Chúng tôi mới đăng các bài: “Cần bao nhiêu tên lửa, ngư lôi đánh chìm tàu sân bay? “và “Đánh chìm tàu sân bay: Vũ khí hạt nhân cũng khó nhằn”
Những bài đăng trên (DVO, các ngày 19 và 20/2/2020),- hai bài trên đã nhận được tương đối nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả.
Để cung cấp thêm một số thông tin giúp làm “dịu” một số ý kiến khá gay gắt và cũng tạo dịp để tranh luận tiếp, xin chọn và giới thiệu thêm (chúng tôi đã từng giới thiệu) một số trong loạt bài về chủ đề tàu sân bay của chuyên gia quân sự, Đại tá hải quân, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Pháo binh và Tên lửa Nga Konstantin Sivkov.
Bài đầu này tuy đăng đã hơi lâu (2017, khi tàu sân bay “Sơn Đông” Trung Quốc còn chưa hạ thủy), nhưng chủ yếu là bàn về các vấn đề lý thuyết nên, vẫn có thể tham khảo được. Sau đây là nội dung bài báo:
“Đô đốc Kuznetsov”, “Liêu Ninh”, “Nimitz”: Ai, đáng giá bao nhiêu?
Nếu tính mức độ (tỷ lệ so sánh) giữa hiệu quả chiến đấu của tàu với những yêu cầu thực hiện nhiệm vụ (hiệu quả/chức năng- nôm na: khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao-ND), tàu sân bay của chúng ta thua kém "người Mỹ" (tức “Nimitz”-ND) nếu tham chiến trong các cuộc xung đột cục bộ- khoảng 14%, còn trong một cuộc chiến quy mô lớn - khoảng 10%. Nhưng “ Kuznetsov” Nga sẽ vượt “Liêu Ninh” của Trung Quốc về các chỉ số tương tự lần lượt là 10% và 6%.
Các tàu sân bay- đó là lực lượng nòng cốt hiện nay của Hải quân Mỹ. Lẽ ra, tàu sân bay cũng đã phải chiếm một vị trí chủ đạo trong biên chế chiến đấu của Hải quân Liên Xô. Nhưng giấc mơ không thành.
Tuy nhiên, các tàu sân bay sẽ, và chỉ trong tương lai rất ngắn, khoảng từ 15 đến 20 năm nữa, trở thành lực lượng nòng cốt (nguyên văn- hạt nhân) của toàn bộ sức mạnh tàu nổi trong trang bị Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).
Do vậy, so sánh các tàu sân bay là một nhiệm vụ quan trọng nhằm đánh giá khả năng chiến đấu của hải quân Mỹ- Nga- Trung nói chung.
Thêm nữa, chính các tàu sân bay là tấm gương phản ánh chân thực nhất những thành tựu vĩ đại nhất, trình độ tiên tiến nhất không chỉ của ngành đóng tàu, mà cả ngành chế tạo máy bay.
Chính vì thế mà một công trình phân tích so sánh (tàu sân bay) cũng sẽ cũng rất cần thiết nếu xét từ góc độ đánh giá trình độ công nghệ của mỗi quốc gia trong những lĩnh vực như vậy (đóng tàu và chế tạo máy bay-ND).
Cân nhắc
Phương pháp so sánh (các tàu sân bay) đã được những bạn đọc thường xuyên của báo (“Bình luận quân sự độc lập”) biết đến (qua bài “Trận chiến trên biển với một cái bóng: “Matxcova đối đầu với Ticonderoga” và các bài khác).
Công việc so sánh bắt đầu từ việc chọn ra những tàu cần so sánh với nhau. Một trong số đó, dĩ nhiên, chắc chắn phải là chiếc tàu sân bay duy nhất (nói chính xác hơn thì đó là tàu tuần dương hạng nặng mang máy bay) dự án 1143.5 “Đô đốc Hải quân Liên Xô Kuznhetsov”, hay đơn giản hơn cứ gọi là “Kuznhetsov” của chúng ta (Nga).
Mỹ đã, đang và vẫn sẽ là đối thủ cạnh tranh chính của chúng ta (Nga) trên các biển và các đại dương, vì vậy, sẽ hoàn toàn hợp lý nếu chúng ta chọn kiểu tàu sân bay chủ yếu của nước Mỹ, tức các tàu lớp “Nimitz”, để so sánh.
Đến đây, lẽ ra là có thể chốt danh sách, nhưng do mới xuất hiện một bối cảnh mới- hiện Trung Quốc cũng đang bắt đầu ráo riết chinh phục (chiếm đoạt) không gian biển và triển khai một cuộc đối đầu hải quân với Mỹ.
Vì vậy, cũng nên lấy “Liêu Ninh” của Trung Quốc, tức cũng chính là “Varyag” Xô Viết ngày xưa của chúng ta, làm đối tượng để so sánh.
Giai đoạn (công việc) tiếp theo là phân tích các nhiệm vụ mà các tàu sân bay phải thực hiện. Các tàu thuộc lớp này (tàu sân bay) ở các quốc gia khác nhau, mặc dù có một điểm chung là đều có tính đa năng, nhưng lại có những tính năng đặc thù của từng nước.
Một số tàu (sân bay) có chức năng chủ yếu là giải quyết các nhiệm vụ chống ngầm, ví dụ như các tàu sân bay Anh lớp “Invincible”, một số tàu khác lại có định hướng chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ phòng không cho các binh đoàn (cụm) tàu trên biển, như chính “Kuznhetsov” Nga, và nhóm thứ ba- thực sự là những tàu sân bay đa năng. Ví dụ điển hình nhất cho nhóm thứ ba này- chính là các tàu sân bay Mỹ.
Các tàu sân bay cũng khác nhau về kích thước, quy mô cụm không quân (phi đoàn) trên tàu cùng những khả năng tác chiến tương ứng. Số lượng các phương tiện bay (máy bay, máy bay lên thẳng, UAV) của các tàu sân bay các lớp khác nhau cũng dao động trong phạm vi rất lớn:
Từ 8 đến12 chiếc trên những tàu sân bay hạng nhẹ thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là chống ngầm cho đến từ 90 đến 95 chiếc trên các tàu sân bay đa năng hạng nặng Thêm nữa, do những đặc thù riêng, không phải hải quân nước nào trên thế giới cũng cần phải có những con quái vật khổng lồ như vậy.
Các tàu thuộc lớp tàu sân bay được sử dụng để thực hiện các gói nhiệm vụ cụ thể căn cứ vào học thuyết sử dụng hải quân trong tác chiến. Chính vì thế mà nếu so sánh các tàu sân bay của các nước khác nhau theo kiểu những tàu sân bay này sẽ đối đầu với tàu sân bay khác trong các trận hải chiến là rất không chính xác, bởi vì chúng sẽ hoạt động trong đội hình của các cụm quân đa binh chủng.
Và cho dù nếu xảy ra trường hợp các tàu sân bay hoạt động trong đội hình của các cụm quân trực tiếp đối đầu nhau, chúng cũng sẽ giải quyết các nhiệm vụ khác nhau. Một số sẽ đóng vai trò là lực lượng tấn công chủ yếu, số khác sẽ đảm bảo cho hoạt động tác chiến của cả binh đoàn (cụm quân) được giao trách nhiệm giải quyết các nhiệm vụ chủ yếu.
Vì vậy, chỉ nên so sánh các tàu sân bay của các nước khác nhau theo tiêu chí là tỷ lệ (mức độ) so sánh giữa những khả năng của chúng với những gì mà người ta yêu cầu chúng phải làm.
Kế hoạch tác chiến
Những phân tích về các nhiệm vụ cho thấy- danh mục các nhiệm vụ đối với tất cả các tàu sân bay là gần như là tương đương nhau, tuy nhiên, giá trị (mức độ lớn nhỏ) của từng nhiệm vụ rất riêng biệt và theo phương pháp đánh giá như chúng ta đã nói ở trên- nên dành riêng cho mỗi một nhiệm vụ một chỉ số để đánh giá- đó là hệ số trọng lượng (của mỗi nhiệm vụ- tức tỷ trọng của nó trong toàn bộ các nhiệm vụ mà tàu sân bay phải thực hiện- xim xem tiếp sẽ rõ hơn thuật ngữ mới này-ND).
Theo kinh nghiệm của những năm sau chiến tranh, các tàu sân bay được sử dụng nhiều trong các cuộc xung đột vũ trang và các cuộc chiến tranh cục bộ quy mô khác nhau.
Và chúng sẽ là một trong những thành tố chủ yếu của các cụm quân của các lực lương phần hải quân đối đầu nhau ngay khi các bên bắt đầu phát động các hoạt động tác chiến nhằm vào nhau .
Thành thử, khi so sánh, cần phải tính tới hai phương án với các điều kiện sử dụng khác nhau: (1) trong một cuộc xung đột cục bộ chống lại một kẻ thù có lực lượng hải quân yếu hơn và (2) trong một cuộc chiến quy mô lớn.
Xét tổng thể, tất cả ba kiểu tàu sân bay sẽ tham gia giải quyết các nhiệm vụ chính sau đây, và chúng ta sẽ so sánh chúng (các tàu sân bay) căn cứ vào các nhiệm vụ đó: (1) tiêu diệt các cụm tàu sân bay tấn công và các cụm tàu đa năng của đối phương, (2) tiêu diệt các cụm tàu mặt nước lớn,(3) chống tàu ngầm, (4) đánh trả các đòn tấn công từ trên không, (5) tác động hỏa lực (yểm hộ), và (5) tấn công các mục tiêu trên đất liền.
Trong một cuộc chiến tranh cục bộ chống lại một kẻ thù yếu, chúng ta có thể đánh giá (có tính đến xác suất sử dụng không quân trên tàu) các hệ số ý nghĩa (tầm quan trọng được lượng hóa qua hệ số-ND) của các nhiệm vụ theo cách sau:
tiêu diệt các cụm tàu (lớn) và các tàu nhỏ - 0,1, chống ngầm - 0,05, đánh trả đòn tấn công từ trên không của đối phương - 0,3, tấn công tiêu diệt các mục tiêu trên đất liền - 0,55.
Các tỷ lệ này được rút ra qua phân tích việc sử dụng các tàu sân bay trong các cuộc chiến cuối tranh thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI và áp dụng như nhau cho cả các tàu (sân bay) Nga, Mỹ và Trung Quốc. Rõ ràng là không có nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng tàu sân bay của kẻ thù trong trường hợp này.
Trong một cuộc chiến tranh quy mô lớn, các hệ số trọng lượng (ý nghĩa) được phân bổ theo cách khác và cũng khác nhau với tàu sân bay của những nước mà chúng ta đang xem xét.
Đối với “Kuznhetsov”, các giá trị có thể được ước tính như sau: tiêu diệt các cụm tàu sân bay tấn công và cụm tàu đa năng của kẻ thù - 0,15, các tàu mặt nước - 0,15, tàu ngầm - 0,25, đánh trả các cuộc tấn công đường không - 0,35, tấn công các mục tiêu trên mặt đất - 0,1.
Còn đối với “Nimitz”, các hệ số được phân bổ theo cách hoàn toàn khác: phá hủy các tàu sân bay của đối phương - 0,05 (các đối thủ địa- chính trị chính của Mỹ là Nga và Trung Quốc chỉ có một tàu sân bay với khả năng tấn công hạn chế, nên tầm quan trọng của nhiệm vụ tiêu diệt tàu sân bay đối với "người Mỹ"chỉ ở mức tối thiểu), tiêu diệt các cụm tàu nổi - 0,3, tiêu diệt tàu ngầm - 0,05, đánh trả tấn công đường không - 0,15, tấn công tiêu diệt các mục tiêu mặt đất - 0,45.
Chúng ta chỉ có thể xác định tầm quan trọng của các nhiệm vụ đối với “Liêu Ninh” Trung Quốc một cách rất tương đối, vì các nhiệm vụ của con tàu này không được công bố công khai trên các nguồn mở.
Nhưng được biết, về bản chất, đây là một con tàu thử nghiệm, việc đưa vào khai thác nó chủ yếu nhằm mục đích “học hỏi” để chế tạo các con tàu sân bay sau này “đặc sắc Trung Quốc” căn cứ vào những nhiệm vụ chuyên biệt của Hải quân Trung Quốc.
Tuy nhiên, những đặc điểm của thành phần cụm tàu sân bay cũng như các nét đặc thù của chiến trường cho phép chúng ta tạm đưa ra các nhận định sau: tiêu diệt các cụm tàu sân bay và cụm tàu đa năng của đối phương với Liêu Ninh có thể có giá trị là 0,2, các cụm tàu mặt nước - 0,3, tàu ngầm - 0,05, đánh trả tấn công đường trên không - 0,4, tấn công các mục tiêu trên mặt đất - 0,05.
Sức mạnh đòn tấn công
Sức mạnh tấn công chủ yếu của các tàu được đem ra so sánh như trên là cụm không quân (phi đoàn) trên tàu sân bay. Các phương tiện phòng không và chống tàu ngầm được sử dụng để tự bảo vệ và do đó không ảnh hưởng đến việc đánh giá các khả năng tác chiến và các khả năng chiến thuật trong việc giải quyết các nhiệm vụ như đã nói ở trên.
Các chỉ số quan trọng nhất đối với bất kỳ một tàu sân bay nào là (1) độ dài khoảng thời gian (mà nó) có thể tiến hành các hoạt động tác chiến tích cực cho đến thời điểm nó được bổ sung nguồn dự trữ và (2) nguồn lực có thể huy động (thực hiện nhiệm vụ) trong một ngày theo định mức của lực lượng không quân trên tàu.
Kinh nghiệm rút ra từ các hoạt động tác chiến trong các cuộc chiến tranh cục bộ và các tính toán cho thấy rằng tàu sân bay lớp “Nimitz” của Mỹ khi tiến hành các hoạt động tác chiến cường độ cao bằng cụm máy bay của mình, thì sau 7 đến 8 ngày là cần phải bổ sung các phương tiện vật chất và kỹ thuật, chủ yếu là nhiên liệu và đạn dược.
Trong khoảng thời gian đó (7 đến 8 ngày), tàu này có thể thực hiện tới 1.000 lần xuất kích cho máy bay, trong đó có 600 chuyến xuất kích của máy bay tiêm kích đa năng “Super Hornet”. Tàu sân bay có 40 vị trí để chuẩn bị cho máy bay cất cánh. Điều này có nghĩa là- số lượng máy bay tối đa có thể sử dụng cùng lúc là 40 chiếc.
Tàu sân bay Nga, căn cứ vào các tính toán dựa trên những nguồn dữ liệu công khai, có thể cho cụm không quân (phi đoàn) trên tàu hoạt động hết công suất tối đa là từ 5 đến 6 ngày,- trong thời gian đó có thể cho thực hiện được tới 350 lần xuất kích cho máy bay, trong đó có150 lần xuất kích của máy bay Su-33 và MiG-29K / KUB. Số lượng các vị trí để chuẩn bị cho các máy bay cất cánh là 16 (có nghĩa là số lượng máy bay có thể sử dụng cùng lúc là 16 chiếc).
Để đánh giá về các khả năng tác chiến của tàu “Liêu Ninh” Trung Quốc, chúng ta có thể căn cứ vào thực tế là các khả năng của nó khi thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cho hoạt động của cụm không quân trên tàu cũng tương đương với (những khả năng) của “Kuznhetsov”.
Và như vậy, cụm không quân trên “Liêu Ninh”cũng có khả năng thực hiện 350 chuyến xuất kích, nhưng trong một khoảng thời gian dài hơn (tối đa là 7 ngày). Trong số những lần xuất kích này, có 200 lần xuất kích của các máy bay tiêm kích. Thành phần tối đa của nhóm không quân- 16 máy bay.
Khả năng của các đối thủ
Cỏ thể chiến đấu với các tàu sân bay của kẻ thù trong một trận hải chiến thời gian kéo dài đến một ngày đêm. Khi đó, các bên sẽ huy động tất cả những tiềm năng mình có, vì cụm tàu sân bay- đó là một đối thủ cực kỳ mạnh và được bảo vệ cực kỳ tốt.
Trong một ngày đêm, “Kuznhetsov” sẽ có thể thực hiện được 50 lần xuất kích cho các máy bay Su-33 và MiG-29K / KUB. Nhưng chỉ có MiG-29K / KUB mới có thể tấn công được tàu sân bay, vì những chiếc Su-33 theo biên chế hiện nay (2017) chưa sẵn sàng sử dụng tên lửa chống hạm “Moskit” (mặc dù đã tiến hành nhiều lần thử nghiệm).
Nếu trừ đi ít nhất 4 vị trí trên tàu cho các máy bay lên thẳng và các máy bay tiêm kích phòng không trong hệ thống phòng thủ chung của cả binh đoàn (cụm) tàu, có thể huy động cùng lúc tới 12 máy bay tham gia đòn không kích.
Trong số này (12), có ít nhất 4 chiếc làm nhiệm vụ “dọn sạch” không phận. Tám (8) chiếc MiG-29K / KUB còn lại, mỗi chiếc mang không quá 4 quả tên lửa chống hạm Kh-35 (trên các móc treo còn lại là các tên lửa “không đối không”).
Tổng cộng – 32 quả tên lửa chống hạm. Với chiều sâu trường radar 800-900 km (tính tới cả các máy bay AWACS hoạt động ven biển), thì để đối phó với đòn tấn công đường không của chúng ta (Nga), “Nimitz” sẽ sử dụng lực lượng tuần tiễu- tác chiến đường không với từ 2-4 máy bay và thêm từ 4-6 máy bay đang trong trạng thái trực chiến (chờ) trên sàn cất hạ cánh.
Trong số máy bay này của “Nim”tz", các máy bay tiêm kích nhóm “dọn” không phận của chúng ta sẽ phải “đón tiếp” từ 4 đến 6 chiếc. Kết quả là, nhóm máy bay tấn công của chúng ta sẽ tiếp cận tuyến thực hiện nhiệm vụ theo từng cặp, để tránh các cuộc tấn công của máy bay tiêm kích từ “Nimitz” và chúng ta sẽ mất 2 hoặc 3 máy bay (tấn công).
Do đó, xác suất đột phá để đến được (đánh trúng) tàu sân bay Mỹ dù chỉ của một quả tên lửa Nga cũng sẽ không vượt quá 0,5- 0,8. Có nghĩa là khả năng loại tàu sân bayMỹ ra khỏi vòng chiến- tối đa là 0,03-0,05.
Tàu sân bay chúng ta sẽ có thể tiến hành hai đòn tấn công như vậy. Tổng xác suất có thể loại “người Mỹ” ra khỏi cuộc chơi không vượt quá 0,06 - 0,09.
Với tàu sân bay Trung Quốc, kết quả cũng tương tự như vậy.
Về phần mình, để tấn công cụm tàu của chúng ta, “Nimitz” có khả năng sử dụng tới 34 máy bay tiêm kích. Trong số đó có tới 8 máy bay dọn không phận và 16 máy bay trong nhóm tấn công với nhiều máy bay khác bay yểm hộ.
Và như vậy, dù tính tới khả năng đánh trả của các máy bay tiêm kích trên tàu sân bay Nga, lực lượng trên của “Nimitz” vẫn đủ để đảm bảo cho nhóm máy bay tấn công Mỹ với thành phần một đến hai biên đội mỗi lượt tiếp cận tuyến thực hiện nhiệm vụ (tuyến phóng tên lửa) với mỗi loạt phóng từ 16 đến 32 quả tên lửa chống hạm “Harpoon”.
Trong trường hợp này, xác suất loại tàu sân bay của chúng ta ra khỏi vòng chiến trong một lần bị tấn công lên tới 0,15- 0,2, còn trong một ngày đêm- lên tới 0,3 - 0,35. Khả năng của “Nimitz” đánh bại tàu sân bay Trung Quốc, do các hệ thống phòng không trên tàu của “Liêu Ninh” kém hiệu quả hơn (“Kuznhetsov”), nên sẽ lên tới 0,35- 0,5.