Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

Kịch bản nào cho quan hệ Mỹ – Trung ở Biển Đông trong tương lai?

Cục diện hiện nay cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc  đều không ai có ý định nhượng bộ. Liệu kịch bản nào sẽ xảy ra ở Biển Đông trong thời gian tới?
Tại Đối thoại Shangri-la đầu tháng 6/2018, trả lời một quan chức quốc phòng Trung Quốc (Trung Quốc) về việc hai tàu chiến của Mỹ tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa vào cuối tháng 5/2018 để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định: “Chúng tôi không tiến hành tuần tra tự do hàng hải cho riêng nước Mỹ… Đó là tự do cho tất cả các quốc gia lớn lẫn nhỏ thực hiện qua lại ở các vùng biển phục vụ cho sự thịnh vượng của họ, và họ có đủ lý do để làm điều ấy”.
Dù vậy theo đánh giá của bà Bonnie Glaser và ông Gregory Poling, hai chuyên gia Biển Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, các tuyên bố từ phía Mỹ như Bộ trưởng Mattis đưa ra, và việc Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự tại Biển Đông không ngăn được Trung Quốc tiếp tục các hành vi đe dọa tự do hàng hải của khu vực, đặc biệt là của các nước láng giềng.
“Hành vi này của Trung Quốc gây tổn thất kinh tế đối với các nước đang phát triển trong khu vực, và rộng hơn là đe dọa luật pháp quốc tế và lợi ích của Mỹ trong việc duy trì một trật tự dựa trên các nguyên tắc”, hai chuyên gia viết trên tạp chí Foreign Affairs hôm 5/6 vừa qua.
Trung Quốc sẽ tiếp tục từng bước lấn tới
Cả Trung Quốc và Mỹ đều hiểu rằng đây là giai đoạn mà cả hai quốc gia đều không muốn bày tỏ bất kỳ sự nhượng bộ nào. Trung Quốc kể từ tháng 7 năm ngoái đã liên tục gây căng thẳng ở Biển Đông. Từ việc cưỡng ép, đe dọa một số dự án dầu khí nằm trong thềm lục địa của Việt Nam, đến việc đặt vũ khí hạng nặng bao gồm tên lửa, máy bay ném bom, các thiết bị phá sóng, radar, tập trận, v.v… ở các thực thể nhân tạo chiếm đóng trái phép ở Trường Sa lẫn Hoàng Sa.
Trong khi đó, Philippines cũng bị Trung Quốc chèn ép khi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại Hà Lan về vụ Philippines kiện Trung Quốc vào năm 2016 cho đến nay không cho thấy nhiều tác dụng về mặt chiến lược. Không những thế, Manila đã phải thỏa thuận với Trung Quốc để tiến hành khai thác chung nguồn tài nguyên mà theo phán quyết của Tòa Trọng tài, có thể hiểu không thuộc về Trung Quốc.
Một cách vô lý, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng vào giữa tháng 5 vừa qua tuyên bố: “Tôi muốn nhắc lại rằng không một quốc gia, tổ chức, công ty hay cá nhân nào, khi không có sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc, có thể thực hiện các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi các bên có liên quan tôn trọng nghiêm túc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, không làm bất kì điều gì có thể tác động đến các mối quan hệ song phương và hòa bình, ổn định khu vực”.
Các tuyên bố này luôn đi đôi với các hoạt động vũ trang có tính toán của Trung Quốc nhằm vừa răn đe bằng lời nói, vừa lấn tới trên thực địa, đặc biệt là khi cán cân quyền lực tại khu vực đang ưu thế về phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhân tố Tập Cận Bình rất quan trọng. “Chiến thắng lịch sử” tại Đại hội Đảng 19 cho phép ông Tập có thêm nhiều thời gian để củng cố chiến lược mang màu sắc cá nhân của mình, đó là phát triển lực lượng quân đội hùng mạnh để theo đuổi các tuyên bố chủ quyền và khẳng định vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Hơn ai hết trong những người tiền nhiệm, “chủ nghĩa xét lại” ít nhất tại khu vực Châu Á đang là ưu tiên của ông Tập. Bắc Kinh nuôi tham vọng thiết lập lại cấu trúc an ninh khu vực hiện hành; tái định hình các thể chế an ninh, chính trị khu vực hiện tại; xét lại các quy tắc và chuẩn mực đang điều chỉnh các mối quan hệ khu vực; và khao khát đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình chương trình nghị sự khu vực. Nói nôm na, cái gọi là “thượng tôn pháp luật” hay tuân theo luật chơi chung của quốc tế đang bị Trung Quốc nỗ lực xóa bỏ, nhằm thay thế và củng cố một luật chơi mới do Trung Quốc đề ra và tất cả các bên, kể cả Mỹ và các cường quốc trong, ngoài khu vực dù muốn hay không đều phải tuân thủ.
Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc từ bỏ tham vọng và các động thái “tằm ăn lá dâu” (tằm thực) để từng bước chiếm lĩnh Biển Đông, làm bàn đạp bành trướng ra khu vực Thái Bình Dương, lấn chiếm xa hơn ở khu vực Ấn Độ Dương – nơi đang bị Trung Quốc bủa vây bằng đại dự án Một Vành đai, Một Con đường. Bất kỳ một sự “suy xét lại” hay tỏ ra chùn bước cũng sẽ khiến chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc hoài nghi về tư thế vững chắc của Bắc Kinh trước Washington và phương Tây.
Mỹ sẽ tăng cường đối đầu Trung Quốc
Trước sự quyết đoán gia tăng của Trung Quốc (Trung Quốc), điều mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói – đảm bảo tự do không chỉ cho Mỹ mà cho tất cả các quốc gia ở Biển Đông – cho đến nay chỉ thực hiện được một vế. Rõ ràng Trung Quốc dù phản đối nhưng chưa trực tiếp ngăn chặn được FONOPS (các hoạt động tự do hàng hải) của Mỹ, trong khi tự do hàng hải của các nước khu vực như Việt Nam, Malaysia, Philippines, v.v… đều bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng.
Chính sách “bốn điểm” do chính quyền Trump tuyên bố hôm 15/5 trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, gồm hoạt động tự do trên biển, ngoại giao pháp lý, hỗ trợ an ninh hàng hải, và giúp đỡ các nước ASEAN đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc, đúng như hai chuyên gia Bonnie Glaser và Gregory Poling (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, CSIS, của Mỹ) nhận định, đều không mới so với người tiền nhiệm Barack Obama, đồng thời không đủ để ngăn chặn Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải trên Biển Đông.
Tuy nhiên, cần phải xem xét lại lợi ích toàn diện của Mỹ. Là cường quốc biển suốt cả trăm năm qua, hơn ai hết Mỹ hiểu rằng nếu để Trung Quốc thống trị Biển Đông, thì tiếp theo sẽ là châu Á và điều mà Mỹ có thể mất đi là “cả thế giới” do Mỹ dày công tính toán và thiết lập bằng một kiến trúc an ninh vững vàng.
Mỹ dù đang phải giải quyết chiến trường Syria, thỏa thuận hạt nhân Iran, vấn đề Bắc Triều Tiên, và các cuộc xung đột thương mại với các khối đồng minh, cũng phải tăng cường giám sát Biển Đông. Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định “trong suốt nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Obama, hải quân Mỹ chỉ có sáu chuyến thực hiện “sứ mệnh bảo đảm tự do hàng hải” (FONOPS) quanh các đảo chiếm đóng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay Mỹ đã thực hiện ít nhất bảy chuyến FONOPS. Ngoài ra, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cũng tăng cường số ngày tàu chiến hiện diện ở khu vực biển Đông lên thêm 200 ngày/năm.
Tháng 3 vừa qua, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ lần đầu tiên viếng thăm Việt Nam kể từ sau năm 1975. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis nhiều lần lặp lại sẽ không ngừng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải. Giới quan sát đều cho rằng Mỹ chắc chắn không để yên cho Trung Quốc “đặt vào thế đã rồi”, tức trở thành người quyết định cục diện của khu vực”.
Các nhà lập pháp Mỹ, theo ông Nguyễn Thành Trung, cũng đang thảo luận về Đạo luật Sáng kiến bảo đảm châu Á tại Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện vào cuối tháng 4 vừa rồi. Nếu dự luật được thông qua, ngân sách cấp cho Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan Phát triển Quốc tế để bảo đảm ổn định, thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ và duy trì sự tuân thủ luật pháp quốc tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mỗi năm là khoảng 1,5 tỉ USD.
Kịch bản nào cho Mỹ – Trung?
Cục diện hiện nay cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều không ai có ý định nhượng bộ. Liệu kịch bản nào sẽ xảy ra ở Biển Đông trong thời gian tới?
Kịch bản khiến cả hai nói riêng và khu vực nói chung lo lắng chính là chiến tranh quy mô lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, khả năng này rất khó xảy ra, khi Trung Quốc vẫn duy trì leo thang căng thẳng ở trong “vùng xám” và không vượt “lằn ranh đỏ”. Chiến lược “tằm thực”, vũ trang từng bước, chiếm biển từng phần của Trung Quốc đang tỏ ra hiệu quả khi vừa cưỡng ép được láng giềng, vừa không khiến Mỹ “vỡ bờ”. Bản thân Mỹ cũng còn quá nhiều vấn đề để lo hơn là dấn thân vào một cuộc chiến với Trung Quốc.
Phía Mỹ và Trung Quốc cũng không ít lần va chạm “nguy hiểm” tại Biển Đông. Năm 2013, tàu hải quân Trung Quốc suýt có sự va chạm nguy hiểm với tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường USS Cowpens của Mỹ. Trước đó vào 2009, Lầu Năm Góc chỉ trích Trung Quốc khi nước này cho tàu tiếp cận sát tàu khảo sát hải dương học USNS Impeccable thuộc hải quân Mỹ, “có lúc chỉ cách nhau 7,5 mét”. Đến năm 2014, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã áp sát máy bay trinh sát chống ngầm mang tên Poseiden của Hải quân Mỹ, mà theo mô tả của Mỹ là “nguy hiểm, không an toàn và không chuyên nghiệp”.
Ngoài ra, các hoạt động bay và dùng tàu chiến tuần tra tự do hàng hải của Mỹ tại các khu vực bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép luôn khiến Bắc Kinh khó chịu. Điển hình như việc Mỹ tiếp cận đảo Tri Tôn, đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa; các đá Vành Khăn, Chữ Thập, Subi, v.v… ở Trường Sa, thách thức tuyên bố của Trung Quốc.
Trong bối cảnh như thế, nếu cả Trung Quốc và Mỹ vô ý va chạm trên biển, liệu chiến tranh có xảy ra?
Năm 2014, sau cuộc họp cấp cao giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama, hai bên thống nhất Bản ghi nhớ chung (MOU) giữa Mỹ và Trung Quốc về các Quy tắc Ứng xử An toàn trong các vụ đụng độ trên biển và trên không. Bản ghi nhớ này đề cập đến Công ước về các qui định quốc tế để phòng tránh đâm va trên biển (COLREG) năm 1972, các Điều luật về Va chạm, Bộ quy tắc ứng xử cho những chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES), v.v…
Cho đến nay, sau nhiều “đụng độ” trên biển và trên không, chắc chắn phía Mỹ và Trung Quốc đã rút ra các bài học và thỏa thuận cơ bản để cả hai, trong trường hợp ngoài kiểm soát, có thể ngăn chặn một cuộc chiến.
Theo ĐỖ THIỆN / VIETNAMNET
http://redsvn.net/kich-ban-nao-cho-quan-he-my-trung-o-bien-dong-trong-tuong-lai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét