 MỘT LIÊN MINH ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH BỞI NAM TỐNG
Không phải đợi đến năm 1132 thì liên quân Chân Lạp - Chiêm Thành mới xuất hiện. Trước đó hơn 50 năm, sau khi thất bại ở Ung châu về tay Lý Thường Kiệt, nhà Tống bèn
“sai Quách Quỳ làm Chiêu Thảo sứ, Triệu Tiết làm phó…, hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn nước ta” [4].
Đó là ghi chép trong Toàn thư. Cương mục có phần cẩn thận hơn khi viết rằng nhà Tống chỉ
“ước hẹn các nước Chiêm Thành và Chân Lạp cùng sang lấn cướp” [5].
Các sử quan triều Nguyễn đã có lý khi KHÔNG khẳng định sự xuất hiện của liên quân Chân Lạp - Chiêm Thành ở chiến dịch năm 1076 mà chỉ dừng lại ở hành động “ước hẹn” của vua Tống đối với hai nước chư hầu; bởi vì Tống sử cũng khẳng định điều tương tự:
“Quân triều đình sang đánh Giao Chỉ, vì cớ (Chiêm Thành) vốn có thù (với Giao Chỉ), bèn chiếu cho Chiêm Thành, mệnh thừa cơ hiệp lực cùng trừ diệt” [6].
Viên Tiểu hiệu nhà Tống là Phàn Thực, người được giao nhiệm vụ sang dụ bảo Chiêm Thành báo cáo lại phản ứng của nước này như sau:
“nước ấy đã tuyển chọn bảy ngàn quân chặn giữ những đường yếu đạo của giặc” [7]
7000 quân tham gia là con số quá ít nếu so với binh lực Đại Việt giai đoạn 1075-1077 (Lý Thường Kiệt đánh Ung, Khâm, Liêm đã mang hơn 10 vạn quân) hay Nam Tống (theo phát hiện của tác giả Tô Như đây thì quân Tống mà Quách Quỳ mang sang có khả năng không dưới 30 vạn [8]).
Số quân 7000 ít ỏi này chắc chắn không thể đủ để tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Đại Việt (So sánh với năm 1128, 2 vạn quân Chân Lạp xâm nhập Nghệ An đã bị Đại Việt đánh bại chỉ trong 1 tháng). Sự tham dự của Chiêm Thành có lẽ chỉ là mang quân bố trí sẵn ở biên giới phía nam của Đại Việt, chờ đợi khả năng Đại Việt thua Tống và bỏ Thăng Long rút về nam thì sẽ có cơ hội phục kích hoặc quấy phá mà thôi. Tác giả Georges Maspero trong cuốn “Le Royaume de Champa” cũng thiên về quan điểm này khi cho rằng:
“Có khả năng do không muốn mạo hiểm nên Harivarman [tức Harivarman IV – vua Chiêm Thành lúc này – Thuyên chú thích] chỉ chờ đợi, không xuất binh mà giữ đạo quân trấn giữ nơi hiểm yếu kia lại. Không nắm chắc phần thắng, vào năm sau, Harivarman dâng cống phẩm lên cả (Lý) Càn Đức lẫn (Tống) Thần Tông” [9]
3.2 NHỮNG ĐỒNG MINH PHẢN TRẮC
Quay lại vấn đề liên quân Chân Lạp - Chiêm Thành. Nhà Tống rõ ràng có yêu cầu Chiêm Thành xuất binh, vậy họ có yêu cầu tương tự đối với Chân Lạp hay không? Cũng trong cùng mục “Ngoại quốc 5” của Tống sử, Quyển 489; Chân Lạp chỉ được nhắc đến vào năm 1116. Các sự kiện diễn ra trong khoảng 1075-1077 không được đề cập.
Mặc dù vậy, tác giả Thanh Trà trong “Lược sử nền văn minh Champa” có nhắc đến hoàng thân Sri Nandana varmadeva – tướng lĩnh người Khmer như là người mang quân vào miền Nam Champa theo lời mời của Quách Quỳ để chống lại nhà Lý. Viên tướng này khi thấy vua Chiêm Thành chịu triều cống nhà Lý trở lại thì quyết định chiếm luôn Panduranga (lãnh thổ phía nam của Chiêm Thành, tương ứng với vùng Bình Thuận bây giờ), có lẽ vì cho rằng người Chiêm Thành đã phản bội lại liên minh. Theo Thanh Trà, Người Chiêm Thành chỉ lật ngược được tình thế sau khi nhà Lý (cụ thể là Lý Thường Kiệt) xuất binh hỗ trợ [10].
Thông tin này nghe có vẻ rất mới vì ít nhất nó chưa xuất hiện trong các sử liệu Việt như Toàn thư hay Cương mục. Tuy nhiên, do cách trình bày của Thanh Trà nên chúng ta không biết được ông đã tham khảo sử liệu nào để đưa ra thông tin trên.
Về sự tan rã của liên quân Chân Lạp - Chiêm Thành, Majumdar trong cuốn “Kambujadesa” bổ sung thêm:
“Không lâu sau đó (sau thất bại của quân Tống năm 1076 trước Đại Việt – Thuyên chú thích), xung đột nổ ra giữa vua Kampuja và vua Champa. Chi tiết chiến dịch này được nhắc đến sơ lược trong bi ký được tìm thấy ở Champa như sau: [Vua Champa Harivarman IV đánh bại quân Kampuja ở Somesvara và bắt giữ chỉ huy là hoàng thân (prince) Sri Nandanavarmadeva]. Trận chiến này diễn ra đâu đó trước năm 1080” [11].
Sự xuất hiện của quân Chân Lạp và Sri Nandana varmadeva ở Chiêm Thành năm 1076 cần được khảo cứu thêm. Dò tìm lại các nghiên cứu có tham khảo cả những nguồn sử liệu cổ hơn (như văn bia bằng chữ Chăm cổ) như:
“Le royaume de Champa” của Maspero (1928),
“Ancient Indian Colonies in the Far East, Vol.1 – Champa” của Majumdar (1927),
“The Indianized states of Southeast Asia” của Coedes (1968);
ta không phát hiện thêm được gì về các hoạt động của Chân Lạp trên đất Chiêm Thành trong chiến dịch đánh Đại Việt năm 1076, càng không thấy nhắc đến việc Lý Thường Kiệt giúp Chiêm Thành phá Chân Lạp. Henri Maspéro trong “Etudes d'histoire d'Annam” chỉ nói một cách rất thận trọng rằng:
“Sự thất bại của người Trung Quốc kéo theo sự rút lui của các đồng minh của họ; không có thông tin gì về hướng di chuyển của họ [các đồng minh của Tống – ý chỉ Chiêm Thành và Chân Lạp – Thuyên chú thích]” [12]
Dù hoàng thân Sri Nandana varmadeva và quân Chân Lạp có ý định tham gia vào cuộc chiến chống Đại Việt năm 1076 hay không, điều chắc chắn là họ đã có mặt trên lãnh thổ Chiêm Thành. Và dù là do người Chân Lạp gây chiến trước (theo quan điểm của Thanh Trà) hay là do người Chiêm Thành ra tay trước (như cách nói của Majumdar) thì có một điều rõ ràng là “liên minh” Chân Lạp - Chiêm Thành với sự chỉ định của nhà Tống là không hề bền vững.
Khi mục tiêu chung (đánh Đại Việt) mất đi (cùng sự thất bại của quân Tống) thì những người đồng minh này ngay lập tức chĩa mũi giáo về phía nhau. Điều này không có gì lạ nếu nhìn dọc theo lịch sử xung đột giữa hai đất nước này. Xung đột và liên minh sẽ tiếp tục là hai mặt không tách rời trong mối quan hệ phức tạp giữa Chân Lạp và Chiêm Thành trước đối thủ phía bắc – Đại Việt. Điều này sẽ được làm sáng tỏ thông qua phân tích chuỗi xung đột 1128 - 1137.
(còn tiếp)
GHI CHÚ:
[4] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, Quyển III, bản điện tử, trang 110.
[5] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính Biên, Quyển IV, Bản kỷ, bản điện tử, trang 141.
[6] [7] Tống sử, Quyển 489 – Ngoại quốc 5. Trích trong Châu Hải Đường (2018), An Nam truyện, trang 296.
[8] Nhu To (2019), Quách Quỳ, Triệu Tiết cầm bao nhiêu quân sang nước ta? Truy cập tại: https://www.facebook.com/tonhu1999/posts/459260164779992
[9] M. Georges Maspero (1928), Le Royaume de Champa, trang 145. Nguyên văn:
[Il est probable que peu désireux de se compromettre, Harivarman, attendant les événement, n'avait pas fait sortir ses troupes des “passages difficiles” où il les avait cantonnées. Incertain du succès, il adressa, l'année suivante, le tribut regulier à Kiền Đức en même temps qu’à Chen Tsong].
[10] Thanh Trà (2012) Lược sử nền văn minh Champa, trang 226.
[11] Majumdar (1943), Kambujadesa, trang 121.
[12] Henri Maspero (1918), La frontière de l'Annam et du Cambodge du VIIIe au XIVe siècle, BEFEO, XVIII, 3, trang 33. Nguyên văn:
[La défaite des Chinois amena la retraite de leur alliés sur les movements desquels nous a’avont pas de renseignements].
NGUỒN HÌNH: Đại Việt, Chiêm Thành và Chân Lạp. The Cambridge History of Southeast Asia Volume 1, From Early Times to C.1800
P/S: Các sử liệu tiếng Pháp được dịch sang tiếng Việt bởi Trần Thụy Hân.

Không có mô tả ảnh.

Tuy vậy, chuỗi xung đột hơn 50 năm sau đó mà Chân Lạp - Chiêm Thành gây ra cho Đại Việt thì khác. Nhiều bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy đã có sự phối hợp tác chiến giữa hai quốc gia phương nam. Nhà Lý đã phải tốn nhiều công sức trên các mặt trận quân sự, ngoại giao cho đến khi liên minh này tan rã vào năm 1137.
4 – “THE OFFENSIVE ALLIANCE” (MỘT LIÊN MINH TẤN CÔNG) *
(*): Chữ dùng của Majumdar (1927).
Trong 9 năm kể từ 1128 đến 1137, nhà Lý đã phải chống lại 4 cuộc tấn công từ phương nam:
+ 01/1128, “hơn 2 vạn người Chân Lạp vào cướp bến Ba Đầu ở châu Nghệ An” [13].
+ Bảy tháng sau đó, 08/1128 “người Chân Lạp vào cướp hương Đỗ Gia ở châu Nghệ An, có đến hơn 700 chiếc thuyền” [14].
+ Tròn bốn năm sau, 08/1132, vẫn là châu Nghệ An bị xâm lấn, lần này kẻ địch là “Chân Lạp và Chiêm Thành đến cướp” [15].
+ Hơn bốn năm sau nữa, 01/1137, “tướng nước Chân Lạp là Phá Tô Lăng” [16] tiếp tục cướp phá Nghệ An.
Trong 9 năm đời vua Lý Thần Tông này, sử Việt ghi nhận SỰ XUẤT HIỆN DÀY ĐẶC các cuộc xung đột với NGƯỜI CHÂN LẠP. Đây là một sự xuất hiện khá bất thường nếu nhìn vào lịch sử xung đột trước đó giữa Đại Việt với các quốc gia phía nam VỐN GẦN NHƯ CHỈ TOÀN NHỮNG CHIẾN DỊCH CHINH PHẠT CHIÊM THÀNH – quốc gia có chung đường biên giới: Năm 1044, Lý Thái Tông đánh thẳng vào thành Phật Thệ (Vijaya). Năm 1069, Lý Thánh Tông thân chinh, bắt sống vua Chiêm Thành là Chế Củ. Năm 1076, Lý Thường Kiệt thừa mệnh Lý Nhân Tông tiếp tục nam chinh.
Sự khác biệt ấy có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân lớn nhất có lẽ bắt nguồn từ sự trỗi dậy của một ông vua Chân Lạp tài giỏi: Suryavarman II.
4.1 MỘT ĐỒNG MINH ĐẦY SỨC UY HIẾP
Suryavarman II lên ngôi năm 1113, được đánh giá là “một nhà chinh phạt vĩ đại đã lãnh đạo quân đội Khmer tiến xa hơn bao giờ hết” [17].
Về đối nội, ông hợp nhất cả hai lãnh thổ của vua Dharanindravarman I và Harsavarman III và xây dựng công trình Angkor Wat huyền thoại [18]. Về đối ngoại, ông tranh thủ sự ủng hộ của hoàng đế Nam Tống bằng cách gửi hai sứ đoàn sang triều cống năm 1117 và 1121, nối lại quan hệ ngoại giao vốn đã ngắt quãng từ sau thế kỷ 8 [19].
Thành tựu đối ngoại rực rỡ nhất của Suryavarman II là mở rộng cương thổ lên đến hơn 7000 dặm rộng, được Briggs (1951) mô tả là: lãnh thổ đế quốc Chenla (Chân Lạp) “giáp biên giới phía nam của Chiêm Thành, phía đông tới biển, phía tây tới Pagan (Myanmar ngày nay - Thuyên chú thích), phía nam tới Grahi thuộc vịnh Bandon (nay thuộc vịnh Thái Lan - Thuyên chú thích) [20]. Mô tả này tương đồng với ghi chép trong Tống sử: “Chân Lạp ở phía nam Chiêm Thành, phía đông giáp biển, phía tây giáp Bồ Cam, phía nam đến Gia La Hi…” [21].
Ở hướng chính bắc, ông đẩy cương giới đế quốc Khmer lên các vùng đất nay thuộc về Xiêm và Lào [22], chiếm cả Lopburi (đông bắc Bangkok ngày nay) [23]. Cũng có dấu hiệu cho thấy những hoạt động của Suryavarman II ở lưu vực sông Mun và các phần liền kề của lưu vực sông Mê Kông ở Lào và Thái Lan hiện tại [24]. Trong thời gian trị vì của Suryavarman II, lãnh thổ đế quốc Khmer rộng có lẽ phải gấp 4-5 lần Đại Việt (xem bản đồ).
Với tài năng và tham vọng lớn, không ngạc nhiên khi “ngay khi lên ngôi [năm 1113 – Thuyên chú thích], Suryavarman II bắt đầu quấy rối Champa” [25]. Không tìm thấy sử liệu về các xung đột Chân Lạp – Chiêm Thành trong các năm này; tuy nhiên Toàn thư ghi nhận khá nhiều trường hợp cả người Chân Lạp lẫn Chiêm Thành sang quy phụ Đại Việt chỉ riêng trong 2 năm 1123-1124:
+ 04/1123: “5 người nước Chân Lạp quy phụ” [26]
+ 01/1124: “người nước Chiêm Thành là Cụ Ông và ba người em họ đến chầu” [27]
+ 04/1124: “người nước Chân Lạp là Kim Đinh A Truyền cùng 4 người gia đồng sang quy phụ” [28]
+ 05/1124: “người nước Chiêm Thành là bọn Ba Tư Bồ Đà La 30 người sang quy phụ” [29]
So sánh với toàn bộ thời Lý thì tần suất tị nạn sang Đại Việt giai đoạn này là DÀY ĐẶC, cho thấy giai đoạn này hẳn phải tồn tại những biến động xã hội ghê gớm (và rất có khả năng là chiến tranh Chân Lạp – Chiêm Thành vốn đã được Suryavarman II khơi mào từ 1113).
Dù là dưới hình thức xung đột nào thì miền bắc Chiêm Thành cũng đã chịu sự thống trị của quân Chân Lạp vào năm 1128, và quân Chiêm Thành đã “được tuyển mộ làm đồng minh trong các cuộc xâm lược Đại Việt bất thành” (“recruited as allies”) như cách nói của Tarling (1992) [30]. Majumdar (1927) sử dụng cách nói nhẹ hơn khi cho rằng vua Chân Lạp chỉ “xui khiến” (“induced”) vua Chiêm Thành tham gia [31]. Hall (1955) có lẽ mô tả đầy đủ nhất mối quan hệ “đồng minh” này: “persuaded, or forced” – “thuyết phục hoặc ép buộc” [32].
Kết quả là liên minh Chân Lạp – Chiêm Thành đã chính thức tấn công Đại Việt vào các năm 1128, 1132, 1137. Tuy nhiên, có bao nhiêu chiến dịch đã thật sự diễn ra, bao nhiêu lần trong số đó do quân Chân Lạp đơn phương triển khai, và bao nhiêu lần do liên quân Chân – Chiêm hợp tác hành động, thì vẫn còn nhiều tranh cãi.
(còn tiếp)
(Kỳ sau: Năm 1128: HAI lần thua đau của riêng người Chân Lạp? Hay chỉ MỘT chiến dịch thất bại của liên quân Chân – Chiêm?)

NĂM 1128: HAI LẦN THUA ĐAU CỦA RIÊNG NGƯỜI CHÂN LẠP? HAY CHỈ MỘT CHIẾN DỊCH THẤT BẠI CỦA LIÊN QUÂN CHÂN – CHIÊM?

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép rằng tháng 02/1128, Nhập nội thái phó Lý Công Bình “đánh bại người Chân Lạp ở bến Ba Đầu, bắt được chủ tướng và quân lính”.

Phải sáu tháng sau (08/1128), người Chân Lạp mới mở một cuộc tấn công mới ở hương Đỗ Gia. Lần này, “Nguyễn Hà Viêm ở Thanh Hoá và Dương Ổ ở châu ấy đem quân đánh, phá được”.

Theo cách mô tả của Toàn thư thì đây là hai trận đánh riêng rẽ, không liên quan đến nhau. Mặc dù vậy, Henri Maspero trong tập san trường Viễn Đông Bác cổ (BEFEO) đã bác bỏ quan điểm của Toàn thư. Thay vào đó ông cho rằng hai trận đánh này nằm trong cùng một chiến dịch. Ông viết:

[Vào đầu thế kỷ XII, sau cuộc xâm lược Chiêm Thành, vua Suryavarman II đã biến Chiêm Thành trở thành NƯỚC CHƯ HẦU của mình bằng cả phương thức bạo lực lẫn ý chí [nguyên văn “de gré ou de force” – Thuyên chú thích], và rồi cùng Champa phát động CUỘC CHIẾN TRANH KÉP [nguyên văn “double expédition” – ý chỉ hai toán quân thủy và bộ cùng đánh Nghệ An - Thuyên chú thích] nhắm đến An Nam. Năm 1128, hai vạn quân Chân Lạp được phái đi đánh Nghệ An. Cùng lúc đó, 700 thuyền Chân Lạp xâm chiếm bờ biển Hà Tĩnh với sự hỗ trợ của quân Chiêm Thành...
Toán quân đầu tiên vượt qua đèo Hà Trại, xuống thung lũng Phố Giang [33] và hạ trại ở lối vào đồng bằng tại lạch Ba Đầu, nơi mà ngày nay chính là Hương Sơn (tháng 2 năm 1128). Toán quân này hạ trại để chờ đội thủy quân và người Champa. Có vẻ như đội thủy quân đã đến muộn, và mặt khác, người An Nam có thể đã nhận ra mối nguy cấp nên đã đẩy nhanh việc chuẩn bị...
Ngày 2 tháng 3, Lý Công Bình nhận lệnh lãnh đạo quân Nghệ An chống lại Chân Lạp. Ông gặp bọn chúng đang đóng quân tại Ba Đầu, tấn công và đánh bại chúng vào ngày 11 tháng 3. Tướng địch chết và tàn quân địch rút lui…
Đoàn tàu (đoàn 700 tàu của Chân Lạp - Hân chú thích) và quân đội Chăm cũng phải vài tháng sau, tức tận tháng 8 mới đến. Chúng chiếm đóng làng Đỗ Gia. Tuy nhiên, vì nhóm quân đầu tiên không thể tiếp ứng cho chúng (vì đã bị Lý Công Bình đánh bại vào tháng 3 – Hân chú thích), nên chúng phải rút lui sớm, cướp phá khu vực bờ biển Nghệ An và Thanh Hóa…] [34]

Trong phần ghi chú, H. Maspero cũng giải thích vì sao ông bác bỏ quan điểm của Toàn thư:

[Các sử gia An Nam ghi chép về sự xuất hiện của đội quân vào tháng 2 (tức nhóm 2 vạn quân Chân Lạp – Hân chú thích) và xuất hiện của thủy quân Chân Lạp cộng lính Chiêm Thành vào tháng 8 là hai cuộc tiến quân khác nhau, không hề liên quan gì cả. Quá trình phân tích của họ hầu như không cho phép họ làm khác. Nhưng ta phải nghĩ đến vấn đề là: thời gian cần để di chuyển theo đường bộ từ Mekong đến Nghệ An khác với thời gian cần để đi thuyền từ Mekong hoặc từ vịnh Thái Lan (nguyên văn “gulf du Siam” – Hân chú thích) đến Hà Tĩnh.
Ngoài ra, tháng 2 và tháng 3 là thời điểm trước mùa mưa, thời tiết vẫn còn mát mẻ, thuận lợi cho việc tiến quân theo đường bộ nhưng lại rất bất lợi khi tiến quân theo đường biển. Thời gian đó là khoảng thời gian thay đổi gió mùa và sẽ rất nguy hiểm khi di chuyển ở khu vực bờ biển An Nam. Bên cạnh đó, nhóm quân xuất phát từ hướng Nam (nhóm di chuyển bằng thuyền - Hân chú thích) không cần di chuyển gấp rút vì kể từ khi bộ binh hạ trại tại Ba Đầu, ngay lối vào khu vực đồng bằng Hà Tĩnh thì có vẻ như chúng (nhóm bộ binh - Hân chú thích) đã nhận được lệnh chờ nhóm binh lính kia đến hội quân] [35]

Như vậy theo H. Maspero, chiến dịch tấn công Đại Việt năm 1128 không phải là của một mình quân Chân Lạp mà được tiến hành bởi liên quân Chân – Chiêm; trong đó Chân Lạp đóng vai trò chủ đạo ở cả bộ binh lẫn thủy binh, còn Chiêm Thành hỗ trợ (dân phu, vận lương cho thủy quân). Nếu quân Chiêm Thành chỉ tham gia với vai trò dân phu thì chuyện sử Việt chép “đánh bại quân Chân Lạp” cũng là điều có thể hiểu được. Ngoài ra, có sự chênh lệch thời gian bởi thủy quân cần chờ gió đông nam để xuất hành (bắt đầu khoảng tháng 6), trong khi bộ quân thì cần tiến quân trước tháng 3 (khi chưa đến mùa mưa). Nếu chứng minh được sự tồn tại của liên quân này vào năm 1128 thì cũng gián tiếp khẳng định được sự kiểm soát của Chân Lạp đối với bắc Chiêm Thành, qua đó giải đáp được tồn nghi đã nêu ở Kỳ 3 (https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1106312896386679/).

Mặc dù những lập luận của H. Maspero về thời điểm xuất phát của hai cánh quân là khá hợp lý, vẫn có những nghi ngờ về việc nhóm 2 vạn bộ quân phải chờ đợi quá lâu (5-6 tháng) ở lối vào đồng bằng Hà Tĩnh, bởi quân Chân Lạp chắc chắn phải đối mặt với 02 vấn đề lớn: (1) Làm thế nào giữ bí mật được sự xuất hiện của 2 vạn quân trong thời gian dài? (2) Làm sao có đủ lương thảo cho 2 vạn người mà không phải cướp bóc của dân Đại Việt?

Với tồn nghi số (2), những người ủng hộ quan điểm của H. Maspero có thể viện dẫn chính nghiên cứu của ông về tuyến đường hành quân trên bộ của liên quân Chân – Chiêm tiến đánh Đại Việt năm 1132: Quân Chân Lạp năm 1128 có thể đã băng ngang qua lãnh thổ Chiêm Thành, đến Đại Việt bằng con đường Lao Bảo (Savannakhet-Huế) [36]. Lương thực có thể được vận chuyển từ Chân Lạp (lãnh thổ Lào hiện nay) sang lãnh thổ Chiêm Thành (Quảng Trị hiện nay) trước khi đến Hà Tĩnh. Tồn nghi số (1) có thể được quy cho vấn đề đường sá xa xôi (từ vịnh Thái Lan vòng ngược lên bắc đến Nghệ An là quãng đường rất dài - XEM MŨI TÊN MÀU XANH TRÊN BẢN ĐỒ), tàu thuyền dễ gặp trục trặc nên đến trễ (chứ ban đầu người Chân Lạp không định cho bộ binh chờ lâu đến vậy).


Với những bằng chứng không quá rõ ràng, quan điểm của H. Maspero về liên quân Chân – Chiêm 1128 vẫn chỉ nên được xem là một giả thuyết đáng chú ý mà thôi. Nhưng sự tồn tại của liên quân Chân – Chiêm vào bốn năm sau (1132) thì lại không có gì phải nghi ngờ…

Không có mô tả ảnh.

GHI CHÚ:
[13] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, Quyển III, bản điện tử, trang 126.
[14] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, Quyển III, bản điện tử, trang 127.
[15] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, Quyển III, bản điện tử, trang 130.
[16] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, Quyển III, bản điện tử, trang 133.
[17] Coedes (1975), The Indianized States of Southeast Asia, trang 159.
[18] [19] Majumdar (1943), Kambujadesa, trang 122.
[20] [22] Briggs (1951), The Ancient Khmer Empire, trang 189.
[21] Tống sử, Quyển 489 – Ngoại quốc 5. Trích trong Châu Hải Đường (2018), An Nam truyện, trang 298.
[23] [24] [30] Tarling (1992), The Cambridge History of Southeast Asia: Volume 1, from Early Times to C. 1800 (Vol. 1). Cambridge University Press., trang 161.
[25] M. Georges Maspero (1928), Le Royaume de Champa, trang 155. Nguyên văn:
[Dès qu'il eut ceint la couronne, Suryavarman commenca de harceler le Champa]
[26] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, Quyển III, bản điện tử, trang 120.
[27] [28] [29] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, Quyển III, bản điện tử, trang 121.
[31] Majumdar (1927), Ancient Indian Colonies in the Far East - Vol.1, trang 94.
[32] Hall (1955), A History of South East Asia, trang 205.
NGUỒN HÌNH: http://ecaidata.org/
P/S: Các sử liệu tiếng Pháp được dịch sang tiếng Việt bởi Trần Thụy Hân.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét