Cách khẳng định chủ quyền an toàn nhất trên biển Đông của Việt Nam có lẽ là hợp tác khai thác dầu với Trung Quốc. Tướng Daniel Schaeffer, nguyên tùy viên quân sự của Pháp tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, học giả cao cấp về tranh chấp trên Biển Đông của tổ chức tư vấn Asie21 (Pháp), chia sẻ nhận định này qua một phỏng vấn với Mỹ Hằng của BBC Tiếng Việt hôm 29/3.
Ông Schaeffer nói Việt Nam có thể tính đến việc hợp tác khai thác dầu với Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của mình như một cách an toàn để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông. Sự kiện dự án Cá Rồng Đỏ, theo ông Schaeffer, chỉ là 'khởi đầu chiến lược xâm lược' của Trung Quốc.
Hợp tác khai thác dầu với TQ?
Tướng Daniel Schaeffer đề cập 'hợp tác khai thác dầu với Trung Quốc' như một trong ba khả năng để Việt Nam và các nước Đông Nam Á giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông.
Thứ nhất, vấn đề biển Đông cần được quốc tế hóa bằng cách đưa ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc - "nơi hiện đang im lặng một cách đáng ngạc nhiên riêng về vấn đề này".
Nhắc tới phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế năm 2017 rằng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái pháp luật trên biển Đông, ông Schaeffer cho rằng quyền của các nước Đông Nam Á ở vùng biển này theo đó cũng được thiết lập theo luật pháp.
Do đó, Việt Nam và các nước cần "không ngừng thúc đẩy mạnh mẽ thực thi phán quyết này ngay cả khi Philippines đã đặt nó sang một bên", đồng thời yêu cầu sự tham gia của phương Tây.
"Một tuyên bố chủ quyền đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) tuyên bố trái pháp luật ngày 12/7/2016," ông nhắc lại.
"Không nước nào nên chịu áp lực từ một Trung Quốc quyết liệt về Biển Đông và Biển Hoa Đông."
"Ngay cả khi Trung Quốc không muốn vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa, thì nó cũng đã được quốc tế hoá thông qua nhiều sự kiện khác nhau và cả trên luật pháp kể từ phán quyết của PCA."
Thứ hai, bởi vì Biển Đông là biển quốc tế, các quốc gia Đông Nam Á nên khuyến khích hải quân từ bên ngoài khu vực qua lại trên vùng biển này để nhấn mạnh sự hiện diện và tính chất quốc tế của biển đó, đồng thời cũng để trình diễn diễn tập hải quân.
Thứ ba, một cách an toàn hơn, các nước có thể đề nghị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc hợp tác khai thác dầu ở các vùng đặc quyền kinh tế của mình, như Brunei đang làm, Philippines đang đàm phán.
"Đề xuất này phải được thực hiện theo tinh thần chung theo hướng dẫn hiện nay khi các công ty Đông Nam Á mời các công ty nước ngoài tham gia vào hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình."
"Điều đó có nghĩa là Trung Quốc phải nhìn nhận rằng công ty dầu lửa của họ sẽ hoạt động trong một khu vực dưới quyền chủ quyền của nước chủ nhà chứ không phải trong một khu vực bên trong 'Đường chín đoạn'."
"Đó là lý do tại sao văn bản thỏa thuận giữa Trung Quốc và nước chủ nhà phải được biên soạn kỹ lưỡng, như vậy nó sẽ không có vẻ như ngầm thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển mà hai bên hợp tác khai thác dầu."
'Cá Rồng Đỏ khởi đầu chiến lược xâm lược'?
Tướng Daniel Schaeffer cũng nêu vấn đề ông lưu ý trong sự kiện Việt Nam dừng hai dự án khai thác dầu mỏ, trong đó có Cá Rồng Đỏ, chỉ trong vòng một năm.
Đó là hai dự án Việt Nam hợp tác với công ty Repsol của Tây Ban Nha để khai thác tại lô 136-03 và lô 07-03 - mà theo ông là 'hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế' của Việt Nam.
Theo ông, đây là 'âm mưu' của Trung Quốc nhằm 'tấn công gián tiếp Việt Nam thông qua tấn công vào các công ty nước ngoài hợp tác với Việt Nam".
"Để cố gắng đòi chủ quyền bất hợp pháp của mình trong các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với lý do các lô này nằm trong 'đường chín đoạn', Trung Quốc gián tiếp gây áp lực lên Việt Nam thông qua các công ty nước ngoài mà Việt Nam đã ký kết hợp đồng hợp tác", ông Schaeffer phân tích.
"Chúng ta cũng có thể cho rằng nạn nhân là một công ty Tây Ban Nha vốn không có khả năng như các công ty Mỹ để chống lại áp lực như vậy."
Ông Schaeffer cho rằng các sự cố như vậy "sẽ tiếp tục xảy ra dọc theo đường biên giới các vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á".
Ông nhấn mạnh, đây chỉ là khởi đầu 'chiến lược xâm lược' của 'một Trung Quốc tuyệt đối kiên nhẫn', cố gắng để lấy 'từng phần từng phần' các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á, 'những vùng mà Trung Quốc cho là nằm trong 'Đường Lưỡi bò'.
"Tôi vẫn cho rằng việc [các nước ASEAN trong đó có Việt Nam] đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên Biển Đông là sai lầm lớn, ít nhất khi Trung Quốc vẫn không từ bỏ 'Đường chín đoạn'", tướng Schaeffer nhấn mạnh.
Năm 2017, trung tướng Schaeffer từng có bài viết "Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông: Một sai lầm to lớn".
Qua đó ông cho thấy 'mưu đồ của Trung Quốc' trong quá trình đàm phán COC và những nguy hiểm mà các nước ASEAN có thể đối mặt một khi COC được thông qua và ký kết, mà không loại bỏ được 'Đường lưỡi bò phi pháp' do Trung Quốc tự ý vạch ra, ôm trọn hầu hết Biển Đông.
TQ diễn tập để 'trả đũa'
Về cuộc trình diễn diễn tập quân sự mới đây của Trung Quốc ở biển Đông với hàng chục tàu chiến và chiến đấu cơ tham gia, tướng Daniel Schaeffer cho rằng mục đích là nhằm trả đũa "hoạt động tự do hàng hải lần thứ tư của Hoa Kỳ, và trả đũa mọi hoạt động của hải quân phương Tây trên vùng biển này".
Ông đưa ví dụ về "cuộc tập trận mới đây giữa hải quân Nhật và tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ" như một trong những lý do khiến Trung Quốc muốn trả đũa.
Ông Daniel Schaeffer cũng cho rằng hoạt động diễn tập này nhằm 'chứng minh và khẳng định chủ quyền' của Trung Quốc đối với vùng Biển Đông, Tướng Daniel Schaeffer nói và nhấn mạnh với BBC Tiếng Việt rằng ông nêu quan điểm cá nhân với tư cách một học giả.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43579611
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét