Ngày 30/3, hãng tin DW của Đức đăng bài phỏng vấn chuyên gia Bill Hayton về tình hình Biển Đông và những nguy cơ đối với sự ổn định của khu vực.
Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31 tại Manila năm ngoái, Trung Quốc và các nước ASEAN đã đồng ý bắt đầu đàm phán bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vào tháng 3 năm 2018.
Các nhà quan sát tỏ ra lạc quan một cách thận trọng về vòng đàm phán mới, nhưng cơ hội này đã trôi qua mà không có kết quả nào.
Trung Quốc sẽ không dừng lại
Chuyên gia, ký giả thường xuyên theo dõi tình hình Biển Đông Bill Hayton bình luận:
Tình hình Biển Đông hiện nay đang khá ổn định, một loạt các hòn đảo và bãi đá đã có người chiếm đóng, nhưng không quốc gia nào cố gắng trực tiếp đánh bật nước khác ra khỏi các điểm đóng quân.
Tàu sân bay Liêu Ninh cùng hơn 40 chiến hạm, tàu ngầm Trung Quốc đang rầm rộ tập trận ở Biển Đông. Ngoài ra còn cả chiến đấu cơ Su-35, oanh tạc cơ H-6K cũng tham gia, ảnh: DW. |
Mâu thuẫn trên Biển Đông thực sự diễn ra ở nơi có thể có trữ lượng dầu khí lớn. Trên thực tế Trung Quốc đang cố gắng chiếm các vùng biển có yêu sách của các nước Đông Nam Á (vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa) ven Biển Đông.
Bắc Kinh tìm cách ngăn chặn các nước này khai thác khu vực này (vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình trên Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982), đặc biệt là việc khai thác dầu khí.
Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo và căn cứ quân sự rộng lớn trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, có 7 cấu trúc bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), từ đó có thể kiểm soát vùng biển rộng lớn bằng tàu chiến, máy bay.
Cho tới hiện nay, chưa có va chạm trực tiếp nào, mà chỉ có sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông trên khía cạnh hiện diện.
Các nước Đông Nam Á thấy rõ, Trung Quốc đang chơi một trò chơi rất dài. Nỗ lực tìm kiếm COC bắt đầu từ năm 1995.
Cách đây 22 năm, khi Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn, họ bắt đầu bằng một loạt các nhà cao chân và bây giờ biến nó thành hòn đảo nhân tạo với đường băng dài 3 km cùng các tòa nhà to lớn và tháp ra đa.
Nỗi sợ hãi của các nước Đông Nam Á sẽ không chấm dứt. Trung Quốc đang cố gắng để chiếm mọi cấu trúc địa lý ở Biển Đông và chiếm ưu thế trên tất cả các nguồn lực.
Các nước Đông Nam Á muốn đặt ra giới hạn cho Trung Quốc để buộc họ đồng ý chấp nhận hiện trạng và sẽ không tiến thêm, nhưng tất nhiên Bắc Kinh không chịu giới hạn tham vọng, hành vi (bành trướng) của mình.
Đông Nam Á lo sợ Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm các cấu trúc địa lý khác ở Biển Đông, đảo hóa và quân sự hóa bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát từ Philippines năm 2012.
Ý đồ của Trung Quốc khi rầm rộ tập trận ở Biển Đông |
Một vấn đề khác là các nước ven Biển Đông có quyền khai thác dầu và khí đốt, nguồn lợi nghề cá trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, nhưng thật không may Trung Quốc đang ngăn cản điều này.
Riêng ở khu vực quần đảo Trường Sa có những tranh chấp phức tạp với 5 nước, 6 bên, ký giả Bill Hayton cho rằng các nước Đông Nam Á có yêu sách nên chọn các biện pháp hợp tác như cùng bảo vệ các loài cá nguy cấp, tránh vấn đề khai thác dầu khí vì nó khó giải quyết.
Mỹ đã tính tới phương án kéo tên lửa mặt đất tới Biển Đông
Lực lượng duy nhất có thể khiến Trung Quốc phải dừng lại các hoạt động bành trướng ở Biển Đông là Hoa Kỳ. Không biết có cuộc thảo luận nào về việc này hay không, nhưng Bill Hayton cho biết:
Dường như chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gợi ý rằng, Mỹ sẽ gây áp lực với Trung Quốc trừ khi họ tôn trọng hiện trạng trên Biển Đông.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tìm cách giải quyết tranh chấp với các (từng) nước Đông Nam Á, điều này sẽ loại bỏ một lý do quan trọng cho sự hiện diện của Hoa Kỳ.
Khi không có lý do để Mỹ phản ứng lại mối đe dọa với tự do hàng hải, nó có thể làm giảm sự hiện diện của Mỹ và điều này làm cho người Trung Quốc cảm thấy an toàn hơn.
Nếu Trung Quốc có thể nhận ra rằng, việc tuân thủ các quy tắc của luật pháp quốc tế mà họ đã ký kết, thực sự sẽ khiến các nước bớt căng thẳng, nó làm cho khu vực nghĩ rằng Trung Quốc sẽ chơi công bằng hơn và không phải là một mối đe dọa.
Đây là điều tốt cho Trung Quốc về lâu về dài, nhưng các nhà lãnh đạo nước này dường như không nhìn nhận vấn đề theo cách đó.
Họ nhìn vấn đề theo yêu sách "chủ quyền lãnh thổ", và vấn đề nằm ở chỗ đó. Yêu sách "chủ quyền lãnh thổ" thì không có lý do gì để họ dừng lại. [1]
Chiến đấu cơ Trung Quốc triển khai bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam. Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai xuống phía Nam. Ảnh: CNBC. |
Cùng quan tâm và theo dõi các diễn biến trên Biển Đông, chuyên gia Gregory Poling từ tổ chức Sáng kiến minh bạch về hàng hải châu Á bình luận trên CNBC ngày 29/3:
"Chúng tôi cho rằng bất cứ điều gì chúng ta nhìn thấy ở đảo Phú Lâm (trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện quần đảo này bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), cuối cùng sẽ di chuyển xuống phía Nam để đe dọa trực tiếp hơn các nước láng giềng Trung Quốc.
Tóm lại là, có thể tin rằng Bắc Kinh sẽ triển khai những gì đã làm trên đảo Phú Lâm xuống khắp (các địa điểm họ chiếm đóng bất hợp pháp trên) Biển Đông."
Hiện tại các nguồn lực triển khai ở đảo Phú Lâm có tên lửa phòng không HQ-9, máy bay chiến đấu J-10 và J-11, các bệ phóng tên lửa hành trình chống hạm, các máy bay tuần tra không quân và dân sự. [2]
Còn về phản ứng, hành động từ Hoa Kỳ, một diễn biến mới nhất có thể liên quan đến những thay đổi trên Biển Đông gần đây, nhất là cuộc tập trận rầm rộ của hải quân Trung Quốc.
Ngày 27/3 tờ USNI của hải quân Mỹ đưa tin, sau hơn 4 tháng hoạt động ở Trung Đông, cụm tàu sân bay tấn công USS Theodore Roosevelt (CVN-17) đã rời Hạm đội 5 và tiến vào khu vực hoạt động của Hạm đội 7 trên Thái Bình Dương.
Cụm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt được kỳ vọng sẽ tham dự các cuộc tập trận hải quân khác và giải quyết mối quan tâm về an ninh hàng hải chung.
Hộ tống tàu sân bay này có tàu khu trục USS Halsey, USS Sampson, USS Preble, tàu tuần dương USS Bunker Hill. [3]
Theo nhà nghiên cứu Warrior Maven, cụm tàu sân bay này đến Thái Bình Dương có liên quan mật thiết đến cục diện Biển Đông. Các quan chức hải quân Mỹ nói với tác giả:
Trong lúc dư luận tập trung chú ý vào Bắc Triều Tiên thì không có nghĩa là các yêu sách quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông bị lãng quên.
Trên thực tế, các quan chức Lầu Năm Góc cũng đã nói với Warrior Maven rằng, đã có một số cuộc thảo luận nội bộ về việc liệu Hoa Kỳ có nên đặt một số vũ khí của mình trong khu vực, như tên lửa di động trên đất liền hay không.
Khu vực đang được đặt câu hỏi là một nhóm các hòn đảo, bãi đá đang tranh chấp ở phía Nam Biển Đông và được gọi là quần đảo Trường Sa. [4]
Tính toán này đã có từ 2016, khi Đô đốc Harry Harris còn làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.
Ông cho biết, Mỹ nên tính đến giải pháp mới, sử dụng các tên lửa từ đất liền và hệ thống hỏa tiễn như vũ khí tấn công và phòng thủ ở các khu vực của Biển Đông.
Ông giải thích rằng, một động thái như vậy sẽ đảm bảo tốt hơn khả năng tiếp cận, khả năng cơ động cho các tàu, tài sản và vũ khí của Mỹ cũng như đồng minh khu vực. [5]
Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Trung-Quoc-se-khong-dung-lai-tren-Bien-Dong-My-da-tinh-keo-ten-lua-den-khu-vuc-post184921.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét